NGUYỄN VIỆT
Ghi chép
Đầu năm 2013, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh tổ chức một trại sáng tác với chủ đề “Biển đảo quê hương”. 30 văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc háo hức đăng ký lên đường. Điểm đến đầu tiên là xã biển Vinh Thanh.
Vinh Thanh là một trong 20 xã, thị trấn của huyện Phú Vang có tổng diện tích 1.059ha. Dân số toàn xã hơn 9.000 người. Trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, Vinh Thanh không nằm trong định hướng xây dựng nông thôn mới mà nằm trong định hướng xây dựng và phát triển đô thị mới.
Xã Vinh Thanh phía bắc và phía đông giáp biển, phía nam và phía tây giáp đầm Thủy Tú thuộc phá Tam Giang, nên nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản khá phát triển. So với nhiều xã biển của tỉnh nói chung và của Phú Vang nói riêng, nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản ở Vinh Thanh đi sau và hình thành chậm hơn. Nhưng chính vì đi sau nên các nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của Vinh Thanh lại sớm có điều kiện tiếp cận ngay những kĩ thuật tiên tiến, hiện đại trong nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, nhất là với nghề đánh bắt xa bờ. Hiện nay, ngoài mấy chục thuyền đánh bắt thủy sản ở đầm phá Tam Giang, Vinh Thanh có hơn 90 thuyền đánh bắt hải sản gần bờ và một đoàn tàu đánh bắt xa bờ với 18 chiếc có mã lực từ 160CV đến 340CV. Cách đây khoảng 8 năm, tôi về Vinh Thanh thì lúc đó các tàu đánh bắt xa bờ ở đây chỉ có mươi chiếc có mã lực 90CV. Lúc đó, làm chủ một tàu 90CV đã là một ông chủ có máu mặt rồi. Bây giờ, làm chủ một tàu từ 150CV trở xuống đã bị xem là khá khiêm tốn. Mấy năm gần đây, để đánh bắt xa bờ, rất nhiều hộ ngư dân còn rất trẻ đã dám vay ngân hàng từ bảy tám trăm triệu đến cả tỷ đồng để đầu tư đóng những chiếc tàu từ 300CV đến 500CV, giá từ 1,2 tỷ lên đến 2,5 tỷ hoặc 3 tỷ đồng/chiếc. Tại buổi gặp mặt này, sau khi nghe anh Thanh, Phó Chủ tịch, báo cáo tình hình chung của xã, chúng tôi được nghe anh Đỗ Văn Sĩ, 38 tuổi, là Chi hội phó Chi hội nghề cá và đội tàu đánh bắt xa bờ của Vinh Thanh, trao đổi những tâm tư của nghề và của người làm nghề đánh bắt xa bờ. Nghe anh nói chuyện mới thấy hết những niềm vui cũng như những lo nghĩ và trăn trở của người ngư dân trong thời buổi hiện nay. Trước hết, điều làm chúng tôi xúc động vẫn là những tình cảm giản dị nhưng đáng trân trọng và khâm phục của những người ngư dân sống bám biển ở đây nói riêng và ở khắp các tỉnh thành có biển ở nước ta nói chung. Chưa kể đến những tác động không nhỏ của cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, chỉ với những vấn đề tranh chấp ở biển Đông hiện nay, thì họ là những người trực tiếp trước nhất phải chịu những tác động ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển. Hầu hết họ đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Tuy nhiên, không phải lúc nào lòng yêu nước và tự hào dân tộc cũng có thể áp đảo được cái xấu xa, nhất là cái xấu xa đó lại được hậu thuẫn bởi sức mạnh vật chất hơn hẳn! Anh Sĩ nói: Biển của mình, lãnh hải và khu đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình là ngư trường của mình; mình có quyền và phải được quyền đánh bắt ở đó theo đúng luật biển quốc tế. Ấy vậy mà ngư trường của ta luôn bị các tàu lạ xâm phạm, và các tàu lạ đó lại ỷ vào sức mạnh của tàu lớn để đuổi chúng tôi, phá ngư cụ của chúng tôi. Mình tàu nhỏ, chỉ toàn cỡ 200, 300CV, còn tàu họ toàn 500CV - 600CV. Tàu mình không chống chọi được tàu lớn đành phải rút chạy để bảo toàn tàu và ngư cụ để làm ăn lâu dài. Một tay lưới đánh bắt xa bờ là hàng chục triệu đồng, sẩy một cái là mất hàng trăm triệu đồng, tức lắm nhưng đành ôm hận mà chạy! Nhưng không thể mãi chịu những điều hết sức ngang trái như thế, các tàu đánh bắt xa bờ của Vinh Thanh đã họp lại, thành lập những đội tàu 15 đến 20 chiếc/đội để hỗ trợ nhau trên ngư trường thuộc vùng biển xa bờ của ta. Rồi các đội tàu của Vinh Thanh lại kết nối liên lạc với các đội tàu khác của các xã bạn để tạo nên một mạng lưới các đội tàu đánh bắt xa bờ để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Từ ngày thành lập các đội tàu, công việc đánh bắt xa bờ có những thuận lợi đáng kể. Khi tàu nào gặp tàu lạ là thông báo ngay đến các tàu trong đội để đến hỗ trợ và hợp nhau đuổi tàu lạ ra khỏi khu vực ngư trường thuộc quyền chủ quyền đặc khu kinh tế của ta nếu họ khai thác, đánh bắt trái phép. Theo anh Sĩ thì trước đây các tàu hay đi lẻ rất dễ gặp rủi ro, cả rủi ro vì gặp tàu lạ, cả rủi ro khi gặp bão lớn. Khi thành lập đội tàu và đi đánh bắt theo đội tàu thì tàu nào cũng yên tâm vì luôn có sự hỗ trợ của tàu đội nhà khi có sự cố. Anh Sĩ cũng vui vẻ cho chúng tôi biết: nghề đánh bắt xa bờ tuy có những rủi ro lớn nhưng là nghề đánh bắt rất hiệu quả. Nếu ít gặp rủi ro thì làm giàu không khó. Anh cho biết gia đình anh vừa đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng đóng một chiếc tàu trên 200CV mang số TTH 96235. Tàu của anh đã hạ thủy, đánh bắt được gần một năm nay và đã thu lại 80% vốn. Tuy chưa lấy lại hết vốn nhưng anh Sĩ đã nghĩ đến việc tái đầu tư để đóng một chiếc tàu lớn hơn nữa. Nghe anh Sĩ nói chuyện tương lai gần sẽ tiếp tục đầu tư đóng một chiếc tàu lớn hơn, tôi cảm thấy rất phấn khích. Nếu các ngư dân biển của ta đều yêu biển, yêu nghề, đoàn kết và tin tưởng vào sự phát triển của nghề đánh bắt xa bờ như anh Sĩ và các ngư dân Vinh Thanh thì chẳng có thế lực thù địch nào, tàu lạ nào có thể cản trở được họ. Tuy nhiên, anh Sĩ cũng chia sẻ những trăn trở về chính sách khuyến nông, khuyến ngư của ta hiện nay. Theo anh, chính sách khuyến nông, khuyến ngư của ta còn những bất cập và bất hợp lý, đặc biệt là chưa chú ý đến những đặc thù của ngành nghề, nhất là với nghề đánh bắt xa bờ hiện nay. Vẫn biết, đối với nghề nông thì năm 2012 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2012/ NĐ-CP ngày 11/5/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, nghề nông được hỗ trợ khá, nhất là khi vụ mùa bị thiệt hại lớn do dịch bệnh hoặc thiên tai. Cụ thể, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70%; mức hỗ trợ là 50% khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%. Đồng thời, ngân sách Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước. Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang. Hỗ trợ 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước. Ngoài ra, sẽ ưu tiên hỗ trợ chi phí bảo hiểm sản xuất lúa theo quy định…
Trong khi đó, đối với nghề ngư, nhất là việc chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ thì chưa có chính sách nào, nghị định nào có mức hỗ trợ lớn cho bà con ngư dân ngoài một vài chính sách hỗ trợ xăng dầu, đài liên lạc và máy bộ đàm, nhưng cũng kèm theo những thủ tục khá nhiêu khê, phiền phức. Còn nhớ, đầu tháng 8 năm 2012, nhằm cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp và nông dân chế biến và nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá tra, đứng trước nguy cơ phá sản, Chính phủ đã ký công văn yêu cầu ngân hàng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay xuống còn 11% cho ngành chăn nuôi, nuôi và chế biến cá tra như một giải pháp hữu hiệu để cứu nguy cho ngành này. Song trên thực tế, đến thời điểm này, người nuôi cá tra, cũng như DN đều khó tiếp cận được với nguồn vốn trên. Mà nếu có tiếp cận được thì việc phải có thế chấp mới được vay vốn ưu đãi cũng rất khó với ngư dân. Thiết nghĩ, trước tình hình biển Đông đang có những tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng nóng, đặc biệt là việc xuất hiện của nhiều tàu lạ tranh chấp ngư trường, phá hoại ngư lưới cụ của ngư dân ta trên vùng biển quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì việc ưu đãi đầu tư đóng tàu thuyền lớn và mua sắm ngư lưới cụ hiện đại cho ngư dân phát triển nghề đánh bắt xa bờ với quy mô lớn là hết sức cần thiết. Bởi đó là cách làm thiết thực nhất để không chỉ giúp ngư dân nâng cao sản lượng và chất lượng đánh bắt để làm giàu mà còn tạo điều kiện cho họ bám biển, góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền biển đảo của đất nước ta.
Sau cuộc chuyện trò thú vị với anh Sĩ, chúng tôi ra thăm bãi tắm biển Vinh Thanh, một trong những bãi tắm đẹp ở khu vực biển Thuận An. Mùa này không có ai tắm biển nhưng nhìn một dọc dài, rộng những lán tre, gỗ và cả quán xá xây gạch, đường đổ bê tông cũng có thể hình dung ra cảnh mùa tắm biển ở đây đông vui như thế nào. Bãi tắm Vinh Thanh là một trong những bãi tắm sạch đẹp, thu hút khá nhiều người dân thành phố Huế và cả du khách thập phương mỗi mùa hè về. Theo đó, các dịch vụ phục vụ khách tắm biển cũng phát triển, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở đây. Mặc dù trời đã hơi hửng nắng nhưng mây vẫn xám trời và nước biển vẫn còn đục vì mấy trận mưa vừa qua, nhưng nhà thơ Đông Hà không đợi trời trong, nước xanh, nhảy ngay vào lòng một con thuyền và kêu gọi mấy “nhiếp ảnh gia” trẻ tay ngang “chộp” cho ít “bô” kỷ niệm trên biển Vinh Thanh. Còn hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Trân và Đồng Minh Đống thì ôm máy chạy tít tắp đầu bãi, cuối bờ tìm cảnh chụp, làm cho cả đoàn phải đợi đến hơn 15 phút hai nghệ sĩ mới “mã hồi” để lên xe về lại xã.
Sau bữa cơm trưa thân mật với ban lãnh đạo xã Vinh Thanh, do Liên hiệp Hội tổ chức, theo kế hoạch, đoàn văn nghệ sĩ lại tiếp tục lên đường về thăm xã Lộc Trì và đồn Biên phòng 228 Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Xe chạy ngược ra quốc lộ 1A, xuôi về Phú Lộc. Trời đã hửng nắng, gió mát nhè nhẹ thổi từ đầm Cầu Hai lên ru ngủ không ít người. Chỉ non một tiếng sau, xe đã vượt qua đèo Mũi Né, qua thị trấn huyện Phú Lộc, qua chợ Cầu Hai rồi đến xã Lộc Trì trong không khí khá “êm đềm” vì vắng đi những tràng cười rung xe! Xe đậu trên sân cỏ bên hông trụ sở xã, nhưng vì còn quá sớm, mới hơn 1giờ trưa, nên chưa có ai. Mọi người bèn rủ nhau đi tìm café. Tôi cùng hai nhà văn Phạm Xuân Phụng, Phạm Nguyên Tường, hai nhà thơ Nguyễn Thiền Nghi, Lê Tấn Quỳnh, 3 nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Đại Vinh, Triều Nguyên, Nguyễn Thế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu, dường như đã thuộc nhóm “quá lứa”, không mấy đam mê café cà pháo nên lững thững đi vào trụ sở xã tìm chỗ ngồi nghỉ. Tại đây tôi gặp anh Trần Lương, chừng 56 - 57 tuổi, tay cầm một tập hồ sơ vay vốn ngân hàng đang ngồi chờ cán bộ xã đến làm việc. Hỏi chuyện, được biết anh Lương người thôn Đông Hải, xã Lộc Trì, thôn có nhiều tàu đánh bắt xa bờ nhất huyện. Anh Lương cho biết đang làm các thủ tục để xin vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ. Anh Lương kể với tôi, nhà anh đã có hai chiếc tàu đều trên 200CV. Bây giờ anh thấy làm ăn khá nên đang muốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ để đóng thêm một chiếc tàu lớn 400CV - 500CV. Anh Lương nói: Vay 500 - 700 triệu, chỉ cần đánh trúng hai mùa là trả đủ. Nhưng thủ tục vay cũng khá khó khăn. Hỏi chuyện anh về nghề đánh bắt xa bờ, anh cho biết hiện tại hai tàu của anh vừa làm việc đánh bắt vừa làm dịch vụ cung cấp vật tư (xăng dầu, đá lạnh, đồ ăn) cho các tàu đánh bắt xa bờ, đồng thời thu mua cá của các tàu đó mang vào bờ bán. Nhờ các tàu dịch vụ như của anh mà các tàu đánh bắt xa bờ có thể đánh bắt dài ngày trên biển. Gặp lúc trời yên bể lặng, gặp luồng cá thì những tàu đánh bắt xa bờ có thể kiếm dăm trăm triệu trong mỗi chuyến đi dài ngày như thế. Làm như vậy, các tàu dịch vụ và các tàu đánh bắt xa bờ đều cùng có lợi. Hai tàu của anh Lương đều thuê nhân công làm, mỗi tàu 7 - 8 người, lương ăn chia theo sản phẩm (tức phụ thuộc vào việc đánh bắt hay làm dịch vụ được nhiều hay ít) nhưng trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng tâm trạng như anh Sĩ ở Vinh Thanh, anh Lương cho biết: Các tàu thôn Đông Hải thường đánh bắt trên ngư trường kéo dài từ Thanh Hóa vào Quảng Ngãi. Đánh bắt xa bờ nhưng các tàu cũng thường giới hạn trong chừng 110 hải lý trở lại, vì vượt qua giới hạn đó, nhất là về phía bắc, thì hay bị gặp tàu lạ. Họ dùng tàu lớn chạy quét ngang phá tan lưới, có khi bị họ đuổi bắt giữ rồi đòi tiền chuộc!? Anh Lương nói: biết là đánh bắt sâu về phía nam thì an toàn hơn, nhưng đôi khi theo luồng, theo đuôi con cá thì cứ đánh ra phía bắc. Nhưng dù phía bắc hay phía nam thì trong phạm vi đó cũng vẫn là ngư trường của Việt Nam mình. Thật quá vô lý! Vì theo luật biển 1982, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta tính từ đường cơ sở (ven bờ) ra, có độ dài là 200 hải lý. Trong vùng đặc quyền kinh tế, ta có quyền chủ quyền về khai thác các nguồn tài nguyên biển và đáy biển. Các quốc gia khác chỉ có quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không (tức được quyền đi qua, bay qua) nhưng không có quyền khai thác tài nguyên khi quốc gia có quyền chủ quyền (là Việt Nam) chưa cho phép. Vậy mà độ an toàn cho các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân ta hiện nay, theo như anh Lương nói, chỉ trong khoảng 110 hải lý trở vào!? Tức có khoảng 90 hải lý phía ngoài, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam ta, đang bị các tàu lạ ngang nhiên khai thác, đánh bắt, thậm chí tranh giành, đánh đuổi các tàu đánh cá của ta ra khỏi khu vực này!?
Đến giờ làm việc, các cán bộ xã Lộc Trì đến vui vẻ mời chúng tôi vào phòng họp. Thay mặt Đảng ủy, UBND xã, anh Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch xã báo cáo vắn tắt tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của xã cho đoàn nghe. Lộc Trì có diện tích gần 6.300ha, phía tây giáp thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Điền, phía bắc giáp xã Lộc Bình và phá Tam Giang, phía đông giáp xã Lộc Thủy, phía nam giáp huyện Nam Đông và thành phố Đà Nẵng. Dân số gần 8.000 người. Một điều khá đặc biệt của xã Lộc Trì là: xã chỉ có 1.050ha mặt nước đầm phá, không có diện tích biển, nhưng lại là xã có nghề đánh bắt xa bờ phát triển mạnh nhất huyện Phú Lộc. Lộc Trì có 9 thôn thì chỉ có 2 thôn làm nghề ngư là Đông Hải và Lê Thái Thiện, trong đó chỉ có thôn Đông Hải là có lực lượng đánh bắt xa bờ hùng hậu với hai đội tàu gần 80 chiếc từ 90CV đến 450CV, trong đó 35 chiếc thường xuyện đậu ở Đà Nẵng và 42 chiếc đậu ở Quảng Ninh. Cùng tiếp chúng tôi với ban lãnh đạo xã, có hai ông chủ tàu đánh bắt xa bờ của thôn Đông Hải. Ông Trần Vẹn có đến 6 chiếc tàu lớn nhỏ từ 160CV đến 450CV, và ông Trần Thoạn, chi hội trưởng Chi hội nghề cá đánh bắt xa bờ, cũng có đến hai chiếc trên dưới 200CV. Hai ông cho biết: Thôn Đông Hải giáp với đầm Cầu Hai nên toàn thôn có hơn 200 hộ thì 90% làm nghề ngư. Trong 90% hộ làm nghề ngư thì có 40% hộ theo nghề đánh bắt xa bờ. Tôi hỏi: Thôn Đông Hải không giáp biển thì tàu để đâu? Các ông cho biết: Tất cả tàu đánh bắt xa bờ của Đông Hải đều đậu thuê ở cảng Đà Nẵng và Quảng Ninh. Hỏi sao không đậu ở cảng Chân Mây mà phải đậu thuê tận trong Đà Nẵng, ngoài Quảng Ninh? Các ông nói cảng Chân Mây chỉ dành cho các tàu hàng lớn chứ chưa có chỗ đậu dành cho các loại tàu đánh cá. Các ông nhìn tôi, chậc lưỡi: Nhiều đội tàu của Thừa Thiên Huế chúng ta đang làm giàu cho Đà Nẵng và Quảng Ninh! Vì đậu thuê ở Đà Nẵng, Quảng Ninh thì mọi dịch vụ xăng dầu, đá lạnh, đồ ăn, bán cá, làm ruốc, làm mắm và cả nhân công, vật liệu v.v… đều phải thuê và làm tại cảng Đà Nẵng và Quảng Ninh! Một năm, từ tháng 2 đến tháng 9 là mùa đánh bắt thì đều đậu thuê và làm việc tại cảng Đà Nẵng, Quảng Ninh. Nhưng 4 tháng còn lại là mùa mưa bão thì cảng Đà Nẵng lại không cho đậu thuê (vì phòng tránh rủi ro), thế là lại phải chạy tàu ra, đi vòng qua cửa biển Thuận An (không qua cửa Tư Hiền được vì cửa này cạn) vào phá Tam Giang rồi chạy về neo đậu tạm ở đầm Cầu Hai, khu vực thuộc thôn Đông Hải, núp bão, phó thác vào may rủi vì ở đây âu thuyền chưa được xây dựng. Tuy vất vả như thế, nhưng các ông đều cho rằng nghề đánh bắt xa bờ ở Đông Hải nói riêng và Phú Lộc nói chung vẫn đang phát triển mạnh. Ông Vẹn nói: trước đây thuê nhân công đi đánh bắt xa bờ 4 - 5 triệu đồng/tháng, nay thuê 6 - 7 triệu họ không đi, phải 8 triệu trở lên mới đi. Như vậy đủ thấy nghề này tuy vất vả nhưng cũng ăn nên làm ra thế nào. Chẳng vậy mà ngư dân ở đây sẵn sàng vay vốn ngân hàng cả năm bảy trăm triệu đầu tư vào đóng tàu có công suất lớn. Trong tôi rạo rực một niềm vui về ý chí, niềm tin, và một tình yêu biển mãnh liệt của những người ngư dân Đông Hải. Dù còn không ít khó khăn, họ vẫn đang tiếp tục đầu tư cho nghề bám biển đánh bắt xa bờ…
Màn đêm đang dần phủ xuống hoàng hôn phá Cầu Hai thì đoàn lại lên xe về đồn Biên Phòng 228 Vinh Hiền. Xe lên đến đỉnh đèo Mũi Né đã thấy thị trấn Phú Lộc sáng bừng dưới hàng đèn đường trải dài dọc con lươn ở giữa bốn lằn đường quốc lộ 1A chạy ngang qua thị trấn. Qua hết thị trấn thì thấy ánh đèn của bệnh viện Phú Lộc ở cách đường đến vài trăm mét mà vẫn làm sáng rõ từng khuôn cửa. Ngang qua chợ Cầu Hai, ánh đèn cũng sáng trưng, người mua, kẻ bán vẫn tấp nập. Rõ là “điện - đường - trường - trạm” ở đây khang trang, đầy đủ, góp phần nâng cao đời sống của người dân ngày một tốt hơn.
7 giờ tối, đoàn chúng tôi có mặt tại đồn Biên phòng 228 Vinh Hiền. Thượng tá Mai Trí, Bí thư Đảng ủy, đại úy Lê Anh Tuấn, Trưởng đồn, cùng các cán bộ, chiến sĩ vui vẻ đón đoàn tại sân đồn, nơi đã được kê bàn ghế quây quanh một đống củi lớn giữa sân đồn để “lửa trại”. Ngoài ra còn có sự góp mặt của Chi Đoàn thanh niên xã Vinh Hiền và Chi Đoàn thanh niên trường THCS Vinh Hiền - đơn vị kết nghĩa với đồn Biên phòng 228. Sau thủ tục giới thiệu “bốn bên”, thượng tá Mai Trí thay mặt lãnh đạo đồn báo cáo vắn tắt vài nét chính về hoạt động của đồn (tất nhiên chỉ những gì được phép công khai - ngoài yêu cầu bảo mật an ninh biên giới quốc gia). Báo cáo của thượng tá Mai Trí dù rất ngắn gọn nhưng đã nêu bật được sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng đồn 228 Vinh Hiền với nhân dân trong địa bàn 4 xã ven biển thuộc khu vực đồn 228 Vinh Hiền có nhiệm vụ bảo vệ... Trong cuộc giao lưu, thượng tá, Mai Trí không những đọc một bài thơ tự sáng tác rất hay mà còn ôm đàn guitare tự đệm rất điệu nghệ và hát rất hay bài hát “Ngẫu hứng lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến. Hóa ra, lính biên phòng tài hoa chẳng kém văn nghệ sĩ.
9 giờ tối, đoàn văn nghệ sĩ lưu luyến chia tay các cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng 228 Vinh Hiền cùng các thành viên xã Đoàn, Đoàn trường THCS Vinh Hiền, lên xe trở về Huế. Gần 60 cây số trên đường trở về, cả xe không lúc nào ngưng được tiếng cười bởi những bài thơ, bài hát được “nghệ sĩ” - nhà thơ Lê Vĩnh Thái thể hiện với một giọng thơ hào sảng và một giọng hát ướt át đến nao lòng! Bài hát nào, bài thơ nào anh cũng khéo léo đưa được câu “Đông Hà ơi” vào câu kết để triêu nhà thơ Đông Hà. Tôi cười muốn đứt hơi, nhưng sâu trong tâm cảm lại cứ chờn vờn giữa cái tên Đông Hà với cái tên Đông Hải - cái tên như một điểm nhấn đầy tình biển với tôi trong chuyến đi thực tế thật nhiều ý nghĩa và thú vị này.
Huế - Phú Vang - Phú Lộc,
28/01/2013
N.V
(SH295/09-13)