DOÃN QUỐC SỸ
Tôi có thói quen hễ ra khỏi thành phố gặp vòm trời trăng sao là tìm chòm sao Đại Hùng Tinh rồi tự đấy tìm ra ngôi sao Bắc Đẩu với ánh sáng trầm buồn như ánh mắt mẹ hiền đợi con. Từ sao Bắc Đẩu, tôi thường tìm sang chòm Thập Tự Nam như tìm một lối thoát. Tôi đặc biệt yêu chòm sao này - Thập Tự Nam - với vẻ sáng ngời đơn giản của nó.
Riêng chiều nay, tới Thành Nội, vào Đại Nội thăm anh bạn trẻ Đinh Cường, ngẩng nhìn khoảng xế vòm trời Đông tôi còn thấy thêm vành trăng thượng tuần mùng bốn - mùng bốn trốn mẹ đi chơi. Tôi tạm gửi vừng trăng mùng bốn và vòm trời sao bên ngoài, bước vào nhà xem tranh Đinh Cường.
Tôi mến nếp sống đó lạ lùng, nếp sống Đinh Cường, nếp sống trầm lặng hiền hòa ấp ủ một niềm cô đơn rộng lượng. Có thể ngay tự thuở ấu thời rong chơi miền Bến Cát, Bình Dương, quê nhà, chú bé Đinh Cường đã bị ám ảnh bởi khúc sông vắng lặng, quãng đường heo hút, tiếng chim kêu bơ vơ giữa cái ngút ngàn của rừng cao su hoang tịch. Tất cả những cái đó có thể chỉ còn là những kỷ niệm hiu hắt, nhưng vẫn bủa vây lấy thế giới nội tâm của Đinh Cường khi anh chàng thể hiện mình thành tác phẩm. Không khí cô đơn nhưng bao dung rộng lượng tôi thấy bàng bạc trong hầu hết các bức họa của Đinh Cường; hình ảnh thường bắt gặp là con chim bơ vơ, hay một tháp giáo đường cô tịch.
Tôi đã đi một vòng, ngắm kỹ từng bức, nghe Đinh Cường nói một chút, nghe chính mình tự nhủ nhiều hơn. Rồi tôi ra sân ngồi bên chiếc bàn đá nâng ly trà với người bạn họa sĩ trẻ. Cả hai cùng không nói, và tôi ôn lại những gì tôi nhớ.
Tôi nhớ vùng không gian bủa tung ra thành một nét sầu dằng dặc - sầu dằng dặc bao giờ cho nguôi - (Nguyễn Du). Đó là vùng không gian đặc biệt bát ngát của hai bức có đề tài Quảng Trị và Hà Tiên. Đặc biệt bức Quảng Trị với dáng một thiếu nữ cô đơn tóc xõa tung trong màu gió cuốn; có cồn cát đìu hiu, có nấm mồ cô độc, có dáng cầu Thạch Hãn gẫy đổ, có hố bom, nhưng cũng có một dáng cây xanh vừa mọc thật dễ thương, thật hiền dịu, như một niềm hy vọng hiu hắt nhưng bất tuyệt; như dáng sao Bắc Đẩu hiu hắt xa mời nhưng khẳng định.
Trong bức Nghiêng xuống mặt hồ, thiếu nữ cô đơn muốn tìm an ủi nơi bóng mình bên dưới. Trong bức Đi lễ chùa Từ Hiếu, tuy có hai bóng thiếu nữ, nhưng không khí cô đơn nào có kém gì những bức Thi sĩ với lăng tẩm, Thiếu nữ rước đèn một mình, và Vừng trăng thắm thiết. Nói chi tới những bức Ngọn hải đăng bên vùng biển cũ, Giáo đường bỏ hoang và Chim lạ trên bờ thành cũ - như một cô đơn chợt bàng hoàng thức giấc.
Tôi đặc biệt suy nghĩ nhiều về hai bức. Trước tiên là bức Bên suối rừng hiu quạnh có con chim đậu bên hốc suối cũ, hốc suối sâu lắm, tất nhiên phải thế rồi, và heo hút, heo hút hơn cả vùng phông rừng phía sau trong bức Tĩnh vật (bình hoa). Ký ức dĩ vãng thuở chú bé Đinh Cường sống trong vùng hoang tịch Bến Cát, với hiện tại chàng họa sĩ trẻ Đinh Cường sống dưới vòm trời Đại Nội nhiều cỏ cây hoa lá, cả dĩ vãng và hiện tại đó bủa vây lấy Đinh Cường thể hiện thành bức Bên suối rừng hiu quạnh này chăng? Sau hết là bức Trinh nữ. Ôi chao, cái màu vàng cadmium này sao nó ám ảnh tôi dữ? Bức họa tỏa ra một tình cảm bâng khuâng, bâng khuâng như chợt nghe tiếng chim rừng giữa khoảng hoang vu trời đất nối liền, bâng khuâng như ánh đèn chài nhòa đi trong cái mênh mông của biển đêm.
Gió đêm đã đượm hơi sương lạnh khi tôi từ biệt Đinh Cường. Vừng trăng thượng tuần mùng bốn trốn mẹ đi chơi đã về khuất nhà trời từ lâu. Nhưng điểm sao Bắc Đẩu heo hút và vẻ ngời sáng đơn sơ của chòm Thập Tự Nam thì còn. Như niềm cô đơn bao dung của Đinh Cường trong những bức họa mới của anh.
D.Q.S
(SDB10/09-13)