Giá sách Sông Hương
Đại Thi Hào NGUYỄN DU
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
08:55 | 29/11/2013

NGUYỄN CẨM XUYÊN

Sau khi đọc và đem khắc ván in Kim Vân Kiều tân truyện ở phố Hàng Gai - Hà Nội, Phạm Quý Thích - bạn của Nguyễn Du - có viết bài “Thính Đoạn Trường Tân Thanh hữu cảm”(1).

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
"Kim Vân Kiều quảng tập truyện; Liễu Văn Đường tàng bản"; Khải Định năm thứ 9 (1924) Đầu truyện có in bài thơ của Phạm Quý Thích (Lương Đường Phạm tiên sinh soạn thi nhất thủ)-Trích từ "Bộ sưu tập số hóa" tại Thư viện Quốc gia Việt Nam


Bài thơ có hai câu cuối:

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương


Tạm dịch nghĩa: Một phiến tài tình vương vấn cả ngàn năm

Xét cho cùng thì truyện Tân Thanh đã vì ai mà thương cảm?

Truyện Tân Thanh đây là Truyện Kiều. Phạm Quý Thích nhân đọc truyện Nôm này mà nêu câu hỏi: “Nguyễn Du viết Kiều là để cảm thương cho ai?”

Hiển nhiên Nguyễn Du viết Kiều là để xót thương một tuyệt thế giai nhân tài hoa mệnh bạc. Điều này rất rõ nên Phạm Quý thích nêu câu hỏi chẳng qua chỉ để gợi - gợi cho người ta nghĩ về nỗi lòng sâu kín của Nguyễn Du: thương cho người là để tủi cho mình.

Nỗi lòng Nguyễn Du - bi kịch của một nhà Nho khí tiết

Đồng thanh tương ứng. Phạm Quý Thích và Nguyễn Du, cả hai cùng đỗ đạt và làm quan đời Lê mạt. Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, nhà Lê cũng tiêu vong. Phạm Quý Thích bỏ trốn, không cộng tác cùng triều đình mới, còn Nguyễn Du thì cương quyết hơn, muốn sang Tàu phù Lê, chống Tây Sơn. Việc không thành, lại vào Nam định theo Chúa Nguyễn, bị Tây Sơn bắt giam 3 tháng. Sau khi được thả là bắt đầu quãng đời “mười năm gió bụi”: khi ở nhờ nhà vợ ở Thái Bình, khi quay về quê dưới chân núi Hồng… Rồi thời thế đổi thay; Tây Sơn sớm suy tàn. 1802, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà. Nguyễn Du được đặc cách bổ nhiệm làm tri huyện Phù Dung, ít lâu sau thăng Tri phủ; 3 năm sau lại thăng Đông Các Đại Học Sĩ (Chức dành cho Tiến sĩ, trong khi Nguyễn Du chỉ mới đỗ Tam trường, tức Tú tài) tước Du Đức Hầu; sau lại thăng Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ. Sau khi đi sứ Trung Hoa về, lại được được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Chức vị cao nhưng luôn nghèo túng, bệnh tật, chỉ muốn từ quan mà về quê.

Bước công danh của Nguyễn Du hanh thông, song ông chẳng mấy khi vui, thường u uất, sầu muộn. Đại Nam Chính biên Liệt truyện có kể việc ông thường bị quan trên đè nén, hay buồn rầu; mỗi khi vào chầu trong triều thường sợ sệt, không dám nói năng gì. Có lần vua đã quở trách:

Triều đình dùng người, cứ kẻ hiền tài là dùng, chứ không phân biệt Nam Bắc. Ngươi […] đã được ơn tri ngộ làm quan đến bực á khanh, biết việc gì thì phải nói để hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè sợ hãi, chỉ dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện thôi!”.

Nỗi u uất của Nguyễn Du có xuất phát từ mặc cảm của một hàng thần không?

Một số nhà nghiên cứu Truyện Kiều ở thế kỉ XX, đầu tiên là Trần Trọng Kim, về sau nữa là Thạch Trung Giả, Phạm Thế Ngũ… thường hay nêu mặc cảm của Nguyễn Du: mặc cảm của một hàng thần xuất phát từ ý thức trung thần bất sự nhị quân. Ý thức này cùng niềm hoài vọng nhà Lê tạo nên sự phản kháng bộc lộ qua thơ. Họ thường nêu ví dụ: Từ Hải chỉ là một tên giặc cỏ bình thường trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, vậy mà Nguyễn Du đã tôn lên thành anh hùng cái thế, sức mạnh nghiêng đổ cả triều đình…, hoặc đưa ví dụ về suy nghĩ của Từ Hải trước lời đề nghị quy hàng của Thúy Kiều:

Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành.
Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,

Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi!

và cho đây chính là lời tâm sự của Nguyễn Du khi đang làm quan nhà Nguyễn… Lập luận này thoạt đầu nghe hữu lí nhưng xét kĩ thì không đúng bởi mấy lí do sau:

Thứ nhất: Trước đây, vì chỉ căn cứ vào Đại Nam chính biên liệt truyện, đoạn nói về Nguyễn Du: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc Hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế” (Du giỏi thơ lại rành chữ Nôm; đi sứ nhà Thanh về, Bắc Hành thi tập truyện Thúy Kiều được ra đời) mà các nhà nghiên cứu cho là Truyện Kiều được sáng tác sau khi Nguyễn Du đi sứ về tức là khoảng từ 1813 đến 1820 rồi suy đoán ra là Truyện Kiều bộc lộ mặc cảm hàng thần. Chữ “hành thế” ở đây không thể hiểu là sáng tác được. Có thể Truyện Kiều đã viết từ lâu trước đó, chưa ai biết; sau khi đi sứ về mới có người đọc, được truyền bá…

Thứ hai: Gần đây, khi khảo sát các bản Kiều Nôm cổ và căn cứ vào luật kị húy, người ta khẳng định được là Truyện Kiều không thể viết vào đời Gia Long. Nói về luật kị húy: nước ta bắt đầu có luật này từ đời Lê, đến đời Gia Long thì luật trở nên quan trọng và phức tạp: ngoài tên riêng nguyên tổ và tên vua thì tên của cha, mẹ, vợ, con, anh, em và có khi đến ông nội, bà nội… vua cũng được kiêng, thậm chí còn buộc kiêng cả tên con dâu là Hồ Thị Hoa (vợ Thái tử Đảm, về sau là vua Minh Mạng) mất sớm lúc mới 17 tuổi, khiến chợ Đông Hoa phải đổi là chợ Đông Ba, cầu Hoa đổi là cầu Bông, Thanh Hoa đổi là Thanh Hóa; kiêng cả tên lăng Vĩnh Thanh (nơi an táng vợ của chúa Nguyễn Phúc Chu) mà trấn Vĩnh Thanh đổi thành trấn Vĩnh Long

Điều 62, Luật Gia Long quy định khắt khe: “Kẻ nào trong bài tấu trình với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng khảo sẽ bị phạt 80 côn. Nếu ở các giấy tờ khác mà mắc phải tội phạm húy ấy thì bị phạt 40 côn”. Vậy mà chẳng hạn: ở bản Kiều Nôm do Liễu Văn Đường khắc in năm Tự Đức thứ 24 (Dĩ nhiên là sao lại một bản viết tay từ trước) đã có câu 853: Tuồng chi là giống (種) hôi tanh, Câu 1310: Thang lan (蘭) rủ bức trướng hồng tắm hoa, Câu 2750: Cỏ lan (蘭) mặt đất rêu phong dấu giày…(2) là những câu có chữ phạm húy bởi vì chữ “giống” trong câu thơ đã viết y nguyên chữ chủng 種, mà Chủng là tên vua Gia Long. Thời này, muốn viết chữ “giống” thì không được viết là 種 mà phải viết là  (thay bộ hòa 禾 bên trái bằng chữ thái 采) hoặc viết trại ra một chữ khác có cùng nghĩa. Chữ Lan 蘭 là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia Từ Phi; muốn viết chữ này cũng không được viết là 蘭 mà phải viết là 香 (hương) nếu không sẽ phạm trọng húy. Nguyễn Du mà phạm húy như thế, chắc chắn đã phải phạt đánh đòn 40 gậy rồi cách chức và đuổi về quê. Vì các lí do này ta đoan chắc Truyện Kiều phải được viết trước đời Gia Long; chính xác là vào đời Tây Sơn. Mà viết vào đời Tây Sơn thì Nguyễn Du nào đã hàng ai đâu mà mang mặc cảm hàng thần?

Thứ ba: Là người kín đáo cẩn trọng - xem gương Nguyễn Văn Thành, một công thần bậc nhất từng bao nhiêu năm cùng Gia Long vào sinh ra tử vậy mà về sau chỉ vì con trai là Nguyễn Văn Thuyên có làm mấy câu thơ cao ngạo, phạm thượng mà Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc chết mặc dù đã hết lời van xin; Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử chém - Nguyễn Du không đời nào đang là tôi triều đình nhà Nguyễn mà lại dám viết Truyện Kiều với những câu đại nghịch ngôn như “… chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Thứ tư: Cứ nói mãi chuyện Nguyễn Du với ý thức trung thần bất sự nhị quân là không đúng - bởi một người tâm hồn phóng khoáng như Nguyễn Du thì khó mà bị trói vào tư tưởng ngu trung như thế. Đọc cả 3 tập thơ chữ Hán, kể cả Thanh Hiên thi tập được viết lúc còn trẻ sau khi nhà Lê mất, ta thấy chẳng có bài nào bộc lộ tâm sự hoài Lê, mà tất cả chỉ là nỗi lòng của một nhà thơ buồn, luôn suy nghĩ về kiếp người, suy nghĩ về những mảnh đời lây lất trong chốn hồng trần, than thở cho phận mình và luôn ước mơ được về quê sống an nhàn nơi thôn dã.

Căn cứ những lí lẽ trên, có thể khẳng định là Nguyễn Du u uất chẳng phải vì chất chứa mặc cảm hàng thần. Tư tưởng hoài Lê đã phai nhạt từ lâu trong lòng cựu thần nhà Lê, nhất là từ khi nhà Tây Sơn không còn. Gia Long thống nhất sơn hà; làm quan to triều Nguyễn thì Nguyễn Du chẳng còn hoài Lê làm gì nữa song vẫn đau, vẫn u uất. Nỗi đau trong tâm tư Nguyễn Du lúc này chẳng giống với nỗi đau lúc nhà Lê mới mất mà là nỗi đau về hoàn cảnh sống. Đại Nam Liệt Truyện có chép: “Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...’’. Nguyễn Du nặng khí tiết người quân tử, như cây trúc gióng thẳng(3), ông cảm thấy mình lạc lõng giữa đám triều thần nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Thật vậy, các quan triều địa phương thường đố kị, trước hết vì ông là cựu thần nhà Lê… không đỗ đạt cao mà được vua tin dùng, ban cho chức tước vào hàng nhất phẩm triều đình… Trước thái độ ganh ghét tị hiềm, khí phách của nhà Nho khiến ông bất an. Tập thơ Nam trung tạp ngâm chứng rõ điều này, nhất là bài thơ cuối trong chuỗi 5 bài “Ngẫu hứng”: hình vóc Nguyễn Du hiện ra khá rõ nét là một khách tha hương, lạ lẫm với mọi người chung quanh, luôn muốn xa lánh, ẩn mình:
 

Ngẫu hứng ngũ thủ

Kì ngũ
Hữu nhất nhân yên lương khả ai
Phá y tàn lạp sắc như khôi

Tỵ nhân đãn mịch đạo bàng tẩu
Tri thị Thăng Long thành lý lai


Dịch thơ:

Gặp một người… sao thật đáng thương!
Nón xơ, áo rách, mặt thê lương,

Tránh người, lầm lũi ven đường bước.
Rõ khách Thăng Long lạ phố phường.

                        (Nguyễn Cẩm Xuyên dịch).

Bài thơ kể người nhưng thực là để tả chính mình(4); nhân vật trong thơ chính là Nguyễn Du, khách tha hương nghèo túng, e dè, sợ sệt, từ đất Bắc vào chốn Thần kinh…

Cuộc đời buồn cứ dần trôi cho đến năm 1820, trong trận dịch tả kinh hoàng khởi phát từ Hà Tiên lan dần ra Bắc; đến Huế, Nguyễn Du là một trong các nạn nhân của trận đại dịch này, Đại Nam liệt truyện có kể lại chi tiết lúc ông sắp mất: “…Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói “được” rồi mất; không trối lại điều gì.

Cái chết đến, Nguyễn Du hình như thỏa nguyện; nó giúp ông chấm dứt một chuỗi dài bi kịch cuộc đời.

Cuộc đời, sự nghiệp văn chương Nguyễn Du là một phiến tài tình. Phiến tài tình ấy không chỉ làm bận lòng ta hôm nay mà còn khiến hậu thế ngàn năm sau còn nhỏ lụy.

N.C.X
(SH297/11-13)


---------------------
(1) Phạm Quý Thích đỗ Tiến sĩ đời Lê mạt, được bổ Hiệu thảo Viện Hàn lâm kiêm chức Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc, làm quan giữ chức Thiêm Sai Tri Công Phiên. Nhà Lê mất, ông không cộng tác với Tây Sơn. Đời Gia Long, được bổ làm đốc học rồi Trung thư học sĩ, tước Thích An Hầu, trông coi việc chép sử ở triều đình; sau cáo bệnh, về quê dạy học. Nhân đọc truyện Kiều, Phạm Quý Thích có bài thơ:

聽 斷 腸 新 聲 有 感

佳 人 不 是 到 錢 塘
半 世 煙 花 債 未 償
玉 面 豈 應 埋 水 國
冰 心 自 可 對 金 郎
斷 腸 夢 裏 根 緣 了
薄 命 琴 終 怨 恨 長
一 片 才 情 千 古 累
新 聲 到 底 為 誰 傷

THÍNH ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH HỮU CẢM

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai Thuỷ Quốc
Băng tâm tự khả đối Kim Lang

Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy

Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương

Tác giả tự dịch thơ:

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan
Lòng còn tơ vướng chàng Kim Trọng
Vẻ ngọc chưa phai chốn thuỷ quan
Nửa giấc Đoạn trường tan gối điệp
Một dây Bạc mệnh dứt cầm loan
Cho hay những kẻ tài tình lắm

Trời bắt làm gương để thế gian.

(2) Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào? - Nguyễn Khắc Bảo; tạp chí Ngôn ngữ & đời sống số 6 năm 2000.

(3) Có lẽ vì vậy mà chữ tiết (trong khí tiết, danh tiết…) thuộc bộ trúc. Tiết là đốt trúc, đốt tre.

(4) Đào Duy Anh chú: “Tả tình cảnh ngơ ngác, ngờ sợ của người ở miền Bắc, tôi cũ của nhà Lê, mới vào kinh đô Huế, ở giữa những người của nhà Nguyễn, không phải vai vế của mình, người này chính là Nguyễn Du”. Chúng tôi e không phải. Dù nghèo, Nguyễn Du chắc không đén nỗi thế! Đây chắc là một người ở Thăng Long vào những năm đói, loạn ly, tìm đường vào Nam, tìm sinh kế mà Nguyễn Du bắt gặp trên đường… (Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Ngô Linh Ngọc, Lê Thu Yến - Nguyễn Du toàn tập, Nxb. Văn Học 1996, trang 216).









 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cõi Đạm Tiên (25/11/2013)