LÊ QUANG THÁI
Nguyễn Du (1766 - 1820) tự Tố Như, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh xưa thuộc trấn Nghệ An.
Linh khí miền sông Hương núi Ngự đã hun đúc thêm khí tiết cho danh sĩ xứ Nghệ viết Truyện Kiều bằng thơ Nôm, đưa đẩy thơ lục bát lên đỉnh cao, làm rạng rỡ ngôn ngữ tiếng Việt trên văn đàn thế giới.
I. NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ TIỂU SỬ NGUYỄN DU
1.1.Về năm sinh của tác giả Truyện Kiều
Năm 1965 UNESCO tôn phong Nguyễn Du (1766 - 1820) là danh nhân văn hóa thế giới, vào thời điểm ấy chưa phát hiện ra gia phả họ Nguyễn Tiên Điền. Sự thành bất thuyết. Việc đã rồi, lẽ nào “nhờ” thế giới đính chính, nhưng sách giáo khoa, giáo trình đương nhiên phải cải chính. Theo sách “556 năm Đối chiếu Âm lịch - Dương lịch Việt Nam Trung Quốc”, thì: năm Ất Dậu (1765) là năm âm lịch nhuận 2 tháng Hai. Thành ra ngày 23 tháng 11 năm ấy là ngày 06 tháng 01 năm 1766.(1) Thư viện Khoa học Trung ương đã giới thiệu Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền với ký hiệu: V.H.V. 369, số ảnh phim nhỏ: 1747 (chụp ngày 07/02/1964) để chuẩn bị cuộc triển lãm Nguyễn Du ở Văn Miếu, Hà Nội do Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa tổ chức vào năm 1965.(2)
Do đó, năm 2013 kỷ niệm lần thứ 247 (không phải 248) ngày sinh của tác giả Truyện Kiều (bằng chữ Nôm) 23 tháng 11 Âm lịch (06/01/1766).(3)
1.2. Ba yếu tố văn học cốt lõi trong Truyện Kiều:
Thư tịch cổ được sử dụng trong bộ sách của Văn đàn Bảo giám và gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ở tỉnh Hà Tĩnh đã “phát sáng lên”. Thời ấy là thời chiến tranh, cả hai miền Bắc - Nam đều tổ chức những sinh hoạt văn hóa để mừng đất Hà Tĩnh (trước thuộc Nghệ An) đã sản sinh ra Danh nhân Văn hóa thế giới. Nguyễn Du là “ông vua” của truyện Nôm dài hơi bằng thơ lục bát vào thế kỷ XIX của văn học nước nhà. Năm 1965, Truyện Kiều được giảng dạy tại các bậc Trung học và Đại học ở các tỉnh thành phía Bắc.(4)
Đoạn Trường Tân Thanh là “hình” và các tác phẩm khác của thiên tài Nguyễn Du là “nền”, tạo thành cơ sở cho việc thế giới thừa nhận Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa. Văn tế thập loại chúng sinh, Hát dặm, Hát ví Nghệ Tĩnh và thơ chữ Hán đã góp phần làm cho Nguyễn Du rạng rỡ trên văn đàn quốc tế. Tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh có tên ban đầu là Ca tế chúng sinh, một thể loại đòi hỏi người sáng tác phải thông tuệ kinh điển Phật giáo, sành sỏi âm điệu, âm vận để có thể đọc, tụng, ngâm theo thể tài biến thái từ thơ lục bát và thơ Đường đúng với phong cách ngâm của người Việt.
Với tác phẩm này, người ta đã tôn phong Nguyễn Du là một vị thiền sư. Tác phẩm “Thả một bè lau” của Thiền sư Nhất Hạnh lại là một bằng chứng. Đó là cũng cơ sở góp phần trong việc tôn phong và tôn vinh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa. Thúy Kiều truyện, tên gọi ban đầu được đổi tên mới Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng nói mới nghe ra như đứt ruột) sau khi Nguyễn Du đã bị bệnh dịch tả và mất tại nhà riêng ở phường Vạn Xuân, Huế và qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820), niên hiệu Minh Mạng năm thứ nhất. An táng tại rú Bàu Đá, phía sau ngoài vườn chùa cổ của làng Lựu Bảo được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ban tặng Quốc tự năm 1747. (5)
Khu vực cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh, Phú Xuân, nơi an táng Nguyễn Du lần đầu tiên |
1.3. Về tự, hiệu, biệt hiệu của Nguyễn Du
Ngoài (tên) tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, Nguyễn Du còn có hai biệt hiệu: Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ (6) . Hai biệt hiệu gắn liền với hồn thiêng đất nước: núi Hồng Lĩnh và biển Đông. Năm Kỷ Dậu 1789, Nguyễn Du trở về quê nhà sau hơn 20 năm sống ở Thăng Long, Thái Nguyên, Bắc Ninh.(7)
Thơ văn của Nguyễn Du như còn ẩn chứa khẩu khí: Có ai ngờ, ông đã từng viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết ba trăm năm dư lẻ/ Người đời ai khóc Tố Như chăng).
Chưa đầy 200 năm sau ngày Nguyễn Du mất, thế giới đã tôn vinh ông là Danh nhân, phần mộ của ông ở quê nhà Tiên Điền đã trở thành di sản văn hóa; không còn cái cảnh “sè sè nấm đất bên đường” nữa. Thiên hạ đã “thương”, đã “nhớ”, đã “đau lòng” vì ông quá tài hoa khiến trời đất ghen tị. Tài hoa trọn vẹn cả hai đạo và đời. Tiếng thơ của ông nghe mà như “đứt ruột” qua bài “Độc Tiểu Thanh ký”.
1.4. Học vấn và con đường hoạn lộ của Nguyễn Du
Chuyện trùng phức họ tên mà ít người đọc kĩ Đại Nam thực lục ghi chép lịch sử hai đời vua Gia Long và vua Minh Mạng: Có 2 ông Nguyễn Du, một Nguyễn Du đậu Tiến sĩ đời Lê Trung Hưng và một Nguyễn Du chỉ trúng cách tam trường thi Hương ở trường thi Hương Thăng Long.
Sử thần ở Sử cục triều Nguyễn rất cẩn trọng ghi chép sử liệu để người đời sau khỏi nhầm lẫn mà té xuống ao.
Tháng 5 năm Ất Sửu, Gia Long thứ 4 (1805) ghi: Đặng Trần Thường dâng sớ cử Tiến sĩ triều Lê cũ là Nguyễn Du, Hương cống là bọn Nguyễn Trọng Chiểu 14 người, hạ lệnh về kinh để xét dùng. (Đại Nam thực lục, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.632).(8) Đặng Trần Thường là Đại thần dâng sớ lên vua thì phải hết sức nghiêm cẩn, sẵn sàng chịu tội trước vua và triều đình, nếu viết sai sự thật.
Tháng Giêng năm Bính Tý, Gia Long thứ 15 (1816), Đại Nam thực lục lại viết: “Lấy Hàn Lâm chế cáo Nguyễn Đăng Ngạn làm Chánh đốc học Quốc Tử Giám, Tiến sĩ đời Lê là Nguyễn Du làm Phó đốc học. Du vì già yếu xin từ. Vua y cho”.(9)
Nguyễn Du, Tiến sĩ Triều Lê cũ lớn tuổi hơn Nguyễn Du (là tác giả truyện Kiều). Sử thần không ghi phụ chú gì sau họ và tên của Nguyễn Du (quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An).
Tháng Giêng năm Bính Dần, Gia Long năm thứ 5 (1806): “lấy Nguyễn Du làm Đông các học sĩ”.(10) Quốc sử ghi rõ rành rành. Thế mà, do không tra cứu, đối chiếu khiến nhiều người viết sai về đường học vấn thời thanh thiếu niên của Nguyễn Du. Mới đây, Võ Hương An đã phạm sai lầm khi viết tiểu sử của Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều trong Từ điển Nhà Nguyễn, xuất bản ở Mỹ vào năm 2012 viết ở trang 418 như sau: “Nguyễn Du đậu Tiến sĩ triều Lê nhưng khi dứt họ Trịnh và nhà Lê, ông không ra hợp tác. Năm 1805, Đặng Trần Thường tiến cử Nguyễn Du cùng các cựu thần nhà Lê khác với vua Gia Long, vua cho triệu về kinh, phong Nguyễn Du làm Đông các học sĩ”.(11) Sai! Vì “lấy râu ông nọ chắp cầm bà kia”. Về kiến thức cơ bản liên quan tiểu sử Nguyễn Du thì nên đọc kĩ Đại Nam liệt truyện. Báo chí năm 1965 đã làm nở rộ cảnh trăm hoa đua nở liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du được thế giới tôn phong Danh nhân Văn hóa. Nguyễn Du sinh năm 1766 (theo Tây lịch) không phải là năm 1765. Thiết nghĩ, viết từ điển cần cập nhật và thật cẩn trọng. Đáng tiếc: Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh (Truyện Kiều, câu 218, theo bản của Đào Duy Anh).
Đọc Tiểu truyện Nguyễn Du 阮攸 (1766 - 1820) của Trần Văn Giáp trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, xuất bản năm 1999 thì thấy có sự sai khác giữa Đại Nam thực lục, tập I, sđd với sách đã dẫn bên trên lấy nguồn tư liệu từ các Gia phả Tiên Điền: Hoan châu Nghi Tiên gia phả, ký hiệu: H.V.29, H.V.107, A.3075 và V.H.V.369, v.v...).
Trần Văn Giáp đã viết ở 147, sđd như sau:
“Nguyễn Du là người có tài thơ văn, lại học rộng lịch duyệt nhiều; ông sống vào một giai đoạn quan trọng của lịch sử, trước làm quan với Lê, sau lại làm quan với Nguyễn nên ông thường chỉ “vâng, vâng, dạ, dạ” cho qua; Nguyễn Ánh cũng đã phải để ý: “Nhà nước dùng người, xem ai cũng thế sao chỉ vâng vâng dạ dạ thôi.”(12)
Sách Đại Nam thực lục, tập II lại viết (theo lối biên niên: tháng 8 năm Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 [1820] ở trang 82 - 83:
“Hữu Tham Tri Lễ bộ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì. Vua từng dụ rằng: “Nhà nước dùng người, duy có tài là dùng, vốn không có coi nam bắc khác nhau. Khanh cùng Ngô Vị đã được tư ngộ làm quan đến chức á khanh, nên điều gì biết thì nói ra hết, dâng điều hay sửa điều dở, để hết sức mình. Sao cứ rụt rè sợ hãi, chỉ việc vâng dạ!” Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền.(13)
Xét về mặt chính thống và theo văn cảnh thì vua ở đây, là ám chỉ Minh Mạng, chớ không phải Gia Long. Trần Văn Giáp còn ngại gì mà lại viết Nguyễn Ánh. Các gia phả Tiên Điền lời dụ ấy là của vua Gia Long. Từ đó, kéo theo hệ lụy là nhiều sách giáo khoa đã viết sai lầm theo lối mòn đường cũ: “Lối mòn cỏ lợt màu sương/ Lòng quê đi một bước đường một đau” (câu 1121 - 1122).
II. NƠI NGUYỄN DU VIẾT TRUYỆN KIỀU BẰNG THƠ NÔM
Xưa nay trong dân gian có nhiều người cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều ở Thăng Long và tại quê nhà ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An. Năm 1831, huyện Nghi Xuân thuộc tỉnh mới Hà Tĩnh.(14) “Chất Nghệ” là bản chất tính khí của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngôn ngữ xứ Nghệ được dùng trong truyện Kiều là lẽ thường tình, không thể nào chỉ căn cứ vào yếu tố ngôn ngữ rồi cho rằng Truyện Kiều được viết tại xứ Nghệ, đã sản sinh ra nhiều anh tài, anh thư, anh hùng.
2.1. Nguồn gốc Truyện Kiều
Chữ Hán viết 翹, đọc là “kiều”. Danh từ chung này có nghĩa là người đẹp, hoa khôi, chữ “thúy” có nghĩa là xanh biếc, chim trả một loài chim quý: chim trả có bộ lông và cái đuôi dài đẹp. Thúy còn có nghĩa ngọc quý ở xứ chùa vàng của đất nước Myanmar. Thúy đồng nghĩa với chữ khác cũng đọc là “thúy” 邃,có nghĩa là sâu kín (profond). Các danh từ chung này thường dùng để đặt tên cho phái nữ, người đẹp, như Thúy Vân ( 雲) chẳng hạn. Đồng âm chữ Vân (雲 = mây) có chữ 蕓 nghĩa là rau vân dài lá non.
Thơ Bạch Cư Dị (772 - 864) nổi tiếng đời Đường có câu:
花 |
鈿 |
委 |
地 |
無 |
人 |
收 |
翠 |
翹 |
金 |
雀 |
玉 |
搔 |
頭 |
Phiên âm:
Hoa điền ủy địa vô nhân thâu
Thúy kiều kim tước ngọc tao đầu.
(Trường Hận ca)
Nhà thơ lãng mạn tài hoa Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã từng nghiên cứu về Truyện Kiều, lột tả chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách tài tình:
Ai người nhặt hoa rơi bỏ đất,
Ôi! Thúy Kiều ngọc nát vàng phai.(15)
Học giả Đào Duy Anh cho biết nguồn gốc của Truyện Kiều trong lời đầu sách Từ điển Truyện Kiều, xuất bản năm 1974, sau nhiều năm tháng dày công biên soạn vào cuối thập kỷ 50 và 60 thế kỷ XX như sau:
“Bản Kinh là bản Truyện Kiều nôm do vua Tự Đức và triều thần sửa lại...
Nguồn gốc Truyện Kiều là KIM VÂN KIỀU truyện của Thanh Tâm tài nhân, thì gọi tắt là Nguyên Truyện”.(16)
2.2. Nguyên Truyện
Thanh Tâm tài nhân còn gọi Thanh Tâm tài tử (17); là văn nhân bình thường đời Minh bên Trung Quốc đã sáng tác ra Truyện Kiều với tên gọi Kim Vân Kiều truyện. Tác phẩm này là một truyện phong tình. Phong tình là bản chất ăn chơi của người quen chuyện gió trăng. Cổ lục là sách chép chuyện xưa để lại. Bửu Cân dịch ra tiếng Pháp là: Vieux Vert (livres des lames de bambous verts = sách được chép vào những thẻ tre xanh). Người xưa đã xếp KIM VÂN KIỀU truyện vào loại sách phong tình mà chữ Hán đã dùng thành ngữ “phong tình cổ lục” để diễn xuất ý tưởng ấy. Riêng đối với danh sĩ Nguyễn Du thì đây lại là sách quý. Người xưa còn gọi tên Truyện Kiều bằng cái tên Phong tình cổ lục.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
(Câu 7, 8 Truyện Kiều)
Đây là một cuốn tiểu thuyết bình thường, khi mới ra đời được xếp vào truyện phong tình. Tiểu thuyết của phương Đông khác với tiểu thuyết của phương Tây. Dịch tiểu thuyết sang tiếng Pháp là “roman”. Dịch như thế thì xét ra hơi ép duyên văn tự(18).
Truyện tình ấy là một tiểu thuyết thường dành người bình dân đọc hoặc nghe kể chuyện để thưởng thức văn chương. Xuất hiện dưới thời niên hiệu Gia Tĩnh (1522 - 1567) của triều đại nhà Minh.(19)
Nguyên Truyện được lọt vào mắt xanh của Nguyễn Du trong thời gian ông lưu trú bên nước Trung Quốc với sứ mạng Chánh sứ sang triều cống kể từ sau tháng 3 năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long thứ 12 [1813]. Văn Đàn Bảo Giám, quyển I do Trần Trung Viên sao lục từ năm 1926 - 1934 đã viết:
“Trong khi đi sứ Tàu, ông có làm quyển Bắc Hành thi tập, cùng Thanh Hiên tiền hậu tập v.v... Nhân ông thấy bộ Thanh Tâm tài nhân của Tàu lời văn kém mà câu chuyện lại đúng vào tâm sự mình, ông bèn đem diễn ra văn nôm, tức là quyển Đoạn Trường Tân Thanh, chính là tập Kim Vân Kiều hay Truyện Kiều bây giờ”.(20)
2.3. Tên quai nôi của truyện nôm Kiều:
Nguyễn Du đã ký thác nguồn cơn tâm sự của mình qua tác phẩm phỏng theo Nguyên Truyện và đã sáng tác nên tác phẩm trứ danh Truyện Kiều bằng thơ nôm theo thể lục bát. Vũ Trinh (? - 1828) và Nguyễn Lượng (? -?) phê bình, Phạm Quý Thích (1760 - 1825) đề từ; đó là những danh nhân đồng thời với Nguyễn Du.
Tàng bản ký hiệu V.N.B.60, Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 chỉ là một quyển gồm 68 tờ, tờ 2 trang, trang 12 dòng, dòng 2 câu lục bát. Sách in giấy bản khổ 17,5 x 12,5.
Trần Văn Giáp viết và miêu tả tàng bản, rồi ghi rõ ký hiệu của Thư viện Trung ương như trên. Ở trang 134, tập II, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tác giả viết: “Sách không có tờ mặt in, trái lại tờ mặt đề chữ viết tay: Minh Mạng ngự lãm (tứ) (danh) Đoạn Trường Tân Thanh 明命御覽(賜)(名)斷腸新聲. Rồi lại: Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 (mấy chữ này viết bằng bút sắt). Trang sau tờ mặt đề bút lông như sau: “Kim Vân Kiều truyện, bản Bắc quốc Thanh Tâm tài nhân lục, Tiên Điền Nguyễn Du diễn xuất quốc âm danh Kim Vân Kiều truyện, phụng Minh Mạng ngự lãm (tứ) (cãi) (vi) Đoạn Trường Tân Thanh (tòng kinh bản dã) Hoa Đường Tiến sĩ Phạm Quý Thích đề từ... 雲翹傳,本北國青心才人錄, 仙田阮攸演出國音名金雲翹傳, 奉明命御覽(賜)(改)(為)斷腸新聲(從京本也), 華 堂進士笵貴適題辭... (Sách Kim Vân Kiều truyện vốn là sách Thanh Tâm tài nhân lục của Bắc quốc, Nguyễn Du ở Tiên Điền diễn ra quốc âm, đặt tên là Kim Vân Kiều truyện, được vua Minh Mạng đọc và (cho) (đổi) (tên) (làm) Đoạn Trường Tân Thanh (đó là theo bản kinh). Phạm Quý Thích, người Hoa Đường, đậu Tiến sĩ đề từ...).
Đây là cơ sở để cải chính lại bản kinh ra đời vào thời Tự Đức, mà chỉ vì các sách viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều trước đây đã nhầm lẫn.
Thúy Kiều truyện viết dưới thời Gia Long, thâm nhập cung đình vào đầu triều Minh Mạng. Chưa biết rõ năm nào? Tiến sĩ Phạm Quý Thích bạn tri âm của Nguyễn Du đề từ và lo việc ấn hành và hoàn thành trước ngày mất của mình ngày 29 tháng 3 năm Ất Dậu, 1825.(21)
Từ lúc đọc Nguyên Truyện của Bắc quốc cho đến ngày hoàn thành dâng lên vua Minh Mạng ngự lãm phải trước năm 1825, chỉ vì từ năm ấy, Phạm Quý Thích bệnh nặng. Nếu lấy ngày mất của Phạm Quý Thích làm thời điểm hoàn thành Truyện Kiều, thì có thể suy ra thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại Phú Xuân Huế kể từ sau tháng 3 năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long thứ 12 [1813] đến tháng 3 năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 6 [1825] là 12 năm(22), như vậy Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều bằng thơ nôm phải mất khoảng chừng trên 10 năm.
Theo Tiểu truyện Nguyễn Du thì từ năm 1813 trở về trước ông chưa đi sang Trung Quốc lần nào cả. Ở tuổi đời 37, 38 Nguyễn Du mới tiếp cận được với Nguyên Truyện của Thanh Tâm tài nhân. Làm quan tại Huế, làm sao Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở nơi khác được. Chúng tôi khẳng định: Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại đất Phú Xuân - Huế.
Vua Minh Mạng ngự lãm Truyện Kiều và đã thay tên cũ thành tên mới: “ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH”. Tiếng nói mới nghe như đứt ruột hay tập thơ mới đọc lên nghe như nát lòng là nghĩa của 4 chữ Đoạn Trường Tân Thanh. Tân thanh còn có nghĩa là tiếng mới, khúc đàn mới hoặc bài thơ mới như Đào Duy Anh đã viết trong Từ điển Hán - Việt, trang 566.
Thiên hạ xưa nay đã đọc Kiều, nghe Kiều (vì không biết chữ), thuộc Kiều, bói Kiều, dịch Kiều, diễn thuyết về Truyện Kiều, sưu tầm những bản Kiều bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và chữ nước ngoài. Thậm chí người Trung Quốc phải chịu khó học chữ Nôm của người Việt để dịch sang tiếng Hán, sang Hoa văn... và vì Truyện Kiều mà phát sinh ra “Vụ án Truyện Kiều”. Người nói tà, kẻ nói chính, tranh biện khắp 3 miền Trung - Nam - Bắc nước Việt. Có sách nào có sức lan tỏa như Truyện Kiều của Nguyễn Du của nước Việt Nam không?
Lúc chiến trận căng thẳng chiến sĩ vẫn mang theo tập Kiều; lúc đàm phán ngoại giao để bình đẳng hóa quan hệ hữu nghị vẫn nhớ Kiều, trích Kiều để minh họa, để dẫn chứng, để hóa giải theo tinh thần gác lại quá khứ, nhìn thẳng về tương lai:
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
(Câu 3121 - 3122)
Hoặc:
Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
(Câu 1795 - 1796)
Vua Tự Đức đã đọc Truyện Kiều, vịnh Kiều. Độc đáo nhất là nhà vua đã sáng tác hai câu thơ bất hủ, hiển nhiên trở thành ca dao:
Mê gì như mê tổ tôm,
Mê ngựa Thượng Tứ, mê nôm Thúy Kiều.(23)
Huế, ngày 15/10/2013
L.Q.T
(SH297/11-13)
..............................
1. 556 năm đối chiếu Âm lịch - Dương lịch Việt Nam và Trung Quốc: 1544 (Giáp Thìn), 2100 (Canh Thân), Lê Quý Ngưu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.470-471.
2. Tìm hiểu kho sách Hán Nôn, tập II, Trần Văn Giáp, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr.133, 147,148...
Từ điển tác gia Việt Nam, Nguyễn Q.Thắng, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1999, tr.737, 743.
3. Tiểu truyện Nguyễn Du trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền có nhan đề “Nghệ An Nghi Xuân Nguyễn gia thế phả” ghi ngày sinh Nguyễn Du: Ất Dậu niên sinh thập nhất nguyệt, nhị thập tam nhật (乙酉年生十一月二十三日) và mất ngày mồng mười tháng 8 năm Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ I (明 命元年辰八月初十日). Phát hiện ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Du trước ngày 07/02/1964. Còn theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền thì có bản đối chiếu sai giữa âm, dương lịch về ngày sinh của Nguyễn Du theo Tây lịch là ngày 03/01/1766 là tính sai!
4. Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, tr.7,8,9. Bà Trần Thị Như Mân, chánh thất của học giả cùng chồng biên soạn một cách âm thầm nhiều năm trước năm 1965. Theo các tác giả biên soạn thì “Nguyễn Du đã phát triển hoàn chỉnh hai phần quan trọng của ngôn ngữ Văn học Việt Nam: yếu tố văn học dân gian và yếu tố văn học chữ Hán”. Xem trang 8, sđd.
5. Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên Phủ (Tập thượng), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa, Bộ QGGD, Sài Gòn, 1961, tr.85. 3 năm sau cát táng về quê nhà, rồi 2 năm sau cải táng về địa điểm khác của làng Tiên Điền. Hết chế, bốc mộ đem chôn ở chỗ khác gọi là cát táng.
6. Tập II, sách Tìm hiểu khi sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp (1902 - 1973), sđd cho biết sau năm 1789 Nguyễn Du trở về quê nhà ở Hà Tĩnh: .. “lấy săn bắn, câu cá làm vui”, (tr.147). Đó là ý nghĩa hai biệt hiệu của Nguyễn Du. Liệp hộ: người săn bắt; điếu đồ: người câu cá.
7. Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, sđd ở tr.8 viết: “Còn một điểm nữa cũng cần phải nhắc là Nguyễn Du sinh quán ở Thăng Long, tổ quán ở Nghệ - Tĩnh, mẫu quán ở Bắc Ninh, đã nhờ những điều kiện ấy mà dựng lên một ngôn ngữ có thể nói là gồm được đặc sắc cả ba khu vực quan trọng nhất của văn hóa nước ta thời trước”.
Xưa nay người tài trí, tài sắc không những là đàn bà mà ngay cả đàn ông cũng phải trải qua lắm “cảnh đoạn trường”.
8. Đại Nam Thực Lục, tập Một, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.632. Chú ý đến nhóm từ “Tiến sĩ Triều Lê cũ là Nguyễn Du..”. Sau đó mới kể đến Hương cống (triều Nguyễn cải đổi thành Cử nhân). Đời Lê chưa có học vị Tú tài, tiền nhân của học vị này là Sinh đồ. Đỗ Tam trường rồi mới vào Phúc hạch để xếp hạng đỗ Hương cống, hạng đỗ Sinh đồ.
9. Đại Nam thực lục, tập Một, Viện Sử học, Sđd, tr.918
10. Đại Nam thực lục, tập Một, Viện Sử học, Sđd, tr.650. Như vậy có 2 ông Nguyễn Du; 1/ Nguyễn Du lớn tuổi, đỗ Tiến sĩ, và 2/ Nguyễn Du nhỏ tuổi chỉ trúng cách Tam trường thi Hương dưới triều đại Lê Trung Hưng.
Định giá về người hỏng thi trường ba (Tam trường) của Thi Hương, ca dao có câu: Lui về nhắn mẹ cùng cha/ Mua heo ai trả lại trường ba hỏng rồi.
11. Từ điển Nhà Nguyễn, Võ Hương An, Nam Việt xuất bản, California USA, 2012, tr.418
12. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Trần Văn Giáp, Sđd, tr.147. Tác giả ngài ngại nên viết “Nguyễn Ánh” thay vì vua Gia Long.
13. Đại Nam thực lục, tập II, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.82 - 83. Đối chiếu giữa quốc sử và sử sách trong dân gian như Gia phả phải thường có sự chênh vênh, lệch lạc. Văn học sử tất nhiên phải dựa vào quốc sử.
14. Địa danh Nghệ An có năm 1030 đời Lý Thái Tông; năm 1469 vua Lê Thánh Tông đặt tên Nghệ An thừa tuyên, thời Tây Sơn gọi là Trung Đô, lại gọi trấn Nghệ An. Năm Gia Long thứ 1 gọi là trấn Nghệ An. Năm 1831, Minh Mạng thứ 12 lấy hai phủ Đức Thọ và Hà Hoa đặt làm tỉnh Hà Tĩnh. Ngôn ngữ xứ Nghệ được sử dụng trong Truyện Kiều tiêu biểu như câu 48: “Ngựa xe như nước, áo quần như nen”; câu 2266: “Hoa quan giáp giới hà y rỡ ràng”...
15. Hán Việt thành ngữ, Bửu Cân, Nxb: Nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1933, tr.198, 501... Sách do Phạm Quỳnh viết lời tựa bằng tiếng Pháp vì tên của từ điển này bằng tiếng Pháp là Lexique d’expressions Sino - Annamites usuelles. Bửu Cân dạy trường Quốc Học Huế trước năm 1933.
Hán Việt tự điển, Thiền Chửu, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.625, 705, 929.
16. Thật ra, vua Minh Mạng và các triều thần đã nhuận sắc, chỉnh sửa và đặt tên mới và về sau vua Tự Đức lại tiếp tục sửa chữa bổ sung thêm.
17. Xưa gọi người tài là tài tử, có nghĩa là tài nhân. Tài tử giai nhân ý chỉ người đàn ông có tài, người con gái đẹp sánh cùng, sánh đôi, cân sức cân tài, có thể sánh duyên kết nghĩa vợ chồng. Tài nhân còn là phẩm hạng của cung phi trong hàng cửu giai phi.
18. Xưa, sách tiểu thuyết chuyên chép những chuyện vặt. Đó là nghĩa của thuật ngữ tiểu thuyết ở phương Đông. Giới hạ lưu bình thường thích đọc, thích nghe loại sách này hơn giới thượng lưu trí thức.
19. Các triều đại Trung Hoa, Lê Giảng, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2008, tr.263, 264. Thế Tông Chu Hậu Tông (1522 - 1567), niên hiệu Gia Tĩnh, đời thứ 12 của Vương triều Minh tương ứng với triều Lê Trung Hưng của nước Đại Việt.
20. Văn Đàn Bảo Giám, quyển I, Tiểu sử các bậc thi hào Việt Nam (không ghi trang), Nxb. Mặc Lâm, Sài Gòn, 1968. Thời nhà Nguyễn thường gọi Trung Quốc là nước Thanh, Thanh triều.
21. Từ điển Tác gia Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, tr.1124. Đại Nam Thực Lục, viết Phạm Thích, không có chữ lót “Quý”.
Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Sđd tr.134
- Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760-1875) là bạn của Nguyễn Du, hơn 6 tuổi, người làng Hoa Đường, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương,
- Bắc quốc = nước Thanh, tức Trung Quốc hoặc Trung Hoa dưới triều đại nhà Thanh (1616 - 1911).
- Đề từ = đề tựa sách, người đề tựa sách là bậc thượng thừa trí thức, có uy tín và hiểu chuyên sâu về tác giả, tác phẩm của người sáng tác ra tác phẩm. Ngày xưa, người ta rất cẩn trọng trong việc chọn người viết lời tựa sách hoặc Văn bia hơn người đời nay nhiều lắm: Người khôn thì viết văn tế, người dại biên soạn văn bia”.
22. Đại Nam thực lục, tập II, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.134, 166, 413.
23. Còn có dị bản: Mê gì hơn đánh tổ tôm/ Mê ngựa Hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều. Xem Thơ văn Tự Đức, tập I, Ngự chế Việt Sử Tổng Vịnh, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.8.
Ở Bắc Hà trong dân gian lưu truyền câu ca dao: Làm trai biết đánh tổ tôm/ Biết chè Mạn Hảo, biến nôm Thúy Kiều. Chè tức trà, trà Mạn Hảo, thương hiệu nổi tiếng của Bắc quốc.