PHI TÂN
Thời tem phiếu, ba tôi là cán bộ xã nên năm nào cũng được phân một suất tem phiếu của Hợp tác xã mua bán gồm thuốc lá Sa Pa, trà Ngọc Sơn, rượu chanh Hà Nội rồi mấy bì kẹo chanh, thêm ký đường màu vàng vàng, vậy thôi cũng đã thấy hương vị của ngày tết rồi.
Tết ở quê tôi bắt đầu đến từ bến đò xóm Chợ. Không như những ngày thường, từ sau 20 tết bến đò bắt đầu tấp nập hơn. Làng quê bình lặng một ngày như mọi ngày sớm sớm chiều chiều chăm lo ruộng đồng bỗng sôi động hẳn khi có những người vừa quen vừa lạ trở về. Hồi đó thông tin liên lạc không hiện đại như bây giờ. Tin tức của người thân là những cánh thư. Mà thư thì nhanh cũng một tuần, muộn có khi cả tháng mới đến được với một vùng quê ngăn sông cách phá, xa thị thành. Cũng vì thế bắt đầu từ ngày hăm của tháng Chạp cho đến chiều ba mươi tết nhà nào có con cái hay em út đi xa thì cứ vào trông ra ngóng. Ai có người thân trở về trong những ngày giáp tết thì không khí xuân họp mặt đã đến sớm rồi… Xóm Kế của tôi có o Gái em chú Dũng rời nhà đi Nam tìm kế sinh nhai từ năm mười mấy tuổi. O đi biệt đến mấy năm mà cũng chẳng có thư từ. Bỗng tết năm đó o trở về trắng da dài tóc chẳng khác chi cô Thắm về làng trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Giao Tiên. Lũ trẻ con trong xóm mắt tròn mắt dẹt ngắm o với bộ cánh xênh xang phố thị. O Gái thì vừa phát kẹo cho chúng tôi cười cười nói nói: “Ui chao, xóm mình không thấy ai lạ cả, chỉ có tui là lạ thôi à”... Sau o Gái hai ngày thì chú Bảo, chú họ của tôi cũng trở về từ Sài Gòn xách theo một cái máy cát xét. Chú bước trên đường xóm cười khà khà nhìn lũ trẻ chạy theo bên mình và nói: “Mấy đứa bay tối nay lên nhà tao nghe anh Khánh với chị Tuyền hát dzạc xuân”. Tối hôm đó, cả xóm quây quần sân nhà chú Bảo ngồi uống nước trà nghe nhạc. Chú Bảo mở gói thuốc lá đầu lọc Chợ Lớn mời mấy người lớn còn con nít thì được phát kẹo. Giọng ca của nữ ca sĩ vang lên: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa - Một mùa xuân anh đã hẹn hò...”; chú Bảo thuyết minh luôn: “Chị Tuyền là hàng xóm cũ của Bảo này; còn anh Khánh thỉnh thoảng cũng ngồi lai rai với Bảo ở vỉa hè Sài Gòn. Chiếc băng cát xét này là của anh Khánh, thâm tình lắm anh mới tặng riêng cho Bảo để kỷ niệm. Nghe có phê không bà con?”
Sáng ba mươi tết, mẹ đong 10 lon nếp thơm rồi nói: “Con xách lên đi tết cho ôn Bụi”. Tôi ngạc nhiên: “Vì sao lại đi tết cho ôn Bụi mẹ?” Mẹ cười: “Thì ôn đã chích lể cho con hồi mùa hè đó”… Năm đó xóm tôi rất vui khi có thêm một gia đình mới tới định cư đó là gia đình ôn Bụi. Ôn Bụi đi tập kết ngoài Bắc từ năm 1954, làm công nhân nông trường Cờ Đỏ ở Nghệ An, không biết sao hòa bình hơn 10 năm sau ôn mời trở về quê sinh sống. Nhà ôn có đến 10 đứa con, trong đó có con Cúc sau này là bạn học của tôi.
Ôn Bụi về làng sinh sống và dựng ngay cái quán ở ngã ba xóm vừa bán quán, vừa gò hàn, sửa xe đạp. Cái quán cũng là nơi tụ tập của lũ trẻ con vừa coi ôn hành nghề, vừa bày mấy trò chơi nghịch phá. Nói chung thì ôn Bụi biết nhiều nghề nhưng cũng không phải là một người giỏi. Ôn gò xong cái xoong nhôm, múc nước thử thấy nước chảy ra ngoài là ông lấy mấy ngọn rau khoai bết vô nước hết chảy liền. Còn sửa xe đạp ôn chỉ rành mấy cái đơn giản như vá ruột, sửa con cốc, thay phanh… còn hư hỏng phức tạp thì ôn chịu. Hễ sáng mở mắt là ôn phải có vô bụng vài ly rượu đế. Ôn uống không nhiều nhưng đều, mắt lim dim và cười rất hiền, ai nói chi cũng mặc; con nít có hỗn ôn cũng chỉ nói “Mày ưa tau bồn vứt xuống ruộng khôn” cho vui vậy thôi. Tính ôn hiền nên mấy đứa con nít xóm tôi tha hồ cầm đồ nghề của ôn phá phách đủ thứ. Những ngày đầu hè, đi dang nắng nên tôi đổ bệnh sốt ly bì mấy ngày, uống thuốc mấy cũng không khỏi. Ôn Bụi chạy xuống nói thằng cu đau cái chi ôn chích lể cho, khỏi liền. Ôn chích lể đúng là thần diệu, cầm cái kim nhỏ ôn lể từ đầu đến chân chỉ hơi đau như kiến cắn; chích buổi sáng thì chiều tôi đã vùng dậy khỏi giường. Chuyện là vậy nên mẹ nói phải đi tết cho ôn Bụi. Tôi và thằng em lon ton xách bao nếp thơm lên đi tết nhà ôn Bụi. Gặp trước cổng nhà là ôn từ chối ngay tắp lự: “Nhà bây bày đặt, xóm giềng mà tết với nhứt làm chi, mang về đi rồi chiều tau ghé nhà làm cốc rượu tất niên”…
Những ngày cuối năm, khi mạ đã làm xong các loại bánh khô từ bánh thuẫn, bánh in, bánh bài, bánh lăn, bánh hột sen… ba tôi ra vườn chọn những ngọn lá chuối to nhất chuẩn bị cho nồi bánh chưng, bánh tét vào đêm 30 tết. Những tàu lá chuối to, lành lặn được chọn rồi rọc ra từng miếng, trời có nắng thì đem phơi còn trời mưa thì đem luộc qua cho lá mềm đi và sau đó lau sạch. Mà không phải ai cũng gói được bánh chưng, bánh tét. Bánh chưng còn có cái khuôn bằng tre để lót lá và đổ nếp nhụy vào gói theo khuôn, còn người gói bánh tét phải có hoa tay mới đẹp, mới ngon. Tết năm nào ôn Bỉ cũng là người lên giúp gia đình tôi gói bánh tét. Ôn là chồng của mụ Sâm o ruột của ba tôi vốn rất khéo tay và cẩn thận. Trước khi gói, ôn Bỉ ra hàng rào nhà tôi lựa một cây tre thiệt đẹp đốn xuống và chẻ lạt. Công việc chặt tre, chẻ lạt phải mất đến gần nửa ngày. Những sợi lạt ruột màu trắng ngà, vỏ màu xanh được ôn Bỉ chuốt thiệt cẩn thận sau đó xếp ngay ngắn bên rổ lá chuối. Đâu vào đấy, ôn mới kêu mạ tôi mang nếp, nhụy, thịt heo đã được chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu vào công đoạn gói bánh. Khi nào cũng vừa gói bánh ôn vừa kể những chuyện tết của ngày xưa, là chuyện hồi trai trẻ một mình ôn ăn hết đòn bánh tét mà bụng vẫn còn lỏn lẻn; chuyện ôn mụ nửa đêm gánh gồng đi tập kết chẳng mang theo thứ gì ngoài mấy bộ áo quần và mấy đòn bánh tét làm lương thực. Rồi chuyện cái tết đầu tiên trở lại quê nhà sau hòa bình, nhà không có nếp ôn phải đạp xe hàng chục cây số ra tận một làng quê ở Quảng Trị mua về gói bánh tét, bánh chưng. “Chao ơi, tết năm nớ bắc nồi bánh lên trước sân, cả mấy nhà trong xóm quây quần chờ giao thừa, rứa là tự nhiên tau khóc ngon lành vì quá sung sướng được đón cái tết trên quê nhà sau mấy chục năm xa cách”.
Cũng theo lời ôn Bỉ, bánh tét có thể để cả tháng vẫn còn ăn được nhưng kỹ thuật gói phải khéo, cho chiếc bánh thiệt chắc làm sao đó khi nấu nước đừng thấm qua lá. Có lẽ cũng chính từ đặc điểm này mà bánh tét đã trở thành loại bánh song hành dài ngày cùng bước chân di dân lập ấp của những người Việt ngày xưa trên những vùng đất mới? Sau tết, khi những loài bánh khô và cả bánh chưng đã hết sạch thì bà nội tôi mới hạ mấy đòn bánh tét được thờ ở bàn thờ chính, bàn thờ bếp và ở ngoài am xuống rồi lấy lạt từ chính những chiếc bánh tét tách ra từng lát một đem chiên lên. Những miếng bánh tét chiên vừa béo vừa thơm giòn hợp lạ lùng đối với những đứa trẻ thiếu chất một thời ở làng quê nghèo khó. Tôi còn nhớ câu chuyện về đòn bánh tét vùi dưới dòng nước con khe chảy đầu làng ba tôi kể. Đó là một buổi làm thủy lợi vét cát cho con khe làng chống hạn vào khoảng tháng 5 âm lịch. Tình cờ một người móc được một đòn bánh tét ngay dưới chân cầu. Có lẽ đòn bánh tét này do ai đó đánh rơi trên đường gánh đi chợ bán trong những ngày cuối năm. Điều lạ là đòn bánh tét dầm trong nước đó vẫn còn chắc nịch; bóc lá ra thì mùi vị của nếp, của lá, của thịt vẫn còn nguyên mùi tết. Những nông dân làm thủy lợi được một bữa nước lỡ ngon lành với đòn bánh tét của ai đó đánh rơi. Ba tôi lý giải thêm: “Đòn bánh tét còn ăn được là nhờ nó vùi dưới cát và nước cứ như sau này người ta bỏ tủ lạnh vậy”.
Ở quê tôi ngày trước chỉ có hai loài hoa cho ngày tết. Thứ nhất là hoa mai như một chứng nhân của thời gian, khoác chiếc áo màu vàng thanh thoát và gần gũi ngay trước sân nhà. Ngày tết không có cành mai trong nhà là chưa thành tết. Thực ra mai là một loài hoa bình dân từ thành thị cho đến thôn trang. Ở quê tôi ngày trước nhà nào cũng có trồng mai. Mai trước sân, mai trong vườn, mai ngoài ngõ. Có nhà phải đến chục cội mai quây quần quanh nhà. Bánh mứt đơn sơ nhưng năm nào trong nhà ba tôi cũng chuẩn bị một cành mai vàng đón tết. Có khi mai nhà, có khi mai của nhà người quen tặng cho. Bí lắm thì đến sáng 29, 30 tết ông ra chợ mua một cành mai với giá cũng dễ chịu. Sáng mồng một tết cành mai sắc vàng ấm áp báo rằng mùa xuân đã đến nhà. Bây giờ thú chơi cây cảnh phát triển, mai trở thành loài hoa quý phái trong chậu. Trên những con đường xuân xứ Huế rất khó gặp những cành mai đẹp một cách tự nhiên, dân dã, mà có nữa thì giá không bình dân chút nào. Những cành mai thân thương, gần gũi của những cái tết năm nào cũng đã trở thành ký ức…
Có một loài hoa khác cũng là vị khách quen của mùa tết đó là hoa vạn thọ. Quê tôi không ai gọi là vạn thọ mà cứ gọi là bông thọ. Từ tháng 10 âm lịch cây bông thọ được trồng thành từng vồng và đến tháng Chạp là kết nụ đơm hoa. Có 3 loại thọ phổ biến là thọ vàng, thọ trắng và thọ màu cam. Bông thọ dễ trồng, bông to và nhiều. Nhưng nếu không khéo chọn giống thì có năm thọ chỉ trổ những bông trơ cùi lơ thơ vài cánh, bọn con nít gọi là bông thọ cùi. Thuở nhỏ, được nghỉ học đón tết, cái thú vui của bọn con nít xóm tôi là đi ngắm bông thọ để chờ tết. Nhà tôi cũng có trồng bông thọ nhưng chỉ trồng chơi vài cây cho vui; nhưng nhà ông Tâm hàng xóm thì trồng rất nhiều bông thọ. Khoảng 27 tết là ông bứng thọ vào mấy cái sọt tre chở ra chợ bán. Bọn con nít trong xóm cũng đi theo, rồi cũng mời khách hàng mua hoa. Thấy ai mua hoa thì bọn chúng rất vui. Những năm sau này, làng tôi có thêm nhiều loài hoa khác từ cúc đại đóa, thược dược, cúc Đà Lạt, lay ơn. Cũng vì thế bông thọ ít được trồng rồi dần mất. Nhớ một loài hoa bình dị của những cái tết tuổi thơ...
Tiếng pháo chiều 30 tết bắt đầu rần vang từ xóm Chợ độ bốn giờ chiều. Ba nói: “Nghe tiếng pháo đã biết nhà giàu”. Nhưng rồi khắp cả làng tiếng pháo tất niên cũng đì đùng báo tết. Đó là một phong tục cũ. Dù giàu hay nghèo, đến tết nhà nào cũng mua bằng được hai phong pháo đốt vào chiều 30 khi cúng tất niên và đốt khi đón giao thừa. Ba tôi nói: “Đốt pháo trong lễ cúng tất niên cũng là cách mà con cháu đón hương hồn ông bà cha mẹ về vui tết. Sau lễ cúng tất niên thì những người thân đã khuất cũng về với con cháu trong ba ngày tết cho đến ngày cúng đưa. Nhà ai có điều kiện thì trong lễ cúng đưa ông bà cũng đốt thêm một lần pháo nữa”.
Mâm cúng tất niên được đặt lên bàn thờ ông bà; xông trầm, thắp nhang xong là ba châm pháo. Lòng con trẻ cũng reo vui theo tiếng pháo. Con chó Tô nhà tôi nghe pháo là cụp đuôi chạy một mạch ra cánh đồng làng; mà không chỉ con Tô mà con Vá, con Nô, con Vện, con Phim của mấy nhà trong xóm đều cắm đầu chạy ra đồng vì sợ tiếng pháo. Tôi cũng chạy theo chúng ra đồng. Cánh đồng làng chiều 30 tết bảng lảng màu khói pháo và khói bếp theo gió cuộn từ thôn xóm ra dìu dặt trên sắc xanh của lúa thì con gái. Cũng như những chú chó, đàn bò nhà ai cũng láo nháo chạy lung tung trên bờ đê khi nghe tiếng pháo. Chỉ có mấy chú trâu là bình thản gặm cỏ. Mấy đứa ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đọc vang những lời đồng dao: “Mồng năm ngày tết ăn chơi - Ba thằng chự vịt mang tơi lè kè”. Nghe lời đồng dao này có thể hiểu là chiều nay, mấy đứa cho trâu gặm thiệt no bụng. Ngày mai là tết trâu không ra đồng mà ở trong chuồng gặm cỏ để cho chủ nó đi chơi Tết.
Chiều 30, chỉ còn lơ thơ mấy bóng người trên cánh đồng làng. Là một bác vác cuốc ra đồng be lại cái bờ để giữ nước cho miếng ruộng nhà trong mấy ngày chơi tết; là một o tranh thủ vớt đầy rổ bèo dành sẵn làm thức ăn cho heo; là thằng nhỏ đi cắm câu ở mấy đám ruộng sâu chắc để tối giao thừa kiếm thêm vài con cá… Tôi đứng ở cánh đồng nhìn về xóm nhỏ thân thương thấy trên đường làng mấy bác khăn vành, áo thụng dắt thêm vài đứa nhỏ chắc là đi ăn tất niên nhà nội nhà ngoại trở về. Tiếng pháo cứ đì đùng, đì đùng trong bóng hoàng hôn chiều cuối năm rồi tắt hẳn. Tết rồi! Lúa đang xanh, ngò cải vẫn đơm hoa trong ngọn gió se se từ dòng Ô Lâu thổi lại. Đứng thật lâu và soi mình vào cánh đồng làng để biết rằng đất trời đang tết, hoa cỏ quê nhà đang vào xuân. Nghe như bao yêu thương trìu mến đang ùa về… Chiều 30 tết êm đềm của tuổi thơ giờ thành xa vắng. Mới đó đã hơn mười năm xa làng, xa những chiều cuối năm mộng mị.
P.T
(SH324/02-16)