LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
Đứng trên đồi sầu đông, kia mùa xuân chở bao nguyện ước bay theo từng cơn mưa phùn nhuốm bạc dòng Hương. Dưới ánh nắng non vàng dìu dặt trong cái lạnh se, chợ hoa bắt đầu khai hội từ vườn Phu Văn Lâu và trên những con đường quen thuộc ngày nào. Hoa vàng thắp lửa, xuân rạo rực đất trời.
Thuở tôi còn bé, từ tháng 7, ba tôi đã đi kiếm mầm hoa về trồng trong khu vườn nhỏ. Những giống hoa dân giã như cúc vạn thọ, hoa đồng tiền, lay ơn, thược dược và hàng hướng dương mọc giữa vườn đều được chăm bón cẩn thận. Trên giàn tre, hoa sử quân thơm ngát quyến luyến giọt sương mai. Và cái công việc trảy lá hoàng mai từ giữa tháng 11 gợi bao nỗi da diết. Tết đến, hoa nhà nở rộ cả vườn xuân. Tôi nhớ mãi những buổi sáng tinh khôi, thức dậy ngây ngất giữa khu vườn đầy hoa, lảnh lót tiếng chim hót mãi tháng năm.
Tuổi nhỏ tôi hay được theo chân mệ đi chợ quê. Trước ngày 23 tháng Chạp, những sào hoa giấy Thanh Tiên thấp thoáng khắp đường phố nẻo quê; những ông Táo bằng đất nung, con ảnh Lại Ân, cát trắng chân hương ngập tràn các chợ mang hơi thở xuân len lỏi trong từng căn nhà, liếp vách. Sào hoa giấy Thanh Tiên được làm từ một đoạn tầm vông chắc, một đầu gắn với cây chổi rành, bó lại rồi cắm từng nhánh hoa giấy lên, nổi bật giữa chợ tết tấp nập bán mua. Cứ thấy sào hoa giấy là biết Tết đã về rồi, gần, gần lắm... Những bông hoa giấy, có 5 màu (ngũ sắc) tượng trưng cho ngũ Hành và có 8 bông, xưa tượng trưng cho Tam Cương - Ngũ Thường theo quan niệm Nho gia và bao giờ cũng có một bông hoa lớn ở chính giữa, thường là màu vàng (tượng trưng cho vua) hoặc màu đỏ (tượng trưng cho mặt trời). Mệ tôi thường đi chợ sớm, lựa những cặp bông màu đẹp nhất, vừa đối xứng vừa đều hoa. Tôi được giao việc cắm hoa giấy lên am trời, trang ông, trang bà và bếp Táo. Ở chợ quê Thần Phù làng tôi, các chị các o bày bán ông Táo, con ảnh Lại Ân, tranh tượng bà Bà, tranh tượng Bếp trên những tấm trẹt, mủng kèm theo gương, lược, cát trắng lư hương và thường là ngồi ngoài cùng, nơi sạch, ráo và dễ thấy nhất. Tranh tượng Bà là tranh thờ, vẽ hình một nữ nhân cưỡi voi, phía sau có hai thị nữ cầm quạt đứng hầu, thường được treo trên những chiếc trang bổn mạng với ý nghĩa bà sẽ giúp đỡ và độ mạng cho nữ gia chủ. Còn tranh tượng bếp in hình ba người ngồi trên trang bếp là bà Thổ Kỳ, hai ông Thổ Công, Thổ Địa. Các con ảnh in từng hình đàn ông, đàn bà, trẻ con mang ý nghĩa “thế mạng” cho người trong gia đình và phải ghi tên người tương ứng lên con ảnh để dùng cúng đầu năm. Phần cát trắng, tùy vào số bát hương thờ ở nhà để mua vừa dùng, tránh dư, đổ đi đáng tội. Mỗi lần mua cát, mệ lại kể câu chuyện đi bán cát năm nào để có thêm tiền ăn tết. Đàn bà, con gái cả làng rủ nhau về những độn cát gần biển, mà phải là cát trắng tinh, xúc vào đầy thúng gánh về, rửa qua nước, lọc bỏ rác bẩn, phơi khô rồi mới gánh đi bán. Bán chợ quê xong, lại lên phố, vì phải đi bộ nên từ 3 giờ sáng đã gồng gánh giữa lạnh, giữa mưa mù, nhiều khi mưa to cát nặng gánh không nổi chỉ biết đứng khóc. Tôi nhìn ra ngoài vườn, mưa sa xuống vườn hoa, một chút buồn da diết gợn lên đây đó những mùa xuân nhọc nhằn.
Sau ngày đưa ông Táo, chợ vẫn họp đều để bà con có thể mua sắm những vật dụng cần thiết. Từ áo quần, ly chén đến bông ba hoa quả đều được mua về, đặc biệt nếp và đậu xanh để gói bánh chưng, bánh tét được ưu tiên mua trước. Hàng đắt nhất và vui nhất là đi chọn mứt, bánh về đãi khách. Thường để chọn được hàng ưng ý, cả nhà tôi lên tận chợ Đông Ba. Ngày đó, ba mạ tôi cho hai anh em lên xe lam, giữa đường tha hồ ngắm cảnh phố xá đông vui, người người qua lại nhộn nhịp. Chợ Đông Ba trong trí tưởng bé thơ thật khổng lồ. Tôi như lọt thỏm trong thế giới của vô số hàng hóa chất cao ngút mắt và hàng ngàn con người tất bật bán mua. Ngay mặt tiền, trước bảng chữ “Chợ Đông Ba” to đùng là hàng hoa, bánh mứt thơm ngát. Đi qua những gian hàng ấy, tết đã nằm ngay trước mắt. Tôi cố hít thật sâu, thưởng thức tất thảy hương vị ngọt ngào của phiên chợ Tết. Mua gì thì mua nhưng thiếu mứt gừng, hạt dưa xem như cái khay mứt thiếu vẹn toàn. Hồi đó, nhà tôi chẳng mấy dư dả, nhiều nhất vẫn là mứt dừa xanh xanh đỏ đỏ, ngoài ra thêm bánh thuẫn, bánh in vậy là đủ để thết khách rồi. Đi chợ Đông Ba là cơ hội để thưởng lãm hết cái “gallery khổng lồ” những thứ hàng hóa mà ở quê hiếm khi thấy được. Những bộ quần áo may sẵn đủ sắc màu, những bình hoa giả y như thật hay thế giới của những đồ chơi tết được bán sớm hấp dẫn sự tò mò của lũ trẻ chúng tôi. Thời ấy, đồ chơi hiện đại như súng nước, súng điện tử, xe dây cót, dây rút đã bắt đầu len lỏi giữa những thứ đồ chơi truyền thống như trống giấy, ống tiêu tre, heo đất, con thổi bằng đất nung. Nhớ nhất là những con tò he làm bằng bột sắn, nặn đủ hình tượng nhân vật như Tôn Ngộ Không, chim chóc, 12 con giáp và thế nào chúng tôi cũng “bắt” về chơi bằng được. Khi ra khỏi chợ, anh em chúng tôi đều có một bộ quần áo mới diện trong mấy ngày tết và không bao giờ quên mua một bong bóng bay xem như chuyến đi chợ tết đã mãn nguyện. Mỗi lần ra đến cổng chợ, cái cảm giác hàng lá me bay là đà trước mặt, giăng lên tóc tôi cùng với làn mưa dịu trong buổi chiều cuối năm lành lạnh đọng mãi trong tâm khảm. Những cái tết ấm, đủ đầy như thế của tuổi thơ không phải năm nào cũng trọn vẹn. Hồi cấp I, mạ đan cho cái áo len màu cà phê sữa, mặc rất thích. Được mấy mùa, áo rách, mạ vá thêm miếng len khác màu dùng cho đến khi chật hẳn. Nhìn bạn bè xúng xính cuối năm ở trường, đôi khi lòng con trẻ thắt lại... Những quả bong bóng bay là niềm ao ước của lũ trẻ nghèo trong xóm. Năm ba mạ túng tiền, mua một bong bóng bay khó lắm. Về nhà, tôi thả bong bóng bay lên tận nóc, một đầu dây kéo xuống tận đất, cứ thế mang đi khắp xóm. Mùa xuân treo trên bong bóng đo đỏ vàng vàng…
*
Nhớ những đêm cuối năm lên chợ đầu mối Bãi Dâu lấy hoa về bán lại. Tháng Chạp năm đó trời rét đậm, lạnh tím tái thịt da. Bất chấp giá lạnh và cơn buồn ngủ, 12 giờ khuya anh em tôi chạy xe lên chợ. Quãng đường 12km mưa lướt phướt, từng góc phố hàng cây thu mình trong giá lạnh. Đường không một bóng người, lâu lâu mới có một chiếc xe chạy ngược chiều vội vã với hàng hóa chất cồng kềnh. Tới cầu Chợ Dinh, không khí bắt đầu nhộn nhịp. Và kia rồi, chợ Bãi Dâu tấp nập bán mua giữa đêm khuya. Trong cơn mưa phùn, người mua kẻ bán, trả giá rộn ràng mặc mưa mặc lạnh. Cảnh sầm uất làm người chúng tôi ấm hẳn. Chợ đầu mối Bãi Dâu cung cấp nhiều loại sản vật để phục vụ Tết Nguyên Đán. Từ hoa quả cho đến các loại rau củ, hương liệu nông sản đều có mặt nơi đây. Từng đoàn xe tải trong Nam, ngoài Bắc ồ ạt kéo về bốc dỡ hàng hóa. Hoa ở chợ đầu mối thường bán cành, là hoa từ Đà Lạt ra với các loại thược dược, huệ… và các loại hoa cúc, vạn thọ từ các làng hoa gần Huế như Tiên Nộn, Phú Thượng, Ngọc Anh, Hương Xuân… Hoa Huế thường được bán sỉ, tính thành từng bành. Khách mua trả giá xong chỉ cần quấn bành lại chất lên xe mang về. Mỗi bành mua về bán lại từng cây một, lời gấp 2 đến 3 lần. Cả một hàng dài những người bán hoa dài mấy trăm mét bên lề đường, khách thương tha hồ lựa chọn những bành hoa đẹp nhất. Mưa cứ rơi trên đầu, túa xuống thành những dải vàng bay qua ánh đèn đường giữa khuya. Chúng tôi cẩn thận lựa những bành có hoa đẹp nhất, nhiều hoa chớm, cành lá thẳng thớm, tươi tắn. Một cụ ông ngồi khuất bên lề đường, cất lời mời như run: “Con mua hoa cho ôn với!” Tôi nhìn bành hoa của ông với những bông hoa đã nở quá ngày, nhiều bông tàn, rất khó bán. Mưa làm ướt gương mặt ông, quắt queo chùm râu bạc. Ông đạp che chở mấy bành hoa từ dưới Phú Mậu lên, hoa do bà vợ hái hồi chiều, tuổi già sức yếu nên được bao nhiêu quý bấy nhiêu. Hai ông bà gần tám mươi tuổi, không con không cháu, sống nhờ mấy sào ruộng, mấy vồng hoa cúc. Chúng tôi mua hai bành hoa bê lên xe. Gương mặt ông vui mừng, cầm chút tiền vào sâu trong chợ mua sắm cho cái tết đã rất gần. Bóng ông chao đi trong mưa, rồi khuất sau những gian hàng tết.
Ở chợ đầu mối, hoa lay ơn Đà Lạt rất được ưa chuộng, có màu đỏ, màu cam, màu hồng nhung và có giá khá đắt. Người mua phải chọn hoa, giành hoa từ tay thương lái. Mua đủ lượng hoa để bán trong vài ngày, chúng tôi chất hoa lên xe về. Trời cũng vừa hửng sáng, cái lạnh vơi đi. Cứ hết hoa, lại lên chợ đầu mối cho đến ngày 29 tết thì mọi việc dừng lại. Nếu siêng thì ra năm, tới ngày mồng Ba lại đi chợ. Nhờ những bành hoa ngày tết, chúng tôi có thêm chút ít, phụ ba mẹ trang trải tết trong nhà. Những đêm cuối năm, nằm ngủ trong phòng ấm, lòng muốn vùng dậy sớm, chạy lên Bãi Dâu hưởng cái không khí thơm hoa ngày tết.
Cuối năm mọi thứ như nén lại, rồi bung ra theo từng dòng hồi tưởng. Nồi bánh chưng, bánh tét năm nao đậm hương khói cuối đông. Hồi đó, ba tôi nấu rượu, nhà lúc nào cũng thơm men ủ. Cuối năm, rượu tết người ta dùng nhiều, cất hết nồi này đến nồi khác. Tôi ngồi canh rượu giọt, canh chai lấy rượu bọt, rượu nhất dùng để ngâm rượu uống ba ngày tết. Tôi ngồi canh rượu suốt. Nấu hết mẻ rượu, ba lại khều than sưởi ấm cho cả nhà gói bánh chưng, bánh tét.
Muốn có được nồi bánh ngon mất rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là phải có nếp, đậu xanh là nguyên liệu để làm bánh. Hồi đó nhà tôi làm ruộng, ba luôn chừa độ nửa sào để trồng nếp. Năm nào được mùa, mệ đong vài thúng nếp ra chợ bán. Đậu xanh phải mua sớm, chọn loại hạt căng, to, đậu mới, vỏ màu xanh lá đẹp mắt, mùi thơm, không bị hăng, không sâu mọt. Việc chọn lá chuối cũng được chú trọng, chọn lá dài, dộ dày vừa phải, không bị thủng, thường là lá chuối hột, chuối sứ được trồng sau vườn. Anh em tôi dùng câu liêm hái lá chuối hoặc lấy liềm cột cán để cắt lá. Mệ dùng dao cau tách lá, đem phơi qua nắng. Lạt để gói bánh thường dùng lạt ống đương, vừa dẻo, vừa dai, chẻ trước mấy ngày để phơi cho kịp nắng. Để gói nhanh, mệ nhờ thêm vài o hàng xóm qua ngồi gói bánh giúp, vừa gói vừa nói chuyện, ăn hột dưa, mứt gừng, uống nước trà, pha chuyện rôm rả. Tết đã lân la đến nhà rồi đó. Việc nấu bánh mất khá nhiều thời gian, tầm một ngày, lại thêm công chăm bếp, chêm nước để bánh không cháy, không ướt. Nhà tôi có nồi nhôm gang dày, to nhất xóm, mỗi lần nấu từ 30 - 40 đòn bánh, đủ để dùng trong mấy ngày tết và biếu tặng bà con, xóm giềng. Khi hạ nồi, lắm khi do cái tật táy máy của tôi mà nhiều đòn bánh bị ướt nhẹt. Lỗi do tôi quấn lạt không chặt, cứ thế mà vặn vẹo, hở lá, hở bánh.
*
Tết đã về ngoài sân. Cây hoàng mai bằng tuổi tôi nở hoa trong phiến nắng. Ba tôi suốt đời mê hoàng mai, trồng hoàng mai khắp nhà. Trong tiết trời se ẩm, từng lớp trấu xanh phủ ngoài sắc lụa đang e ấp ngủ bắt đầu nứt vỡ. Một sớm xuân, “ấn vàng năm cánh” hoàng mai trang đài đóng dấu xuân lên xứ mưa mù.
Hoàng mai từ xa xưa đã nằm trong bản sắc Huế, ủ lung linh những giá trị văn hóa cội nguồn của vùng đất hơn 700 năm thăng trầm một Huế đô trầm mặc. Hoàng mai có khí tiết của loài hoa thiêng, cảm giao với tâm hồn, tính cách của người chơi đến nỗi nhìn một chậu mai ngày tết, người ta có thể đoán được người ấy đang nghĩ gì. Hoàng mai - hồn người là vì vậy. Chưa kể nhìn sắc diện, cành, bông mai, người Huế còn ngẫm suy đến khứ lai của một người, một gia đình. Hoàng mai ăn sâu vào tiềm thức của người Huế như một biểu tượng bất biến của mùa xuân, ở mức độ nào đó như nhà văn Trần Hạ Tháp nói, người Huế còn có cả một “mai đạo” dạn dày. Thứ “mai đạo” phát khởi từ tính biểu tượng của hoàng mai, cách chăm chút đến sự thưởng thức ý vị như thú chơi của kẻ tao nhân.
Mùa xuân xứ Huế không có hoàng mai như người con gái đẹp không lụa là, không phấn hương. Mai ướm cả màu vàng của tạo hóa dát lên xiêm áo, tô vẽ cho đất trời một màu xuân. Màu vàng kiêu sa xiêm áo các nàng công chúa sau Tử Cấm Thành. Mai mỏng mảnh như rẻo cúc dại trên đồi Vọng Cảnh. Hoa nở lụa làm đất trời hân hoan, và rằng “Mai hoa ưu vu hương”, mặc gió đàn chuyển hương đi muôn hướng. Cái vẻ hoàng mai ở mỗi không gian, cuộc đất khác nhau dù cũng nằm trên đất Cố đô. Hoàng mai bên những ngôi cổ tự, tịnh khiết vô ngần. Nhớ mãi bóng hoa vàng ở các tổ đình Từ Hiếu, Bảo Quốc... Lặng ngắm mai rung rinh lộc biếc trong tiếng mõ cầu kinh không gì thanh nhã hơn. Các vị tăng chơi mai cũng là làm trong cái tâm, uốn nắn tâm theo chánh đạo. Mỗi cánh hoa là một chủng tử gieo trồng căn tín. Mai cổ tự phải chăng “tu tập” qua cái dáng khẳng khiu như một khất sĩ khổ hạnh. Nhớ một vị tăng già sống trong tịnh thất bên rừng thông, suốt đời chỉ trồng và chăm một cây mai trên đá núi như Châu Lợi Bàn Đà Già, một đệ tử đức Phật suốt đời chỉ học một bài kệ mà thành chánh quả. Cây mai núi của tăng già quắc thước bám những chiếc rễ dẻo dai lên đá núi, hút dinh dưỡng từ lớp mùn ít ỏi, vẫn sống bừng bừng sinh khí như ngọa long cuộn mình trên đá. Không có cánh hoa nào tinh khiết như cánh hoa mai, hoa “không chịu” lấm bụi, là cốt cách hoa để người quân tử. Hoàng mai trên đá núi cho hoa như trời hạ cho mây, cô lẻ, điểm xuyến, không rộ vàng, chật sắc. Đó là cái tính kiệm giản của kẻ muốn thoát khỏi vô thường. Ngắm hoa, soi mình là một cái thú thanh tao của cổ nhân cảm giao với trời đất.
Chợt nhớ ông cụ họ cả đời quanh quẩn bên gốc mai già. Ngày đông giá, cụ giữ ẩm cho cây bằng những mùn rơm, khô dừa, tưới ấm cho mai những giọt nước ấm cho nụ sớm nhú. Năm nào một góc nhà cũng choáng rực sắc vàng. Cụ chống gậy ngắm mai nở trong nắng xuân, bóng khẳng khiu góc sân rêu mục. Cánh mai rơi nhẹ trên mái tóc trắng cước tựa như một mảnh lụa vàng rơi giữa mênh mông tuyết. Mỗi mùa mai, ba lại dắt tôi qua nhà cụ chúc Tết. Cốc trà nóng lan tỏa trong tay, đẩy lùi giá lạnh hắt hiu ngoài song. Bên hiên trải chiếu, mai tỏa hương dịu. Cụ nhấp chén trà, lim dim đọc câu thơ Nguyễn Du: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người thân”. Cụ nói trong rừng xa, có một ngọn núi trên đỉnh đầy mai cổ thụ, xuân nở như chốn bồng lai. Thời trai tráng, dăm lần cụ vào miệt ấy phát ngọn tìm cây mà vẫn chưa thấy non mai huyền thoại. Cụ ước một lần thưởng trà dưới những cội mai già giữa sương mù lạnh. Xưa hoàng mai là cây rừng mọc ẩn trong núi xa. Nghe chuyện huyễn rằng có thi nhân vì mê dáng vẻ tiêu phong, cao quý, mê màu vàng mây lụa ấy đã đem mai về đồng bằng, phố thị, từ đó mai được tôn làm “quốc trưởng” của hoa xuân. Chuyện cũng là chuyện, chẳng ai nhớ nổi hoàng mai hiện diện trên xứ sở này từ bao giờ. Mắt cụ nhìn xa xăm, ánh mắt nhuốm những cánh vàng mơ. Ba ứng khẩu hai câu của Nguyễn Trung Ngạn: “Cốt cách mai rừng nguyên chẳng tục/ Phong tư hạc biển vốn không bầy” hòa vào cái đồng điệu của người luyến cảnh non mai.
Ngày giêng trăng sáng, tôi ghé thăm nhà người bạn vong niên, một nữ sĩ. Trước nhà một cây mai cổ thụ cao chắn ngang lối đi. Làm nhà mới, nữ sĩ quyết không chịu chặt cây mai mặc cho diện tích nhà nhỏ đi, khuôn viên méo mó. Người thích cảnh mai rung rinh lộc biếc giữa sớm mù sương, cánh vàng trong pha lê, nhô ra từ những chồi biếc xanh như ngọc. Mùa xuân đến, hoa nở vàng căn nhà nhỏ, mai rừng một thời xuân xanh băng suối vượt đèo. Giống hoàng mai rừng chính hiệu với lá xanh mỏng dài hoang dại, thân gốc xám mốc sử thi. Đêm xuân, uống trà dưới tán hương mai, cả chốn đào nguyên cũng chỉ vỏn vẹn một tuần trà đây. Dưới trăng, bóng người từ vô thỉ hóa hư không. Cành mai khẳng khiu xuyên qua trăng. Trăng vàng thơi thả những luồng tơ nhập vào thiên đối ẩm. Ngắm hoàng mai, thời gian rơi, rồi lấp khuất như thứ mật ngôn buồn. Ngày xuân qua mau, mỗi ngày từng cánh rơi rụng chân hoa. Ngày qua ngày, cánh hoa rụng trở thành thảm lụa vàng mê hoặc, góc sân cũng bừng ánh sáng vàng của nắng. Ngày ba tôi mất, cây hoàng mai nhuốm buồn, dần héo hon, rụng lá, tàn lụi xác khô. Mai thủy chung, son sắc tựa cốt tình chân sơ. Người mất, mai hóa cô quạnh.
Xuân đã về ngoài hiên, tết bắt đầu rộn rã. Hoàng mai đã nở giữa sương khói kinh thành. Sau chén trà sớm, tôi rủ cả nhà ra chợ, mùi tết thơm lừng trong làn gió ấm. Ghé chợ Đông Ba, ngắm hàng me non mới trồng lại, lục lọi từng ký ức năm nao còn đây đó trong những gian hàng cũ, trên lầu Chuông và những mùi vị quen thuộc đang dần vào quên lãng. Tôi lặn ngụp trong hương xưa, tìm lại bóng hình của những mùa xuân đẹp như tranh làng Sình, lung linh như sào bông giấy Thanh Tiên và thơm ngọt mùi mứt tết chợ Đông Ba.
L.V.T.G
(SH324/02-16)