TRẦN BẢO ĐỊNH
1.
Hồi chiến tranh, đơn vị tôi đóng ở vùng Thất Sơn. Tiếng là, đóng ở vùng Thất Sơn nhưng thiệt ra, đơn vị luôn di chuyển nhằm đánh lừa địch, giấu tung tích và bảo toàn lực lượng.
Có thể rạng sáng đơn vị ăn cơm sớm, đề phòng “chống càn”. Trời chạng vạng, đơn vị đã đứng chân ở phía tây Tri Tôn. Người lính ở hai phía đối nghịch, đều cực sơn trường, sống chết và phiêu bạt như nhau. Nói cho cùng, chất chiến binh mỗi con người không thể khác.
Nhớ cái Tết năm 71, đồng bào tổ chức cho đơn vị đón Xuân và ăn Tết ở núi Bà Đội Ôm. Chiều cuối năm, gió núi Két chở nắng Nhà Bàng qua cánh đồng biên vực Tri Tôn, làm ấm lòng những đứa con của miệt ruộng, miệt vườn... vì tình quê đã ly nông cầm súng, ra đi không hẹn ngày về. Tôi ngồi uống rượu cùng cụ Lão Sơn, tuổi áng chừng cũng đã vượt qua hàng bảy. Tôi phải nói như vậy, vì cụ chưa bao giờ tính tuổi mình mà, muốn tính chả biết sao tính; bởi cụ mù chữ, vùng nầy từ thuở tạo thiên lập địa không có lịch, chỉ là quanh quẩn ngày đêm, sáng tối. Màu trời chiều ráng vàng và ửng hồng lên những tia nắng hấp hối, cụ nhấm nháp rượu rất chậm như tiếc và nuối tích tắc thời gian năm cũ. Hình như, có một cái gì đó trải vào lòng tôi buồn buồn... bàng bạc khói sương, không rõ lắm! Bất chợt, tôi nhớ nhà!
Tôi cầm ly rượu, xin phép và mời cụ. Chẳng đợi cụ cho phép, tôi ực một phát nhanh hơn đầu đạn rời nòng súng, rồi khà một tiếng giấu tâm trạng riêng mình. Tôi đánh trống lảng, hỏi cụ:
- Thưa cụ, quê mình sao gọi núi Bà Đội Ôm?
Cụ khất lại cái khăn quấn đầu, vấn thuốc rê Gò Vấp:
- Cái năm nẳm, qua nghe nội qua kể: Vào buổi sơ khai, người chồng lên núi “phá sơn lâm” khẩn đất. Vợ đội gạo lên núi cho chồng. Đến nơi, vợ không gặp chồng, nàng đội gạo đứng chờ chồng mỏi mòn và hóa đá. Dân quanh vùng từ đó, gọi núi Bà Đội Ôm!
Cụ rít một hơi thuốc thiệt sâu, khói bay theo thời khắc chờ đợi đón giao thừa và chuẩn bị giờ khởi đầu hưu chiến của cả hai phía. Cụ tự rót thêm rượu vào ly.
- Qua thuộc dân “đàng cựu”, dẫu rằng dốt chữ nhưng, cũng biết đôi chuyện kỳ bí ẩn chứa tín ngưỡng tâm linh được lưu truyền từ buổi lưu dân lập ấp ở miền biên địa Thất Sơn nầy!
Đôi mắt cụ vụt sáng lên.
- Năm non bảy núi ở đây, có gần 40 ngọn núi lấy tên đá đặt tên mình. Cậu biết tại sao không? Tại vì, đá chất chồng lên nhau tạo thành núi; núi chẳng thể tạo ra đá. Núi chớ dại dột quay lưng hoặc phản bội đá; nếu chuyện đó xảy ra, núi sẽ không là núi. Một khi đá bị khai thác và người lấy đá đi thì, núi tự biến mất trên mặt đất. Lẽ đương nhiên của trời đất.
Rồi, như một vị tướng quân, cụ ra lệnh:
- Qua để ý từ lúc trưa bộ đội về đóng quân, ngó cách đào lò nấu cơm, giặt giũ, phơi phóng... là qua biết ngay, mấy cậu thuộc dân miệt vườn, chớ chẳng dân tại chỗ.
- Dạ, thưa cụ! Tụi cháu ở miệt Vĩnh Long, Sa Đéc, mới tham gia chiến trường nầy lần đầu. Có gì, xin cụ chỉ vẽ đường đi nước bước.
Đợi tôi nói xong, cụ cười:
- Qua mách nước giúp cậu hai việc rất đơn giản mà hệ trọng: Một là, ngày mai nên chuyển quân vào lòng núi Cấm cho an toàn. Núi có thể sạt lở do bom. Đá thì không! Bom chẳng nhằm nhò đối với, nên người đời thường bảo “trơ trơ như đá...”.
Cụ sợ tôi hiểu lầm, cụ nói rằng: Chẳng phải bà con ngại tốn cơm gạo bộ đội mà, nếu đóng quân như vầy sẽ ăn pháo từ Quân trường Chi Lăng, Nhà Bàng, Tri Tôn... Đơn vị cậu chắc chắn hứng chịu sự tổn thất khó lường. Chưa nói máy bay từ Cần Thơ, chưa nói thỉnh thoảng và bất chợt pháo đài B52... Tôi nghe mà rợn xương sống.
Cụ tằng hắng lấy hơi:
- Hai là, bọn khỉ.
Tôi quá đổi ngạc nhiên, vội hỏi lại:
- Thưa cụ, cụ nói cái gì, cụ?
Giọng nói của cụ đậm đặc và cộc lốc:
- Khỉ!
Cụ nói chưa dứt tiếng, ngoài bìa núi ồn ào và có tiếng la í ới của anh em đơn vị. Tôi phản xạ theo thói quen của người lính, nhỏm đít vụt đứng dậy, chạy một mạch đến điểm có những tiếng la hét. Một cảnh hãi hùng, bầy khỉ từ đỉnh núi lẻn xuống nơi đóng quân trộm ba lô bộ đội; trong đó, con khỉ đầu đàn trộm khẩu AK 47 báng xếp của đồng chí Trung đội trưởng Trung đội 2. Chúng máng tòn teng ba lô trên những cành cây dầu cao trật ót. Con khỉ đầu đàn ngồi vắt võng ở chãng ba cây sao cổ thụ, tay cầm khẩu AK 47 xăm xoi, nghía tới nghía lui ra chiều thích thú.
Tôi bị bất ngờ ở tình huống tao ngộ vượt ngoài trí tưởng. Tôi đâm lo, vì thường bộ đội di chuyển đội hình hành quân, đạn sẵn sàng lên nòng trong tư thế chiến đấu và súng chỉ khóa an toàn. Khẩu AK 47 chắc không ngoại lệ của lập trình đó. Con khỉ chỉ cần tháy máy tay chân làm bật khóa an toàn súng thì, chuyện thương vong cho đơn vị, cho cô bác ở cái xóm nghèo nầy sẽ xảy ra khôn lường. Tôi đắn đo suy nghĩ, định hội ý chớp nhoáng với anh em để tìm cách thu hồi khẩu AK 47. Một bàn tay khô đét đập vai, tôi giật mình xoay mặt lại. Thì ra, Cụ!
- Trở vô uống rượu tiếp, cậu bộ đội!
Trời đất, tình hình nầy còn tâm trí, lòng dạ nào mà uống rượu. Tôi dợm nói lời từ chối, như hiểu ý, cụ bạnh cái miệng không còn răng thành móm ra cười.
- Cậu cho mọi người vô hết trong nhà. Nhanh lên! Bầy khỉ một khi nó đạt được sự thỏa mãn của thỏa mãn thì, nó sẽ biến ngay; nhất là, nó đánh hơi thấy người lạ...
Tôi còn ngần ngừ, chưa dứt khoát. Cụ nói như đinh đóng cột:
- Để qua kêu bầy khỉ trả đồ đạc, súng ống lại cho!
2.
Trời về khuya, sương mù núi mù rừng.
Tôi ngồi uống trà với cụ, sau giờ đón giao thừa, mừng năm mới. Pháo Tết nổ thưa dần... đì đẹt đâu đó mấy tiếng lạc âm như chim lạc đàn. Sớm mai, mồng một tết, tôi dời quân vào lòng núi Cấm... Đời chiến binh, thân gửi sa trường, người xưa chắc vẫn thế, và mấy ai tin mình còn sống trở về? Bất giác bài thơ Lương Châu Từ của Vương Hàn, hơn nghìn năm trước lại hiện trong tâm trí tôi: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”
Lúc chiều, nếu không có cụ phá vây “cứu một bàn thua trông thấy” thì, đơn vị đến đứng chân chiến trường mới chưa kịp đánh đấm đã bị bầy khỉ “chào sân” đổ máu mắt. Tôi nhớ, cổ nhân dạy: “Tiền hung hậu kiết thế gian vô”; nghĩa là, trước gặp điều rủi, sau gặp điều may, thế gian chẳng có. Trong trường hợp nầy, có lẽ cổ nhân sai! Dẫu biết, sớm mai tôi xa cụ nhưng, thiệt tình bụng dạ tôi chưa đành. Cụ hỏi tôi, cái gì mần bụng dạ tôi chưa đành? Tôi nói tôi thắc mắc, chưa thông việc cụ bưng thúng trái thị ra sân, rồi hú bầy khỉ xuống sân trả súng, trả ba lô... đổi thúng trái thị. Việc khó có thể có mà, lại có! Như cụ biết, con người ta, một khi đầu óc chưa thông thì, dẫu mang cái bi đông cũng nặng; thông rồi, có thể dời núi lấp sông.
Tiếng rừng gáy theo tiếng gà nhà cuối xóm, hơi sương thấm lạnh qua ngọn đèn chong leo lét trên cái bàn thiên giữa sân. Thêm lửa cho nồi nước mau sôi, cụ nói chậm rãi:
- Dòng họ qua, vốn sống bằng nghề tiều phu đã mấy đời nên, chuyện khỉ với qua khác chi hàng xóm. Thấy nhau, gần nhau, chia sớt ngọt bùi từ miếng ăn đến cái uống... giữa chốn núi rừng hoang vắng, người và thú nẩy sinh sự cảm thông, tin cậy và thân thiện. Chẳng phải ngẫu nhiên mà, ông bà mình dặn: “Nhứt cận lân, nhì cận thân”. Đừng dại dột châm bẩm hiểu “cận lân” là người cận lân với người, bỏ quên “cận lân” với thú! Bầy khỉ là “cận lân” với qua. Có “cận” mới có “lân”, có “lân” thì chuyện chi chẳng hiểu chẳng giúp? Kiểu “tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Tôi như lạc vào thế giới khác, đầu óc được mở ra. Tôi nghĩ vội: Đất nước dù còn bom đạn, dân đói nghèo lưu lạc nhưng, dân tộc nầy có những con người như cụ, lo gì không chống được ngoại xâm, lo chi không chung tay dựng xây đất nước.
- Khỉ chốn này, thuộc loài khỉ đuôi dài, lông xám. Thỉnh thoảng, xuất hiện một hai con cao to cỡ đứa con nít, người trong xóm gọi là khỉ đột. Thiệt ra, nó không phải giống khỉ đột. Qua vừa lọt lòng ra đã là kẻ “cận lân” với bầy khỉ núi. Vì vậy, qua và khỉ hiểu tính khí nhau, sở thích nhau... Hồi chiều, qua bưng thúng trái thị ra sân và hú mấy tiếng, cũng có nghĩa rằng qua rủ nó đổi đồ ăn trộm bằng thúng trái thị. Ở rừng, khỉ mê ăn trái thị vì nó vừa ngon vừa thơm. Thúng thị mà qua mang đổi, chính là “chiến lợi phẩm” qua thắng nó khi phải giành giựt nhau nơi lưng chừng núi trưa ngày hôm kia. Thấy thúng trái thị, nó buông đồ ăn trộm, đổi liền!
*
Nắng chớm xỏ lỗ tai, đơn vị tôi đến lưng núi Cấm. Trong lúc nghỉ chân chờ bắt liên lạc đơn vị bạn, cậu cận vệ mắc võng, tôi nằm nhắm mắt thiu thiu. Núi rừng yên ắng, thanh bình. Cuộc chiến ác liệt coi như chẳng có xảy ra. Tôi bồi hồi nhớ lại chuyện “Con khỉ nhà ông Bảy” khi đêm cụ Lão Sơn kể, sau khi giãi bày mối giao tình giữa cụ với khỉ trong chuyện đổi thúng trái thị lấy lại súng và ba lô giùm đơn vị tôi.
Vợ chồng Bảy Chơi vốn gốc người Kinh Nước Mặn miệt Cần Đước. Ở với nhau nhiều năm không có con, Nhà nghèo, trốn xâu... dắt díu nhau theo ông Đạo Khờ lên núi Két mở trại ruộng, tu tập mong ơn trên độ trì cho hai người một đứa con. Vợ chồng cất chòi giữ trại ruộng và ở luôn, lâu lâu mới men lối độc đạo leo núi lên đảnh thăm thầy.
Một hôm, Bảy Chơi đương hốt đất vét đường mương nước, nghe trên rừng cây tiếng con khỉ cái hú rợn người, cả rừng xôn xao tiếng bầy khỉ la hét. Bảy Chơi hốt hoảng lủi đại vô lùm lẩn trốn vì, biết có kẻ lạ vào rừng. Tuy vậy, Bảy Chơi ngó không chớp mắt nơi phát ra tiếng khỉ kêu để đề phòng bất trắc. Con khỉ cái bị ai đó bắn trúng tên, biết không thể sống, nó hú báo động bầy và như một tín hiệu gọi chồng để giao con trước khi chết.
Con khỉ đực nghe tiếng hú thảm thiết của vợ, nó chuyền cành nhanh hơn sóc. Vừa kịp đến, khỉ cái liệng con về phía chồng và buông tay rơi xuống đất. Những động tác thương tâm, giống hoạt cảnh, đập vào mắt Bảy Chơi đau điếng người. Chưa kịp hoàn hồn, Bảy Chơi chứng kiến con khỉ đực dính tên, máu xối xả trào ra buồng ngực. Một tay ôm con, một tay rịt vết thương, cả bầy khỉ bu lại móc hưởi... Con khỉ đực buông tay rớt xuống đất, không quên ôm cứng con vào lòng che chắn hiểm nguy. Bọn thợ săn cột đôi vợ chồng khỉ khiêng xuống núi. Bảy Chơi còn nghe văng vẳng tiếng được tiếng mất của bọn họ: Bữa nay, gặp giờ hoàng đạo, tụi mình trúng mánh...
Biết chắc là an toàn, Bảy Chơi vạch gai, lò dò bước qua từng hốc đá đến điểm bọn sát khỉ thu thắng lợi. Máu ướt đỏ chuyển màu khô đen. Rừng chiều buồn như bãi tha ma! Bảy Chơi cất công tìm con khỉ con coi còn sống chết? May quá, bọn thợ săn không giết khỉ con, chỉ cạy tay khỉ đực, rứt khỉ con và liệng trên mặt cỏ đầy lá khô rụng.
*
Vợ chồng Bảy Chơi nhớ quê, lấy tên xứ Nước Mặn đặt tên cho khỉ đực con. Từ ngày có tiếng khọt khẹt của Nước Mặn, căn chòi trống huơ trống hoác trở nên ấm cúng của một mái gia đình.
Nước Mặn mỗi ngày một lớn, thân hình to bè, lông đen tuyền, đuôi ngắn không dài như khỉ mẹ khỉ cha trước kia. Nó khỏe mạnh vô song, nó bắt chước tài tình, hễ việc gì Bảy Chơi mần được thì, nó cũng mần được mà lại là, mần xuất sắc hơn. Mấy trại ruộng, một tay nó cáng đáng. Nó ít ăn và ngủ, thường xuyên rậm rịch tay chân, hết leo trèo vô rừng hái trái cây thì, quay sang nhào lộn chọc gà heo, làm trò cười cho vợ chồng Bảy Chơi giải buồn đỡ nhớ nhà; nhất là mấy ngày Tết. Vui buồn, Nước Mặn đều biểu lộ cảm xúc lên mặt, những khi nó không bằng lòng điều gì với vợ chồng Bảy Chơi, nó cáu gắt nhe răng, nhép môi như là tranh cãi cho đến lúc thuận theo ý nó mới thôi. Việc đồng áng, đôi lúc nó có sáng kiến cày bừa hơn Bảy Chơi. Đêm nó ngồi giữ ruộng, tuyệt nhiên chẳng có con thú nào dám bén mảng đến quấy phá.
Ngày tháng trôi nhanh, Nước Mặn trưởng thành. Lắm khi, nó ngồi tư lự trên cành cây sầu đâu mọc trước sân chòi, mắt nó hướng lên rừng... hình như là nỗi nhớ từ tiềm thức vọng về! Có những buổi trưa rừng oi bức, nó nắm tay vợ Bảy Chơi ra ngồi dựa ngạch cửa để nó bắt chí, quào da đầu đã ngứa. Những chiều rảnh việc, nó tẩm quất cho Bảy Chơi, chọt lét và ôm Bảy Chơi vật lộn, lần nào Bảy Chơi cũng thở hổn hển và chịu thua sớm.
Lúc có việc gấp, nó vừa đi vừa chạy, dùng một lúc cả tay lẫn chân. Khi ở trên cây, nó dùng hai tay để thoăn thoát chuyền từ cành nầy sang cành khác. Và, chính cái đuôi giữ thăng bằng cho nó khi nó di chuyển trên cây. Nó biết yêu thương và hờn tủi, biết khóc, biết cười, biết những cái mà người biết... Mỗi lần vợ chồng Bảy Chơi “ham vui” ban ngày, nó lặng lẽ leo lên cây sầu đâu ngồi ngó xuống chòi... tay bứt lá sầu đâu. Lá sầu đâu rớt đầy sân!
Vợ Bảy Chơi đi đâu cũng rủ nó theo, chốn núi non thần bí có con vật thông minh, sức lực “siêu quần”, khác chi có “lá bùa hộ mệnh”. Bảy Chơi ở nhà cũng yên tâm.
*
Vợ Bảy Chơi chết ngất.
Nó mần động tác y hệt như Bảy Chơi với vợ. Ngoài sân, nắng mùa xuân đương nhảy múa trên từng tán rừng, từng điệu hót tiếng chim. Có lẽ, bản năng gốc trong vợ Bảy Chơi thức dậy... Nước Mặn mơ hồ là, xem như... một cách trả ơn cứu tử đối với chủ… Vợ Bảy Chơi hoàn toàn đuối sức, nằm sải lai, trần truồng. Nó gục đầu vô thành giường, quỳ bệt dưới đất.
Bảy Chơi đi ruộng về, bước vô chòi. Bảy Chơi tá hỏa, chết đứng! Bất chợt, Bảy Chơi quơ cái cán cuốc để dựa vách, đập túi bụi vào nó. Nó nín lặng và hứng trận đòn “nhứt chết nhì sống” từ Bảy Chơi nện xuống. Máu mũi, máu họng phọt linh láng. Nó không phản vệ và không bỏ chạy.
Những cú đập trời giáng của người chồng xuống thân thể con khỉ, khiến thần núi động lòng cho người vợ có sức mạnh ngồi bật dậy, lao vào ôm chồng can ngăn.
- Mình ơi! Mình thương tui, đừng đánh nó nữa. Nó chết, tội nghiệp lắm!
Vợ Bảy Chơi vừa khóc, vừa van xin chồng.
Nghe tiếng vợ nói tha thiết…
*
Tôi giật mình tỉnh giấc khi cậu cận vệ đánh thức.
Mùa xuân trên núi Cấm đẹp khác gì tranh vẽ, cánh đồng xa chạy về tận biển Rạch Giá. Lúc nầy, tại lưng chừng núi nầy, tôi thèm viết một câu thơ yên ngựa như người xưa... Rồi, đoạn cuối của câu chuyện “Con khỉ nhà ông Bảy” lại lảng vảng về tâm trí tôi.
Được vợ chồng Bảy Chơi tận tình chăm sóc, với bản năng sinh tồn của thú rừng, những vết thương trên mình Nước Mặn mau lành và sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Mọi chuyện rồi cũng đi qua. Sau mùa ruộng, nó cật lực lượm củi chất thành đống trước sân, nó thay Bảy Chơi gánh tất cả việc nặng nhọc trong ngoài.
Một đêm rằm thượng ngươn, nó lặng lẽ ra đi biệt dạng. Sau nầy, có người mách lại với vợ chồng Bảy Chơi, thường gặp Nước Mặn lởn vởn ở rừng cây sao chùa Phi Lai, núi Két!
T.B.Đ
(SH324/02-16)