Giá sách Sông Hương
Tết Huế
Mệnh con khỉ
16:40 | 07/02/2016

LÊ QUANG THÁI

Từ chốn thành đô cho đến chốn đèo heo hút gió, ánh dương xuân chiếu tỏa rạng soi làm ấm lòng người và muôn loài, muôn vật đều tốt tươi.

Mệnh con khỉ
Ảnh: internet

Thiên can Bính thuộc hành Hỏa, địa chi Thân biểu tượng bằng hình ảnh con khỉ, đồng âm với chữ “thân” trong thuật ngữ “thành thân” và đồng nghĩa lời xưng “Thân” của bề tôi lên các chúa.

Xuất phát từ ý tưởng trong lành ấy, cậy gió đưa duyên chuyển lời chúc tụng “Thân bất thất thân”, có nghĩa là đã là người thân của mình thì chẳng bao giờ để mất tình thân. Nhắc đến hình tượng biểu trưng của con khỉ không thể nào không liên nghĩ đến một số sự kiện lịch sử liên quan vào các năm Thân.

1. Nếp sống đời thường của loài khỉ

Khỉ sống theo bầy đàn tương thân tương ái. Ít thì năm bảy con, nhiều đến con số hàng chục, hàng trăm. Khỉ đầu đàn có quyền uy, ưu tiên có quyền ăn trước. Tương cận với loài khỉ có vượn, vọc, đười ươi, tinh tinh… Vọc tam thể là loài động vật quý hiếm, được xếp vào “sách đỏ”, cấm săn bắt. Nước ta có loài vọc này ở núi rừng miền Trung, cụ thể là ở miền núi hai huyện ĐaKrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; hay Sơn Đoòng ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có loài khỉ đột lớn nhất hành tinh.

Khỉ cái nuôi con bằng sữa mẹ, giàu tình thương, sẵn sàng bao dung làm bà vú nuôi khỉ con sớm mất mẹ, loài muông thú khác và kể cả trẻ thơ mồ côi mẹ hoặc bị bỏ rơi. Một khi khỉ con lớn lên, khỉ mẹ bàn giao con khỉ con lại cho cố chủ mà không đòi bồi hoàn chi phí nuôi dưỡng. Thật là cao thượng!

Một con khỉ đực to lớn, nhiều tuổi, dũng mãnh được bầy đàn tôn lên làm thủ lĩnh. Xã hội loài khỉ sống có nề nếp, có tổ chức, có ngôi thứ. Dưới trướng của thủ lĩnh có hàng chục “phi tần và mỹ nữ” để phụng sự cho chúa đàn và phát triển của nòi giống mà chẳng bao giờ nghĩ đến tác hại của việc gia tăng dân số theo cấp số nhân.

Thủ lĩnh có quyền ra lệnh, giao việc cho khỉ ở bên dưới, nếu trái ý làm sai thì sẽ bị trị tội bằng cách cho những cận vệ cào cấu; tội nặng thì tội nhân khỉ bị cắn xé cho đến chết. Nếu có loài muông nào xâm phạm đến lãnh địa của bầy đàn thì tất cả sẵn sàng ứng chiến. Vào thời cổ đại con khỉ được phong thần và thờ cúng hoa quả.

2. Hình tượng con khỉ trong văn sử

Khỉ không phải là gia súc, nhưng ở miền núi đã nuôi khỉ ở vườn nhà, riêng ở thành phố thì họa hiếm có nhà nuôi khỉ trong lồng làm cảnh.

Hình ảnh khỉ ở Thảo Cầm viên, năm 1919 một thi sĩ khuyết danh đã vịnh qua bài thơ vườn Bách Thú Hà Tội được hình thành từ năm 1897.

Lũ khỉ được ăn, bày lắm chuyện
Đàn chim chực miếng, hót ra tuồng
”(2)

Chơi chữ “khỉ”

Cái lối “chơi chữ” ở trong câu đối, giai thoại khiến cho văn chương chữ nghĩa trở nên đa dạng và phong phú, khó bắt gặp ở các ngôn ngữ khác.

Hồ Quý Ly được phong tước hầu: “Trung Tuyên Hầu” vào năm 1380. Đại Nam quốc sử diễn ca viết về việc Lê Quý Ly phế lập, ông đã truất phế vua Trần Thiếu Đế rồi chính thức lên ngôi vào năm Canh Thìn (1400) bằng hai câu lục bát:

Thượng hoàng một giấc chiêm bao
Bạch kê xích chủy ứng vào câu thơ
”(1)

Xích chủy là “khỉ mồm đỏ” (xích chủy hầu), ý chỉ Hồ Quý Ly. Thâm thúy thật! Tưởng chừng như “không có khỉ” mà “là khỉ” theo cách nói bằng thủ pháp ẩn dụ.

Bức tranh thủy mặc về khỉ

Về đời Trịnh Khải (1783), Đặng Kim làm quan tới tước hầu, nhưng vì muốn lấy lòng chúa, liền xin đổi họ của mình theo họ Trịnh, tự đặt tên Trịnh An. Thiên hạ nghe tin mà lòng ngao ngán. Tiếng xấu lan nhanh.

Một buổi sáng, Đặng Kim khăn áo chỉnh tề sang chầu bên phải chúa. Vừa ra khỏi cổng thì thấy trên tường vôi trắng nhà mình có ai đó vẽ một bức tranh thủy mặc. Tranh vẽ một cây cổ thụ, cành lá trơ trọi, thân cây xiên hẳn về một phía, mà gốc rễ thì sắp bật lên khỏi mặt đất; phía trên có một chùm dây chạc ba, loại dây leo tạo thành như một võng. Có một con khỉ nằm ngủ say li bì, chẳng biết trời trăng ra sao cả.

Bên dưới bức tranh, viết hai câu thơ lục bát bằng chữ Nôm. Nay phiên âm ra chữ quốc ngữ như sau:

Khỉ ơi, tỉnh dậy đi thôi
Đừng chờ cây đổ đi đời nhà mi
”(3)

Nội dung và bố trí của bức tranh nhằm châm biếm ông quan họ Đặng tước hầu. Lạ thay, ngấm chất thơ trào lộng dí dỏm và nhất từ dư luận quần chúng dậy sóng xôn sao đã khiến cho Đặng Kim cảm thấy xấu hổ, giật mình tỉnh ngộ. Ông xin từ quan và xin dòng tộc rộng lượng tha thứ.

Xem ra văn chương nghệ thuật xưa đã cảm hóa được lòng người vì đả kích có hậu.

Câu đố đọng lại một từ “khỉ”

Đố ai biết vật gì mới sinh ra
Thì là con sâu
Sau hóa con bướm
Lại hóa thành con công
Sau lại biến thành con lừa
Lừa lại hóa ra cáo, cáo biến thành khỉ
”(4)

Trí tưởng của người xưa thật sâu lắng, thâm hậu. Gọi lời thách đố ấy là một công án thì e rằng cũng chẳng sai. Ngày nay, gọi đó là một trắc nghiệm đo lường trí tuệ thì vẫn đúng. Thử đoán, rồi xem lời giải mã ở chú giải.

Thơ bình dân của người Chàm nói về khỉ

Lấy dung mạo của người đàn bà sinh ra dưới ngôi sao xấu để ví von với hình ảnh con khỉ. Nhà thơ Inrasara đã cất công lặn lội trong dân gian Chàm - Việt để sưu được “chất ngọc” từ trong đá để viết thành sách quý, làm giàu cho kho tàng văn chương bình dân mang sắc thái Chiêm - Việt.

Đàn bà xấu như khỉ
Có chồng ngồi kế, sáng như vàng
”(5)

Người Việt có phong cách diễn nghĩa bằng tư duy thoáng mở về hình ảnh con khỉ.

Tục ngữ Việt có câu: “Bụng bí rợ, ăn như báo, làm như khỉ”.

Về ca dao viết theo biện pháp tu từ lộng ngữ có câu tiêu biểu:

Bao giờ cho khỉ đeo hoa
Cho voi đánh sáp, cho gà nhuộm răng
”.

Bình thơ cho khỉ nó nghe

Đó là kiểu nói rất chi là “Cao Bá Quát”. Vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), họ Cao phải phụng mệnh ra làm Giáo thọ phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. 162 năm về trước, phủ này là chốn “khỉ ho cò gáy”, dân cư còn thưa thớt, học trò ít ỏi. Cao Bá Quát đến nhậm chức mà lòng chẳng mấy vui. Cảm xúc trước tình cảnh ấy, ông lấy bút viết thành câu đối dán ở trường học:

Nhà giáo ba gian, một thầy, một cô, một chó cái,
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi
”.

Tổng đốc Nguyễn Bá Nghi (1807 - 1870) kiêm nhiếp 3 tỉnh Sơn, Hưng, Tuyên, khi gặp lại họ Cao ở Bắc thành Thăng Long, đã lên mặt hách dịch. Vốn trước đây, Nguyễn Bá Nghi đỗ Phó bảng, lúc còn làm quan tại Huế đã từng bị Cao Bá Quát thẳng tính chê văn chương thô thiển. Nay, quan lớn ra lệnh cho các quan Giáo thọ, Huấn đạo ở các cấp phủ huyện cứ ngày đầu tháng phải dẫn học trò đến tụ tập tại Văn Miếu tỉnh hạt để bình văn. Kỳ nào quan Tổng đốc cũng làm chủ tọa mới vừa lòng.

Thánh Quát không hẳn đồng tình, nhưng phải tuân lệnh. Ông chỉ chọn những quyển văn hạng xoàng đến Văn Miếu để bình, còn những quyển nào hay thì giữ lại, rồi dẫn học trò lên núi Sài Sơn để bình riêng với nhau. Có người hỏi duyên cớ, Cao Bá Quát nói: “Bình trên núi cho khỉ nó nghe, ở dưới đất không ai biết nghe”(6).

Ở chốn núi rừng, vách đứng cheo leo có tai nghe. Việc rồi cũng thấu tai quan lớn, Nguyễn Bá Nghi đành ngậm quả bồ hòn.

L.Q.T
(SH324/02-16)

-------------------
(1) Bạch kê xích chủy: Xem Đại Việt quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát, Đặng Huy Trứ; Phan Văn Hùm, Nguyễn Q. Thắng phiên âm và chú giải, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011, tr 220 - 223. Thượng hoàng Nghệ Tông nằm mộng thấy Trần Duệ Tông về đọc bài thơ 4 câu. Hai câu đầu: “Trung gian duy hữu xích chủy hầu/ Ân cần tiềm thượng bạch kê lâu”. Thượng hoàng sinh năm Tân Dậu là bạch kê (gà ác). Quý Ly là mỏ đỏ (xích chủy). Xích chủy hầu: vị hầu tước mỏ đỏ.
(2) Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Lương Bích và các tác giả, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2009, tr 638.
(3) Giai thoại văn học Việt Nam, Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch sưu tầm và biên soạn, in lần 2, Nxb. Hà Nội, 1988, tr 23 - 24.
(4) Tục ngữ phong dao, một kho vàng của nhân loại, Tập dưới, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tái bản theo bản năm 1928, Nxb. Mặc Lâm, Sài Gòn, 1953, tr 244. Xem lời giải ở trang 279. Giải mã: Con Người Ta.
(5) Văn hóa - xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại, Inrasara, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2008, tr 317.
(6) Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Nxb. Thành phố HCM, 1995, tr 640.





 

Các bài mới
Tím độ em về (02/02/2019)
Các bài đã đăng
Tết quê xưa (31/01/2016)
Nồi bánh tét (30/01/2014)