Giá sách Sông Hương
Tết Huế
Mưa xuân trong tiếng chuông ngần
15:26 | 28/01/2019

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  
                            Bút ký   

Cơn mưa cố xứ đầy bí ẩn và mê hoặc. Tôi sinh vào mùa mưa, mở mắt ra đã thấy mưa, mưa vào lời ru, mưa ôm lấy nôi, mưa qua chiếc nón mẹ che, mưa về trên lối mòn cỏ ướt, mưa đưa tôi đi học, mưa theo ba vào núi, mưa ướt tuổi thơ.

Mưa xuân trong tiếng chuông ngần
Cây nêu ngày Tết - Ảnh: internet

Tuổi thơ nghe mãi nghe hoài không chán bài “Mưa trên phố Huế” của nhạc sĩ Minh Kỳ, lời ca từ thấm ướt bước chân đi. Mưa từ đó đã vương kỷ niệm dưới mái nhà, trong ngõ nhỏ, ngoài công viên, kia sân trường, bờ sông, đền đài, cung điện.

Những ngày tháng Chạp qua cầu Trường Tiền, mưa bay mù mù, sông và mưa là một, nhịp cầu bé lại, quắt queo giữa màn mưa điệp trùng. Trời kịp vào xuân, chạy xe dưới những con đường Thành Nội, mưa phùn tỉ tê lên thành quách, lên bông mai chớm nở trước mặt Phu Văn Lâu.

Mưa thơm trên phố, mưa ướt tóc mây làm xao xuyến bao trái tim khờ. Tôi nhớ nụ hôn đêm mưa, trong công viên còn đó hẹn thề. Mưa rơi trên môi, giọt vắn giọt dài, ngọt hương cây, là bờ là bến luyến lưu một thuở. Nắm tay em đi giữa những hàng cây ướt tóc, nghe Huế dậy hương thì.

Tôi tin yêu hơi thở của mình trong một bầu trời mưa, là khối sống trong lành, mơ mộng, được kết nối cùng lúc với hình ảnh động của triệu triệu hạt mưa rơi xuống không dứt từ bầu trời xám. Nép mình dưới một tán lá, ngước mắt nhìn mưa rơi xuống, như ân huệ hay khổ đau giáng xuống trên lưng người. Những cơn mưa nhỏ, lất phất, mưa bụi, mưa giông, mưa rào… mỗi cơn mưa tự thân có vẻ đẹp riêng, hứng gợi cho những biểu tượng cái đẹp sâu xa trong bản năng mơ mộng, chiếm hữu những thuộc tính ban sơ. Từ bao giờ, tôi đã gửi mình trong những cơn mưa xứ sở, nghĩ nhiều nhất, nhớ nhiều nhất, tư lự nhiều nhất dưới cơn mưa.

Mưa không phải là hằng số của cái đẹp, của hạnh phúc, của cái ác, của khổ đau. Mưa tồn tại bất hữu vào ý niệm của chúng ta, mưa tự do, vô tư giữa vòng tuần hoàn tự nhiên. Mưa không phải là nguyên nhân gây ra khổ đau của tự nhiên. Mưa cũng không phải là kết quả của thứ hạnh phúc chờ đợi triền miên.

Năm ba tôi xa Huế đi Quảng Ninh khai mỏ cùng người bác họ, cũng năm đó mưa gió tơi bời. Cơn bão số 2 năm 1995, tôi còn nhớ như in. Mưa đêm dữ dội. Mưa gào thét. Ngủ dậy thấy mái nhà sáng choang, một góc mái tôn mè gió thổi đi đâu mất. Bước ra hiên, mọi thứ trống hươ trống hoác. Buồn nhất là giàn bí đao, mướp đắng rộng mênh mông giờ đổ sập xuống, tan hoang. Giàn hoa cát đằng cũng quằn quại ngay dưới trụ hiên, màu tím bầm hòa trong nước.

Mùa mưa năm 1999 là cơn đại hồng thủy tang thương của xứ Huế. Năm đó, tôi học cấp 2, ở trọ bên này Đập Đá nghe mưa rào rạt suốt mấy ngày trời. Mưa chẳng còn thơm nữa, mưa làm lòng dạ rối bời, mưa đẩy quê hương vào cơn tối tăm. Mưa mãi, mưa hoài, mưa chẳng dứt, nước lên ngập đường ngập phố, ruộng đồng nát tan, nhà cửa trôi theo dòng nước. Và động trời nhất là tin làng Hòa Duân mấy trăm hộ bị mưa lũ cuốn trôi ra biển. Mưa ơi, đau lòng đau dạ. Mưa trên đầu hoa trắng, mưa buồn nguồn cội, mưa ơi. Những năm đó, tết về xóm nhỏ buồn hiu.

*

Mưa vẫn mưa đó, mưa thơm, mưa u hoài. Không ai than trách mưa, mưa là quà tặng xứ sở, mấy trăm năm qua gieo giọt trên mảnh đất này. Mưa vào thi ca, mưa trên khuôn nhạc, mưa trong tranh, mộng mà buồn. Hình ảnh những đôi tình nhân đèo nhau qua con đường nhỏ, mưa bay phấp phới dưới ngọn đèn vàng đẹp vô cùng ngày đó. Tôi đã từng đi dỗi trong mưa, dầm mình cho bằng ướt, để gió và mưa quật tung trên mặt, cho rát cay, cho đau buốt kinh người. Mưa rét cắt, tím tái da thịt, thân người rũ rượi và thấy mình chỉ là kẻ khờ lang thang trên bước đường lạc lối. Mưa thì thầm “Bâng khuâng chiều nội trú”, mưa long lanh trên cuộc tình hoa niên tuổi khói. Chẳng phải mưa đi vào “Diễm xưa” để sỏi đá cùng cần có nhau như lời Trịnh ca.

Chiều nay, trên đồi Vọng Cảnh, tôi đứng ngắm mưa giữa bóng thông hiu quạnh. Cơn mưa trong ngần phủ lên mặt sông phẳng lặng tạo nên những gợn lăn tăn như những hồ nghi thả vào tuổi trẻ không ngừng mơ mộng. Bên bờ kia, từng ruộng cúc vàng dầm mình trong mưa, để màu u tịch nhuộm dần lên nhan sắc. Đêm nay, nghe mưa trên lá, rơi hoài rơi mãi cho lòng nhớ ai, cho kiếp giang hồ long đong không bến đợi, cho kiếp sông đầy rồi lại vơi, cho thế gian chan hòa nhịp rơi mưa Huế.

*

Khi cơn mưa vừa dứt, những dải vàng hiếm hoi cuối năm dát lên thành Huế. Những ngày nắng ấm của mùa xuân trở lại cùng muôn sắc hoa, cùng bánh in, kẹo mứt. Thay tấm lịch mới, rồi tư lự nhìn lại mình trong một năm qua. Đêm Huế tịch liêu, một tiếng chuông chùa vang lên giữa màn u nhã, phá tan sương mê đang bủa kín lòng người. Tiếng chuông lay động tôi nhiều đêm đi về trong ngõ nhỏ, lúc tâm tưởng đang bị buộc chặt trăm nghìn mộng dưới hoa. Tiếng chuông có thể khơi cả những thẳm sâu từ đáy tâm hồn người nổi trôi cùng thế cuộc. Nhớ câu chuyện của một tiểu thư khuê các, đêm thanh nọ nghe tiếng chuông chùa ngân dội kinh thành, bỗng nhiên đốn ngộ. Người liền phát tâm xuất gia và ngay trong đêm đó nương theo tiếng chuông mà đến cửa thiền. Tiếng chuông chùa cuối năm cơ hồ soi mình được trong phiền não, mê lầm.

Tiếng chuông ngân vọng, trang nghiêm đã hằn sâu vào đời sống tâm linh và tinh thần của người dân xứ Huế. Mỗi lần nghe tiếng chuông, lòng tôi bận rộn những khúc rời của những suy tư chân mỹ, về sự đấu tranh không ngừng nghỉ của hai bờ thiện/ ác, yêu/ ghét, chân thực/ giả dối, đức tin/ bội tín… Và rằng Huế có hàng trăm ngôi chùa, hàng trăm tiếng chuông ngày ngày gióng lên những hồi cảm đến tâm thức vùng đất. Huế từ lâu được mệnh danh là kinh đô Phật giáo và tinh thần ấy thấm dẫm trong văn hóa vùng đất này. Là Thiên Mụ, là Diệu Đế, Bảo Quốc, Từ Đàm, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Từ Hiếu… đã tạo dựng nên chùa Huế, Phật giáo Huế và cả văn hóa Huế. Đất đai, khí hậu, núi sông, lịch sử, văn hóa và Phật giáo được dung hợp để tạo nên con người Huế theo một chuẩn mực riêng. Đó là bản chất hướng nội, thiên về chiều sâu của tâm thức, tất cả đồng hiện trong Phật giáo Huế và trong tính cách người dân xứ sở này. Đêm Ba mươi, muôn vàng nhịp đại hồng chung cùng ngân vang khắp miền Hương Ngự, cùng tiễn năm cũ, đón năm mới trong chút vui điềm tĩnh, bằng lặng.

Đến ngày Nguyên Tiêu, hoa đăng được thả dưới bến nước trước những ngôi hay thả từng đốm lớn lung linh trên mặt nước dòng Hương. Giữa dòng sông đêm, những đóa hoa đăng lấp lánh trôi trên dòng sông bao đời tô thêm dáng vẻ Cố đô cổ kính. Hoa đăng, biểu tượng trí huệ trong quan niệm nhà Phật, từ lâu đã tồn tại trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của xứ thiền kinh. Hoa đăng mang lại ánh sáng trên dòng sông đêm mù mịt như rọi tỏ chánh kiến giữa dòng đời xuôi ngược. Thứ ánh sáng trí huệ từ trong bóng tối soi đường, dẫn lối cho chúng sanh thoát khỏi vô minh tăm tối. Trên những chiếc ghe manh, những cô gái Huế với tà áo trắng dịu dàng, trinh thơ thả đèn hoa trôi theo dòng nước. Mọi vẻ đẹp từ cổ độ hòa quyện trên bàn tay thiếu nữ. Đèn sáng muôn lối sông mê. Ước chừng mỗi ngọn đèn là một tâm niệm thiện lành, gửi xuống dòng sông, đi qua phố phường xứ Huế, đi qua công viên hoa cỏ, đổ về biển lớn bao dung. Hoa đăng nở trên sông Hương như ngàn vì sao mọc ngược đáy nước. Cô gái Huế dáng ngọc vươn lên giữa trời sao dựng ngàn mơ ước. Có lẽ “một đêm đàn lạnh trên sông Huế” của Văn Cao năm nào giờ ấm áp cùng ngọn lửa thiêng, hồn người cố xứ. Nâng hoa đăng trong tay, nguyện cầu an lành mãi đến với dòng sông sử thi, trên nụ cười thắm môi thành Nội.

Và rồi, trăng huyền thoại nhô lên trên bến Nghênh Lương Đình, soi xuống Kỳ Đài, chạy vào hoàng cung. Chỉ có những đôi tình nhân ở Huế yêu nhau mới dám thỏ thẻ nói một câu van lơn trữ tình: “Đừng để lòng em như cung điện”. Lời thơ ý vị của Huỳnh Văn Dung được nhạc sĩ Võ Tá Hân thể hiện trong nhạc phẩm Rất Huế đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều mỗi khi có dịp đi qua Đại Nội, ngắm nhìn Ngọ Môn tịch liêu trong bóng chiều tà. Đằng sau cánh cửa im lìm ấy, tôi mơ hồ nghĩ về những cung điện, miếu tự trong Hoàng cung, về quá khứ huy hoàng của một triều đại 143 năm tồn tại cùng đời sống của những con người trong chốn uy nghi. Cung điện mặc nhiên đã được gán cho đặc tính lạnh lẽo, u buồn, xa lạ với đời sống thường nhật của những con người bên ngoài. Chốn cấm cung, trái tim của quốc gia một thời với những luật lệ hà khắc, nơi con người sống bằng lễ nghi hoàng gia, thái độ trung thành tuyệt đối, thượng tôn vị quân vương uy quyền ngồi trên ngai vàng cai quản giang sơn. Vào thăm Đại Nội, đi qua những cung điện, miếu vũ, chốn lãnh cung vẫn còn đây những nỗi hoài cổ xa xăm đọng lại đâu đó trên những ô cửa, những bậc thềm, những trường lang hun hút và đặc biệt nhất là trong lòng một cung điện mênh mông.

Minh họa: NGUYỄN THIỆN ĐỨC


Vẻ lạnh lẽo ấy chợt sáng bừng, tươi rói nhất vào những ngày xuân. Thấy cây nêu được dựng lên trong Đại Nội biết là Tết đã về. Trong hoàng cung xưa, trước ngày Tết người ta làm lễ “Thướng tiêu” tức dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Cây nêu được thượng lên tại Đại Nội làm bằng loại tre đực, cao, to và khỏe, trên đó lấy tranh kết bốn dọc năm ngang, rồi treo một cái sọt bên trong treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm. Ấn được treo ở đầu ngọn cây tre có nội dung “phú thọ khang ninh”, báo hiệu mọi việc trong triều đình của năm cũ coi như chấm dứt. Cũng theo quy định của triều đình, khi thấy cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của chốn hoàng cung xưa, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu ăn Tết. Dựng nêu ngày Tết có ý nghĩa tâm linh là trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới nhiều an lành. Những năm gần đây, lễ dựng nêu cũng được tiến hành trong Thế Miếu, điện Long An làm tăng lên vốn cổ trong ngày Tết trên đất Cố đô.

Tôi nhớ một đêm trăng tháng Giêng vào chơi Đại Nội. Lúc trở ra, thấy trăng vành vạnh tròn trên lầu Ngũ Phụng. Vẻ đẹp chói sáng thời gian, chuyển dịch cả vùng tâm thức, thái độ.

Ngắm trăng lầu Ngũ Phụng, chợt nhớ câu hát “Ông trăng xuống chơi nhà vua, nhà vua cho lính”, ứng với không gian Đại Nội hôm ấy trong tuổi thơ đã thành ký ức qua một lời mời khẩn thiết, hồn nhiên. Trăng mười sáu với màu vàng hổ phách, tỏa ánh sáng mỏng manh phủ lên bóng đền đài, cung điện. Trăng soi hồ Thái Dịch, bóng trăng chập chờn mặt nước như khuấy lên bùn sâu một thứ minh triết giấu cất trong tinh thần cung điện giá băng. Trăng trên lầu Ngũ Phụng.

Chuyện rằng, nhà thơ Phùng Quán sau 30 năm lận đận, phiêu bạt xứ người đã về thăm quê nhà ở Huế. Lần trở về ấy, duyên đưa ông đứng trước một “nàng thơ thật” là một nữ sĩ nổi tiếng ở quê nhà, thi sĩ “bút lửa” đã viết nên những dòng thơ say đắm: “Chỉ riêng nụ cười nàng lim dim mắt/ Ta đã đặt dưới chân nàng cả vương quốc thơ” (Nắng Cố đô). Và sau đó là Trăng hoàng cung: “Tiểu thuyết tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng” được viết ra từ những rung cảm chân thật trong tình yêu và sự quyến rũ của vầng trăng cung điện, lẽ vì: “Làm gì có chừng mực thơ… làm gì có chừng mực yêu”. Trăng hoàng cung ra đời từ những nỗi niềm lay động tâm hồn, trong cuộc tình, tạm gọi là đơn phương, nhưng ở đó Phùng Quán đã tìm được nơi: “Cho anh ẩn trốn những trận mưa xấu xa, dung tục”. Tình và đời trộn lẫn vào nhau, là uất ẩn của cuộc đời trên ánh sáng về tình yêu trong ánh trăng ngần:

Ôi, trăng hoàng cung đêm nay đẹp đến não lòng…
Tôi sắp phải từ giã ngai vàng
Từ giã hoàng cung
Giã từ mộng tưởng
Giã từ em…


Đó chính là cái đẹp xé lòng của thơ Phùng Quán, cái đẹp trong sáng, lay động đến ảo huyền:

Trăng là một nhà bày - đặt thiên tài
Lều trăng bày đặt thành cung điện
Vườn hoang thành vườn Thượng Uyển
Vũng nước tù bày đặt thành hồ sen…
Nhưng tôi không biết
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em…


Khi đứng trong điện Thái Hòa, tôi lặng lẽ ngắm ngai vàng một thời của các vị vua Nguyễn ở giữa điện trong vẻ uy nghiêm, kín đáo xen lẫn chút lạnh lẽo của thứ quyền lực vô biên một thời. Điện Thái Hòa là nơi tổ chức những lễ lớn của triều đình như lễ đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, lễ phong Hoàng Thái tử, tổ chức các sự kiện quan trọng như tiếp đón sứ thần và các buổi thiết đại triều. Khác với cảm giác thành kính, trang nghiêm ở Thế Tổ Miếu, nơi thờ tự những vị vua Nguyễn. Ở đó, hương khói nghi ngút, không gian tịch lặng và vẻ uy vũ trên những tấm ảnh truyền thần thờ tự các vị vua khiến lòng người chững lại, trí nhớ cố lục lọi tiểu sử, vai trò, công trạng của từng vị trong thời gian cầm quyền. Thời gian trôi qua khẽ khàng, bước chân tôi lang thang khắp Đại Nội nhặt nhạnh những bóng hình xưa cũ. Và kia điện Phụng Tiên, điện Kiến Trung đổ nát vì bao biến loạn, chơ vơ gạch ngói và mênh mông cỏ dại phủ trên nền móng nứt nẻ như cứa vào ký ức của một triều đại. “Sân Đại triều mênh mông trăng”, tôi nhẩm đọc câu thơ của Phùng Quán và trăng hoàng cung theo đó tuôn chảy nối tiếp dòng thơ tôi đã bỏ lửng phía trên:

...Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em…
Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vũng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương…
Giọng em nói
Tiếng em cười
Và nỗi buồn phảng phất trên làn môi…


Kia hoàng mai diện màu phong lãm trong vườn. Kia đoàn thiếu nữ nô nức trẩy hội xuân. Ăn tết mới, nhớ tết cũ, giấy hồng thắm mực trăm năm. Dù mưa bay kín trời, lòng xuân vẫn không lạnh giá. Kinh thành vừa ướm chiếc khăn xuân, lộc biếc trổ trên cành, mở ra muôn hồ hởi. Hỏi lòng mình có còn nhớ nụ cười ai nghiêng nón, ngơ ngác qua Trường Tiền một sớm xuân xưa.

L.V.T.G  
(TCSH360/02-2019)




 

 

Các bài mới
Tím độ em về (02/02/2019)
Các bài đã đăng
Mệnh con khỉ (07/02/2016)