VÕ NGỌC LAN
Nhiều người cho rằng sông Hương là một trong những con sông đẹp nhất của thế giới. Dòng sông đó mỗi mùa đều có vẻ đẹp khác nhau.
Vào mùa Xuân thì cây cỏ hai bên bờ với nhiều màu sắc đã điểm tô thêm cho cô gái sông Hương đang độ xuân thì càng thêm lộng lẫy. Dòng sông này đã từng chở tuổi thơ tôi đi qua nhiều bến bờ của xứ Huế mộng mơ. Biết bao mùa Xuân đã qua cho tôi nhìn lại mùa Xuân trên dòng sông tuổi thơ.
Tôi sống ở Kim Long. Thuở bé sông Hương là bến nước lớn của cả dân làng tôi. Ở đó đường đi xuống bến có nhiều bậc cấp lát bằng gạch hoặc những tảng đá thanh. Trên bãi sông trồng toàn bắp, cây tốt tươi quanh năm nên bến sông nào cũng mát rười rượi. Từ sáng sớm, khi những làn khói trên sông còn lơ lửng chưa thấy rõ mặt người thì bến sông đã đông nghịt. Người làng ai cũng ra sông sớm để lấy nước về nấu uống. Có người đi sớm khi hồi chuông Thiên Mụ vừa dứt, mà đường ra sông chỉ được soi sáng bằng ánh sao trời. Người gánh nước, người tắm giặt, người rửa rau… ai cũng tìm được chỗ trống nào đó trên bờ sông để hoàn thành công việc của mình. Tất cả tạo nên sự nhộn nhịp, đông đúc của những con người cùng tắm trên một dòng sông và uống nước dòng sông đó. Cả làng đều cho rằng nước sông Hương lành hơn cả nước mưa trữ trong các bể vì rất ngọt. Con gái làng Kim Long, các chị gội đầu nước sông không phải xả lại bằng chanh mà tóc vẫn rất mượt. Hồi nhỏ tôi đã biết ao ước, biết trầm trồ khi thấy những mái tóc dài của các chị nữ sinh trong làng. Có lẽ nước dòng sông mát lành nên con gái làng tôi rất đẹp. Ngày đó tôi vẫn nghe mạ tôi hát ru: “Kim Long có gái mỹ miều, Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”…
Vào những năm cuối của thập niên 40, người dân chưa sống dày đặc bên bờ tả sông Hương. Đường lên Kim Long thoáng đãng, đến mức có thể nhìn thấy những vườn thanh trà của bờ bến kia ngã bóng xuống dòng sông. Muốn qua vùng Long Thọ, cả làng chỉ cần ra bến sông đi đò qua bên tê. Sông Hương chảy ngang làng Kim Long có khá nhiều bến sông như thế! Mấy bến đò như những nhịp cầu nối hai bờ sông với nhau mà những chuyến đò ngang là tấm lòng của hai bờ thương nhớ. Khi con đò ngang khua mái chèo sang sông thì những con đò dọc từ thượng nguồn hay hạ nguồn cũng lừng lững trôi tới. Chẳng biết đò ngang hay đò dọc phải tránh nhau, chỉ biết đò ngang thì cứ qua, đò dọc thì cứ đi, làm xong nhiệm vụ của mình. Lắm lần tôi ra bến đò chờ mẹ giặt giũ, nhìn những bọt mù u trôi xuôi theo dòng nước lòng thầm mơ một hôm nào đó được đi xa trên những chuyến đò qua sông. Hai bến sông đâu có gì cách trở mà ước mơ phải mấy chục năm sau mới thực hiện được.
Làng tôi có nghề làm mứt gừng. Đầu tháng mười một cả làng đều vào vụ mứt tết, đông vui như hội. Bến sông dọc theo làng lại náo nhiệt hơn bao giờ hết khi từ sáng đến tối trên bến sông đều có bóng người. Giống gừng Tuần cay xé lưỡi được ngâm được luộc bằng nước sông Hương nên có màu vàng mơ rất đẹp. Cây trái làng tôi cũng nổi tiếng ngon lành, đặc biệt có giống Giáng Châu thì khắp Huế. Những sản vật ngon lành đó thường được chở về xuôi bằng con đò dọc hoặc trên những đôi gánh trĩu nặng của mấy mẹ, mấy chị. Vui nhất vẫn là xem đám cưới rước dâu trên sông. Dân làng xúm xít để xem mặt cô dâu, để xem lễ vật nhà trai đem đến nhà gái như thế nào. Khi đám rước đi rồi, bọn trẻ chúng tôi vẫn đứng trên bờ nhìn theo cho đến khi những cái lọng màu đỏ chói chỉ còn là những chấm nhỏ li ti. Đúng là con sông chảy qua làng không chỉ của riêng làng nhưng gắn bó với bao nhiêu cuộc đời của người dân làng. Có khi nó còn là nơi sinh sống của nhiều phận người lênh đênh trôi dạt từ đâu tới.
Những ngày mùa Đông, nước xâm xấp mặt đường. Vậy là các bến sông chìm sâu trong nước, dân làng không ai ra bến nữa. Chỉ có mấy ông câu giăng lưới bắt cá rồi vô xóm bán cho dân làng. Tôi đứng trong nhà nhìn ra sông, hình như sông đang giận dữ, nước đỏ ngầu và cuồn cuộn chảy. Nét mặt hiền hòa xinh đẹp hàng ngày của sông Hương không còn nữa, trước mắt bao người sông của mùa mưa rất khác. Phải đợi đến khi nào tôi mới thấy lại dòng sông như xưa?
Khi nước đã rút đi, dòng sông trở lại hiền hòa thì dọc bờ sông lộ ra một vạt bùn non mịn màng như lụa. Sau vài hôm, từ trong bãi bùn kia nhú ra những đọt lá xanh rồi thành bãi cỏ non xanh mướt dưới ánh mặt trời. Nhìn chúng xanh mơn mởn, ngây thơ đẹp như mấy câu thơ trong Truyện Kiều: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Tôi và mấy đứa bạn đi dọc sông để tìm trong đám cỏ kia những cọng rau má đem về nấu canh, làm nộm. Bờ sông với những dề lục bình mắc cạn trở thành nơi trú ngụ của lũ cá con. Chúng nô đùa tung tăng làm ai nhìn cũng không chán mắt, chỉ có những chuyến đò làm mặt nước xao động mới đuổi được lũ cá đi. Ngày ấy cá trên sông Hương rất nhiều, nhiều nhất là cá tràu, cá bống, nhưng tôi thì thích ăn cá lúi hơn vì xương chúng giòn, thịt cá lại thơm. Sau này đi xa, cái cảm giác đi dọc triền sông tìm rau hay nhìn bầy cá tràu màu đỏ lội gần bờ làm tôi cứ nao nao trong lòng. Cảm giác đó chỉ có khi tôi nhớ về những kỷ niệm xưa cũ, nó lâng lâng như khi mình uống bát nước chè xanh đậm đặc. Lòng tôi cứ băn khoăn không hiểu tiếng ca Huế trên các con đò của mấy nhà công phủ đất Kim Long tổ chức trên sông Hương có còn vọng vào làng nữa không? Chao ơi là nỗi nhớ, nó cứ khoanh tròn bọc lại tháng năm tôi. Đã có đôi lần trở về làng xưa, đứng ở bờ sông Hương trước mặt làng tôi nhìn qua bên kia sông. Kim Long giờ đã mất đi những bến nước và vắng bặt những con đò. Ừ thì đò dọc vẫn còn nhưng đò ngang thì biến mất. Nhưng những chuyến đò dọc bây giờ màu sắc rực rỡ không đằm thắm như xưa, không mang cho người đứng nhìn một ước ao viễn xứ vì chúng về đâu hay đến đâu gần như trong lòng tôi cũng biết.
Cuộc đời bể dâu nên nhiều thứ mất đi bởi người ta không cần chúng nữa. Có ai tắm được hai lần trên một dòng sông đâu mà hối tiếc. Nhiều đổi thay như bao phận đời thay đổi nhưng sông Hương vẫn đẹp. Dòng sông vẫn xanh, vẫn được người đời xưng tụng là một trong những con sông đẹp của thế giới khiến ai yêu quê hương đều thấy tự hào.
V.N.L
(SH312/02-15)