NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Truyện ngắn
Người đến mỗi lúc một đông hơn. Từ ngõ vào tới hiên, tiếng chào hỏi nói cười ồn ã.
Nhà trên vang tiếng Trưởng Thìn quát tháo điều khiển mấy đứa em họ kê dọn bàn ghế. Trong gian bếp nóng nực, Lụa cắm mặt xuống chồng bát đĩa, hết múc canh lại bày thịt, sắp rau, rồi quay sang chảo mỡ sôi lóc róc nhanh tay trở những khúc cá chiên. Mâm đầy vừa được bưng lên nhà trên, một mâm trống khác lại được ngả ra chờ sẵn. Không gian chật hẹp oi nồng, ngột ngạt mùi khói lẫn mùi thức ăn ngào ngạt gia vị. Mấy bếp lửa rừng rực cháy, thỉnh thoảng nổ lép bép với những tàn lửa bắn ra khiến Lụa phải né người tránh sang phía khác. Những ngày vào đám giỗ ở nhà Thìn, bao giờ cũng đông khách và con cháu tề tựu. Chén vào lời ra. Những câu nói xách mé nhiều khi chỉ bắt đầu vì một chỗ ngồi không vừa ý. Chiếu trên chiếu dưới hơn thua cao thấp cũng đủ làm phừng lên ngọn lửa tị hiềm đã âm ỉ từ lâu. Những lúc đó, Lụa đã tránh ra chái sau, chăm cho bầy heo nung núc cứ dài họng kêu eng éc chờ bữa suốt từ sáng đến giờ...
Mâm xế rồi mâm chiều, con cháu ngoại đến con cháu nội, Lụa quay mòng mòng như cái vụ. Chặt thêm dĩa sườn, hâm lại tô canh, chạy ra đầu ngõ đong thêm rượu... Mãi đến khi tiệc tan, chén bát đã rửa sạch úp sấp đầy hai thúng to xếp dưới tấm phản giữa gian nhà lớn, chị mới bưng chậu nước bồ kết còn hâm hấp nóng thoăn thoắt đi về phía giếng nước sau vườn...
Lụa nhắm mắt hít thật sâu mùi lá chanh thoảng trong hương bồ kết. Cơn mệt tan biến thật nhanh cùng với những gàu nước giếng mát rượi. Bây giờ ánh trăng đã lấp loáng trên đám lá dày của vườn cây. Một vệt sáng hắt trên bờ vai tròn còn dính sát chiếc áo cánh trắng bằng vải phin nõn. Cảm thấy gò ngực hơi căng nhức sau lần áo ướt, Lụa chợt nhẩm tính ngày âm trong tháng. Chị chợt thấy mình thật đoảng. Hôm nay giỗ ông cố nhà Thìn thì là mười bảy, tính chi nữa cho mất công. Hèn chi mà cái bụng cứ lâm râm...
Ngồi trước hiên bếp gỡ cho suôn mớ tóc dài và dày thơm nhẹ một mùi hương mát dịu, Lụa hong cho thật khô rồi mới bước khẽ qua nhà ngang, đến căn buồng phía chái dưới của hai vợ chồng. Cả nhà đều đi ngủ từ lâu. Chị đẩy nhẹ cửa buồng bước vào. Tối om. Cánh cửa sổ bằng gỗ mộc kêu cót két khi Lụa mở ra, đón lấy ánh trăng ngoài song ùa vào sáng bạc trên chiếc chiếu rộng. Giờ này chắc Thìn còn khoác lác ba hoa với Khoa và Thông bên kia vườn. Bọn em họ này chẳng mặn mà gì với anh ta, ngoài thú lai rai nói đủ thứ chẳng đâu vào đâu để có cớ kéo dài thêm cuộc rượu tàn sau mâm giỗ. Thìn là con cả của ông Chiêm, trước đây là ông Trưởng họ Nguyễn. Ở cái làng vốn chỉ cách thị xã không quá một giờ đạp xe nhưng vẫn chưa có điện thắp sáng, không nước máy cho sinh hoạt của người dân, trình độ lập lòa chữ Nho nửa buổi pha trộn với chữ Quốc ngữ chưa hết bậc tiểu học của Thìn lúc bấy giờ đã là mở mày mở mặt cho nhà Trưởng Chiêm lắm rồi. Ruộng nhà với ruộng họ ruộng đương, thêm giỗ chạp cùng với mấy mâm lễ từ việc phái tới việc họ xuân thu nhị kì khiến bà Chiêm tất bật suốt năm. Vì vậy mười ba tuổi Thìn đã cầm cuốc theo bà Chiêm ra đồng. Nhưng anh ta không làm được việc gì đến đầu đến đũa. Chưa trưa đã đòi ăn rồi ngủ lăn ngủ lóc, chưa chiều đã la cà tới quán mụ Sạn đầu xóm, thử phì phèo thuốc lá và rồi tập tành trà rượu. La mắng đôi lần không xong, bà Chiêm cũng thôi. Vả lại vụng về như nó chi bằng làm gắng một chút còn khỏe hơn phải nhắc nhở. Đến khi Trưởng Chiêm mất - năm đó Thìn mới mười bảy - thì bà phải giao việc ruộng trưa cho anh ta. Miệng đói đầu gối phải bò. Huống nữa hai thằng em trai và đứa em gái út của Thìn đều còn nhỏ và đang đi học, mấy đứa học trường làng không tốn kém bao nhiêu, đứa kia vào học trong thị xã lại phải sắm xe đạp, áo quần sách vở và nhiều khoản tiêu tốn nữa. Vì vậy mà dở hay gì cũng con trâu cái cày, rồi năm qua tháng tới cũng lớn lên, cũng lưng dài vai rộng. Đến kì nhóm họ năm kia, công bằng mà nói thì cái tiếng thơm của người cha trước đây cũng có ảnh hưởng tốt ít nhiều cho con cái, anh được cắt đặt làm Trưởng Phái. Bà Chiêm hởi lòng hởi dạ khi đi đâu người ta cũng gọi anh là Trưởng Thìn. Lụa thở dài ngán ngẩm. Có nhắm mắt lại đi nữa, chị cũng không xua được hình ảnh một khuôn mặt xanh tái, mỏng quá mức với cái cằm vói ra trước, trông cứ như một trái xoài. Mà là một trái xoài sâu sia. Chưa kể mỗi khi Thìn đi việc họ, việc làng về, cái “trái xoài sâu sia” ấy lại phừng phừng đỏ gay. Tay cắp dù đen, đầu đội khăn đóng màu đen, cả cái áo dài vải lụa bóng cũng đen, lụng thụng trong bước đi thập thững vì hơi men, ngúc nga ngúc ngắc như một con gà chọi, hắn đã quát gắt om sòm khi còn đang chếnh choáng ngoài ngõ... Lụa trở người nằm úp lại, cảm giác đau lâm râm lúc nãy lại xuất hiện. Chị chống tay lật úp người, chườm chiếc gối dày dưới bụng, ngước mắt nhìn ra khung cửa sáng như ban ngày. Ngoài vườn, ánh trăng dội loang loáng trên những tàu lá dừa, lá chuối. Gió thoảng hương vườn khuya ngan ngát cùng với mùi tóc mới gội thơm mát khiến chị thấy dễ chịu, hai mắt liu riu, cơn buồn ngủ đến thật nhanh...
Lụa chợt giật mình mở mắt. Mùi rượu lẫn với mùi chua nồng của thức ăn trong hơi thở phả vào bên má làm chị buồn nôn. Chị gạt bàn tay nhớp nháp mồ hôi của Thìn đang sờ soạng dưới lớp áo cánh mình, nhích người lùi sát vào cửa sổ:
- Thôi đi, sắp tới kỳ tháng rồi, tui khó chịu lắm!
- Hừm... Đừng làm ta mất hứng nghe... A, đây biết rồi, hay là bây để dành cho thằng Điền? Nghe nói hắn đã lấy vợ trong Nam, con cái đùm đề, không có phần cho bây mô mà tơ tưởng. - Thìn cười khùng khục vừa nói vừa nhỏm người qua vồ lấy chị.
Lụa giật mình, cảm nghe như một khối chì nào đó vừa dội xuống nặng buốt tận đáy lòng. Chân tay bỗng rã rời mềm nhũn, chị nhắm mắt cố kìm nén tiếng thở dài cùng lúc với cảm giác ghê tởm cứ lờm lợm trong cổ họng. Bao nhiêu đêm trong cả ngàn đêm của hơn ba năm chị về nhà này, làm sao nhớ hết. Mà việc gì phải nhớ. Còn nhiều thứ để nhớ hơn nhiều.
Thìn đã vật người ra ngủ, hơi thở chua nồng khiến gian buồng như nhỏ hẹp lại. Lụa ngồi dậy, búi tóc lên rồi rón rén bước ra ngoài. Đến bên giếng nước, chị múc từng gàu xối như điên, tưởng như sẽ dội sạch hết những vướng mắc nặng nề, và cả nhiều ấm ức phải cam chịu, để được trở lại là một cô Lụa trong trẻo hồn nhiên ngày nào.
Ngày bỏ Bao Vinh theo đám dân chạy Tây trôi dạt về làng này, Viên xin đi chăn vịt, cấy hái để có cái ăn, rồi nhanh chóng làm quen với nghề bơi lặn, bủa lưới đặt nò để kiếm sống. Thấy chàng trai côi cút nhưng khỏe mạnh, thật thà lo làm ăn chí thú, một gia đình nhà chài kêu gả con gái cho và thế là Viên đã neo đậu nơi đây. Vợ chồng nghèo lại vất vả quanh năm trên mặt đầm. Sinh được hai đứa con gái mặt mũi cũng dễ coi, vợ chồng đặt cho chị tên Nhung, còn em là Lụa, với mong muốn hai con lớn lên sẽ có cuộc sống sung sướng hơn mình. Nhưng Nhung lấy chồng sớm, gặp đứa không ra gì, đêm uống say về đốt nhà khiến cô chết trong đám cháy khi ngày sinh con đã gần kề. Bà Viên xót con gái và cháu ngoại, ốm đến ngã bệnh, khỏi rồi thì lẩn thẩn khi nhớ khi quên. Vừa lúc Lụa đã cao lớn phổng phao, có thể đảm đương mọi việc thay mẹ. Cô gái dân chài tươi giòn mỗi sớm mai xắn quần đến gối, đôi chân trần thoăn thoắt gánh cá đi họp chợ xa hay mỗi trưa cắt gặt trên đồng làng đều không tránh khỏi cái nhìn ngơ ngẩn của Trưởng Thìn. Nghe bà Chiêm cậy người thăm hỏi, ông Viên đồng ý ngay. Con dòng của giống cũng hơn, bà Chiêm lại lành tính, không bắt bẻ lý sự ai bao giờ. Ông rất yên lòng khi nghĩ vậy. Ngày nhà Trưởng Thìn đón dâu, Lụa không buồn không vui dửng dưng theo đám chị em bạn đưa chân về nhà chồng. Chỉ khi ngoái đầu sang góc quán mụ Sạn, thấy Điền ngồi nhìn ra, ánh mắt rực lên ánh chớp của một chiều dông còn chưa xa, chị mới giật mình như vừa đánh mất một thứ gì.
Mùa lụt tiểu mãn năm ấy, lúc hối hả chống bè chở lúa về qua đoạn mả ông Tạ, chỗ nước xoáy bất ngờ khiến chị chới với và nếu không gặp lúc Điền lùa trâu sớm về qua đấy, chẳng biết bè lúa và cả chị sẽ như thế nào. Điền cao lớn, cơ bắp rắn rỏi và dáng đi lừng lững. Nắng gió của vùng nước lợ đã thấm vào màu da nâu như đồng hun và ánh mắt chàng trai lực điền lúc nào cũng như mải nhìn về một nơi xa xăm nào đấy. Nhà nghèo chỉ hai chị em nuôi nhau trong chái phên trống huếch trống hoác. Mảnh vườn con dăm ba gốc mía và mấy giàn bầu càng xác xơ hơn khi người chị đi lấy chồng. Điền sang làm thuê cho nhà mụ thợ Lục, ăn luôn với hai thằng con nhà chủ, tối mới về lăn ra ngủ khi đã mệt nhoài.
Hôm ấy chống bè giúp Lụa sang đến bến xong, Điền quày quả đi ngay. Cũng chẳng phải gấp gáp gì, nhưng tính anh xưa nay ít nói. Mấy hôm sau anh cố đợi để thấy Lụa đôi lần trên đường chị quẩy gánh hối hả ra bến sông cân cá cho bạn hàng kịp ngược đò phiên chợ sớm. Nhưng cũng chỉ nhìn. Mồ hôi bết tóc mai trên khuôn mặt ửng hồng vì nóng và cũng vì thẹn, mặc cho nón lật ra sau vai và quai nón chèn chặt dưới cổ, Lụa vít đòn triêng bước khấp khởi trong ánh mắt trông theo của chàng trai cày phơi phới sức vóc. Mà cũng chỉ có thế. Cho đến một buổi chiều tháng sáu, vừa vá lưới xong, Lụa chợt nhớ mấy món vốn đọng ở vài bạn hàng xóm ngoài bèn cắp nón te tái chạy. Gặp ngày nắng gắt và càng về chiều càng oi nồng, Lụa về cách đình Trung một quãng cũng vừa lúc cơn dông đuổi theo sát gót. Chị vào tới được mái hiên ngoài thì người đã ướt nhẹp. Cảm giác mát mẻ lúc nãy qua nhanh, chị bắt đầu thấy lạnh và rùng mình hắt hơi liền mấy cái. Chợt Lụa giật mình ú ớ, hàm như đông cứng lại vì sợ: thoáng có bóng người từ phía sau. Chưa tối, làm chi có ma. Không rằm không vía, đình này không ai lui tới. Chẳng lẽ bọn du côn xóm Cồn ngoài kia vào? Lụa bất chợt đưa tay soát lại mấy món tiền mới gom về còn ướt bết trong túi áo cánh.
- Lụa đi mô về mà lỡ mưa ướt hết rứa hả?
Ngẩng lên vừa nhận ra Điền, Lụa mừng quá chạy tới đứng sát cạnh anh. Không nhớ gì đến việc giữ ý, chị nắm lấy tay Điền, hai hàm răng lập cập vì lạnh:
- May quá, tui cứ tưởng...
Điền ủ hai bàn tay Lụa lạnh buốt, cảm nghe những ngón tay nhỏ đang run nhẹ trong nắm tay rắn rỏi ấm nóng của mình.
- E Lụa bị lạnh lắm rồi! Để tui đi đốt lửa.
Điền ra phía mái hiên sau nơi còn vương vãi ít rơm và mấy nhánh cây khô, ôm được một mớ vào lúi húi lấy bật lửa ra nhen. Lửa bén nhanh và tỏa ngọn lớn rừng rực. Lụa ngồi xuống bên cạnh Điền. Được hơ ấm, đôi má hồng dần lên, chị kéo nhẹ lớp áo ướt đang dính sát vào ngực, liếc khẽ sang vừa lúc Điền lúng túng lảng ánh nhìn ra sân. Trời đã tối lúc nào và chung quanh yên ắng hẳn. Chắc đã tạnh mưa. Tiếng ếch nhái ồm ộp vẳng lên rộn rã từ mấy ao hồ gần đấy giục Lụa vội vàng đứng dậy:
- Chết, tối tới nơi rồi!
Điền bối rối đứng lên theo. Mãi anh mới khẩn khoản:
- Lụa đợi hơ áo cho khô không thì cảm đó! Tui... tui đưa Lụa về, không việc chi phải sợ!
Nói vậy nhưng thấy Lụa dợm bước đi ra, Điền liền hối hả chạy theo. Lụa quay lại nói nhỏ:
- Nhưng mà lỡ ai thấy tui đi với anh đêm hôm ri thì họ đồn cho chết!
Điền cười ngượng nghịu:
- Họ đồn thì kệ họ, trúng trật chi mà lo...
Ra đến đường cái thì Điền đi chậm lại, cách Lụa một quãng xa. Và cứ thế, khi Lụa vào đến đầu xóm, anh mới lững thững quay về. Thật ra lúc chiều, khi sắp rẽ vào hàng tre ngõ nhà mình, Điền kịp thoáng thấy Lụa bươn bả chạy dưới cơn dông, Điền đã ngoắc người chạy ngược lối tắt phía đồng để lội lên mé sau của đình trước khi Lụa đến. Được ngồi cùng Lụa trong ánh lửa rực hồng, nhìn ra bên ngoài mưa gió ầm ào, anh định nói với Lụa thật nhiều. Nhưng rồi chỉ biết im lặng, hết cời đám củi cho lửa cháy đều lại liếc trộm sang Lụa... Không ít lần sau đó anh hay có ý chờ để gặp Lụa, nhưng nhiều nhất cũng chỉ bâng quơ chuyện mưa nắng, ruộng trưa... Chị em bạn đã hỏi vài câu thăm dò trêu chọc, đôi bài hò gán ghép vu vơ. Nhưng nào đã có gì đâu... Chỉ đến lúc bà Chiêm trầu cau sang dạm hỏi và hôm sau Lụa đi đội lúa giống về thì gặp chị gái của Điền. “O Lụa chê cậu Điền tui nghèo phải không? Chuyến ni cậu bỏ làng đi, khi mô có tiền triệu mới về đó o nờ!”... Lụa bần thần suốt buổi nhưng rồi những hôm sau cứ lu bu từ nhà ra đồng, lại phải giở chuôm để kịp cân cá cho bạn hàng nên chị không kịp nghĩ gì thêm. Và rồi Điền đi thật, đi ngay ngày cưới của chị.
Mấy năm nay không nghe ai nhắc, sao bây giờ Thìn lại biết rõ đến vậy. Bất giác Lụa lẩm bẩm:
- Cơ chi hồi đó...
Chị giật mình nhìn quanh. Trăng sáng soi rõ từng kẽ nứt nhỏ trên sân gạch. Không ai, không cái gì ngoài ánh trăng nghe được. Lụa vào bếp nhóm lửa và bắc nồi cám lên. Đầu xóm có tiếng gà bắt đầu vọng tới làm mấy con gà trống sau nhà cũng phành phạch vỗ cánh gáy ran một hồi. Rồi yên ắng trở lại. Lụa nhìn bóng mình lắt lay, chập chờn trên vách theo ánh lửa bếp bập bùng.
- Bây không ngủ chắc? Mạ nghe lục rục cả đêm.
- Dạ, tui cũng mới dậy!
Vừa nói Lụa vừa lấy que cời cho lửa cháy to ngọn rồi mới quay lại nhìn mẹ chồng. Bà Chiêm đang đứng trước hiên bếp, cái ngáp dài khoan khoái còn mở rộng trên hàm. Trong nhà, có lẽ người phụ nữ lành tính này luôn khiến cho chị thấy dễ chịu nhất. Và cũng vì vậy mà chị quần quật suốt ngày này qua tháng khác không tiếc công để đắp bồi cho đụn rơm thêm cao, đàn lợn thêm dày lứa, để mỗi năm gần hai mươi cái giỗ và mấy mâm lễ họ, lễ làng đều biện đủ, tươm tất không chê vào đâu được.
Nồi cám đã sôi. Những bọt bong bóng từ đáy nồi nổi lên kêu lục bục. Lụa đứng dậy rút cây dao dài giắt sát mé phên, đưa bàn chân đỡ khúc chuối dựng ở góc bếp, đá nhẹ cho vừa lăn ra mái hiên và ngồi xuống. Những nhát dao xoèn xoẹt đưa rất nhanh và ngọt. Chị cắm cúi xắt và băm chuối đến đầy thúng thì trời hửng sáng. Lụa đứng dậy quơ cái bị cói, vừa đội nón vừa nói vói ra giếng:
- Mạ, tui về bên nhà ít ngày. Sớm mơi có việc chị dại tui.
Chị dại là chị Nhung - theo cách gọi người đã mất khi còn trẻ ở làng này. Ra khỏi cổng rào, Lụa cắm đầu rảo bước về phía chợ. Khi Lụa xách con gà và nải chuối về trước ngõ nhà mẹ thì nắng đã đổ bóng hàng tre đến nửa sân. Bà Viên ngồi bệt trước hiên, cầm cây roi tre dài xua xua mỗi khi chị gà mái dắt bầy con mới nở xông vào đến ngạch cửa. Thấy bóng Lụa vào trước sân, bà ngẩng lên nhìn rồi vui vẻ đứng dậy:
- Giỏi hè! Chị dại mi chắc cũng về rồi.
Giằng con gà trên tay Lụa, người mẹ dở tỉnh dở mê ấy tháo nhanh sợi dây rơm buộc chân gà, thả cho con vật chạy trong sân. Hai tay vỗ vỗ, giọng bà gấp gáp:
- Ui ui! Xùy xùy! Chạy mau đi con ơi, mau đi không thì lửa táp tới nơi rồi! Con ơi! Cháu ơi!...
Ông Viên đang lúi húi cắm mấy nhánh phượng vàng vào độc bình kịp chạy ra đuổi theo chụp được con gà trong khi Lụa ngồi xuống bên mẹ, nước mắt lưng tròng.
Sau hôm giỗ chị Nhung, Lụa thương mẹ ở lại thêm vài hôm. Không bị Thìn sang càu nhàu gọi về như mọi khi, Lụa thong thả xách giỏ ghé chợ mua ít thức ăn, vài món hợp khẩu cho bà Chiêm và Chanh, em gái út của Thìn.
Về đến đầu ngõ, Lụa chợt khựng lại khi thấy Thìn và bà Chiêm ngồi trên phản, cạnh một phụ nữ lạ, môi son đỏ choét. Chị vừa quay người định rẽ sang phía hiên bếp thì bà Chiêm đã đứng dậy bước ra. Nụ cười gượng gạo như mếu trên đôi môi đỏ cấn trầu của bà mẹ chồng:
- Chị Trưởng về rồi thì vô đây chút đã!
Chần chừ vài giây, Lụa cũng miễn cưỡng bước lên bậc thềm. Gian giữa này ít khi đàn bà con gái trong nhà ngồi nói chuyện. Ánh mắt Thìn lẩn tránh khi Lụa nhìn qua anh và liếc nhanh về khuôn mặt phấn son kia.
- Trước sau chi cũng phải nói thiệt cho xong. Vợ chồng lấy nhau hơn ba năm mà chưa có con. Tui cũng muốn mạ có cháu. Tuyết đây có mang với tui rồi. - Thìn nói gấp gấp rồi đứng phắt dậy bước ra cửa, đứng quay lưng với hai người đàn bà.
Bà Chiêm đưa mắt nhìn Lụa. Nhưng lạ thật, đứa con dâu đã không tức giận la lối như bà vẫn tưởng, ngoài chút ngạc nhiên thoáng qua. Bà nhỏ nhẹ:
- Chuyện đã rồi... Thôi thì chị Trưởng ừ đi một tiếng cho con ni về đây làm chị em với nhau.
Quay sang Tuyết, giọng bà hơi cứng:
- Chị Trưởng thì giỏi giang không ai kịp, ruộng trưa bếp núc chi cũng tròn dài tươm tất. Có chi thì hỏi chị vẻ cho!
Từ nãy giờ Tuyết vẫn ngồi lặng thinh, vẻ mặt bình thản tự nhiên. Chờ ả ta ngước mặt lên nhìn mình định nói, Lụa mới đứng dậy:
- Thưa mạ, thời buổi này làm chi còn có chuyện chồng một vợ hai. Tui kém cỏi không bằng người khác thì để tui về với cha mạ tui.
Và Lụa về thật. Không phải với ông bà Viên mà ra thẳng ngôi lều chơ vơ trên đầm nước, nơi ông Viên mỗi tối ra ở lại để canh nò. Người ta nói “hoạ vô đơn chí” thật chẳng sai. Sau hôm thẳng mặt thẳng lời với nhà Thìn, Lụa vơ hai bộ áo vải trở về nhà mẹ đẻ. Vừa tới đầu xóm đã nghe xao xác chuyện bà Viên bỏ đi đâu mất ngay sau hôm giỗ Nhung. Tìm hết đầu làng cuối xóm suốt buổi không thấy vợ, ông Viên thuê người chở dọc đường lên thị xã, may sao gặp được và đã đưa thẳng lên bệnh viện tỉnh để điều trị.
Phải che chắn, chằm vá thêm để căn lều kín đáo hơn cho nơi ăn chốn ở của một phụ nữ. Vả lại dẫu có rừng cây bao phủ, quanh năm nơi nầy vẫn bao la nắng gió. Những lối đi vào rợp bóng một loài cây suốt đời chịu dầm chân trong nước mặn có những bộ rễ vững chắc với nhiều hình thù cổ quái. Trên mặt đất, loại đất lấy từ đáy nước lên chóng khô và cứng, vô số những hang những lỗ luôn thập thò mấy con vật mới nhìn giống như những con rạm đồng. Không chỉ thả chuôm, đặt nò, Lụa còn thả thêm bầy gà chạy kiếm ăn quanh rú. Loại cây trên rú này sau mỗi mùa hoa vàng rực cả rừng lại rơi bao nhiêu hạt, mới nhìn trông giống như hạt đậu xanh nhưng tròn hơn, lớn hơn, làm thức ăn cho gà vừa mau lớn lại ngọt thịt. Mùa hoa qua thường qua rất nhanh trong khi mùa mưa dường như muốn ở lại. Những cơn mưa tầm tã miên man có khi kéo dài suốt mấy tuần. Nhìn rừng cây chìm trong màn mưa trắng trời, nhiều lúc Lụa thấy tủi thân cho nỗi đơn độc của mình. Nhưng rồi công việc cứ như xoắn bên hông làm chị chóng quên. Chật vật đến đâu cũng vài tuần một lần có được ít tiền để lên bệnh viện trang trải mọi thứ cho ông bà Viên. Trở về lại cắm đầu vào việc. Dần dà đã trường vốn hơn, chị gầy thêm bầy vịt, rồi ngan, rồi ngỗng... Sớm chiều bầy gia cầm quẩn quanh, gọi nhau váng cả mặt đầm xoa dịu cho chị phần nào những cơ cực buồn đau. Lâu rồi bà Viên cũng đã khá hơn. Hôm ấy, cha con Lụa thu xếp đưa bà về. Cơm nước xong cũng vừa tắt ánh mặt trời. Ra khỏi làng một quãng, Lụa chợt nhớ đã hết dầu thắp. Điện về làng đã lâu nhưng căn lều cùng rừng rú vẫn hoang sơ. Chị quay lại quán mụ Sạn, giờ thì o con gái của mụ đã có thể trông coi việc mua bán thay mẹ. Vừa đong dầu, o vừa liến thoắng:
- Lâu ni có điện rồi, ít ai mua dầu lắm. Chỉ có chị Lụa với anh Điền mua thôi...
Lụa nghe nóng bừng hai má. Không nhìn chị, o bán hàng xởi lởi giải thích:
- Là vì anh chạy máy đó. Anh mới đưa vợ con về đã mở cửa hàng xay xát coi bộ đàng hoàng lắm. Chị không biết thiệt à?
Lụa bước nhanh về phía rú, chẳng hiểu lòng buồn hay vui. Hoàng hôn vàng rực sau lưng chị, đổ chiếc bóng cô đơn càng lúc càng dài, càng liêu xiêu trên lối đi mấp mô... Cho đến khi căn lều nhỏ thấp thoáng hiện ra phía cuối rừng cùng với tiếng ngỗng kêu xao xác, chị mới như chợt tỉnh. Có lẽ đêm nay, lần đầu tiên trong mái lều cô quạnh sau một ngày vất vả, chị thức cùng với tiếng cá móng mồi, tiếng chim đêm và tiếng thở dài của rừng cây.
Nhưng rồi dù thế nào thì cũng phải sống. Khó khăn hơn cho Lụa khi phải ra chợ hoặc vào làng. Chuyện đã lâu nhưng chưa cũ. Người làng tốt tính mà lại nhớ dai. Cố tránh đến đâu Lụa vẫn lọt vào tai những thông tin về gia đình Điền. Mới vào Nam gần sáu năm mà Điền đã có vốn liếng vững vàng. Cô vợ tên Thoa là “người trong tê”, buôn bán giỏi, con thì trai có gái có... Con đường từ làng ra rú Lụa thường phải đi vòng xa hơn vì không muốn ngang qua xóm nhà Điền. Nhưng chiều nay, sau một ngày vào làng giúp bà Viên nấu nướng vài mâm đơn sơ để nhớ ngày giỗ bà ngoại, Lụa cắp nón về thì trời đã nhá nhem tối. Chị đi nhanh qua ngõ nhà Điền, liếc vào thoáng thấy bóng đàn ông ngồi trước sân. Trong khung cửa sáng ánh điện, người phụ nữ đang ẵm đứa nhỏ trên tay nhìn ra vụt cất cao giọng ru, cái giọng miền Nam rất lạ với người ở đây:
Ầu ơ...
Rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng,
Dẫu thương cho lắm... ờ...
Dẫu thương cho lắm... cũng chồng người ta...
Lụa quày quả bước như ma đuổi, sau lưng chợt vẳng lên tiếng loảng xoảng của chén bát rơi vỡ. Đường vào rú chợt tối âm trầm. Vài tiếng chim đập cánh lẻ loi trên vòm cây. Đến đầm nước, chị ngồi bệt xuống bờ đất. Cơn mệt thấm sâu khiến chị đưa tay ôm lấy ngực. Lụa chợt rùng mình bởi một cảm giác ớn lạnh đang bủa vây. Sao không gian yên ắng đến rợn người thế này? Lụa cay đắng chợt nhớ ra. Sự thật não nề vậy mà đã thoắt quên. Trận dịch gia cầm trong tháng này tràn qua như cơn bão quét sạch hết đám gà vịt ngỗng ngan trên rú, không còn một con. Chị còn tưởng phải vội về cho chúng ăn trước khi lùa vào chuồng... Chao ôi! Tiếng nấc nghẹn trong lồng ngực bật trào cùng với nước mắt lã chã rơi. Chị khóc tức tưởi như đã kìm nén quá lâu, không để ý đến tiếng chân người cố bước khẽ và dừng lại cách đó không xa...
Ra giêng, trời ấm dần. Lớp lớp lá rừng xanh tươi trở lại. Cũng phải bắt đầu xuống giống cho vụ cá mới và gầy lại bầy gia cầm để kịp tết Đoan Ngọ. Nhưng vốn liếng hao hớt nhiều quá rồi, Lụa phải chạy chợ mỗi sớm - công việc ngỡ đã quên nhiều năm nay. Chiều muộn, băng qua dải cồn mồ le lói ánh mặt trời nhập nhoạng, chị về ngồi lu thu trong lều nhóm lửa cho bữa tối mệt mỏi rã rời. Bóng người đàn bà cô độc vẫn hắt dài trên vách.
Tối nay cũng vậy. Ăn xong đã lâu mà Lụa còn ngồi co ro nhìn ra ngoài. Gió lao xao trên mấy tán cây quao trước cửa lều, phả nhẹ chút hơi lạnh của đêm xuân. Bất chợt chị đứng phắt dậy, môi run run ngỡ ngàng:
- Úi trời, anh Điền hả?
Đúng là Điền thật rồi. Anh chần chừ trước cửa một lát rồi bước vào:
- Tui tới chậm, mất bữa ăn tối phải không Lụa?
- Đêm hôm anh tới đây không sợ tai tiếng chi răng? - Lụa vừa hỏi vừa đặt ly nước lên chõng.
Điền không cười nữa. Giọng anh nhỏ lại, tha thiết:
- Không. Mà chẳng còn mấy khi nữa để tai tiếng. Tui tới đây nhiều lần mà không dám vô nhà. Thấy Lụa buồn, tui đứt cả ruột. Chừ thì tui tới gặp Lụa lần cuối rồi tui đi liền. Đi ngay. Đi không về nữa. Nhưng đi xa mấy tui cũng nhớ cũng thương Lụa...
Lần tay vào túi áo, anh lấy ra một bọc giấy có buộc dây kỹ lưỡng đặt vào tay chị:
- Số bạc nầy không nhiều nhưng cũng đủ giúp Lụa chạy đủ giống cho vụ tới. Lụa nhận cho tui yên lòng đi xa. Tui đi thì tui mới sống được...
Không kịp nghe hết câu với giọng nói như run và lạc đi vì xúc động của Điền, Lụa dúi gói giấy trở lại vào tay anh, cay đắng chì chiết:
- Anh nghĩ tui là người như răng mà cầm tiền của anh? À không, tiền của vợ con anh đó chớ!
Điền rụt tay lại định đi ra cửa. Mất đà, Lụa ngã vào anh. Điền quay lại chỉ kịp nhận ra mùi bồ kết thoảng nhẹ trên vai mình. Anh cúi nhìn thật gần khuôn mặt chứa chan nước mắt. Đôi vai rung khẽ theo tiếng nấc, Lụa buông xuôi hết những nhọc nhằn bấy lâu phải oằn chịu. Chị nhắm mắt để thấy lại thật rõ những đợt sóng xoáy dập dềnh trên chiếc bè mỏng manh ngày lũ và cơn mưa trắng trời của chiều dông năm ấy. Chị bồi hồi thở mùi mồ hôi ấm nồng, bây giờ mới thật là thân quen.
Điền bước ra khỏi lều ngồi trên bến châm thuốc hút. Sao mai nhấp nháy nhìn người đàn ông đang trầm ngâm như tượng. Chỉ vài giờ nữa là hết đêm. Đã thực là đêm cuối trên mảnh đất lắm dùng dằng níu kéo này không, Điền không dám nghĩ tiếp. Anh dụi tắt điếu thuốc, lội xuống đầm. Nhặt nhạnh cả mấy cái nò đổ chung vào làm một mà vẫn không đủ tôm cá cho bữa chợ sớm, anh buộc lưng chừng mép nước sẵn cho Lụa rồi trở lên đi vào lều. Gió khuya lành lạnh. Trong thứ ánh sáng lờ mờ hắt từ khung cửa, Lụa vẫn còn ngủ say. Nhẹ tay gài lại liếp cửa, Điền quay lưng đi nhanh xuống bờ đầm. Chậm chút nữa thôi, có thể anh sẽ không cất bước nổi...
Đến khi nắng rọi vào hiên, Lụa mới trở mình thức dậy. Cảm giác mỏi nhừ trễ nải rất dễ chịu. Uể oải nằm nướng thêm giây lát để nhớ lại chuyện hồi hôm, Lụa chợt giật mình ngồi vụt dậy chạy ra khỏi lều. Vẫn hoang vắng mênh mông. Nhưng chắc chắn không phải là mơ.
Sự thật càng ngày càng nảy nở trong chị một sức sống để chờ đợi. Lụa càng tránh giáp mặt người làng. Và cũng vì vậy, chị có thói quen hay cầm nón che ngang bụng. Đi về âm thầm như chiếc bóng, chị cách biệt dần với mọi người. Cũng chẳng bận tâm xem cái cộng đồng làng xóm sau rặng tre xa ấy bàn tán đồn thổi những gì. Đứng phía mé rừng, nhìn ra cửa biển hừng sáng mỗi bình minh, chị không còn cảm thấy cô quạnh nữa.
Ngày tháng dường như qua mau. Bà Viên đã khỏe dần và tỉnh táo hẳn khi ẵm trên tay đứa cháu trai cứng cáp, mặt mày sáng láng. Lụa trở lại với công việc trước đây. Đôi lúc vào làng hay ra chợ, chị cũng thấy tự nhiên hơn khi ai đó hỏi thăm về đứa bé, kể cả nói chuyện bỏ đi của Điền. Người thì nói anh đi đào vàng trong Quảng Nam, kẻ lại bảo rằng đã tận mắt thấy anh vào làm cà phê ở Tây Nguyên. Lụa càng dửng dưng hơn khi có lần gặp bà Chiêm, nghe bà than trời về chuyện Thìn đã bị cắt Trưởng Phái, chuyện Tuyết đã bỏ nhà đi theo tên cờ bạc lận, là cha đẻ đứa cháu đích tôn hờ của bà...
Một buổi sớm tháng chạp, Lụa chuẩn bị ra chợ thì nghe tiếng người gọi trước cửa. Chưa ngước lên nhìn, Lụa cũng biết ngay là Thoa. Dắt theo đứa con trai gần ba tuổi, Thoa bước hẳn vào trong. Không biết phải làm gì, Lụa đi theo đến bên cạnh, đứng chắn trước cái nôi tre như sợ thằng cu Đồng sẽ thức giấc. Người phụ nữ nói giọng đặc miền Nam xứ vườn:
- Chị Lụa ở có mình ên vậy hả? Má con tui định ra thăm mà cứ bận quá à!
Xem vẻ mặt và giọng điệu Thoa cũng thân thiện, Lụa mới yên tâm rót nước mời khách:
- Dạ, có mạ tui coi cháu và cơm nước chứ một chắc tui thì làm chi được. Bà cũng sắp ra tới nơi rồi.
Lụa chợt lúng túng nhìn xuống những ngón chân mình đang bấm trên nền đất:
- Tui làm cô Thoa buồn lắm phải không?
- Trước đây thì có. Đến khi thấy anh Điền bỏ đi, tui biết chắc anh cũng khổ tâm lắm.
Để ly nước xuống, Thoa nhìn ra bên ngoài, nơi mặt đầm sáng rực nắng mai:
- Anh để lại đầy đủ nhà cửa vốn liếng. Tui biết anh rất tốt với mẹ con tui, nhưng tui chắc là anh thương chị nhiều...
Nhìn thằng bé mon men vói cầm sợi tao nôi lắc lắc cười đùa với cu Đồng đang thức giấc mở to đôi mắt đen trông theo, cả hai người mẹ đều sửng sốt: hai khuôn mặt giống nhau quá trời.
Lụa thở dài:
- Chắc anh Điền không biết là đã có cu Đồng. Cô Thoa có nghe tin chi về anh Điền không?
- Tui cũng cất công hỏi dò mà chưa nghe thấy gì cả. Nhưng lâu mấy cũng phải tìm… Tui đem nếp ra để chị nấu bánh tét cho cả ba anh em chúng ăn đây nè, vui quá trời chị Lụa héng!
Cả hai bước ra hiên. Phía cửa biển nắng và gió vẫn mênh mông. Không biết đến bao giờ người đàn ông của họ mới trở về từ phía ấy. Nhưng họ biết rất rõ là mùa xuân đang đến thật gần.
N.T.D.S
(SH312/02-15)