Giá sách Sông Hương
Làng Bên Sông
Khách thú nước non nơi hải khẩu
14:54 | 13/03/2015

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                       Bút ký

Một mình trong sớm mai, ngắm đầm Cầu Hai bàng bạc sương khói, tôi cứ ngỡ mình phiêu lạc vào chốn bồng lai nào khác.

Khách thú nước non nơi hải khẩu

Mối cảm giao với vùng nước non thuở bé thơ mỗi lần về chơi nhà o vẫn giữ vẻ nguyên sơ vốn có, dù tuổi tôi có nhích lên đôi phần. O tôi làm dâu xa, những tận Vinh Hiền. O lam lũ làm đủ thứ nghề bên đầm Cầu Hai nắng gió. Dượng hằng ngày chèo ghe đi bủa những mẻ lưới trên đầm, o buôn thúng bán mẹt đi đi về về dọc quốc lộ 49B gánh hàng kĩu kịt bờ vai. Cuộc mưu sinh gắn bó với đầm, ngày qua đầm, tối về đầm. Đầm Cầu Hai là nơi tôi biết rằng nước của đầm, phá dù rộng mênh mông nhưng dễ lội, cứ bì bỏm mò cua bắt ốc suốt ngày. Chiều lại, đám trẻ thơ nơi xóm nghèo ùa nhau ra nô đùa bên dòng nước ấm vị hăng một ngày oi nắng.

Làng o bên đầm Cầu Hai có tên là Phụ An, nổi tiếng bao đời với nghề nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Làng Phụ An xưa thuộc phường Phụ Lụy, tổng Diêm Trường, phủ doãn Thừa Thiên. Căn cứ trên các gia phả, địa bạ của làng, các nhà nghiên cứu cho rằng làng được thành lập trong quá trình Nam tiến của dân tộc, trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh vào khoảng thế kỉ XVII. Làng có nhiều họ đến khai canh, khai khẩn và lập nghiệp như họ Ngô, Lê, Huỳnh, Nguyễn, Trần, Phan…

Nằm gần cửa biển Tư Hiền, với địa bàn dài hơn 7km bờ biển và đầm Cầu Hai, làng nổi tiếng với các sản phẩm như nước mắm, mắm hàu, mắm rò, mắm cá các loại... Sản phẩm tạo được đặc trưng riêng bởi nguyên liệu thành phẩm đặc biệt chỉ tạo nên được từ những con cá tươi trên biển, trên đầm Cầu Hai. Nghề truyền thống của làng Phụ An trải qua một quá trình hình thành lâu đời, ban đầu chỉ là những sản phẩm được làm để dùng dự trữ trong những ngày mưa bão thời xa xưa. Sau đó, nghề phát triển tạo ra các sản phẩm chế biến thủy hải sản cung ứng cho người dân trong địa phương và các vùng lân cận. Đến nay, sản phẩm đã được bán rộng rãi trên địa bàn tỉnh và khắp cả nước. Hiện toàn làng có 32 hộ chế biến thủy hải sản, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, mỗi năm có doanh thu hàng tỉ đồng. Năm 2014 vừa qua, làng được công nhận là “làng nghề chế biến thủy hải sản” tiêu biểu của tỉnh.

Dân làng Phụ An là những người khéo kể chuyện, thích kể chuyện. Hầu hết những địa danh nơi đây đều được dân gian mang cho những tuồng, tích và những chuyện xoay quanh cảnh vật nơi đây mà nhiều nhất là gắn với cửa Tư Dung. Những tích xưa kể về mỗi ngọn núi, cửa biển đều có cách lí giải riêng, nhiều khi mang tính “trạng” hài hước, dí dỏm. Có lần dượng kể cho tôi nghe về sự tích những ngọn núi quanh xã Vinh Hiền như núi Rùa, núi Linh Thái rằng: “Ngày xưa, có ông thủy tổ dòng họ Lê nơi đây là một người kì lạ, có tài phép thuật biến hóa. Ông có biệt tài biến chiếc nón thành ghe, biến lưỡi mác thành mái chèo vượt đầm, vượt bể. Thấy cửa biển Tư Dung ngăn cách đi lại giữa hai bờ ông liền tính chuyện đi gánh hai ngọn núi bên kia dãy Trường Sơn về lấp lại. Hai quả núi quá nặng nên khi ông gánh ngang đây chưa kịp đổ xuống lấp cửa thì gióng đứt. Hai quả núi rơi xuống nằm hai bên cửa Tư Dung thành núi Rùa và núi Linh Thái. Từ đó, quê hương Vinh Hiền mới có địa thế, địa hình như ngày nay.

*

Những ngày ở nhà o, những ngày yên bình cùng nhịp sống đầm nước. Một sớm mai mịt mù thức dậy mở cửa, dượng đã sửa soạn ghe bầu đi bắt cá bỏ lưới đêm qua. Ghe đi trong làn sương dày đặc, lạnh căm căm sáp lên da thịt. Sương dày đến độ nước và trời như nhập làm một, chẳng thấy đâu là trời, chẳng thấy đâu là nước. Nếu không nghe tiếng sào dượng khuấy mặt đầm vang loọc oọc, tiếng dầm anh họ gõ lách cách bên mạn ghe phá tan vẻ tịch mịch sớm mai, tôi cứ ngỡ mình trôi lạc trong mây. Cảnh vật khoác xiêm y diệu ảo, thi thoảng có một cơn gió nhẹ thoáng qua xua đi sương giá, lúc ấy phóng tầm mắt về bờ Đông nhô ra mấy ngọn núi lấm tấm xanh, nghe dượng bảo rằng đấy là núi Túy Vân, núi Linh Thái. Bức tranh thủy mặc chấm phá từng nét đây núi, đây ghe, kia là những ốc đảo đá trong ánh nắng mỏng bắt đầu dát lên mặt đầm. Những ốc đảo bé nhỏ như những hòn non bộ bày cuộc bồng bềnh trong sương, bên trên cắm những lá phướn đỏ lất phất trong gió sớm. Mỗi lần ghe đi qua những lá phướn đỏ ấy, tôi lại co người lại bám vào tay anh họ. Màu đỏ điều phất phơ giữa sương mù gợi lên vẻ cô liêu hoang lạnh. Dượng bảo có mấy ốc đảo thờ bà Thủy của dân đầm, ngày sóc vọng thường ra đấy cúng lễ. Một vài ốc đảo có mấy cây si cổ thụ mọc chen lên đá, cành lá ve vẩy trong nắng mai. Ghe đi quanh quanh ốc đảo, nơi đây nước tụ, nhiều ghềnh, cá hay trú phải xua ra. Những dải lưới được kéo lên, mắc đầy những cá tươi quẩy bạc lấp lánh. Một tiếng chuông chùa ngân dội xa xa, lan trên mặt nước, chạm nhẹ vào chiếc ghe bầu bé nhỏ giữa mênh mông sương. Tiếng chuông từ bi dội sâu vào tâm, tôi hiền lành bắt những con cá bé thả xuống mặt nước bạc. Dượng thấy vẻ lấm lét của tôi thì cười, ngày đó dượng cũng thả những con tôm, con cá bé xuống lại mặt nước vì rằng chúng chưa lớn để đem ra chợ, để chúng có cơ hội sinh trưởng tạo nên giống nòi mới. Nay, mỗi lần về lại đầm thấy người ta dùng lừ xếp khung sắt bắt tận, đánh kiệt không một loài thủy sản nào dù nhỏ bằng đầu đũa chui ra lọt, thấy chạnh lòng.

*

Đầm Cầu Hai rộng lớn thế nào tôi chẳng đo đếm được, chỉ thấy mình như con chim, con cá lội lạc trong mênh mông ấy. Sau này mới biết đầm Cầu Hai là đầm lớn nhất trong hệ đầm phá Tam Giang với diện tích mặt nước là 11.200 ha, chu vi lên đến hơn 100km, nằm ở phía Nam - trên địa phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Đầm thông với biển qua cửa Tư Hiền. Cùng với hệ phá Tam Giang, đầm Cầu Hai là vùng điều hòa khí hậu giữa hai vùng cát, điều tiết lũ lụt và hạn chế nguy cơ ngập úng cho vùng đồng bằng. Nơi đây còn có chức năng duy trì nước ngầm vùng đồng bằng ven bờ và vùng đất cát ven biển, duy trì nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; là nơi tự phục hồi chất lượng nước trước khi đổ ra biển để bảo vệ cho môi trường biển được trong sạch.

Đầm Cầu Hai sắc tiết thay đổi theo mùa nhưng sinh hoạt của cư dân hoặc sinh sống hoặc phụ thuộc vào đầm cơ bản không thay đổi. Mùa nắng, đầm rạng ngời với những bình minh pha hồng, mặt trời rẽ quạt phía đằng Đông. Những chiếc ghe sớm buông dầm ra đầm nhẹ nhàng như chiếc lá khô trôi trên mặt nước lặng. Buổi trưa trời xanh ngăn ngắt, mặt đầm cũng xanh. Thi thoảng có đám mây bông đậu trên trời, in hình lên mặt nước. Buổi chiều, bóng núi Bạch Mã ngả xuống đè lên một phần đầm sát đường quốc lộ, phân chia một bên xanh mơ màng, một bên tím rũ. Đứng dưới cầu Tư Hiền nhìn lên mỗi buổi hoàng hôn, buồn nhuốm cả những con đò rách nát nơi mặt nước tĩnh lặng không chút xao động. Những đàn sâm cầm, cò trắng bay rợp một góc đầm rồi trốn biệt vào đâu đó giữa những làn giao thoa sáng tối. Đôi ba cánh trắng chấp chới bay vào núi, để cái bóng lẻ loi dằn lên nền trời tro xám cuối ngày. Những ngày đông, cả khu đầm nhòa nhoẹt trong cơn mưa bụi dầm dề, ướt át. Màu xanh ngăn ngắt mê mị lòng người biến mất, chỉ còn cái vẻ trầm kha ngự trị cả vực nước mênh mông.

Ngày xuân trời thay áo mới, mưa gió thu mình ra bể để những lộc mầm nhú lên trên những khoảng rừng ngát Linh Thái, Túy Vân. Đất trời khang ninh, thổi bạt những làn gió thơm mang theo vô số hương sắc từ Bạch Mã ủ ngát cả đầm Cầu Hai. Cả nhà o tôi quyến luyến hương mai vàng cổ thụ mọc trên lớp đất cát khô cằn. Đây đó những chuyến đò băng ngang đầm, nhành mai vàng mây lụa vàng rỡ trên những mui đò đi đón tết. Một vùng non nước như khoác lên mình dải gấm xuân.

*

Gần làng Phụ An có cửa Tư Hiền. Những ngày ở nhà o, anh em chúng tôi theo đám trẻ nít trong xóm vác cần câu ra đấy. Tôi không rành câu cá nên lom khom nhặt ốc, nghêu sót lại sau đợt thủy triều xuống. Cửa Tư Hiền vốn trước có tên rất nổi tiếng suốt thời trung đại, được nhiều bậc danh nhân đề thơ vịnh cảnh với cái tên Tư Dung hải khẩu. Cửa biển Tư Dung trước kia thuộc về vương quốc Champa, đời Lý gọi là cửa Ô Long. Cái tên Tư Dung có từ thời Trần, do lòng thương nhớ công trạng của Huyền Trân công chúa mà đặt nên. Năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Khi xuất giá sang nước chồng, công chúa Huyền Trân đã ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Người đời sau dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này nhằm tưởng nhớ công ơn nàng công chúa đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để mang cuộc đất mới về cho đất nước. Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến; Dung là nét mặt, dung nhan, ý chỉ nàng công chúa nhà Trần xinh đẹp. Dượng tôi còn bảo Tư Dung còn có tên gần như nói trại đi là “Tử Dung”. Cái tên này có cách giải thích khác liên quan đến sự truyền bá đạo Phật của vị tăng Sư Tử Dung thuộc phái Thiền Tông Trung Hoa. Sau này, sư viên tịch nên người sùng đạo gọi cửa Tử Dung để tưởng nhớ công lao của người. Nhưng đến đời vua Minh Mạng thì cửa bị lấp mất, một cửa khác mở ra gần đấy. Nhà vua cho đó là điềm lành vì cửa lấp thì kẻ địch không đánh thọc nách kinh thành được, bèn đổi tên cửa Tư Hiền cho đến ngày nay vẫn quen gọi vậy.

Cửa biển Tư Hiền xưa qua ghi chép khá chi tiết trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn: “Cửa rộng 8 trượng, khi nước lên sâu 3 thước, khi nước ròng sâu 2 thước, nước cạn thuyền lớn đi không được. Xưa có đặt Thủ sở, có binh túc trực tuần phòng ngoài biển, phía tây cửa biển có hành cung Túy Vân sơn”. Đoạn sau nhắc lại cửa cũ Tư Dung rằng: “Xưa kia, cửa nguyên ở chỗ gần núi, cách phía nam cửa bây giờ chừng 5 dặm. Tương truyền, vài trăm năm trước đây, cửa cũ rất sâu rộng, ghe thuyền rất thuận tiện vào ra”.

*

Cửa Tư Dung là một hải khẩu nổi tiếng, dường như những bậc tài cao, chí lớn lập tích, lập thân ở phương Nam ít nhiều để lại dấu tích nơi dây. Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chính đi đánh nước Chiêm Thành đã đặt hành điện tại cửa Tư Dung để cho thủy quân diễn tập chuẩn bị vào trận đối mặt với tướng Chiêm khi đó đang đóng ở Cu Đê (Đà Nẵng). Khi nghỉ chân tại cửa bể này, nhà vua cảm tác cảnh sắc non nước đã làm bài thơ “Tư Dung hải môn lữ thứ” với những câu miêu tả sự hùng vĩ nơi đây:

Vách núi dựng đứng nhấp nhô, màu xanh ngăn ngắt
Sóng vỗ ngất trời cuồn cuộn, sắc biếc trùng trùng.


Tư Dung thời ấy toát lên vẻ bề thế của một cửa biển lớn bên vách núi, màu nước xanh hút hồn người ra trận. Những cơn sóng Tư Dung cuồn cuộn như sĩ khí quân Đại Việt trên đường bình Chiêm. Câu thơ thể hiện cái chí của người cầm quân, gian nan phía trước nhưng tâm vẫn tĩnh, bình lặng đưa chiến cuộc đến hồi kết vinh quang. Cuộc đại chinh của vua Lê Thánh Tông thắng lợi, biên giới Đại Việt được định tới đèo Cù Mông (Bình Định).

Người đời tương truyền, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) có nhiều ân nợ với cửa biển huyết mạch này. Năm13 tuổi, Nguyễn Ánh đã theo chúa Nguyễn Phúc Dương xuôi cửa này mà trốn quân Trịnh để vào Nam. Sau khi Nguyễn Ánh củng cố lực lượng đã kéo quân ra chiếm kinh thành Phú Xuân bấy giờ quân Tây Sơn đang trấn giữ. Quân Nguyễn Ánh định kéo chiến thuyền vào cửa Thuận An nhưng ngựơc gió thuyền lên không nổi. Có người tham mưu cho đổ vào Tư Dung, Nguyễn Ánh y theo, cho quân đi thám báo. Chợt thấy có ánh sáng lập lòe nơi cửa biến ấy, Nguyễn Ánh liền cho quân theo ánh sáng lập lòe vào cửa trót lọt, đánh bại nhà Tây Sơn. Về sau, Nguyễn Ánh mới biết ánh sáng đó phát ra từ mắt đôi rái cá. Khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh - Gia Long cảm tạ ơn ấy mới phong cặp rái cá là: “Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân” và đổi tên cửa biển là cửa Biện.

Cửa Tư Dung còn được mệnh đề: “Cửa thâu bốn bể, nước thông trăm ngòi” qua con mắt của bậc công thần định nghiệp Đào Duy Từ vào thời chúa Nguyễn. Ông có tài văn võ, giúp chúa Nguyễn trong việc hoạch định chiến lược phân tranh với Chúa Trịnh như đắp lũy Trường Dục và lũy Nhật Lệ ở Quảng Bình, viết binh pháp “Hổ trướng Khu cơ”. Riêng cửa Tư Dung, Đào Duy Từ để lại bài “Tư Dung vãn” ca ngợi cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ nơi đây. “Tư Dung vãn” gồm 332 câu lục bát, xen lẫn hai bài thơ thất ngôn bát cú, ba đoạn ca và hai đoạn ngâm làm theo lối ca từ phóng khoáng. Cả cái chí “chọc trời khuấy nước” lẫn cái thú “tang bồng” đều tụ lại trong bài vãn hào sảng này của bậc tài danh Đào Duy Từ:

Thảnh thơi khách hứng nước non,
Thông reo thế địch, suối tuôn tạm đờn.
Thiên thai người khéo lang đang,
Dạ lăm cắp núi, chí toan vá trời.


Thuở ấy, họ Đào tiêu dao nơi thắng cảnh chỉ cốt cái tao thú “hứng nước non”. Cảnh say lòng người đến độ thông là địch, suối là đàn. Kẻ tao nhân ấy vãn cảnh mà chí cốt đàm đạo với cao tăng, chuyện trò cùng ngư - tiều - canh - mục nơi thôn dã bằng cái chí “Dạ lăm cắp núi, chí toan vá trời”. Một bài vãn “thi dĩ ngôn chí” của tiền nhân treo cửa Tư Dung thật khiến thiên hạ muôn đời muốn sờ lên cái chí ấy mà thâu bốn bể như hải khẩu này. Tại sao ở nơi đây Đào Duy Từ lại bùng lên cái chí “đội đá vá trời” ấy lẫn trong cái tao thú giang hồ? Phải chăng một cảnh sắc gì khác nơi đây làm say lòng mặc khách. Nhiều năm sau trở lại chốn này, bước chân lên núi Túy Vân nhìn về cửa biển năm xưa, mới thấy cái tiết khí của cao nhân căn cội đủ đầy tương giao với nước non hùng vĩ.

*

Lập đông này, tôi về lại Vinh Hiền, bước chân đi vào núi Túy Vân, nơi thuở nhỏ chúng tôi còn bỏ rơi nhiều kỷ niệm. Nghiêng mình nhìn ngọn đông phong luồn qua tóc hàng thông cổ thụ, bất lực trước thiết mộc hiên ngang ngẩng đầu sơn trấn mấy trăm năm. Tóc thông xanh biếc dựng những bông mây trên cành. Chim chóc ẩn tàng trên đám lá xanh lảnh lót hót lên những tiếng đồng vọng làm vương víu cả con đường đá xanh thơm hương cây độc mộc. Sau cành thông già, tháp Điều Ngự cổ kính nhô lên xa xa như một ngọn đuốc hồng giữa màu xanh mơ màng.

Đứng trên đỉnh tháp Điều Ngự, những gam màu núi rừng đầm biển hòa vào nhau thành một bức tranh sơn thủy bồng bềnh. Tôi thấy một Cầu Hai mênh mông, phẳng lặng, một Tư Hiền sóng xõa tóc mây, một Bạch Mã mây đan trắng đầu, khụy chân chầu phục biển Đông xanh thẫm cuối trời. Cổ nhân đặt tên núi Túy Vân, núi “mây say”, con mắt thơ ấy làm phong lãm thêm cho cảnh sắc non nước cố kinh, ngọn núi hóa thành thi ảnh và ngôi cổ tự bỗng thành cái duyên vô thỉ.

Thi tiên Lý Bạch vì rượu làm say mà thốt lên rằng: “Cùng nhau ta giết cái sầu nghìn thu!”. Say để trốn, say để quên, say thôi sầu, say vì thích say cái hơi men quyến luyến, ấm nồng của rượu. Nhưng say mây, chỉ Túy Vân người thơ mới thỏa chí. Vô số thuyền mây bay túy lúy từng đoàn từng lượt từ biển vào, bay vun vút như gắn mái chèo, bay dềnh dang cả đầm Cầu Hai rồi va vào dãy Bạch Mã mà ngã tay chèo lửng lơ nhìn đất trời non nước lúc tàn đông. Mây dệt lụa trắng dát cả vùng trời, mây như đám lữ khách dấn xô trên hành trình vô định thú tiêu dao. Mây bay kín trời theo từng cơn gió biển xô vào như sóng thác dồn dập. Ngước mắt nhìn mây trôi một hồi, mắt nhòa những mây là mây giăng rợp cả bóng mắt ta, ta say mây, cái say thanh nhã của kẻ mài mòn gót lữ bên bến bờ tuyết ngần. Ta uống trọn cả mây trời, uống chứa chan nước dạ Cầu Hai, uống những sớm mai bồng bềnh trong sương theo dượng ra đầm, uống lệ ngần bên cửa Tư Dung rồi tưới lên cả gấm xuân đang tươi hồng rộn rã.

L.V.T.G
(SH312/02-15)





 

Các bài đã đăng
Tết trên sông (17/02/2015)