Giá sách Sông Hương
Văn Học Thiếu Nhi
Ánh sáng trong khu vườn cổ tích hiện đại
08:57 | 19/06/2015

THANH DUY

Nhiều năm qua, Dự án hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và truyện tranh dành cho thiếu nhi. Đây là một luồng sinh khí mới, mở ra những khung trời mới, những mơ mộng vun đắp cho tâm hồn thơ trẻ thêm xanh.

Ánh sáng trong khu vườn cổ tích hiện đại
Một số bìa sách thiếu nhi trong Dự án

Nhiều truyện ngắn nhận giải cao đã hướng đến một thế giới kỳ lạ, huyền ảo, một thế giới cổ tích sôi động, nhiều ngã rẽ gợi mở trí tò mò của thiếu nhi và cả người lớn. Cảm giác đầu tiên là bạn đọc sẽ như đang có một chuyến du lịch khám phá, thỏa thích phiêu du trong không gian của truyện cũng như tạo sức liên tưởng tiếp nối của chính bản thân.

Nhìn vào tên của những cuộc thi cũng hình dung ra nhiều khác biệt: Một ngày kỳ lạ, Bước qua hai thế giới, Đối thoại với thiên nhiên, Bí mật của tôi, Vượt qua sợ hãi v.v. Mỗi tên mang một thông điệp, một chiều hướng, khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ cũng như người viết. Bí mật, nhưng phải kể ra, kể rồi vẫn thấy đó là bí mật. Hai thế giới, có thể là thực và ảo, là giấc mơ và đời sống thật, thậm chí thế giới dương trần và cõi âm. Chuyện Trở về kể đứa trẻ ngoan một lần cứu người khỏi chết đuối, chẳng may kiệt sức; xuống âm phủ gặp ông nội mất đã lâu đang chuẩn bị được đi đầu thai. Ông nội bèn xin Diêm Vương tha cho cháu mình trở về dương thế song không được. Lỗi phép ông đành đánh nhau với lính tráng cõi âm cứu cháu. Cuối cùng Lâm tỉnh lại trước niềm vui khôn tả của mọi người. “Lúc này Lâm mới nhìn rõ mẹ đang cúi sát xuống mặt mình. Hai tay mẹ vòng xuống ôm chặt Lâm. Nước mắt mẹ chảy xuống mặt Lâm nóng rực”. Với thiếu nhi, viết về cõi âm là điều chưa cần thiết, nhưng ở Trở về mang lại nhiều rung cảm. Thế giới cõi âm không dữ dằn âm u mà vẫn ánh lên tia sáng nơi một góc khuất trong khu vườn cổ tích. Đối thoại với thiên nhiên đưa trẻ đến gần với cỏ cây hoa lá, muông thú. Chúng có thể gần gũi chơi đùa giữa thiên nhiên, mở tâm hồn cho thứ ánh sáng trong lành ùa vào. Một ngày kỳ lạ, rất ấm áp, rất thật, vang động, lưu giữ trong tâm thức như một kỷ niệm khó phai mờ, là dấu son nơi sâu thẳm cuộc đời. Người viết đã bám rất sát đề tài, tìm những góc riêng biệt lẫn đâu đó trong đời sống; nhiều tác giả lấy ngay tên của cuộc thi đặt cho tên truyện.

Các cuộc vận động quy tụ được nhiều lớp tác giả. Có người đã là nhà văn thành danh quá nổi tiếng trên làng văn; có tác giả là “tay ngang” làm kinh doanh vẫn đường hoàng ẵm giải Nhất; có người từ đây nổi lên với tư cách tác giả trẻ triển vọng. Đó là anh giáo Lục Mạnh Cường lập cú đúp với 2 giải Nhì trong hai đợt vận động sáng tác năm 2007 - 2008, 2008 - 2009 với “Quả vải khô” (trong Một ngày kỳ lạ) và “Trở về” (trong Bước qua hai thế giới). Có những tác giả còn rất trẻ như Vũ Hương Nam, lúc nhận giải mới 13 tuổi. Những truyện đạt giải Nhất: “Lá nhung và lá xanh” của Phương Trinh (trong chủ đề Tình bạn tuổi thơ), “Vương quốc tàn lụi” của Trần Đức Tiến (trong Bước qua hai thế giới), “Thầy lang hai mặt” của Nguyễn Thị Bích Nga (trong Một ngày kỳ lạ), “Chuyện kể bốn mùa” của Nguyên Hương (trong Đối thoại với thiên nhiên), “Vỏ ốc kỳ diệu” của Vũ Hương Nam (trong Ước mơ xanh), “Bộ ba hoàn hảo” của Ngọc Linh (trong Bí mật của tôi), “Con ma da sau vườn” của Nguyễn Ngọc Hoài Nam (trong Vượt qua sợ hãi) v.v, đều mang lại cho độc giả những bất ngờ thú vị. “Con ma da sau vườn” ám ảnh Xít. “Qua ánh chớp lóe lên, nhìn những tán lá chuối vật vờ bay phơ phất, cứ tưởng tượng con ma thế nào là sẽ ra y thế đó”; “càng muốn gạt đi thì lại càng nghĩ đến, tưởng tượng đủ mọi hình ảnh, đủ mọi kiểu dáng của cái con ma như đang đứng trong vườn nhìn lên nhà trên”, “tóc gáy da gà lại sởn từ gót chân tới đỉnh đầu”. Nhưng rồi Xít đã vượt qua nỗi sợ hãi nhẹ như không. Chẳng cần sắp đặt, một cái kết thật bất ngờ đánh trúng tâm lý ngây ngô của trẻ. Nỗi sợ tan mất trong Xít, nhưng chừng vẫn vương vấn trong lòng độc giả thậm chí lớn tuổi.

Tác phẩm Vỏ ốc kỳ diệu. Người chị bệnh nặng, Long đang bất lực, bỗng xuất hiện “một thằng lạ hoắc ở trong vườn nhà mình, nấp sau bụi chuối um tùm những cái lá to, lại cứ nhúc nhích không ngừng”, “nhúc nhích một cách rất kỳ dị”. Long gọi nó là Nhúc Nhích”. Hắn hứa dẫn Long tìm “đến một thầy lang rất giỏi” ở làng Kỳ Quặc, hay gọi đúng là làng Lắc Lư, vì dân nơi đây ai cũng lắc lư như thằng Nhúc Nhích. Vốn xưa kia cả làng đang bình thường, rồi một nhóm người mắc bệnh kỳ dị, không thuốc nào chữa khỏi. Bị những người lành lặn bèn xua đuổi, họ phải vào rừng lập làng riêng cùng chung sống. Dẫu biết nếu đến đó Long sẽ gặp nguy hiểm bởi làng Kỳ Quặc hoàn toàn không còn thiện cảm với người bình thường, nhưng trước cơn nguy kịch của chị, Long quyết âm thầm ra đi. Một chi tiết thú vị: đến nơi, theo chỉ bày của Nhúc Nhích, Long cũng giả bộ nhúc nhích, nhưng đêm nằm ngủ người ta đã phát hiện ra… Trở lại mạch truyện, té ra Long bị Nhúc Nhích lừa; té ra người làng này vừa chế ra loại thuốc có thể chữa lành bệnh nhúc nhích, chỉ thiếu có “máu của người bình thường”. (Thiết nghĩ chi tiết này cần phải được cân nhắc vì có vẻ thiếu nhân văn, tuy là nút thắt tình thế của tác giả? Hay đoạn Nhúc Nhích nói với Long, có vẻ hơi thái quá và thực tế có thể diễn theo hướng nhẹ nhàng hơn: “Người Lắc Lư tuy yếu nhưng cả làng tập hợp lại thì cũng có thể quẳng cậu xuống sông cho cá sấu ăn thịt, hay thảy cậu vào nồi nước sôi như luộc gà, hay xiên cậu lên nướng như thịt heo trên đống lửa…”). Câu chuyện vẫn khiến chúng ta chìm đắm trong niềm thương cảm sâu sắc. Long nhớ đến điều ước của chị muốn có “một cái vỏ ốc” để áp tai vào nghe tiếng biển ầm ào. Nhúc Nhích đã giúp Long tìm “cái vỏ ốc thật to màu trắng với những đường vân màu tím”. Chuyện chưa kết thúc ở đây. Tác giả đã rất thông minh giải quyết phần kết tràn đầy ánh sáng. Ánh sáng của sự sống, của tình người; ánh sáng của lòng nhân hậu từ chính tác giả.
 

Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi  Việt Nam - Đan Mạch (Hội Nhà văn  Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và  Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp)  được khởi xướng vào năm 2006 là  hoạt động hợp tác văn hóa giữa Việt  Nam và Đan Mạch, nhằm tăng cường  năng lực sáng tạo cho các nhà văn,  họa sĩ Việt Nam, tạo điều kiện cho  các em nhỏ được tiếp cận với những  hình thức sáng tạo mới, đem những  cuốn sách mới đến tận tay trẻ em ở  khắp các vùng miền Việt Nam.
Cuộc vận động sáng tác được  tiếp tục thực hiện giai đoạn 2013 -  2015, ở thể loại truyện ngắn có chủ  đề “Gõ cửa trái tim”.

Nhiều truyện còn cho thấy sức tưởng tượng phong phú ở những tác giả  trẻ. Họ phá rào khỏi lối suy nghĩ và suy  diễn thông thường về sự việc, con người,  không gian. Con người luôn… khác người,  không gian xa lạ u huyền, sự việc diễn  tiến bất ngờ, đảo lộn. Làng thì Kỳ Quặc,  vương quốc thì Tàn Lụi. Đó không phải  là những cái tên vô nghĩa. Tàn Lụi bởi  “dân chúng ở đây lại không biết nâng  niu, giữ gìn. Rừng bị phá. Núi bị san. Đất  bị đào bới. Chim thú bị săn đuổi. Sông ngòi bị nhiễm độc. Thành phố mù mịt bụi khói và tiếng ồn. Rác rưởi khắp nơi chất cao như núi. Nụ cười trên môi người tắt lịm. Thay vào đó là những ánh mắt rừng rực vẻ thèm thuồng và tham lam”. Truyện giải nhất Vương quốc tàn lụi hướng đến tính giáo dục, nhưng đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng pha lẫn dí dỏm. “Tú mắc phải một thói quen xấu: thói quen nhổ bọt”. Nhổ bất cứ nơi đâu. Rồi trong một lần thi thố ai nhổ nước bọt xa, Tú “lạc” vào vương quốc Tàn Lụi, mọi loài khác bị tuyệt diệt, chỉ còn những con người “có cái đầu to đùng, giống như quả bóng bơm căng khiến mắt mũi lồi hết cả ra. Trên mình họ mọc đầy những bướu, to thì bằng quả cam sành, bé thì như quả ổi. Bướu ở chân tay, bướu cả trên đầu trên cổ”. Thực tế là hình phạt đối với hành động nhổ nước bọt bừa bãi cũng như một số người khác cũng bị rớt xuống đây bởi lối sống phi văn hóa cộng đồng, phá hoạt tài sản chung. Một bài học giáo dục. Câu chuyện thú vị, được gia giảm làm bớt sức nặng của những khuôn phép đạo đức văn hóa của người lớn.

Sự khác biệt là ưu điểm ở hầu hết truyện đoạt giải trong các đợt vận động sáng tác trong suốt chặng đường hàng chục năm trời. Ở Bộ ba hoàn hảo, truyện được bắt đầu: “Các bạn nhỏ thân mến, ở thành phố nơi tôi đang sống thì một con mèo hay một con bò, thậm chí là một con cuốn chiếu thích đi dạo dưới ánh sao, cũng được phép đưa ý kiến trước hội đồng thành phố”. Rồi đến chuyện hai con dế dắt Luân tới Thầy lang hai mặt chữa bệnh không có trí nhớ bẩm sinh, “hổng biết nói”. Tất cả đều được tác giả dẫn dắt trên một đường ray vui tươi, truyền cảm. Nhiều chi tiết lạ hóa. Chẳng hạn Thầy lang hai mặt tả cảnh một ông bố bửa củi, là “những thanh củi cao su”. Thầy lang thì có hai khuôn mặt: một màu xanh lá cây và mặt khác màu xanh da trời. Lúc chữa bệnh cho Luân, hai khuôn mặt xoay ra trước ra sau hoán đổi nhìn vào bệnh nhân kiểm chứng, rồi cả hai [khuôn mặt] đều đưa ra phương án bốc thuốc chữa trị, thú vị. Đáng chú ý, lúc chữa xong bệnh, hai khuôn mặt này một đòi tiền, một cảm thông, là ý sâu xa về hai mặt cuộc đời giằng xé trong lương tâm một thầy thuốc.

Các tác giả đã xóa nhòa không gian giữa người và vật, đó là một thế giới người lạ lẫm, thế giới tí hon, hay thế giới của huyền thoại cổ tích, đều được hòa quyện tự nhiên, hồn nhiên. Truyện Thầy lang hai mặt có hai nhân vật dế quá ư dễ thương, sau khi ăn mấy hạt cơm thiu liền lớn phổng. Một con cắn vào tai của cậu chủ nhà, lập tức “vóc dáng Luân bắt đầu bị thu nhỏ”, cuối cùng bằng một lon bia! Thế là cả ba thành bạn của nhau. Trong Chuyện kể của bốn mùa, có “cây Lương Y tuy không to lớn như những cây khác nhưng những cái lá hình trái tim của nó thì chữa được nhiều bệnh”. Bốn lớp học đại diện cho bốn mùa với những học sinh khá hiền ngoan, lại xuất hiện thêm một lớp nữa: lớp Không Mùa; học sinh là “con của các phù thủy, vì biết đằng nào cha mẹ cũng sẽ truyền phép thuật cho mình nên những đứa này rất lười học, lại còn phá phách”. Đang trên diễn tiến có vẻ lô-gich như vậy, bỗng lớp trưởng lớp Mùa đông “bay vèo qua cửa sổ và tiếp tục bay theo đường xiên thẳng, lướt qua đỉnh các ngọn cây giữa sân trường”, khiến câu chuyện rẽ lối trong tư duy tiếp cận trường học Bốn Mùa. Truyện còn được tác giả đẩy lên một cấp độ khác. Cậy mình có phép thuật, Tóc Tiên đã phá hoại, còn cả gan tàn hại cây Lương Y, để đến nỗi chính Tóc Tiên bị “ghép” vào cây. Cả trường tức tối vì mất nguồn thuốc chữa bệnh. Nhưng rồi bằng tình bạn, tình thương, bằng “điều ước tập thể”, Tóc Tiên cũng đã được cứu, cây Lương Y lại hiện ra rạng rỡ xanh tươi dưới nắng. Bài học sâu sắc được rút ra, ngay đến phép thuật cũng sẽ tự hại mình nếu không sử dụng với những mục đích thiết thực cho mọi người.

Lòng nhân ái được thể hiện sâu sắc ở Bộ ba hoàn hảo. Chichi Bé Nhỏ dùng số tiền tiết kiệm chung cùng Mèo Mimi và Cún Kiki mua vé số, hứa nếu trúng giải sẽ chia ba. Nhưng lúc trúng giải đặc biệt Chichi Bé Nhỏ lại bỗng chợt nghĩ mình cần làm gì để giấu cho kỳ được việc trúng xổ số”. Chichi Bé Nhỏ đến nhận tiền, văn phòng không cho, bảo phải có người lớn ký nhận. Không dám nói với mẹ, Chichi liền thú nhận với hai bạn và tìm cách đóng giả một người lớn. Trên đường về cả ba bị cướp, phải rượt đuổi hụt hơi mới lấy lại được. Rồi chúng vô tình ngang qua ngôi nhà có đứa bé mắc bệnh nặng. Tình thương trỗi dậy, cả ba để lại toàn bộ số tiền cho cậu bé, lặng lẽ ra về; để lại một bí mật lớn cho gia đình nghèo đó, cũng là để lại niềm hạnh phúc vô biên cho họ. Bí mật này vĩnh viễn được bộ ba cất giữ. Câu chuyện giáo dục không rơi vào khuôn sáo. Nhẹ nhàng, vui nhộn; có chút buồn thất vọng trong cách suy nghĩ non dại của trẻ, song rồi khiến ta cảm động; như một màn diễn để lại nỗi bồi hồi dẫu đã tắt ánh đèn sân khấu và trường đoạn đã khép.

Bên cạnh truyện ngắn, trong các cuộc thi, mảng truyện tranh cũng mang lại ấn tượng đặc biệt, tạo cảm hứng cho công việc sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, góp phần nới rộng tâm hồn tươi sáng của trẻ. Hầu hết các tác phẩm đạt giải cả truyện ngắn và truyện tranh đều được Nxb. Kim Đồng in ấn, giới thiệu rộng rãi; bên cạnh đó là thực hiện những chuyến tàu kể chuyện dọc theo các vùng miền của đất nước. Tủ sách có từ các cuộc thi nằm trong Dự án này, sẽ mở ra một thế giới đọc đa sắc hấp dẫn cho trẻ nhỏ thời nay, sau những tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nhi.

T.D
(SH316/06-15)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng