TRẦN BĂNG KHUÊ
Ngày thứ hai, máu chảy.
Ngày thứ ba, chảy máu.
Ngày thứ tư, máu lại chảy.
Ngày thứ năm, lại chảy máu.
Ngày thứ sáu, máu tiếp tục chảy.
Ngày thứ bảy, tiếp tục chảy máu.
Ngày chúa nhật. Máu. Tôi làm dấu thánh: nhân danh cha và con và thánh thần. Amen.
Những mùa chay. Chúa không cho phép con chiên ăn thịt. Tôi chỉ được ăn cá và trứng. Chồng tôi không hẳn là một con chiên ngoan đạo lắm. Anh ấy giống bố tôi như đúc. Về khuôn mặt. Tính cách. (chỉ là đang cố để học bố, chứ thật ra, anh ấy chẳng thể nào được như bố). Tôi vẫn bảo với anh ấy rằng: đừng cố bắt chước những hình mẫu đã được Chúa nặn thành vóc dáng. Mỗi con người là một linh hồn.
Nói về bố.
Bố chồng tôi.
Ông là người có đạo.
Ông chưa bao giờ đến nhà thờ. Một hình ảnh mẫu mực của người lính cách mạng, được tôi luyện qua chiến tranh. Ông giữ đúng phép tắc quân kỉ đã được rèn giũa bằng lí thuyết. Ông sống trọn vẹn với một cuộc đời giản dị đúng như lời người ta dạy. Ông làm tròn nghĩa vụ của một công dân yêu nước, yêu làng xã, yêu quê hương, yêu gia đình.
Yêu chúa. Mẹ tôi luôn luôn nhắc nhở phải cầu nguyện. Người sắp rời bỏ cuộc đời phải được cứu rỗi linh hồn. Tức là phải yêu Chúa mới được về với nước Trời. Thiên đàng. Đối với những người theo Kitô giáo, linh hồn là thứ cần phải được gìn giữ, luôn luôn gìn giữ.
Bố chồng tôi, ông cũng yêu Chúa. Phải, phút cuối, khi sắp trút hơi thở ít ỏi kết thúc đời sống của xác thịt trên thế gian này.
Bố là một người lính. Bố là một con chiên. Bố là một linh hồn trong sạch. Và, lẽ dĩ nhiên, bố xứng đáng được nhận ơn cứu rỗi.
Tôi đang tập đếm những ngày trong tuần. Và, tôi cũng tập đếm nốt những ngày chảy máu trong tuần. Tôi bị chảy máu trong tuần. Từ thứ hai đến thứ bảy. Riêng chúa nhật, tôi phải dừng đếm, để làm dấu thánh. Nhân danh cha và con và thánh thần. Amen.
Sau ba năm trở thành một con chiên như lời kêu gọi của Chúa: hãy cứu lấy linh hồn. Những ngày đầu tiên bước chân vào nhà thờ, điều tôi muốn thấy đã thấy. Nhưng, điều tôi chưa muốn làm, tôi không làm, nhưng vẫn phải làm.
Tôi tiếp tục bước chân vào nhà thờ hai năm nữa. Điều tôi muốn thấy đã thấy, điều tôi muốn làm, tôi không thể làm được. Tôi bắt đầu bỏ thánh lễ ngày chúa nhật. Chồng tôi cũng thế. Anh ấy có khá nhiều việc phải giải quyết ở cơ quan. Toàn những việc nhảm nhí. Tôi thường càm ràm mỗi lần nghe anh ấy ca cẩm và bảo rằng rất chán. Nhưng, anh ấy là một con chiên của Chúa. Chúa dạy hãy bới đất nhặt cỏ. Mẹ cũng dạy mãi câu ấy. Tôi biết, lí lẽ của Chúa bao giờ cũng có những ẩn ý sâu xa, linh nghiệm. Tôi biết, mẹ đã làm theo và sống rất thanh thản. Tôi còn trẻ. Tôi khá bướng bỉnh. Tôi chưa muốn gò bó mình vào những khuôn phép nhàm chán. Tôi gào lên với anh, về việc tôi sẽ sống theo ý mình. Vài lần, mệt mỏi khi nhìn thấy thế gian mê muội. Tôi chán. Tôi, bắt đầu muốn học theo mẹ. Tôi sẽ chăm chỉ bới đất nhặt cỏ. Tôi sẽ, và tôi sẽ... Nhưng, tôi biết, mình chưa thể hát ở nhà thờ. Tôi vẫn làm dấu thánh trong lòng mỗi lần đi qua nhà thờ. Nơi tôi được rửa tội vào ngày mùng một tháng tư. Nơi tôi làm lễ cưới vào lúc năm giờ sáng. Nơi tôi đọc lời thề gắn bó với một người đàn ông.
Tôi học bố. Tôi nghĩ rằng mình có suy nghĩ và cách sống giống bố. Tôi tính toán như thế này: nếu con người ta biết cách sống tử tế hơn với thế gian, nghĩa là ta đang làm theo lời Chúa. Tôi không đến nhà thờ vào ngày chúa nhật nữa. Nhưng, tôi làm dấu thánh trong lòng. Tôi làm dấu thánh khi đi ngang một nhà thờ ở bất kì thành phố nào tôi đến.
Nhân danh cha và con và thánh thần. Amen.
Chẳng ai biết, tại sao tôi cảm thấy hoang mang khi luôn luôn làm dấu thánh mỗi ngày trong lòng? Người ta sẽ không bao giờ hiểu, tại sao tôi cảm thấy bất an mỗi lần bước chân ra đường. Chẳng lẽ, Chúa không đủ quyền năng để cứu rỗi?
Dấu thánh gắn trên ngực tôi. Dấu thánh gắn trên trán tôi. Dấu thánh nằm trên hai vai tôi. Nặng như một chiếc thập giá. Tôi vác nó đi trên những con đường đầy than lửa, những miền đất vẫn còn bị bao phủ bởi lớp sương mờ dày đặc không thể nào tan đi được.
Tuần lễ chúa phục sinh.
Mẹ bắt đầu có thói quen đếm thứ tự của từng ngày trong tuần. Mẹ đếm đi đếm lại mãi. Mẹ đếm không biết mỏi mệt. Mỗi lần vợ chồng tôi về, mẹ vẫn dặn dò câu ấy: “Phải biết yêu Chúa. Phải bới đất nhặt cỏ”. Tôi nhìn thấy ở mẹ một sức mạnh cao cả của người đàn bà có thừa sự ngoan đạo.
Năm chúa phục sinh thứ bảy, tôi nhớ mình đi bên cạnh một người đàn ông đã từng có ước nguyện trở thành kẻ mặc áo cổ cồn trắng, chăn dắt con chiên. Sau khi cưới, tôi vẫn đều đặn đến nhà thờ ngày chúa nhật. Bố mất, tôi không đến nhà thờ ngày chúa nhật nữa. Chẳng phải vì tôi không yêu Chúa. Chẳng phải vì tôi ghét Chúa. Thế gian mộng mê. Những lầm lạc vẫn hàng ngày bám riết trên thân phận con người. Tôi không đòi hỏi Chúa phải chứng minh quyền năng. Tôi có đức tin. Chắc chắn thế. Nếu không có đức tin, linh hồn con người rất dễ lạc lối. Mẹ lo lắng, trong ánh mắt mẹ tôi nhìn thấy điều đó. Mẹ lo lắng một con chiên mới sẽ không có được đức tin mẫn cán, trọn vẹn.
Tôi chỉ làm dấu thánh khi đi ngang nhà thờ. Chồng tôi lặng lẽ. Anh vẫn cố gắng học theo cách sống của bố. Nhưng, tôi chẳng thấy anh ấy học được bất cứ điều gì. Anh vẫn thường ca cẩm về những công việc nhàm chán của mình mỗi ngày. Anh có thói quen cả nể, không thể từ chối vài việc nhảm nhí người ta ném cho anh, dù rằng việc ấy không phải chuyên môn của anh. Mẹ bảo, khi bố còn sống, bố luôn làm những việc lành, nghĩa là, sẵn sàng giúp đỡ bất kì ai gặp khó khăn, hoạn nạn. Tôi bắt đầu nhìn thấy sự bao dung ở đâu đó trong ánh mắt người có đạo. Nhưng, lí lẽ của tôi tồn tại theo một cách khác, tôi nghĩ sống lời Chúa không nhất thiết bằng cách hát lên những ca tụng trong thánh đường.
Lại nhắc về tuần Chúa phục sinh. Mẹ tôi vẫn không quên đếm từ thứ hai đến chủ nhật. Ngày thứ năm bố tôi mất. Căn bệnh ung thư đã ăn mòn một cách đau đớn cơ thể bố tôi chỉ trong vòng ba tháng phát bệnh. Mẹ gọi. Em trai gọi. Những tiếng nấc dồn dập dâng tràn như nỗi sợ hãi muôn đời của con người khi phải đối mặt với sự sống và sự chết.
Ngày thứ hai, đào huyệt.
Ngày thứ ba, bố lên cơn mê sảng, gọi tên đồng đội, mơ về lũ pháo sáng, nghe thấy tiếng bom nổ. Ngày thứ tư, bố nhìn thấy rắn. Mẹ bảo, đó là hiện thân của satan. Mẹ gạt nước mắt, gọi đức cha làm lễ xức dầu, xưng tội để cứu lấy linh hồn của bố.
Ngày thứ năm, bố hấp hối, và trút hơi thở cuối cùng.
Ngày thứ sáu, tuần chay, không kèn trống, không được phép ăn thịt, chỉ ăn cá và trứng. Bố nằm trong một chiếc quan tài gỗ vàng tâm. Nhắm mắt. Thanh thản.
Ngày thứ bảy, đưa bố ra đồng. Người lính trận về với đất.
Người chồng, người cha về với đất.
Con chiên về với nước trời.
Linh hồn tan trong vũ trụ, hư vô.
Tôi bắt đầu học mẹ đếm ngày tháng. Nhưng, tôi đếm kỹ hơn. Tôi không bỏ phí bất cứ một giây phút nào cả. Tôi sợ thời gian cuồng quay nuốt chửng tất cả mọi khoảnh khắc tôi còn được nhìn thấy mặt trời. Chồng tôi vẫn bộn bề với những công việc không tên, và không ngừng càm ràm về sự nhảm nhí của nó. Tôi tự do. Ít ra, lúc này tôi đang cảm thấy mình khá tự do, để có thể đếm từng khoảnh khắc. Tôi thuộc nằm lòng lời của mẹ: phải bới đất nhặt cỏ.
Buổi sáng, tôi làm một cốc cafe.
Buổi trưa, tôi bắt tay vào tìm kiếm những cơ hội và viết, cho đến giờ mặt trời bắt đầu xuống gần hơn, sát với đỉnh núi, chạm những tia nắng cuối ngày xuống mặt đất, mặt sông, mặt người.
Buổi chiều tối, tôi làm một vài việc mình ưa thích. Chồng tôi vẫn cần mẫn với những cái mail không tên gửi đến, dày đặc cả inbox.
Năm thứ haikhongmotnam. Tôi ba mươi hai tuổi. Cuộc đời tôi vẫn buồn tênh, nhàn nhạt trôi qua từng ngày. Tôi phát hiện ra điều đó. Và, cảm thấy mình đang cố tình chiều lòng nó bằng cách bỏ qua sự cố nhạt nhẽo ấy. Tôi thức khuya nhiều hơn. Tôi mất ngủ nhiều hơn. Tôi chuyển sang chơi trò đếm cừu trong tuần, theo từng đêm mất ngủ. Số lượng cừu tăng lên. Tôi vẫn mất ngủ.
Một buổi trưa, tôi đang cầm con dao thái say sưa gọt vỏ quả táo đỏ, lưỡi dao sắc bén đã tỉa một đường bén ngọt trên ngón tay cái của tôi.
Máu. Tôi dán chiếc băng cá nhân vòng quanh ngón tay để cầm máu.
Một buổi trưa khác, vẫn là con dao thái đó, tôi đang gọt vỏ dưa, nó lại liếc qua một phát trên ngón tay trỏ của tôi. Máu. Tất nhiên, tôi sẽ dán chiếc băng cá nhân tiếp theo để cầm máu.
Một buổi trưa khác nữa, cũng lí do đó, cũng là con dao đó, nhưng vết thương trên tay tôi đã chuyển sang ngón giữa. Máu. Và băng cá nhân cầm máu.
Một buổi chiều, tôi quyết không cầm đến con dao thái ấy. Tôi sẽ không làm cho mình bị đứt tay và chảy máu. Dĩ nhiên, tôi thành công. Nhưng, thật bất ngờ, khi mở cánh cửa bằng nhôm, cái cạnh sắc bén của chúng đã cứa vào ngón tay đeo nhẫn của tôi. Vết thương bật máu. Tủ thuốc đã hết băng dán cá nhân. Vết xước khá sâu. Chúng rạch ngay mạch máu thì phải. Máu cứ vậy tuôn ra. Tôi rịt lại bằng cách ôm lấy ngón tay. Và đợi nó chán, sẽ tự ngừng chảy. Như một kiểu thách đố. Tôi biết, mình đang đùa, với máu. Đằng nào cũng phải đổ máu. Người ta không thể tránh né và dồn nén mãi những quả bóng mâu thuẫn. Hay là vờn nhau như chuột với mèo trên bãi biển nào đó từ tháng năm này qua tháng năm khác. Tôi biết, ngày mai, mình lại/sẽ/bị chảy máu.
Thứ sáu, một mùa chay khác.
Tuần phục sinh.
Chúng tôi chỉ ăn cá và trứng, không được phép ăn thịt. Chồng tôi đến cơ quan như thường lệ. Buổi chiều, tôi mở tủ quần áo, để lấy đồ đi tắm. Tôi lùa cả bàn tay mình vào trong mớ quần áo và lật từng cái để chọn lựa. Bất giác tôi cảm thấy ngón tay út của mình ran rát. Tôi thụt tay lại theo phản xạ và phát hiện ra cái màu đỏ quen thuộc đang nhỏ giọt long tong xuống nền nhà. Lại là máu. Lại là một vết xước từ cái tủ quần áo làm bằng nhôm. Chao ơi, tôi muốn buột miệng chửi thề. Và tôi, đã chửi thề. Mặc dù Chúa không cho phép. Con người phải nói những lời hay, lời đẹp, phải thì thầm cầu nguyện thay vì chửi thề. Mẹ tôi đã dạy. Từ lời của Chúa.
Ngày thứ hai
Ngón tay cái chảy máu.
Con sông hóa thành màu đỏ. Lũ tràn về. Tôi không biết cách để sống lời Chúa vào lúc này. Tôi muốn chửi thề. Và tôi đã chửi thề.
Ngày thứ ba
Ngón tay trỏ chảy máu.
Núi rừng ngả rạp. Cây cối héo hon giữa những giờ phút nóng rẫy, hạn hán. Mùa màng chết trên từng vuông đất. Người đàn bà ê đê thõng thệu vú giữa đồi cao, hai hàng nước mắt chảy dưới trời chiều. Người đàn ông ê đê, ngửa mặt, đưa tay lên, réo gọi tên Yàng. Tôi nằm mơ về những nụ cười từ thời hoang sơ nguyên thủy. Và mặc nhiên cho máu chảy tràn trên ngón tay trỏ của mình.
Ngày thứ tư
Ngón tay giữa.
Những nguyên nhân.
Tôi gạt phắt hết chúng sang một bên. Chẳng có nghĩa lí gì. Đôi khi, người ta không muốn chứng minh để tìm ra hệ quả. Rõ ràng, máu sẽ chảy. Rõ ràng, đồi núi trập trùng, biển sông đang hóa thành lửa trước mặt tôi hàng ngày, đến quen thuộc. Ai đó thì thầm vào ngày thứ tư của tôi bằng những thanh âm u ám. Tôi đấm ngực thình thịch: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Đêm ấy, mùa hè, mưa rất to. Tôi ngỡ mình nằm mơ. Nhưng, hóa ra, tất cả đều thật, thật đến kinh ngạc. Những vệt máu đã khô trên mấy ngón tay tôi. Chúng tan hòa vào nhau thành một thứ hình thù kì dị mang tên tội lỗi.
Ngày thứ năm
Ngày bố chồng tôi mất.
Ngày những linh hồn chính thức về với đất, và đợi mùa phục sinh.
Ngày mẹ tôi ngồi bệt giữa sân nhà khóc ròng, ôm bộ quân phục của bố khi đoạn tang ba năm.
Ngày ngón tay thứ áp út, ngón tay đeo nhẫn của tôi tiếp tục chảy máu. Và, tôi mặc kệ, không dùng băng dán cá nhân để cầm máu như mọi lần nữa.
Mẹ vẫn dặn, người theo đạo không được thất tín, không được nuốt lời, không được hoang đàng, không được đánh mất linh hồn. Nhiều lắm những lời mẹ dặn. Như lời Chúa dạy. Nhiều lắm những lời Chúa dạy. Nhưng, con người không phải là thánh thần cao siêu, tinh sạch. Tôi là người. Chồng tôi là người. Trong quả tim chúng tôi có nhiều mạch máu, nhiều xúc cảm mà chúng tôi không thể nào hiểu nổi. Ngón tay áp út của tôi đã chảy máu. Chồng tôi phiêu bạt trời tây. Anh ấy đã hẹn sẽ về đón tôi, vào mùa phục sinh. Anh ấy đã hứa sẽ đưa tôi đến nơi đáng sống nhất hành tinh, vào mùa phục sinh. Nhưng, ngón tay của tôi đã chảy máu biết bao mùa phục sinh. Anh ấy vẫn biến mất một cách khó hiểu. Tôi bắt đầu mệt mỏi với những ngón tay chảy máu, mệt mỏi với những mùa phục sinh. Tôi muốn quay trở lại nhà thờ. Và, tôi sẽ làm dấu thánh trước bàn thờ Chúa. Dĩ nhiên, phải thế. Nhưng, tôi vẫn chưa bao giờ bước chân đến phòng kín, để xưng tội với một người ở phía bên kia bức màn. Tôi biết phải xưng tội như thế nào nhỉ? Tôi biết phải bắt đầu như thế nào nhỉ? Chúa tạo ra loài người. Chúa bảo chúng ta hãy sống ngoan đạo bằng cách đến nhà thờ và xưng tội. Tôi phải làm sao để Chúa hiểu rằng: tội lỗi đâu thể dễ dàng tha thứ đến thế? Chỉ có luật chơi tồn tại ở nhân trần này. Ai phạm lỗi phải đền tội. Ai tử tế thì nhận được ân sủng bình an, và được cứu rỗi linh hồn khi thể xác chết đi.
Ngày thứ sáu, mùa chay.
Tôi viết một bức mail gửi đi và chỉ dặn chồng việc duy nhất: không được ăn thịt, chỉ ăn trứng hoặc cá, rau củ quả.
Chồng tôi không trả lời. Inbox trống rỗng lạnh lùng. Tôi cầm con dao thái lên và đi gọt táo. Quả táo đỏ mọng. Những lớp vỏ dày lên, gồ ghề cứng như đá. Tôi vẫn lì lợm, bướng bỉnh đưa mũi dao nhọn ấn sâu vào bề mặt quả táo. Mũi dao bật ra, liếc qua ngón tay út. Phựt. Máu. Lần này, máu chảy mạnh hơn. Nhiều hơn. Tràn trề hơn. Tôi bắt đầu có cảm giác đau. Rồi đến tê. Và cuối cùng, những giọt nước mắt của tôi lăn dài xuống hai gò má. Tôi ba mươi tư tuổi. Chồng tôi vẫn biến mất một cách lạ kì. Chẳng có một dấu vết nào chứng tỏ rằng anh ấy đang tồn tại. Tôi không thể hiểu nổi điều đó. Nhiều lần, tôi tự mình tìm kiếm manh mối, hỏi han, nhưng vẫn vô vọng. Chồng tôi, sẽ không bao giờ phản bội tôi. Mẹ chồng tôi đã cấm cửa anh ấy nếu phạm lỗi. Mẹ không chấp nhận những linh hồn lạc lối. Mẹ dạy thế. Mẹ bảo phải giữ lấy linh hồn. Ánh sáng luôn luôn ở phía mẹ. Ánh sáng bay lên vũ trụ thẳm sâu khôn cùng trong đêm cuối cùng bố tôi còn ở nhà, sau tuần chay của mùa phục sinh.
Hai bàn tay tôi, đã đầy những vết sẹo ngang dọc. Máu khô dần. Tôi chỉ thấy chúng trắng hếu như bông tuyết. Tôi bắt đầu tập đếm. Tôi không đếm cừu. Tôi đếm những con số. Tôi đếm những mùa phục sinh. Tôi đếm thứ tự của tuần.
Thứ hai, máu chảy
Thứ ba, chảy máu
Thứ tư, máu lại chảy
Thứ năm, lại chảy máu
Máu không ở trên những ngón tay nữa. Máu từ đâu đó ùa về khiến lồng ngực tôi đau thắt. Thứ sáu, tôi mệt mỏi, nằm xuống chiếc giường cưới và nhắm mắt lại, tay đấm ngực thình thịch: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Thứ sáu, phải rồi, ngày tôi mất đứa trẻ. Giọt máu của tôi và anh.
Thứ bảy, mẹ bảo, hãy về với mẹ, mùa này lúa trổ, mùa này nhiều hoa đỏ.
Chúa nhật, tôi quyết định đến nhà thờ, làm dấu thánh và xưng tội trong căn phòng kín. Ở phía bên kia là ai? Là đức cha nào tôi không biết. Tôi đã kể lể nhiều lắm. Câu chuyện của tôi dài lắm. Vị linh mục lặng yên lắng nghe tôi nói. Không nhân danh cha và con và thánh thần để thứ tha tội lỗi. Loài người, khi Chúa tạo ra, phải chăng vốn đã quá nhiều tội lỗi. Tôi nhìn thấy một thứ ánh sáng khác trong mắt mình. Lạnh lùng và trắng như bông tuyết.
*
Một ngày cuối mùa đông. Tôi đến nhà thờ vào chúa nhật như thường lệ. Nghe vài vị quản xứ loan báo tin mừng, rằng: vừa có một đức cha từ thánh đường Vatican về rao giảng. Tôi háo hức như những con chiên ngoan đạo khác. Nhưng, khi nhìn thấy trên bục đọc sách thánh là bóng hình quen thuộc của kẻ đã biến mất không một dấu vết. Tôi giật mình, chân tay tê dại. Trên vai tôi, cây thập giá oằn xuống. Tôi khóc nấc giữa thánh đường ngày chúa nhật.
Tội lỗi hay ơn gọi? Mẹ ơi. Chúa ơi.
Người đàn ông đó là chồng tôi. Rõ ràng là anh ấy. Tôi không thể nào nhìn nhầm được. Đôi mắt to và sâu thẳm của người có đạo.
Tôi bắt đầu nghĩ về việc sẽ xưng tội đều đặn hơn mỗi ngày trong tuần.
Thứ hai, xưng tội
Thứ ba, xưng tội
Thứ tư, xưng tội
Thứ năm, xưng tội
Thứ sáu, xưng tội
Thứ bảy, xưng tội
Và chúa nhật, tôi vẫn tiếp tục đến nhà thờ đó để xưng tội.
Lịch xưng tội của tôi đều đặn đến nỗi các cha phải thay nhau trực ở căn phòng kín đã che bởi một bức vách. Những bí mật, những tội lỗi của tôi dần dần được tiết lộ ra hết. Các cha làm dấu thánh liên tục, không kịp thở và nói lời tha thứ thay Chúa. Tôi muốn như thế. Tôi muốn người đàn ông mặc áo cổ cồn trắng của tôi phải lắng nghe tôi đếm những mùa phục sinh, đếm những ngày tháng tôi bị chảy máu. Ai dám chắc rằng kẻ đang đứng bên kia chưa bao giờ phạm lỗi? Ai dám chắc những người đang xưng tội như tôi sẽ không thể phạm lỗi sau khi bước chân ra khỏi nhà thờ?
Sau giờ xưng tội ở nhà thờ, tôi trở về căn nhà cũ rích, quen thuộc đến từng centimet vắng lạnh, hiu hắt. Con dao thái vẫn nằm một góc ngay bếp nấu ăn. Tôi bắt đầu nghĩ đến một trò chơi mới dành cho riêng mình. Nó sẽ tạo cảm hứng hoan hỉ, phấn khích. Nó sẽ khiến tôi bớt đau đớn hơn.
Tôi thức dậy từ rất sớm. Đi một vòng qua những con đường cũ. Đến nhà thờ lúc tám giờ. Trở về nhà sau bốn mươi lăm phút. Và, bắt đầu cầm con dao thái lan lên, gọt táo. Đều đặn mỗi ngày.
Thứ hai, tôi cắt một nhát vào vỏ táo, một nhát vào ngón tay cái. Thứ ba, tôi cắt một nhát vào vỏ táo, một nhát vào ngón tay trỏ. Thứ tư, tôi cắt một nhát vào vỏ táo, một nhát vào ngón tay giữa. Thứ năm, cũng vậy, ngón tay áp út. Chiếc nhẫn đã được làm phép thánh tôi vẫn đeo, không tháo ra. Chiếc nhẫn dính bệt máu. Thứ sáu, đến phiên ngón út. Thứ bảy, tôi vốc một nắm thuốc ngủ vào miệng và nằm xuống giường, bay trong những giấc mơ.
Chúa nhật, tôi sẽ tỉnh lại và tiếp tục đến nhà thờ vào lúc bốn giờ chiều. Âm thanh của tiếng chuông nhắc nhở tôi về những mùa chay, về những tội lỗi. Tôi bỗng nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ cánh đồng có biết bao người đã nằm xuống. Tôi bỗng nhớ mình của một thời vụng dại xa xưa. Và, tôi cũng nhớ cả giọt máu chưa thành hình của mình. Bây giờ tôi đang vác một cây thập giá khác, nặng lắm. Cây thập giá nhân sinh.
Chồng tôi không giống bố, không thể học bố. Phải, anh ấy khác bố điều đó, cái giấc mơ từ những ngày ấu thơ khi anh nói về nó với ánh mắt sáng lấp lánh kì lạ. Đôi khi, đức tin được nuôi dưỡng từ bóng hình của một vài ảo ảnh nào đó. Chỉ vì một lời hứa trước thánh đường vào lúc năm giờ sáng, mà anh ấy trở thành chồng của tôi bây giờ. Tôi nhớ lời mẹ: “Con người phải bới đất nhặt cỏ”. Tôi bắt đầu bỏ thói quen gọt vỏ táo theo ngày, hoặc cắt vào từng ngón tay đến chảy máu. Người ta, có những cách để xưng tội tốt hơn ngoài việc làm dấu thánh: nhân danh cha và con và thánh thần ở nhà thờ. Tôi sẽ bới đất nhặt cỏ, sẽ vác cây thập giá của chính mình đi khắp thế gian để xưng tội cho tất cả loài người.
*
Mùa hè năm đó, khu sinh hoạt của dòng chúa cứu thế bị lửa bén, hơn một nửa bức tường hóa thành màu xám tro. Phòng xưng tội cũng bị cháy xém. Nơi đám đất khói bụi đen nhẻm, vẫn còn một cây bông gạo đỏ như máu. Vị linh mục trẻ hình như đã rời giáo đường. Tôi chỉ là một linh hồn lang thang cô độc giữa những con đường, vài góc ký ức vừa quen vừa lạ. Tôi lạc lõng tìm kiếm điều gì đó xa vời trong hư vô, cát bụi. Tôi vẫn đều đặn đếm thứ tự của ngày tháng vào mỗi tuần chúa phục sinh. Nhưng, chàng vẫn không hề quay về đón tôi như đã hứa. Tôi hoang mang nghĩ đến lời một cha xứ: “Con sẽ đi đâu, ngoài thế giới này?”.
Thần cây đa, ma cây gạo. Nhưng hình như, chỉ dành cho những linh hồn chưa được cứu rỗi. Tôi trân trân đứng trước cây gạo, bất giác nhìn xuống mấy ngón tay mình, chúng bung xòe và đỏ lòm như hoa. Liệu sự sống này có phải chỉ thay đổi mà không mất đi như lời kinh cầu nguyện khi những linh hồn bắt đầu rời khỏi dương thế, như bố tôi ngày ấy? Liệu có phải Chúa chỉ tạo cho con người một thế giới khả tử mà tôi vẫn chẳng thể nào đoán định được bất cứ điều gì?
Chủ nhật cuối cùng. Ngày Chúa nghỉ ngơi. Nhà thờ chưa được xây dựng lại. Chồng tôi vẫn chưa về. Tôi quyết định rời khỏi thành phố này. Biết đâu, tôi sẽ tìm thấy một thế giới khác. Có thể nơi đó, Chúa sẽ vẫn làm việc vào ngày chủ nhật. Ngài sẽ cho tôi biết một vài dấu hiệu. Có thể nơi đó, tôi không phải đắn đo khi bắt đầu một buổi xưng tội của mình. Và, cũng có thể nơi đó, tôi chẳng bao giờ phải sợ hãi mỗi lần nhìn thấy máu.
T.B.K
(SH320/10-15)