Giá sách Sông Hương
Ký ức Tuồng Huế
Tính năng của đàn bầu trong dàn nhạc tuồng ở Huế
09:15 | 26/05/2016

HOÀNG TRỌNG CƯƠNG

Đàn bầu tuy chỉ có một dây, nhưng nhờ sự điều khiển vòi đàn (kéo căng và uốn chùng dây) kết hợp với 7 điểm nút (kỹ thuật gảy đàn tại các điểm được quy định trên dây đàn) ta có âm bội trong hơn ba quãng 8.

Tính năng của đàn bầu trong dàn nhạc tuồng ở Huế
Ảnh: internet

Nếu so sánh với các nhạc cụ trong dàn tiểu nhạc cung đình (đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam,…), đàn bầu có một âm vực khá rộng; với khoảng âm rộng như vậy, âm thanh của đàn bầu có thể diễn đạt ở nhiều sắc thái khác nhau như âm thanh trầm, trung và cao. Một ưu điểm nữa của đàn bầu là độ ngân vang trội hơn hẳn các nhạc cụ gảy như đàn nguyệt, tam và tỳ nên khi tham gia diễn tấu cùng dàn nhạc tuồng, đàn bầu sẽ tạo ra một vị trí thượng phong.

Phối hợp đàn bầu với các nhạc cụ trong dàn nhạc tuồng sẽ tạo một hiệu quả mới về âm sắc, cũng như sự hòa quyện về âm thanh, làm phong phú thêm cho giai điệu. Dưới đây là một số ví dụ cụ thế:

- Đối với đàn tam (ba dây), đàn bầu có khả năng vượt trội về âm sắc và tính biểu cảm bởi giai điệu; còn bản chất của đàn tam là âm thanh thô và đục.

- Đối với đàn hồ, đàn bầu có sự hài hòa về âm sắc khi đi đồng âm ở âm vực cao của đàn hồ. Tuy nhiên, âm sắc mềm mại, ấm áp của đàn bầu sẽ tạo được những âm thanh mượt mà, êm dịu hơn.

- Đối với đàn nhị, đàn bầu không có sự hài hòa âm sắc khi đi đồng âm. Riêng ở âm vực thấp của đàn nhị, đàn bầu có thể đi song hành một quãng 8 dưới, nhằm làm dịu bớt âm thanh sắc thé của nhị.

- Đối với đàn nguyệt, âm thanh của hai nhạc cụ này rất hòa quyện, ấm áp, nhất là khi phối hợp giữa âm vực trung của đàn bầu và âm vực thấp của đàn nguyệt. Ngoài ra, đàn bầu khi đi quảng 8 trên đàn nguyệt cũng cho ta những hiệu quả tốt.

- Đối với đàn tỳ bà, âm thanh của hai nhạc cụ này rất hòa quyện tương tự như cùng với đàn nguyệt. Đặc biệt, khi thay đổi quảng 8 giữa âm vực thấp của đàn tỳ phối hợp với âm vực trung của đàn bầu, hay âm vực trung của đàn tỳ phối hợp với âm vực cao của đàn bầu cho hiệu quả tốt hơn.

- Đối với sáo, đàn bầu đi đồng âm tốt, nhất là ở âm vực thấp và âm vực giữa của sáo, tiếng sáo sẽ hỗ trợ tiếng đàn bầu thêm sáng và đầy đặn hơn.

- Khả năng Rao, Dạo(1) và đệm cho hát:

Rao, dạo là thể hiện những câu nhạc mang tính “ứng diễn” nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh, tâm lí nhân vật nhằm gợi cảm, hỗ trợ cho diễn viên biểu hiện vai diễn, lớp diễn đó. Mặt khác, làm điểm tựa cho diễn viên không bị chênh hơi, lạc giọng. Ngoài đàn nhị chính trong dàn nhạc với chức năng rao, dạo và giữ giọng cho diễn viên, đàn bầu cũng đã phát huy hiệu quả tính năng của mình trong những cảnh bi thương, ai oán mà những nhạc cụ khác không sánh bằng. Do đó, dàn bầu có thể thay vai trò của đàn nhị chính trong dàn nhạc, hay một số nhạc cụ khác ở một số hoàn cảnh nhất định của vở tuồng.

Khác với các loại hình sân khấu khác, âm nhạc trong sân khấu tuồng có một số bài nhạc đệm cho nói và hát; mặc dù giữa giai điệu nói và hát không giống giai điệu bài nhạc đệm, nhưng nó vẫn hòa quyện nhau, hỗ trợ nhau để biểu đạt được lời văn, ý thơ của nhân vật một cách ngọt ngào và hiệu quả; một mặt cũng nói lên mối quan hệ giữa âm nhạc với vai diễn hết sức chặt chẽ cụ thể như: Nói khoan thai đĩnh đạc (còn gọi là nói Lối) đệm bài Xây Hạ. Nói vội vã, vui tươi đệm bài Xây Tá. Nói giọng sầu bi (còn gọi là nói Lối ai) đệm bài Xuân Nữ. Hát ai oán, não nề (còn gọi là hát Nam) đệm bài Nam Ai. Cũng hát Nam nhưng khẩn trương, vội vã (gọi là hát Nam chạy) đệm bài Nam Chạy. Hát vui tươi, lạc quan đệm bài Phú Lục. Hát vui tươi và khẩn trương hơn đệm bài Nam Bằng… Trong tất cả những làn điệu này, đàn bầu đạt hiệu quả về âm thanh và sức truyền cảm tốt khi cùng với dàn nhạc đệm cho các làn điệu trong hệ thống hát Nam như: Làn điệu Nam Ai, Xuân Nữ, Nam Chạy, Nam Bằng…

- Đảm bảo cơ cấu của một dàn nhạc tuồng.

Ngoài những nhạc cụ không thể thiếu như: trống, kèn và đàn nhị, thì bên cạnh đó, để đảm bảo cho toàn cục của vở diễn, dàn nhạc tuồng không thể thiếu những nhạc cụ như: nhị 2, đàn hồ, đàn bầu (có những chức năng vượt trội so với các nhạc cụ trong dàn nhạc), đàn nguyệt, đàn tam, đàn tỳ bà, sáo, thanh la, chiêng, bạt, phách, mõ… Tất cả các nhạc cụ này, ngoài nhiệm vụ đệm cho hát, múa nó còn tạo được nhiều màu sắc âm thanh mang tính đặc trưng, khi được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc sẽ làm tăng thêm hiệu quả cho vai diễn, lớp diễn, tạo được cảm xúc và sự hấp dẫn cho người nghe.

Văn phong của tuồng cũng được xây dựng trên thể thơ lục bát, tứ tuyệt, ba chữ, bốn chữ, năm chữ… Tùy theo từng hoàn cảnh của vở mà đưa vào phù hợp các làn điệu trong hệ thống hát nam, hát khách, lối bóp, lối vịnh, lối ai… Trong điều kiện đó, dàn nhạc tuồng cũng phải diễn tả được mọi tình huống, mọi tính cách của nhân vật bằng cách sử dụng những bài bản nhạc lễ sẵn có trong hệ thống đại nhạc, tiểu nhạc, hay từ các bài bản nhã nhạc, các nghệ nhân xưa để phát triển cho phù hợp với các làn điệu hát tuồng. Ví dụ, chỉ một tiếng kèn chiến (trong Đại nhạc), dàn nhạc cũng có thể diễn tả một cảnh trận ác chiến trên sân khấu; hay bài Nam Ai (biến tấu lòng bản từ bài Nam Ai của Đại nhạc), thì tiếng đàn bầu hòa quyện với dàn nhạc có thể diễn tả cảnh bi thương của một lớp tuồng…

Ví dụ 1: Điệu thức Ai:


Ví dụ 2: Rao Ai:
Đàn bầu rao Ai (âm Fa nhấn rung, âm Sol láy vỗ đệm La, âm Re láy).



- Thủ pháp láy âm Re (tay trái): Sử dụng ngón áp út kéo vòi đàn căng dây lên âm Re, sử dụng ngón trỏ và ngón cái láy âm Re.

Ngoài đảm bảo cơ cấu của một dàn nhạc tuồng, đàn bầu còn phối hợp cùng dàn nhạc xử lý bài bản trong từng tình huống kịch. Đặc điểm dàn nhạc tuồng là xử lý tinh tế, nắn nót âm thanh tiếng đàn theo từng tâm trạng của vai diễn.

Ví như làn điệu Xuân nữ, sau rao dạo, không gian như lặng đi nhường chổ cho đàn bầu vào thủ, dàn nhạc nối vào tạo sự “ép phê” cho người nghe và truyền cảm xúc đặc biệt cho diễn viên:

Ví dụ 3: Trích làn điệu Xuân Nữ trong hệ thống hát Nam của tuồng.

(Làn điệu tuồng “Xuân Nữ” gồm 22 nhịp 4/4 kể cả câu Thủ(1)).


                                                        (Trích 8 ô nhịp đầu của làn điệu Xuân Nữ).

Qua ứng dụng tính năng của đàn bầu trong dàn nhạc tuồng ở Huế, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, đàn bầu đã chứng tỏ được khả năng vượt trội của mình so với một số nhạc cụ truyền thống; thể hiện vai trò là một phương tiện dẫn giai điệu, phương tiện biểu cảm mà nhiều nhạc cụ không thể sánh kịp. Đặc biệt, là sự độc đáo về hình thức lẫn âm sắc, tô điểm thêm cho những bức tranh về âm thanh trong các làn điệu tuồng.

H.T.C  
(SHSDB20/04-2016)


---------------------
(1) Rao và Dạo có chức năng tương đồng là dẫn dắt người hát đúng bậc nhạc. Thông thường, Rao là đoạn nhạc lưu không của một làn điệu khi diễn viên đang hát làn điệu đó. Dạo là đoạn nhạc xác định bậc và tính chất làn điệu cho diễn viên trước khi vào hát.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng