HỒ THANH
(Trích truyện dài)
Sáng hôm ấy trời trong. Bên vách nhà sàn của Y Riên hoa thuốc lá nở chùm năm cánh tươi nguyên màu hồng nhạt. Tất thảy người bản Lươi kéo lên rẫy.
Những chiếc tẩu nhả khói trắng cả một đường dài từ bản đến kho thóc dựng chênh vênh bên ngọn đồi nhỏ. Ở những nương mà Y Riên cùng Ak Phưa và bộ đội chưa kịp tuốt “trộm”, lúa cũng đã rụng gần hết, bông còn lơ thơ hạt. Không chỉ Việt, Y Riên và Ak Phưa đã lường trước hiểm họa có thể giáng xuống bản Lươi. Nguy cơ hiểm họa giáng xuống bản Lươi là rất cụ thể… Trước mặt bà con dân bản, Y Riên vẫn phải làm lại cái chức năng của một Kan Xro.
Lại những ánh mắt ngước lên núi A Pia. Ở A Có, rất nhiều người bị xả đạn trong cái đêm dân bản Lươi đưa A Bung đi nằm dưới nhà mồ.
Lại tiếng động cơ máy bay nổi lên như bất cứ buổi sáng nào, như bất cứ đêm nào. Mỗi lần chúng cất quân dội bom ở thành phố đều bay qua bản Lươi như trêu ngươi, rồi trở về trong tư thế của những con diều hâu bị bắn trượt hoặc bị thương; và trong nỗi bực tức chúng đã không ngần ngại xả đạn.
Sáng nay có tới ba chiếc trực thăng nhấc mình lên khỏi núi A Pia, chúng còn đứng một chỗ khá lâu, lượn quanh núi mấy vòng mới cùng bay về phía rừng đầu nguồn. Người dân bản Lươi cứ nhìn theo với một sự chăm chú lạ lùng cho tới khi ba chiếc phản lực kia khuất hẳn. Họ cúi tuốt nốt những hạt lúa ít ỏi còn lại, chỉ đủ nấu cháo xen vào những tháng ngày đồng bào ăn bắp và sắn.
Từ phía rừng đầu nguồn, ba chiếc trực thăng bay về bản Lươi. Ơ kìa, từ bụng chúng nhả ra một màu trắng mịt mờ như sương. Màu sương trắng rải đều trên khắp bản Lươi, trên khắp nương rẫy. Ngỡ chúng thả bom giết dân bản, Y Riên giục mọi người tản ra. Tầm bay của trực thăng rất thấp, chúng nhào đi nhào lại mấy vòng. Cũng không có loạt đạn nào nhả xuống như mọi người nghĩ. Rồi, cả ba thẳng về phía rừng ma. “Chết bộ đội rồi!” Y Riên nhìn theo. “Chúng bay tới rừng ma rải bom giết bộ đội?” Y Riên đứng nhìn tới lúc chỉ còn ba chấm nhỏ. Vẫn không có tiếng bom? Không. Chúng không thể biết bộ đội đóng trong rừng ma. Chúng không thể biết con đường mà Ak Phưa sẽ dẫn bộ đội tiến sát núi A Pia.
*
Đêm mờ ảo. Ak Phưa đi trước, đến Việt (cũng một gùi lớn, một rựa mồng), sau hết là Y Riên. Ba người, ba cái bóng lẳng lặng bước cho tới khi Y Riên bảo dừng. Nương lúa vàng rỡ dưới trăng non.
Y Riên quỳ xuống chắp tay quá đầu: “Yàng Xro ơi, mẹ Y Riên sắp chết rồi, thằng A Bung chưa có cơm mới ăn, cả bản Lươi nhiều tháng không hạt gạo lót lòng. Hôm nay Y Riên trái ý Yàng lên nương tuốt lúa. Y Riên xin nhận sự trừng phạt. Xin Yàng hãy trừng phạt mình Y Riên”.
Y Riên bước xuống nương, đưa tay tuốt bông lúa đầu tiên của mùa bỏ vào a chói. Lúc đấy, Ak Phưa dẫn Việt xuống dưới nương tuốt lúa từ phía ngược lên, cũng bỏ nắm đầu tiên vào gùi của Ka Xro Y Riên. Lần đầu tiên tuốt lúa, lòng bàn tay của Việt nhận cảm giác rờn rợn rùng chân răng.
- Ngày mai Ak Phưa sẽ tìm ra con đường dẫn bộ đội tới rừng ma. Rừng ma chỉ sợ thú thôi. Ak Phưa sẽ bày cho bộ đội làm nhà sàn dựa vào cây rừng. Rồi bộ đội đến ở bao nhiêu người cũng được.
- Các đồn bốt của giặc dưới xuôi đã bị phá nhiều. Chúng sắp dồn về núi A Pia. Từ rừng ma, ta sẽ dễ dàng đánh giặc trên núi A Pia.
- Từ Bốt Đỏ lên tới rừng ma mất nửa ngày đường, bộ đội đi sớm mới không bị phát hiện. Tối nay Ak Phưa sẽ đưa bộ đội tới rừng ma. Còn giờ Y Riên phải về với mẹ, với A Bung đã. Chỗ lúa này Ak Phưa cũng mang lên ngọn đá kia phơi để còn làm gạo cho bộ đội. Ak Phưa nhớ đi nhanh để kịp đưa bộ đội về trước lúc trời sáng.
- Đừng lo. Y Riên nghĩ bộ đội không rành đường rừng à? À... cái thằng Vịnh ấy mà, Ak Phưa ạ, cứ tạm để vậy. Mình xử hắn bây giờ bất lợi lắm. Bộ đội và già Kăn Nứt đã có kế hoạch...
- Dân bản hiểu ý bộ đội. Cái nương cái rẫy có bắp có lúa mà không được ăn. Bộ đội đánh giặc quen rồi. Lúc nào bộ đội đánh giặc trên núi A Pia là dân bản Lươi theo đánh thôi.
- Phải đó bộ đội Việt à. Có bộ đội thì dân bản Lươi không còn sợ giặc nữa. Hôm qua già Kăn Nứt ngồi hút thuốc khuya lắm. Y Riên bảo ngủ nhưng không chịu. Già chỉ tay lên núi A Pia bảo, thằng giặc còn thức trên kìa.
Việt nhìn Y Riên dưới ánh trăng nhạt. Gặp lại Y Riên lần này, Việt không muốn rời bản Lươi. Nhưng nhiệm vụ còn trước mặt. Mà có đuổi được giặc, dân bản Lươi mới yên vui sinh sống, Y Riên mới dám mơ đến một tổ ấm… Việt đứng dậy, ngước nhìn ngọn núi A Pia. Vùng sáng mỏng lan ra trong lớp mây vàng sẫm.
*
Ngày nắng nối tiếp. Hơi nóng từ vùng trời mờ mịt khói đạn bom và lửa ở thành phố tràn về, bản Lươi kiệt dần nguồn sống. Đàn trâu rì lại mỗi khi lũ trẻ kéo lên rẫy. Da chúng trắng phếch, khô quăn, nóng rẫy như những tấm lợp nhôm. Nước hiếm. Dòng nước mát dân bản lấy từ suối A Sáp dần chuyển màu.
Một buổi trưa chú Seng kêu đau bụng. Già làng Kăn Nứt phải lên rừng lấy lá thuốc về cho chú nhai, rồi áp vào bụng hơ lửa. Cũng dòng nước ấy Y Riên dùng nấu cháo cho mẹ. Bà Ơ Riêng ăn không có phản ứng gì mạnh, song liệt người, năm ngày sau lên cơn giật, rung rung một hồi, thì chết!
Bản Lươi không tin con suối A Sáp nữa. Người dân bắt đầu tập làm quen nhịn khát. Và sau đó là buổi cúng Yàng xin nước kéo dài suốt đêm tới mờ sáng hôm sau. Đàn bà phụ nữ dẫn lũ trẻ đeo gùi lên rừng đầu nguồn tìm trái cây ăn đỡ khát, còn đàn ông uống rượu đoác.
Những ngôi nhà sàn rỗng tuếch, không có lấy một mẩu lương thực. Người dân dành phần nhiều thời gian ở trên rừng giành sự sống. Nhưng rừng cũng dần vàng vọt. Rụng lá sớm nhất là thông, kiên, chúa, lim… Những tre, lồ ô, bụi chuối là còn trụ được trong niềm hy vọng của Yàng. Rừng ma được thần linh bảo vệ vẫn xanh tốt. Những đào, kim giao, đa, trường, kiêng, arlăng phô thân hình tráng kiệt, uy nghi giữa trời.
Sau đêm vợ mất, già làng Kăn Nứt lầm lụi một mình lên rừng đốn hạ cây gỗ to nhất được đánh dấu hòm từ chục năm trước. Một mình ông cưa, khoét rỗng. Một mình ông đặt vợ vào trong quan tài hình tròn ấy.
Khi Ak Phưa mang gạo cùng bình nước lớn từ rừng ma trở về, đôi mắt của Y Riên đã dại.
“Bộ đội chốt được trại dưới núi A Pia rồi.” Ak Phưa chỉ có ngần ấy tin tức báo với già làng Kăn Nứt. Y Riên không dám hỏi gì Ak Phưa về Việt. Có chút ân hận, chút khổ đau, một chút tình khi Y Riên đối diện với Ak Phưa. Nhưng Ak Phưa ơi, Y Riên…
Ak Phưa mang tới cho Y Riên một bát nước:
- Y Riên uống nước. Bộ đội Việt bảo quân giặc bỏ độc con suối rồi.
- Ak Phưa đưa cho mọi người đi. Dân mình đau nhiều lắm.
Nước miếng dại trào lên miệng Y Riên. Ừ, mấy bữa nay cái bụng Y Riên lạ lắm. Có gì trong đấy đang chuyển động…
*
Chưa bao giờ già làng Kăn Nứt nhìn xoáy sâu vào con gái mình như thế. Suốt từ chiều già quỳ trước bệ thờ nhà rông, và bây giờ cũng sự im lặng ấy bao trùm ngôi nhà sàn nhỏ bé. Khói thuốc cứ đùn ra từ chiếc tẩu. Dường như làn khói vươn ngoằn ngoèo kia là lời nói của già. Hôm qua mẹ Y Riên dẫu không còn cử động nữa nhưng vẫn là một thực thể sống khỏa lấp sự im lặng giữa hai cha con. Giờ thì bà Ơ Rai đã nằm trong quan tài được niệt chặt bằng chạc mây, với cái đòn khiêng đặt sẵn dưới nhà rông.
Tù và lại nổi từng hồi.
Ak Phưa và Y Riên quỳ mọp trước mặt dân bản, cúi gằm. Tiếng già Kăn Nứt đùng đục:
- Con Kinh Viên cũng lớn như con Y Riên, nhưng nó biết mang a chói lên rừng theo bộ đội đánh giặc. Còn con Y Riên với thằng Ak Phưa… chúng mày không là vợ chồng của nhau, mà chúng mày đã làm xấu cái mặt bản Lươi rồi! Từ nay con Y Riên không còn là Mẹ Lúa nữa. Từ nay thằng Ak Phưa không là thủ lĩnh của bản Lươi nữa. Con Y Riên Kuai hơkol rồi thì không được đẻ trong bản Lươi…
Hu… hu… hu…
*
Y Riên nhìn lại chiếc giường mẹ nằm bao năm, nước mắt chảy tràn. Già làng Kăn Nứt còn quỳ. Mà già cũng không muốn về nhà nữa. Nhà hoang hoải nắng, gió lào hanh hao khô rộc. Chiếc Tà ngàn đung đưa như có bàn tay vô hình chạm khẽ. Linh hồn của mẹ ở trong đấy - Y Riên toan đỡ Tà ngàn xuống nhưng kịp rụt tay lại… Y Riên nhẹ nhàng cuốn cái chăn trên giường bỏ vào a chói. Thêm mấy tấm zèng Y Riên dệt chờ ngày về với chồng… Tà rưng trống hoác. Không còn gì ăn được, chỉ trên giàn bếp vẫn còn sắn. Y Riên không mang theo gì, mà cũng đâu được phép… Y Riên gói ít muối trong mấy lớp lá chuối khô, bỏ vào gùi rồi cất bước.
Ak Phưa đang chờ Y Riên ngoài rẫy. Với tấm thân trần vạm vỡ, Ak Phưa mang theo một gùi đầy mũi tên vót suốt mấy ngày qua.
Y Riên biết Ak Phưa phía trước mà không muốn ngước nhìn. Cứ vậy, Y Riên chậm rãi bước theo Ak Phưa tới bên suối A Sáp. Đã gần trưa, Ak Phưa giở mấy củ sắn ra. Y Riên lắc đầu. Ak Phưa không nói thêm, cầm rựa đi chặt cây.
Ngồi bên bờ suối, Y Riên đờ ra ngóng về phía núi A Pia. Bộ đội có thắng giặc? Việt có làm sao? Y Riên mơ về buổi sớm đưa Việt thoát khỏi khu rừng… Và đám mây mang hình hài của Yàng Xro sà xuống... Y Riên không còn là Mẹ Lúa nữa! Y Riên lại trái ý Yàng. Dòng suy tưởng đưa Y Riên quay về lại buổi xử tội mình và Ak Phưa, với đầy đủ khuôn mặt trong bản Lươi. Mà không, thiếu A Bung, thiếu mẹ, thiếu… Kinh Viên nữa. Ngày khăn gói đồ đoàn bỏ vào a chói, Kinh Viên có thề với mẹ là theo bộ đội trả thù cho A Bung. Nhưng sao Y Riên không thấy Kinh Viên ở trại bộ đội trong rừng ma? Hay Kinh Viên xuống thành phố đêm đêm dưới làn mưa đạn. Ở đấy Kinh Viên sẽ mau chóng đối diện với kẻ thù hơn? Những chú cá lóc, cá rô, a chỏ, artor hiền từ bơi lội bên mép suối. Bây giờ Y Riên nhìn chúng thật dễ mến. Trước mặt Y Riên là chuỗi ngày đớn đau vượt cạn với nhúm muối. Chuỗi ngày buồn tủi và đau đớn không ai bên mình.
Ak Phưa làm xong cái chòi cho Y Riên lúc trời ngả chiều. Sàn chòi khá cao, có thang chắc chắn, lên xuống dễ dàng. Lớp lá cây dày lót sàn. Bên vách, Ak Phưa treo sẵn cái gùi và bộ cung tên dành tặng đứa trẻ chào đời. Vẫn sự im lặng vây quanh.
Hai người cứ ngồi im trên chòi tới lúc trời bắt đầu sẫm. Trên núi A Pia, tiếng động cơ vọng xuống.
- Tối nay Y Riên ạ…
Y Riên vẫn thừ ra. Mãi sau, khi thấy Ak Phưa nhấp nhổm lên đường, Y Riên mới nói:
- Ak Phưa, đừng tốt với Y Riên quá... “Oan cho Ak Phưa rồi!”
H.T
(TCSH327/05-2016)