TA DƯR TƯ
(Sưu tầm và biên soạn, theo lời kể của ông Hồ Văn Hạnh, thôn Ân Treeng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, và bà Kăn Tươr, thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới)
Ngày xửa, ngày xưa, ở một làng Pa cô nọ đang làm ăn sinh sống tại một vùng đất gần một con sông lớn nước chảy xiết. Cuộc sống vui vẻ quây quần đó chưa được bao lâu thì một đêm nọ, già làng nằm mơ thấy Dàng Ârbang(1) hiện ra từ trước mặt và nói rằng:
- Còn bảy ngày nữa là sẽ có một trận lụt lớn nước sẽ dâng cao cao ngập cả nơi con người, loài vật và cây cối đang sinh sống. Nếu không muốn bị mất đi giống nòi thì hãy đục đẽo một chiếc Acưr(2) thật to, sau đó tập hợp lại các loại vật nuôi, cây trồng, dụng cụ sản xuất vào chiếc Acưr đó! Ngươi nên nhớ, mỗi loài chỉ chọn một con, giống cây mỗi loại chỉ chọn một cây hay một hạt, và con người cũng chỉ một người nam hay nữ tùy chọn.
Nói xong ông Ârbang biến mất. Hôm sau thức giấc già làng lo sợ và tập hợp con cháu trong làng, kể lại giấc mộng mà ông đã mơ thấy Dàng Ârbang đêm qua. Mọi người sợ hãi lo lắng nhưng đành chấp nhận lời kể qua giấc mơ đó. Họ bắt đầu lên rừng tìm cây gỗ tốt chặt hạ và đục đẽo lắp ghép thành một chiếc Acưr rất to. Qua sáu ngày, sáu đêm thì chiếc Acư vừa xong, già làng cùng con cháu lựa chọn và bỏ vào chiếc Acưr tất cả các loài vật nuôi, hạt giống. Sau đó chọn một cô gái khỏe mạnh xinh đẹp cùng một chú chó đực khỏe mạnh bỏ vào, miệng chiếc Acưr được đóng kín lại bằng sáp ong. Sáng hôm sau, đúng ngày thứ bảy như lời Dàng Ârbang nói, bầu trời bắt đầu tối sầm lại sấm sét giông bão nổi lên. Mưa mỗi lúc nặng hạt hơn, nước mỗi lúc dâng cao hơn.
Chưa đầy một ngày, nước sông đã dâng cao nhấn chìm cả núi non làng bản. Mọi loài vật trên mặt đất đều chết, chỉ còn chiếc Acưr nổi bồng bềnh trôi theo dòng nước, qua bảy ngày bảy đêm thì nước rút. Chiếc Acưr trôi dạt vào một vùng đất bằng phẳng. Khi thấy xung quanh vắng lặng cô gái lấy chân đạp thủng sáp ong xem thử bên ngoài như thế nào. Khi bề mặt Acưr là những tảng sáp ong vỡ ra, cô gái thấy bên ngoài trời đẹp, yên tĩnh và cô liền đem ra tất cả các loại giống vật cây trồng.
Cô gái tự tay dựng lều và sống ở đó, nhớ lời già làng dặn: Muốn bảo tồn nòi giống thì con phải sống như vợ chồng với chú chó. Một thời gian sau cô gái mang thai và sinh được mười đứa con, năm con trai và năm cô con gái. Ngày ngày, người cha và người mẹ lên rừng chọn lấy những vùng đất tốt để phát nương làm rẫy, trồng lại tất cả các loài giống cây trồng mang theo. Không lâu sau, nhờ đất đai phù sa màu mỡ, nên cây ngô, lúa, khoai sắn... tốt tươi, nặng bông trĩu hạt, vợ chồng vui sướng được mùa và nuôi nấng những đứa con ngày một khôn lớn. Nhưng, hàng ngày chỉ thấy người mẹ mà không biết mặt cha, một hôm, đứa con lớn nhất hỏi:
- Mẹ ơi! cha của các con ở đâu?
Người mẹ ngại ngùng:
- Cha các con đang ở trên rẫy! Chắc cha đói rồi! Con hãy lên đó đưa cơm cho cha nhé!
Đứa con ngoan ngoãn lên rẫy tìm cha, đến nơi, không thấy cha đâu đứa con cất tiếng gọi:
- Cha ơi cha! Con mang cơm cho cha đây!
Gọi mãi mà không thấy người cha đâu, mà chỉ thấy chú chó khỏe mạnh thân thiện quấn quýt quanh đứa con cất tiếng kêu: ‘hít, hít’.
Đứa con vội vàng chạy về nhà hỏi mẹ:
- Con gọi mãi không thấy cha mà chỉ thấy một chú chó thôi mẹ ạ!
Người mẹ dịu dàng xoa đầu con:
- Chú chó đó là cha của các con đó!
Sau đó, người mẹ kể đầu đuôi câu chuyện cho các con nghe. Sau khi biết được ngọn nguồn, những đứa con lại thương cha mẹ nhiều hơn, cả nhà sống bên nhau, vui vẻ hạnh phúc.
Sau khi các con khôn lớn đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, nhưng cả một vùng đất mênh mông đó chẳng thấy một bóng người nào khác. Họ suy nghĩ ngày đêm rồi bà mẹ bèn nghĩ ra một kế gọi các con lại và dặn:
- Để giống nòi các con sau này được sinh sôi nẩy nở. Mặt đất này rộng bao la các con hãy đi thật xa. Đi khỏi vùng đất này, mỗi người đi về một phía nếu sau này các con gặp tìm thấy cô gái hay chàng trai nào đó thì hãy lấy người đó làm vợ làm chồng.
Theo lời dặn của bà mẹ mười đứa con từ biệt cha mẹ, và mỗi đứa mang theo các loại giống vật nuôi cây trồng. Họ chia tay đi tìm tứ phía. Đất trời rộng mênh mông họ đã đi cùng trời cuối đất rồi đến một ngày nọ họ gặp nhau. Xa nhau quá lâu ngày, họ không còn nhận ra nhau nữa, tưởng rằng đã gặp người khác lạ. Nhớ lời bà mẹ dặn họ liền kết duyên thành đôi vợ chồng, họ cùng nhau lập một ngôi làng cùng làm ăn sinh sống.
Trong mỗi dịp tổ chức hội làng để được gắn bó hơn, họ tìm hiểu nhau xem nguồn gốc mỗi người được sinh ra từ đâu? Rồi mỗi người lần lượt kể ra rằng họ được sinh ra từ một bà mẹ và người cha là con chó, lúc đó tất cả mới vỡ lẽ. Thì ra đều là anh em ruột thịt được sinh ra cùng cha cùng mẹ. Nhưng vì muốn bảo tồn và phát triển nòi giống nên bà mẹ đã bày ra một kế như vậy. Vì vậy hiện nay, đa số người Pa cô kiêng ăn thịt chó, vì họ cho rằng con chó là tổ tiên của họ.
Sau một thời gian chung sống, lao động, kiếm ăn, họ mới có các câu chuyện, sự tích ra đời của các dòng họ như Ahăr, Ta Dưr, Kê, Avô, Tâng koal... Nhưng cốt là để đổi họ, để tránh được tội loạn luân, khỏi bị xấu hổ và để mở rộng đất đai sinh sống. Người Pa cô di chuyển dần, phân chia nhau đi tìm vùng đất mới để sinh sống cai quản và thế là họ vẫn chọn vùng đất thung lũng bằng phẳng để lập làng, họ không ở trên cao như người Tà ôi. Hơn nữa, từ xa xưa người Pa cô kể rằng: Do sinh sống ở vùng đất giữa Lào và Việt Nam, cho nên họ có thể đi trao đổi hàng hóa ở Lào cũng tiện mà đi đổi hàng hóa ở dưới đồng bằng người Việt cũng thuận lợi. Vì thế ngày nay đa số những dụng cụ lao động của họ giống như người Việt (rựa, dao, rìu, chén kiểu, bình vôi, kiếm...). Từ thời hồng hoang đó, người Pa cô vẫn không có truyền thống trồng bông, xe tơ, dệt Zèng, mà chỉ thông qua buôn bán, trao đổi với người bạn ‘Ka lơ’ Tà ôi mà thôi. Vì những ảnh hưởng nền văn hóa truyền thống mà đến nay người Pacô vẫn truyền nhau câu ngạn ngữ rằng: “Muốn mặc Zèng thì ngược lên aroh Ta oais(3). Muốn cầm cái rựa, cái rìu, cồng, chiêng thì xuôi về đồng bằng”.
T.D.T
(TCSH327/05-2016)