Giá sách Sông Hương
Một thoáng Mỹ Thuật đương đại Huế
Hợp lưu của những dòng chảy
09:36 | 10/12/2019

TRƯƠNG VIỆT TIẾN

Nghệ thuật Việt Nam sau 1986, nhìn chung đã có sự thay đổi lớn so với trước, điều này trước hết đến từ những chính sách thông thoáng hơn của nhà nước đối với văn học nghệ thuật, và dĩ nhiên, nó cũng đến từ sự vận động tự thân của nghệ thuật.

Hợp lưu của những dòng chảy
Tác phẩm “Hai chiến sĩ”, 1949, (màu nước) của Tô Ngọc Vân

So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, thì sự thay đổi của mỹ thuật có vẽ như diễn ra một cách nhanh chóng và sâu rộng nhất, sự thay đổi của mỹ thuật nhanh hơn so với các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng bởi ngay cả những giai đoạn trước đó, mỹ thuật cũng đã có những bước chuyển mình một cách âm thầm nhưng quyết liệt đến từ một số cá nhân họa sĩ, điều này là hết sức quan trọng khi cơ hội bung vỡ mở ra. Và về sau, khi hội tụ đủ điều kiện của xã hội, mỹ thuật đã nhanh chóng có một bước nhảy vọt trong tư tưởng cũng như trong ngôn ngữ của mình.

Tác phẩm “Trái tim và nòng súng” của Huỳnh Văn Gấm, (1963)

 

Tác phẩm ký họa của Lưu Công Nhân, (1966)

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mỹ thuật Việt Nam đi trên đường ray của chủ nghĩa yêu nước với bút pháp tả thực là chủ đạo. Hiện thực về ca ngợi hình tượng người anh hùng trong chiến tranh và những hào khí của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ngồn ngộn trong các tác phẩm. Nhìn chung, đề tài thời kỳ này thường xoay quanh hình tượng như: người lính, lãnh tụ, người nông dân, và những người lao động bình thường với lối mô tả đơn giản, gần gũi, khoe khoắn về hình ảnh và thân thuộc với không khí lao động. Tư duy mô phỏng hiện thực là tư duy chủ đạo. Thành tựu của giai đoạn này phần nhiều đến từ sự đông đảo của số lượng họa sĩ và sự nhiệt huyết với lý tưởng trong mỗi cá nhân trước thực tiễn của đất nước.
 



 

 

Tác phẩm “Thôn nữ và bò vàng” của Hà Trí Hiếu
Tranh của Đặng Xuân Hòa
Tranh trừu tượng của Nguyễn Trung
Tranh trừu tượng của Phạm An Hải
Tranh khỏa thân của Nguyễn Thanh Bình
Tranh của Doãn Hoàng Lâm
Tranh của Lê Quảng Hà
Tranh của Đỗ Hoàng Tường

Ngôn ngữ của Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cùng với phương pháp tạo hình dựa trên nền móng hiện thực đã trở nên quen thuộc, sau 1975 không khí này vẫn kéo dài tới cả mấy thập kỷ, thậm chí là đến cả ngày nay. Với phương châm là nghệ thuật gắn liền với đời sống, đi sâu vào quần chúng nhân dân, bám sát những thắng lợi của công cuộc kinh tế đất nước… tất cả đều nhằm ca ngợi, tuyên dương, cỗ vũ… dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng văn hóa để làm sao cho nghệ thuật không đi “chệnh đường ray”. Có một thực tế là xã hội đã có những biến đổi, khi không khí ngợi ca mang tính anh hùng sử thi đã phần nào lắng xuống, nhưng tư tưởng và phương pháp luận của các nghệ sĩ và kể cả những người quản lý nghệ thuật vẫn không thay đổi nhiều. Mâu thuẫn này dẫn tới những tụt hậu, bảo thủ và lạc lõng của mỹ thuật Việt Nam so với tình hình nghệ thuật trên thế giới ở thời điểm hiện tại.

Sau 1986, với phương châm mỗi nghệ sĩ phải “cởi trói” và “tự cởi trói”, những người làm nghệ thuật nói chung và họa sĩ nói riêng đã bắt đầu đi tìm sự tìm tiếng nói riêng cho mình như đàn cá được trở về với dòng nước khởi nguyên. Sau đổi mới, với cơ chế thông thoáng hơn, đời sống mỹ thuật bắt đầu với những triển lãm khá rầm rộ với một không khí cởi mở khác trước. Những cuộc triển lãm phải kể đến trong giai đoạn này là triển lãm của Nguyễn Sáng tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm tranh Bùi Xuân Phái tại nhà triển lãm Ngô Quyền… Tiếp theo đó là những cuộc triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm của các họa sĩ: Trọng Kiêm, Vĩnh Phối, Lưu Công Nhân, Đỗ Kỳ Hoàng, Trịnh Cung, Trần Lưu Hậu, Trương Bé, Nguyễn Quân, Lý Trực Sơn, Hà Trí Hiếu, Thành Chương, Nguyễn Thanh Bình… Người ta thấy, thông qua các cuộc triển lãm, đã có sự khác biệt trong tư duy cũng như trong ngôn ngữ tạo hình của các họa sĩ, tính chất con người cá nhân đã bị vùi lấp từ lâu nay được dịp sống lại và mở ra những đề tài mới cũng như nhiều cách biểu đạt khác nhau.

Với một số lượng các họa sĩ đông đảo đó, mỹ thuật Việt Nam không những đã phát triển về số lượng, chất lượng tác phẩm mà cùng với đó là sự ấm lên dần của nền thị trường mỹ thuật và sự đan cài vào nhau của nhiều ngôn ngữ tạo hình, những thử nghiệm mang tính cách tân đã đi vào tư duy sáng tạo của các họa sĩ.

Càng về sau, mỹ thuật Việt Nam càng mở rộng được biên độ của mình, sự tìm tòi của các nghệ sĩ là không mệt mỏi. Có thể nói, hiện tại là sự gặp gỡ của nhiều trường phái, nhiề u ngôn ngữ tạo hình khác nhau trên một nền mỹ thuật non trẻ. Những dòng chảy nỗi bật phải kể đến như: hiện thực, cực thực, trừu tượng, lập thể, siêu thực, biểu hiện, tân biểu hiện, nghệ thuật ý niệm… Nếu như trước đây, những nỗ lực của một lớp họa sĩ đông đảo chỉ có một ý hướng chung là khắc họa bức tranh đại tự sự về hiện thực đất nước thì giờ đây, ý thức, cá tính, suy nghĩ của con người cá nhân, của những điều khác biệt được đặt lên trước hết trong tư duy sáng tạo của các họa sĩ.

Song hành cùng những dòng chảy khác của hội họa là dòng tranh trừu tượng, một trong những dòng tranh trước đây ít được chú trong sáng tác. Với những tên tuổi có thể kể đến như: Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Vĩnh Phối, Phạm An Hải, Phương Bình, Đỗ Hoàng Tường… Dường như các họa sĩ trừu tượng đã không còn mô phỏng hiện thực, bắt chước ngoại cảnh mà hướng vào khai thác những chiều kích bí ẩn trong nội tâm, sử dụng phương pháp giảm trừ của hiện tượng học, đưa đến một sự nhìn mới về nội tại, khai thác cái không hình dạng bằng sự đa dạng về phong cách và với những khám phá mới về kỹ thuật cũng như chất liệu thể hiện.

Cùng với sự phát triển của tranh trừu tượng thì dòng tranh khỏa thân, một lĩnh vực được xem là húy kỵ trước đây cũng được các họa sĩ thử nghiệm và đạt nhiều thành tựu. Có thể nói khỏa thân là đề tài có từ lâu đời, thậm chí đó là một trong những đề tài nguyên thủy của nghệ thuật tạo hình, nhưng vì nhiều lý do như phong nền văn hóa, quan niệm tôn giáo, chính trị… nên tranh khỏa thân ở Việt Nam không được phát triển mạnh mẽ, sự trở lại của dòng tranh này là một minh chứng cho một nền mỹ thuật cởi mở hơn và chấp nhận những dị biệt trong quan niệm về cái đẹp.

Khi tâm thức xã hội thay đổi, đặc biệt khi thế giới trở nên chỉ là một ngôi làng nhỏ bé bởi internet thì dường như những trường phái, trào lưu, những thử nghiệm nghệ thuật táo bạo hay phá cách trên thế giới đều được các họa sĩ Việt Nam đương đại đưa vào thử nghiệm.

Có thể nói, ở một số tác phẩm của các họa sĩ hiện nay như Lê Quảng Hà, Ý Nhi, Đỗ Hoàng Tường, Lý Trần Quỳnh Giang, Lê Kinh Tài, Phạm Thanh Toàn… quan niệm về cái đẹp đã di chuyển sang một chiều kích khác. Đó là sự thể hiện một kiểu dạng tâm thức nổi loạn, phá phách, gây hấn, vong thân, hoài nghi triệt để… Thậm chí trong những sáng tác của họ người xem rất khó có thể chấp nhận đó là tác phẩm nghệ thuật bởi đơn giản, người ta không thấy chúng đẹp. Dĩ nhiên, giá trị nghệ thuật của những các h tân bao giờ cũng phải có thời gian để kiểm chứng, và hơn nữa đó là sự nỗ lực của các họa sĩ để thoát ra khỏi những lối đi cũ, thoát ra khỏi kiểu tư duy cũ, quan niệm thẩm mỹ cũ để tạo ra một tính thế khác cho nghệ thuật.

Những gì các nghệ sĩ trẻ đem ra công chúng gần đây càng đẩy sự phá cách đi đến cực đoan hơn, thậm chí là đã có những la ó, tranh cãi xung quanh vấn đề “thế mà là nghệ thuật ư?” Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện những thử nghiệm nghệ thuật táo bạo đó. Thực tại khách quan đã thay đổi, sự va đập của đời sống ngày càng khắc nghiệt vào tâm thế của các họa sĩ, sự triển nở liên tục của những trào lưu nghệ thuật trên thế giới được internet đưa vào Việt Nam… Với những tên tuổi như: Trần Lương, Trương Tân, Ly Hoàng Ly, Lê Thừa Tiến, Thanh Hải, Bàng Nhất Linh, Thái Nhật Minh… tất cả đưa tới một bức tranh khó nhận định, một bức tranh luôn biến hoạt hình khối và sắc màu, liên tục đập vào tâm thức của người làm nghệ thuật để rồi họ phải giải phóng những xung năng đó trong mình bằng những tác phẩm tưởng như quái gỡ.
 

Tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Huy An
Nghệ thuật trình diễn của Tuấn Mami

Một trong những hy vọng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay đó là sự ấm dần lên của thị trường mỹ thuật. Sự trở lại của các gallery, các nhà đấu giá như Chọn Art Gallery, Lý Thị Auction, PI Gallery… cùng với những nỗ lực của các nhà đầu tư, các nhà sưu tầm trong và ngoài nước sẽ đưa tới một nền thị trường nghệ thuật lớn mạnh trong tương lai gần. Nếu như trước đây, tính không chuyên nghiệp, tính lập lờ thiếu niềm tin, sự trì trệ ăn xổi ở thì, nạn làm tranh giả, tranh chép… đầy rẫy trên thị trường thì giờ đây đã có xu hướng thay đổi theo chiều hướng khả quan hơn.

Sáng tạo nghệ thuật như những ngọn sóng, lớp sau xô đẩy lớp trước, nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường, mỗi chặng đường có một màu sắc, một sứ mệnh riêng của nó, đó chính là những dòng chảy khác nhau nhưng đều góp sức để đưa tới một nền Mỹ thuật Việt Nam vững mạnh, có nội lực và có được chiều hướng phát triển một cách chắc chắn trong tương lai gần.

 

Tranh của Phạm Thanh Toàn


T.V.T
(TCSH369/11-2019)




 

Các bài đã đăng