Giá sách Sông Hương
100 năm Nam Phong tạp chí
Thi văn chữ Hán trên mục ‘Văn uyển’ của Nam Phong tạp chí
10:18 | 01/08/2017

PHẠM VĂN KHOÁI    

Nam Phong tạp chí 南風—雜 誌 (1917 - 1934) gồm ba phần: Phần quốc ngữ - Phần chữ nho - Phụ trương Pháp ngữ.

Thi văn chữ Hán trên mục ‘Văn uyển’ của Nam Phong tạp chí

Riêng Phần chữ nho có độ dày hơn 5000 trang đã đăng nhiều thi văn chữ Hán của tác gia đương thời và lịch đại ở mục Văn uyển, một mục có “tuổi thọ” dài nhất trong cơ cấu các mục của Phần chữ nho. Bài viết này của chúng tôi nhằm sơ bộ giới thiệu về thi văn chữ Hán trên mục Văn uyển của Phần chữ nho Nam Phong tạp chí.

Thi văn chữ Hán đương đại được in ở mục Văn uyển trong số mở đầu của Phần chữ nho Nam Phong tạp chí là bài Nam Phong ca của Tuyết Huy.

Có 78 số có mục Văn uyển đăng thi văn chữ Hán đương đại. Ngoại trừ các số có đăng thơ văn của vua Khải Định có tiêu đề khá nghi thức (Thi chung, ngự chế…), còn nói chung, tên gọi của tiểu mục dành cho thi văn đương đại khá đơn giản như: Kim thi tuyển lục; Kim nhân thi văn; Kim nhân thi sao; Kim văn thi tuyển; Kim nhân thi thảo; Kim nhân thi trích lục; Kim thi trích lục; Kim nhân thi văn trích lục; Kim nhân biểu văn.

Dưới đây là danh mục các tác giả đương đại có thi văn chữ Hán được đăng. Số tạp chí đăng được ghi trong ngoặc (…). Xin nói thêm, ở đây chúng tôi xếp cả các tác gia nước ngoài đang sống cùng thời với Nam Phong và cả thơ nước ngoài được ban biên tập dịch ra chữ nho vào phạm trù các tác gia đương đại của Phần chữ nho trên Nam Phong tạp chí.

1. Tuyết Huy (Dương Bá Trạc) (1, 16, 93); 2. Bồ Nam Lê tử Tiểu Đào (62); 3. Khải Định (2, 12, 37); 4. Đoàn Đình Lan (9); 5. Viên Thành thượng nhân (10); 6. Thanh Nguyên thị (10); 7. Đạm Phương nữ sĩ (10); 8. Chương Dân (10, 45, 77); 9. Hỗ giá đại thần Liên Đình bá (11); 10. Ngô Vi Lâm (11, 42); 11. Hàn lâm viện điển tịch sung Thái Bình tỉnh chánh bát phẩm Nguyễn Hữu Bình (11); 12. Nguyễn Sư Hoàng (11); 13. Nguyễn Đỉnh Giác (11); 14. Nguyễn Trọng Trì (11); 15. Nguyễn Trọng Lỗi (11); 16. Tống Lã (13); 17. Nguyễn Văn Đào (14, 89, 90, 119, 182); 18. Triệu Khắc Mẫn (14); 19. Nguyễn Bá Nhuận (14); 20. Phạm Huy Đôn (14); 21. Phạm Như Khuê (14, 15); 22. Hoàng Thúc Hội (14); 23. Nguyễn Diệp Quảng (14); 24. Nguyễn Kỳ Nam (14, 26, 56, 60, 123); 25. Bùi Phụ Kinh (15); 26. Ngọc Anh (15, 17, 18); 27. Nguyễn Bá Trác (176); 28. Trần Thị Miên Sinh (17); 29. Hoàng Thị Văn Cơ (17); 30. Nguyễn Đỉnh Giác (19, 21, 23, 24, 26, 67, 68, 70); 31. Tôn Thất Lang (24, 42, 56); 32. Dương Lâm (27, 28); 33. Ưng Can (27); 34. Phụ Siệt (29); 35. Trương Gia Mô (32, 35, 36, 39) ; 36. Cao Xuân Dục (34, 66); 37. Lục Hải Âu Nhân (38); 38. Nguyễn Can Mộng (42, 47, 185, 186); 39. Từ Đạm (42); 40. Hà Hứa (45, 60); 41. Lạc Phách tử (45); 42. Phạm Văn Thụ (46); 43. Mai Trung Kết (47); 44. Nguyễn Đình Hiến (49); 45. Đào Văn Tuỵ (49); 46. Đặng Đức Cường (51); 47. Nguyễn Văn Bân (51, 57, 79); 48. Sở Cuồng (56, 72, 123); 49. Hải Dương tỉnh thần (57); 50. Tân Đình (58, 60); 51. Nguyễn Thị An (58); 52. Chu Lê Hành (58, 69); 53. Nguyễn Văn Mai (58); 54. Trần Dương Hiển (64, 71); 55. Nguyễn Toại (64); 56. Cao Xuân Tiếu (69); 57. Quất Đình Ưng Ân (69, 177); 58. Nguyễn Văn Sán (71); 59. Thân Trọng Huề (70); 60. Vô danh thị (72); 61. Trần Dã Hàng (74, 76); 62. Hồ Thích(1) (77); 63. Thơ Pháp (78); 64. Tùng Vân (78); 65. Vichto Hugo (79); 66. Trần Văn Thống (82, 84, 85); 67. Nguyễn Trọng Lạc (82); 68. Tôn Thất Lãm (82); 69. Phạm Hoàng Lãm (84, 85); 70. Vũ Tuân (86); 71. Đặng Vũ Trợ (87, 111); 72. Trần Cận (87); 73) Nguyễn Cát (93); 74. Hoàng Ý Viên (93); 75. Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng (104, 198); 76. Liêm Viên (111); 77. Nguyễn Đôn Phục (119); 78. Bùi Kỷ (Ưu Thiên) (123); 79. Đông Châu (124); 80. Đặng Văn Thụy (166, 167, 187); 81. Nguyễn Đông Dã (182); 82. Phan Sào Nam (196).

Qua danh mục trên có thể thấy không ít những tác giả là người trong quan trường như Từ Đạm, Nguyễn Đỉnh Giác, Nguyễn Văn Đào, Triệu Khắc Mẫn, Nguyễn Bá Nhuận, Dương Lâm, Phạm Văn Thụ, Nguyễn Văn Bân, Đặng Đức Cường, Chu Lê Hành, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Phạm Hoằng Lãm, Trần Văn Thống… Thơ của khá đông đảo những người trong chốn quan trường cho thấy thơ văn đương đại trên Văn uyển gắn khá chặt với khoa cử từ chương truyền thống. Thi đỗ, ra làm quan vẫn làm thơ là điều dễ thấy trong nhiều thế kỷ trước lại được thể hiện ở đầu thế kỷ XX.

Trong số các tác giả thi văn chữ Hán đương đại đó, chúng tôi thấy có một số người là nữ: Ngọc Anh nữ sĩ, Phúc Khê Thái Bàn Nguyễn Thị An, Đạm Phương nữ sử, Trần Thị Miên Sinh, Hoàng Thị Văn Cơ… Trong số này cần chú ý đến Ngọc Anh nữ sĩ là con gái của Long Cương tướng công Cao Xuân Dục và là kế thất của quan Án sát họ Nguyễn tỉnh Sơn Tây. Bà giỏi thơ, Quốc văn thời tập, Hán văn thời tập. Đó cũng là một điểm nhấn cho thi văn đương đại trên Văn uyển Phần chữ nho.

Cho dù tầm cỡ của các tác giả đương đại rất khác nhau so với chính thời đại họ và họ càng khác với những tác gia Hán văn đi trước, nhưng dù sao đi nữa, những người trong họ là những nhân chứng cho một giai đoạn thi văn chữ Hán sau khoa cử từ chương.

Tuy gọi là “thi văn” nhưng thực tế chủ yếu là thơ. Các thể loại mà thi văn đương đại của mục Văn uyển thu thập chủ yếu là thi theo luật Đường.

Thù phụng xướng họa là một trong những đặc điểm của thi ca chữ Hán quá khứ. Thi ca đương đại ở mục Văn uyển Phần chữ nho NAM PHONG cũng biểu lộ tính chất này.

Đề vịnh cũng là một trong những biểu hiện dễ thấy của thi ca đương đại đăng trên mục Văn uyển của Nam Phong Phần chữ nho.

Thơ chữ Hán của người đương thời trên Nam Phong Phần chữ nho về cơ bản là những sưu tập lẻ, nhỏ. Tuy vậy, vẫn có thể thấy ở đây vài thi tập khá dày. Phân tích ý nghĩa của chúng vẫn còn là vấn đề của thời gian, song chúng tôi xin liệt kê một số tập với tư cách như là những minh hoạ.

- Ngọc Anh thi thảo (Thơ của nữ sĩ Ngọc Anh), đăng trong các số: 14, 15, 17, 18.

- Mộng Quế Am thi thảo (Thi thảo của Nguyễn Đỉnh Giác), đăng trong các số 15, 21, 13, 26, 68, 70).

- Cúc Nông thi thảo (Thi thảo của Trương Gia Mô), đăng trong các số 32, 35, 36, 39.

- Loan Pha di thảo (Thi thảo của Trần Văn Thống), đăng trong các số 82 83, 84, 85.

Thơ chữ Hán của người đương thời trong khoảng gần chục số đầu tiên được đăng trước thơ chữ Hán của các tác gia lịch đại. Điều này được xác định bởi mục đích của Nam Phong nói chung và Phần chữ nho của nó nói riêng nhằm hướng vào người đương thời, đăng tải thi phẩm của người đương thời. Thế nhưng từ số 9 trở đi, nếu trong số có cả Kim nhân thi văn Cổ thi tuyển lục thì trừ các số có ngự chế thi ra, về cơ bản, Kim nhân thi văn không bao giờ đứng trước Cổ thi tuyển lục. Tình hình đó chỉ có thể giải thích bằng sự thay đổi trong nhận thức của những người trong ban biên tập. Mặc dù có sự trỗi dậy của Kim nhân thi văn trong khoảng đoạn từ số 42 cho đến 72 (ở khoảng đoạn này chủ yếu chỉ có Kim nhân thi văn, Cổ thi trích tuyển rất thưa thớt và hầu như không đáng kể), song về khoảng nửa cuối của tiến trình Phần chữ nho Nam Phong (từ số 92 trở đi) thì Kim nhân thi văn hầu như đã thoái vị hẳn. Chỉ thấy lác đác vài số có Kim nhân thi văn như: 93, 104, 111, 119, 123, 124, 145, 166, 167, 174, 178, 182, 185, 186, 198, 201 (17 số/120 số). Trước sự hụt hẫng đến suy tàn của Kim nhân thi văn nói riêng và Hán văn nói chung, số 198/6 - 1934, Nam Phong Phần chữ nho có tiêu đề Thi lâm vận sự để tỏ sự luyến tiếc thi ca chữ Hán: “Nhật Bản duy tân đã trên 70 năm, nay đã cầm được tai trâu, bởi lẽ họ đã biết phế chữ Hán vô dụng, học theo phép Thái Tây… Thế nhưng người Nhật Bản vẫn biết dùng chữ Hán… Bản tạp chí lúc đầu nghĩ diệt bỏ chữ Hán, toàn dùng quốc ngữ. Độc giả lấy làm tiếc lắm. Vì thế lại đổi, có đăng một hai bài hay để hiến dâng cho bạn đọc. Tiên sinh Minh Viên đến kinh có gửi cho tòa soạn mấy thiên thơ. Đọc nó bất giác thấy cảm xúc tuôn trào, tinh thần sảng khoái. Đó thực là việc hay trong chốn THI LÂM. Nhân đó bèn đăng lục ở số này” (Nam Phong tạp chí, số 198, tháng 6/1934)...

Song sự luyến tiếc ấy không kéo dài được đời sống chữ Hán nói chung và cũng không kéo dài ngày sống của chính Nam Phong thêm được lâu hơn nữa. Ngay sau đó, vào tháng 12/1934, tạp chí đã phải đình bản. Vai trò gạch nối cho nền học vấn cũ và mới sau 18 năm tồn tại của nó đã hết khi nó đã trút những hơi thở cuối cùng. Kim nhân thi văn trong mục Văn uyển đến lượt mình lại trở thành như một “kỷ niệm” về buổi lụi tàn chữ Hán với đội ngũ của riêng mình.

P.V.K  
(TCSH341/07-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng