Giá sách Sông Hương
Vọng niệm Huyền Trân
Vọng Huyền Trân
10:17 | 18/04/2018

HẠ NGUYÊN

Sang xuân, khi những giọt sương mai lưu dấu những ký ức nồng nàn rồi vỡ ra muôn vàn chớp mắt trong không gian, đó cũng là lúc Lễ hội Đền Huyền Trân ở Huế lại rộn ràng trên đỉnh núi Ngũ Phong.

Vọng Huyền Trân
Điện thờ Huyền Trân Công Chúa - Ảnh: internet

Khói hương tâm thành tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Huyền Trân Công chúa nghi ngút tỏa bay trong những rặng thông. Ở ngôi đền đó, những nét kiến trúc tiêu biểu của văn hóa thời Trần từ hoa văn, họa tiết cho đến những bức phù điêu như một biểu tượng thống nhất tổ quốc từ bắc vào nam. Tượng Huyền Trân uy nghiêm song hồn hậu, cho người hành hương rưng rưng nhớ về một giai đoạn lịch sử đất nước, về một khối tình mơ hồ giữa giấc mộng biên cương năm xưa giờ đây đã dần hiện rõ.

Bước chân xuống thuyền của Huyền Trân, được nhạc sĩ Phạm Duy ghi nhận trong “Nước non ngàn dặm ra đi” là “bước đi vào lòng muôn dân”. Một bước chân của Nàng thôi, nhưng ranh giới biên cương hòa bình cũng từ ấy mở xuôi về phương nam. Một bước chân nữ nhi rúng động triều đình lúc bấy giờ, mà bao nhiêu chiến tranh, bao nhiêu chia cắt đau thương, bao nhiêu hy sinh đều tạm thời chấm dứt; để cả dân tộc cùng mơ: “Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân”. “Hòa bình trong Ái ân”..., ngẫm mà lại thấy thương thêm đất nước vốn triền miên trong khói lửa chiến tranh, lại thương nàng Huyền Trân, cành liễu năm đó qua đèo giữa chim kêu vượn hú tứ bề: “chim kêu, chim kêu tình như bên nớ/ Ủу - oả - chi rứa - chi rứa/ Ơi hỡi vượn trèo/ Vượn trèo tà là kia bên kia, tà là kia bên kia”…

Công lao ngút ngàn của bước chân huyền thoại ấy đã khiến hậu thế quỳ gối theo những dấu chân hài ngọc Huyền Trân. Triệu triệu trái tim của hậu thế như đã cắm sâu xuống theo những dấu chân của Nàng. Và hậu thế cũng đã có cái nhìn phản biện đẫm chất nhân văn trước những câu ca dao, những dòng sử phi lý, oan nghiệt đối với Nàng...

Đền Huyền Trân Công Chúa ở núi Ngũ Phong


*

Gió vẫn thổi từ biển khơi vào cửa Tư Dung như hơn 700 năm trước. Một trong những câu chuyện tương truyền của gió kể rằng, năm 1306, đoàn hải thuyền đưa Công chúa Huyền Trân vượt biển xuôi Nam đã ghé cửa Ô Long bái vọng tổ tiên, vì thế anh của Nàng - vua Trần Anh Tông cho đổi tên là Tư Dung Hải Môn(*), nhắc đời sau mãi nhớ đến sự hy sinh vì nghĩa lớn của Nàng. Tháng 5 năm 1307, quốc vương Chế Mân băng hà, Nhập nội Hành Khiển Trần Khắc Chung nhận trách nhiệm vượt trùng khơi đưa Nàng thoát khỏi dàn lửa thiêu trở về Đại Việt. Cuộc giải cứu thành công nhưng đoàn hải hành đã lênh đênh suốt gần một năm, đến tháng 8/1308 đoàn hải hành mới về đến Thăng Long, nảy sinh bao chuyện oan tình mơ hồ, ghi cả vào trong chính sử. Cuối đời, theo tấm gương của cha, Nàng xuống tóc, thọ Bồ Tát giới, thành Thích nữ Hương Tràng.

Mặc sử sách nhiêu khê bảo thủ, nhân dân cả nước vẫn ghi ơn Nàng. Đền thờ Huyền Trân Công Chúa vẫn nghi ngút khói hương ở khắp nơi, với những huyền sử rỡ ràng, mông lung khói sương hư thực nhưng cùng đọng một nghĩa tri ân.

Người dân ở xóm Chùa, làng Kim Đâu, Cam Lộ, Quảng Trị đã lập miếu thờ Công Chúa Huyền Trân ở ven bờ sông Cam Lộ. Ngôi miếu này có cách đây gần 700 năm. Ngày xưa miếu rất to, xây bằng gạch, vòm cuốn ba tầng, mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm; trước miếu có tam quan, sân gạch; trước nữa là một con đường rợp tre trúc, ngoài kia là bến sông... Thời chiến tranh, bom Mỹ phá hủy miếu, người dân phải trùng tu nhiều lần qua các năm 1978, 2010. Hàng năm, người dân cả nước cùng về giỗ Bà Huyền Trân, nhằm ngày 24/11 âm lịch. Đối xứng với miếu thờ Huyền Trân Công Chúa là một cái giếng Chăm rất đẹp, với những thanh đá được đục mộng lắp ghép như hàng mộc, vẫn còn được lưu giữ. Tương truyền, sau khi dừng chân ở vùng đất phía nam của Đại Việt, Công chúa Huyền Trân xuống thuyền ở sông Cam Lộ, theo đường thủy đi ra Cửa Việt vào Nam. Từ đó, sông Cam Lộ được đổi tên thành sông Hiếu để ghi nhận tấm lòng hiếu nghĩa của công chúa Huyền Trân...

Người dân làng Nam Ô (Đà Nẵng) lại có cách ghi nhớ riêng của mình. Truyền rằng, đoàn hải thuyền của võ tướng Trần Khắc Chung cùng An phủ sử Đặng Văn, sau khi đưa được Huyền Trần xuống thuyền quay trở ra bắc, đã vào cửa Đại, theo sông Cổ Cò ra Cẩm Lệ, xuống Nam Ô và nán lại đây một thời gian. Gia phả họ Đặng của làng chài Nam Ô còn kể lại một cuộc chiến giữa quân của tướng Trần Khắc Chung với quân Chiêm truy bắt. Cuộc chiến kéo dài đến bốn ngày đêm, dân làng phải ra sức quyết chiến mới che chở được đoàn hải thuyền trốn thoát ra Hóa Châu. Về sau, dân Nam Ô ghi ơn mở đất đã lập miếu thờ Bà. Một vị tướng dưới trướng Trần Khắc Chung hy sinh năm xưa cũng được chôn cất và dân làng phong làm tiên hiền, hàng năm cúng giỗ vào 24/6 âm lịch.

Lại tương truyền, đoàn hải thuyền ra Hóa Châu, theo truyền thuyết đã ghé lại một hòn đảo nhỏ, từ đó đảo có tên Huyền Trân(**). Có ý kiến cho rằng bài thơ “Tích vũ Huyền Trân” (Đêm mưa trên đảo Huyền Trân) của Ngô Thì Nhậm là sáng tác ở hòn đảo này. Bài thơ có đôi câu tuyệt hay:

“Huyền Trân sái tận u sầu lệ
Hóa tác xuân mai dạ vũ thanh”


Vũ Đình Liên dịch:

“Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình
Đêm xuân, mai đọng lệ trên cành”


Ở Nam Định, chùa Nộn Sơn, xã Hồ Sơn, huyện Thiên Bản, có đôi pho tượng gỗ tạc nhị vị công chúa triều Trần là Thụy Bảo và Huyền Trân. Thụy Bảo là con gái của vua đầu triều Trần Thái Tông, sau xuất giá dựng chùa ở phía tây núi Hổ. Huyền Trân gọi Thụy Bảo bằng cô, trụ trì chùa phía đông núi Hổ. Tương truyền nhị vị sư nữ cùng an tịch nơi đây một ngày khoảng năm 1340, được người dân thờ cúng tôn là Thánh Mẫu, hàng năm mở hội tưởng nhớ vào ngày mồng 9 tháng 4…

Ngày tháng tưởng nhớ, cúng giỗ Công chúa Huyền Trân mỗi nơi có khác nhau. Nhưng tấm lòng tri ân công lao của nhân dân thì ở đâu cũng thế, thấu đáo vô cùng, sâu sắc vô cùng, trọn vẹn vô cùng…

Cuốn Đại Việt sử ký toàn thưcủa sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn phát hành vào thời Hậu Lê - năm 1697, tức là sau 390 năm xảy ra vụ giải cứu Công chúa Huyền Trân, lên án gay gắt đối với võ tướng Trần Khắc Chung, nhất là chuyện tư thông với công chúa Huyền Trân. Từ cơ sở này, nhiều người đời sau đã thêu dệt nên câu chuyện tình đầy lâm ly, bi đát giữa công chúa Huyền Trân và võ tướng Trần Khắc Chung. Thậm chí, có người còn dựa vào câu ca dao: “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần. Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm”, cho là dân gian muốn ám chỉ câu chuyện thất tiết của nàng công chúa Đại Việt “Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Lý”.

Hậu thế đời sau đa phần đều không đồng tình với các cách nhìn phi lý và dòng sử oan nghiệt xưa. Cách đây trên 100 năm, thời Nguyễn, Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại lúc bấy giờ là Bố chánh Thanh Hóa, viết cuốn “Việt Nam phong sử” (in năm 1914), cho biết thời Lý (1010 - 1225), đã có chuyện dùng kế mỹ nhân, gã công chúa để chống chế các tù trưởng người Mán. Vì thế nên câu “Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo” đã có từ thời Lý, không phải chờ đến sự kiện Huyền Trân Công Chúa sang Chiêm mới xuất hiện. Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại viết: “Chiếc xe hôm đưa công chúa cung kính hòa thuận lên miền thượng du, nhân dân trong nước đều trông thấy, họ không xiết buồn thương cho nàng, cho nên lấy cây đan quế mà ví sánh”…(***).

Phần giải thích câu ca dao trong "Việt Nam phong sử"


Phần đông sử gia ngày nay khẳng định, câu chuyện tình là sự gán ghép ác ý của các sử gia thời Hậu Lê. Sau khi Huyền Trân Công chúa viên tịch, các triều đại về sau đều sắc phong Huyền Trân Công Chúa là Thần hộ Quốc. Nhà Nguyễn ban chiếu ghi nhận “Công đức của Công chúa Huyền Trân trong việc giữ nước giúp dân có nhiều linh ứng”, nâng bậc tăng là “Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”…

*

Đầu năm 2018, Huế đã phê duyệt quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng… đến năm 2030. Theo đó, tại Cồn Hến ngay giữa sông Hương, sẽ xây dựng tượng đài Huyền Trân Công Chúa. Đó là một tin lành cho bao trái tim mến yêu Nàng. Tượng đài Huyền Trân Công Chúa là cách thể hiện tình cảm của hậu thế đối với Nàng cũng như quá khứ quanh Nàng.

Tượng đài Huyền Trân Công Chúa ở Huế, ngay giữa dòng Hương êm ả, lặng thầm, mong sẽ là một ngôi tượng nữ thần rất mực hài hòa với thiên nhiên; mang đến cảm xúc dịu vợi, sâu lắng trước một vẻ đẹp sáng ngời, hồn hậu đức hy sinh của người con gái Việt…

H.N
(SHSDB28/03-2018)

------------------
(*) Tư Dung là tưởng nhớ dáng dấp người đàn bà đẹp. Đến năm 1841, vua Thiệu trị triều Nguyễn cho đổi tên là Tư Hiền.
(**) Hòn đảo này còn có tên là đảo Ngọc, hòn Chảo nằm ở ngoài khơi huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
(***) Dẫn theo “Huyền Trân Công chúa và câu ca dao “Tiếc thay cây quế giữa rừng” của Tôn Thất Thọ (http://foxspirit.info/huyen-tran-cong-chua-va-cau-ca-dao-tiec-thay-cay-que-giua-rung/)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng