Giá sách Sông Hương
Tưởng nhớ nhà văn Hồng Nhu
Vịt trời lông tía đã bay về
15:07 | 21/10/2022

PHẠM PHÚ PHONG

Vịt trời lông tía bay về là truyện ngắn tiêu biểu nhất trong sự nghiệp văn chương  khá đồ sộ, gồm hơn 20 tập văn xuôi, 5 tập thơ với gần 4.000 trang sách của Hồng Nhu.

Vịt trời lông tía đã bay về
Tác phẩm của nhà văn Hồng Nhu được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012

Vì vậy, năm 2006, khi làm Tuyển tập văn xuôi cho Hồng Nhu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã lấy tên này làm tựa đề cho tuyển tập. Truyện cũng đã được chuyển thể thành kịch bản phim và được Đài VTV1 dàn dựng công phu và khá thành công. Điều quan trọng hơn, cùng với một số lượng tác phẩm không nhỏ ông viết vào sau thời kỳ đổi mới, đây là tác phẩm ông trở về với mạch nguồn văn hóa quê nhà - vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ven biển, nơi “đầm phá bao la, khúc phình ra khúc eo lại kéo một vệt dài theo mép biển, chạy suốt từ Thuận An đến Tư Hiền, nối liền hai cửa” [1, tr.293]; nơi trầm tích nặng đầy những trữ lượng của cuộc sống, là vùng thẩm mỹ trải dọc suốt chặng đường văn, là nơi nuôi dưỡng hồn cốt của một bút lực có sức vẫy gọi nhiều thế hệ nguời đọc đến với thế giới nghệ thuật của mình. Nghe tin ông đi xa, bỗng nhiên tôi nhận ra từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, như có thể đang nhìn thấy được một cách rõ ràng: có đàn vịt trời lông tía bay về, nhiều vô kể...

Hồng Nhu là tên thật, họ Trần, tuổi thật Nhâm Thân (1932), quê làng Mỹ  Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mười sáu tuổi (1948), ông thoát ly gia đình gia nhập quân đội. Mười ba năm làm lính (1948 - 1961) với nhiều cương vị khác nhau: làm liên lạc, rồi lính tham mưu, lính vận tải, hoặc trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào ở vị trí là xung kích bộ binh... rồi chuyển ngành về công tác ở Ty Thủy lợi (1962 - 1965), công tác ở Hội Văn nghệ Nghệ An, rồi Nghệ Tĩnh (1965 - 1987), chuyển về Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên rồi Thừa Thiên Huế từ 1987 cho đến lúc nghỉ hưu 1997. Hồng Nhu từng giữ các cương vị quan trọng trong giới văn nghệ như Ủy viên thường trực Hội Văn nghệ Nghệ An, Phó Tổng Thư ký (trực), Phó Chủ tịch, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế và là Ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam (2000  -  2005). Tuy các chức vụ này cũng không phải to tát gì, nhưng với một người luôn tự trọng và hết lòng vì công việc như ông, ông đã có những đóng góp không  nhỏ  trong việc xây dựng nền văn nghệ của từng địa phương và cả nước.

 

Nhà văn Hồng Nhu và nhà văn Nguyễn Quang Hà tiếp đón văn nghệ sỹ tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương.

Tôi quen biết Hồng Nhu từ khi ông chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, nhưng bắt đầu đọc ông nhiều từ sau chuyến dự trại viết ở Đà Lạt (2006). Lần ấy, ông làm trại trưởng. Tôi học được ở ông thái độ nghiêm túc, lập trường vững vàng và dứt khoát, đức tính cần cù và mẫn cán, lao động miệt mài với từng con chữ và hết sức cầu toàn. Sau 15 ngày kết thúc trại viết, ông còn xin phép ở lại thêm mấy ngày để hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Đồi trở gió (2008). Văn chương là một lĩnh vực hoạt động đặc thù, khó khăn và nhiều thử thách, thậm chí đến mức khắc nghiệt, cần phải có sự sàng lọc từ chính người sáng tạo ra nó, như ông thường tâm niệm rằng “viết năm, ba nên chọn lấy một” [2, tr.6]. Không có một thiên tài nghệ thuật nào hoàn hảo đến mức sáng tạo cái nào cũng hay, cũng đẹp, cũng trở thành bất hủ, hẳn nhiên. Tự sàng lọc những gì mình làm ra là thái độ tôn trọng người đọc hết sức cần thiết. Ông viết rất kỹ, ông cẩn trọng khi đặt từng con chữ lên trang giấy. Trong một lần tự bạch, ông còn nói: “Tôi quan niệm rằng: sáng tác văn học là một nghề. Đã là nghề, thì người làm nghề phải rèn giũa tinh luyện bằng mọi cách: học hỏi, thực tế, đọc và viết hàng ngày... để sản phẩm làm ra ngày càng công phu, ngày càng xuất sắc/ Và phải sống chết với nghề nghiệp” [3, tr.159]. Ý thức đúng đắn về nghề nghiệp đã đưa đến hành vi và thái độ lao động chuẩn mực. Không chỉ ở lĩnh vực hoạt động văn chương, mà trước đó, khi còn là lính của Sư đoàn 325, một đơn vị anh hùng với chiến tích lừng lẫy, ông đã sớm có ý thức tự lập, rèn luyện phấn đấu, và đã trở thành mục tiêu suốt cả cuộc đời mà ông theo đuổi. Ông không từ nan bất kỳ nhiệm vụ nào mà tổ chức phân công, dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng hoàn thành. Và, dường như là cốt tính bẩm sinh, ngay từ những ngày còn mặc áo lính vào đầu những năm 1950, ông đã sáng tác “ca khúc, làm thơ, dạy cho đơn vị hát, đọc cho đơn vị nghe”. Ông sáng tác nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, thơ, ký... nhưng thành công nhất là ở truyện ngắn và thơ.

Suốt chặng đường sáng tác gần bảy mươi năm, thử bút qua nhiều thể loại, Hồng Nhu tự nhận ra điều căn cốt từ trong nội cảm, như một đòi hỏi tự thân, vừa bức bách vừa phù hợp với nhịp đập riêng của trái tim mình, khi ông ý thức được rằng: “Mỗi người thợ giỏi chỉ có thể làm ra một loại sản phẩm nào đó mà anh ta chuyên. Nghĩ như thế cho nên tôi gần như chỉ chuyên viết truyện ngắn, thể loại văn học mà tôi yêu thích trọn vẹn cả tâm hồn/ Truyện ngắn đối với tôi lúc nào cũng như con đường phía trước đang đi tới. Tới đâu và bằng cách nào thì chính tôi cũng không biết. Chỉ biết là tôi phải đi, đi không ngưng nghỉ, vừa như một người vô định, vừa như một kẻ tín đồ.” [4, tr.160]. Cũng giống như phần lớn những người viết văn xuôi, tác phẩm in thành sách đầu tay của ông là tập bút ký Rừng thông cao vút (1968), có pha ít nhiều chất truyện. Hai tác phẩm văn xuôi dài hơi là Vẫn chuyện phiêu lưu (truyện dài, 1985) và Đồi trở gió (tiểu thuyết, 2008), thực ra cũng chỉ là truyện ngắn viết dài, đưa thêm nhiều sự kiện, nhiều nhân vật, làm đầy thêm dung lượng hiện thực, chứ chưa phải đúng nghĩa là truyện dài hoặc tiểu thuyết. Bởi vì, “mỗi người thợ giỏi chỉ làm ra một loại sản phẩm nào đó mà anh ta chuyên”, như ông từng nói. Cây bút ký xuất sắc và tài danh thuộc vào hạng nhất, nhì trong nền văn chương hiện đại nước ta là Hoàng Phủ Ngọc Tường, từng có truyện dài hết sức trí tuệ và cảm động là Bản di chúc của cỏ lau (1986), đọc kỹ vẫn là hơi thở và giọng điệu của bút ký mà thôi. Với hàng trăm truyện ngắn, được phân bố đều trong mười mấy tập sách dày mỏng khác nhau, Hồng Nhu đã tự đính tên mình vào danh sách những người chuyên viết truyện ngắn và đã thành công đạt đến đỉnh cao ở thể văn này.

Có thể nhận ra bước đường sáng tạo - mà chủ yếu là truyện ngắn, của Hồng Nhu chia thành hai giai đoạn: trước và sau thời kỳ đổi mới. Giai đoạn đầu khi đặt bàn chân vào con đường văn chương, với thể truyện ngắn đã có chi chít những dấu chân, ông vẫn làm nên chuyện, bằng cách đều đặn cho ra đời: Ý nghĩ mùa thu (1971), Tiếng nói chìm sâu (1976), Đêm trầm (1976), Gió đồi (1978), Cây tâm hồn trắng (1984), Hai giọt sương (1986)... Có truyện viết về chiến tranh, có truyện vắt ngang từ chiến tranh sang hòa bình, hoặc cuộc sống thời bình vẫn còn trĩu nặng ký ức chiến tranh, cũng có truyện chỉ đơn thuần là công cuộc tái thiết cuộc sống sau chiến tranh. Quan trọng, là chính thời gian này, Hồng Nhu đã khẳng định được một góc nhìn đời sống tinh tế, một giọng điệu văn chương chân thực, đằm vị mặn của đời sống cần lao, có sức lay động tâm hồn người đọc bằng sự quan sát tinh tế, giàu chi tiết và sức mạnh của ngôn từ bình dị, giàu hình tượng. Những truyện hay làm lay động tâm hồn người đọc trong giai đoạn này là Thuyền đi trong mưa ngâu, Tiếng nói chìm sâu, Cây tâm hồn trắng, Gió thổi chéo mặt hồ, Ai về đâu chiều tối... Không gian chủ yếu các vùng quê bắc miền Trung, trong thời gian chiến tranh, hoặc những năm tháng tái thiết đất nước sau chiến tranh. Một tổ công tác gồm những con người nhiệt huyết như Định, Việt, Lai và cô y tá Chẩm đã bảo vệ đường dây, quyết bảo vệ mạch ngầm của thông tin liên lạc, trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù (Tiếng nói chìm sâu); một tinh thần và thái độ lao động khoa học, say mê nghiên cứu để tìm ra dòng chảy của một nhánh sông đến mức hy sinh cả bản thân mình của Hội, một cán bộ kỹ thuật mẫn cán (Thuyền đi trong mưa ngâu); tinh thần trách nhiệm và ý thức lao động của cô Ngâu ở một xưởng chế biến mủ cao su (Cây tâm hồn); Hạ là một thương binh trở về từ chiến trường lãnh đạo hợp tác xã bằng tấm lòng trung thực, vì lợi ích của nhân dân (Sắc gió)... Nhiều chi tiết cảm động, nhiều trạng thái tâm lý chân thực, nhiều chân dung nhân vật ghi dấu ấn về những con người của một thời sống đẹp, nhưng chưa có gì nổi bật, nó dễ hòa lẫn trong một trào lưu văn xuôi chỉ nhằm phản ánh chân thực đời sống, cũng như nhiều cây bút văn xuôi khác viết về nông thôn miền Bắc lúc bấy giờ.

Hồng Nhu chỉ thật sự là mình khi trở lại quê nhà năm 1987. Đó là giai đoạn sáng tác thứ hai của ông, gần trùng với thời điểm mở đầu công cuộc đổi mới. Nhiều người đã nói rằng, nếu Hồng Nhu không trở về cắm sâu ngòi bút vào mảnh đất quê hương thì sẽ không có được một Hồng Nhu “vạm vỡ”, cường tráng như bây giờ, trên cả hai thể loại: truyện ngắn và thơ. Hóa ra, trữ lượng mỹ cảm dồi dào lâu nay vẫn tiềm ẩn trong ông, khi quay về với miền đầm phá, bắt mạch được với từ trường văn hiến quê nhà, bao ký ức tuổi thơ bừng dậy, để ông phô bày một thế giới đặc sắc: Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày, Cổ tích làng, Bao nhiêu là cát, Giếng loạn, Người đàn bà ngáy... Những tác phẩm này nói với chúng ta, rằng ông một nhà văn phong tục thật sự, gần gũi với văn chương Trần Tiêu, Nguyễn Văn Xuân và nhiều người khác nữa, đã đưa bức tranh sinh động, đầy mỹ cảm về làng quê đầm phá của mình đến với mọi người, có thể vượt khỏi biên giới của quốc gia, nhờ bề dày văn hóa luôn tỏa sáng. Nhà văn kể rằng: “Hồi còn nhỏ ở làng quê, những đêm trăng sáng ngả nia nằm giữa sân cát cho mát, nửa khuya nghe tiếng loong coong loong coong nhịp nhàng liên tục của thuyền thả lưới bên ngoài đầm vọng vào, cha tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện có thật mà như huyền thoại của những người chài đầm phá quanh năm làm lụng, ăn ngủ, cưới xin, đẻ đái... trong lòng chật hẹp của vạn thuyền họ giữa bao la thoáng đãng của trời nước. Họ sống hoang dại riêng một cõi, cô lẻ, chuyện ai nấy biết, rất ít khi giao tiếp với nhau, gần như không biết đến cộng đồng. Họ có những tập tục quái dị nhưng không hề quái đản: tục hợp cẩn trong lòng nước của vợ chồng mới cưới đêm tân hôn, tục bắt đàn bà con gái trên cạn về làm vợ, rồi tục đàn bà con gái cởi trần bốn mùa, kể cả khi tiếp khách. Những lễ lạt họ cũng khác thường, đặc sắc và đặc trưng như lễ nhập vạn, lễ cầu ngư, lễ thôi nôi cho đứa con trai nối dõi” [5]. Thế giới văn chương làm nên danh phận của Hồng Nhu chính là những phong tục, lễ hội ở làng quê. Ví như, lễ hợp cẩn dưới nước, được nhà văn miêu tả đầy ám gợi: “Một thau nước có hai con cá được bưng ra, một chai rượu đặt cạnh. Ông già bày bát hương đầu mũi thuyền, chọn hai cây hương to và một nạm hương nhỏ. Đó là tượng trưng cho hai vợ chồng và một đàn con. Thắp hương khấn vái xong, ông già hô: Xuống đầm! Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. Hai con cá ấy là lễ vật dâng Thần Đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút thiêng liêng hòa nhập làm một của đôi vợ chồng mới cưới, ngay trong lòng nước.../ Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được hả miệng. Hai chú cá liền bơi đi. Thế là kết thúc buổi tân hôn” (Lễ hội ăn mày, tr. 331- 332). Không khí truyện được thể hiện mang ít nhiều phong vị của văn chương Tự Lực văn đoàn. Đặt cạnh truyện này, như một sự bổ sung cho một bức tranh mạnh mẽ, giàu âm thanh và ánh sáng hơn là truyện Vịt trời lông tía bay về. Có lẽ, đây là truyện ngắn đặc sắc nhất, tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn Hồng Nhu, khi được tác giả dàn dựng không khí cuộc sống cô lập của người dân đầm phá và công cuộc đổi đời của họ sau ngày thống nhất đất nước, thông qua câu chuyện gia đình ông bà Vui và chàng thanh niên thế hệ mới của đầm phá là Mừng, được học hành, đào tạo tử tế, biết ý thức được nghĩa vụ của một công dân. Có những phong tục, lễ hội hết sức nhân văn như lễ hội ăn mày vào ngày mồng Hai tết hằng năm. Ngoài lễ hội cầu ngư, còn bao nhiêu phong tục, lễ hội khác của người dân đầm phá, hiện nay không còn nữa, người đọc biết được nhờ những trang viết của Hồng Nhu. Nhưng chính thế đất làng quê đã chi phối và điều chỉnh tâm thế của người sáng tạo. Mặt nước đầm phá lặng lờ tạo ra sự điềm đạm, mềm mại, chỉn chu, còn những bãi cát vàng uốn lượn dựng nên những lớp sóng ngôn từ lan tỏa, thấm vào chiều sâu trong tâm tưởng của con người.

Đối với thơ, như đã nói, Hồng Nhu đã nợ duyên từ thuở còn quân ngũ, nhưng chỉ là những bài thơ xen lẫn với ca, vần vè dễ nhớ, dễ thuộc, đọc cho bộ đội nghe, trong đó có cả những người lính chưa sành mặt chữ, không thể ghi chép lại được. Bẵng đi mấy mươi năm, khi trở về với đầm phá, sông rạch, thổ ngơi linh hiển quê nhà (1987), dây đàn tâm hồn ông bỗng ngân vang tự khúc Ngẫu hứng về chiều (1988), và không dừng lại được, một nguồn mạch nóng ấm, mãnh liệt và dữ dội cứ bứt phá, tuôn trào: Nước mắt đàn ông (1992), Chiếc tàu cau (1995), Rêu đá (1998) và Hồng Nhu - thơ chọn lọc (2006)... Ông nói một cách thật thà: “Quá tuổi “tri thiên mệnh”, tôi mới thực sự bước vào một lĩnh vực khó, cực khó trong văn học: đó là thơ. Đúng ra, lúc bấy giờ tôi không hề có ý định, mà là tự nó đến, như ma ám! “Thể loại chọn người viết chứ không phải người viết chọn thể loại”. Đúng vậy chăng?” [6, tr.160].

Thơ là nghệ thuật của cảm xúc, gắn liền với tuổi thanh xuân lãng mạn yêu đời. Cảm hứng sáng tạo và sức sống của mỗi thể văn đôi khi tương ứng với tuổi tác của đời người. Lúc về già, mọi cảm xúc đã chai lì, trơ khô mòn mỏi với thời gian. Vì vậy, thông thường người ta đến với văn chương bằng con đường mịn màng trên thảm cỏ tươi xanh của thơ, đến lúc cảm xúc trơ lì mới quay về với sự tỉnh táo của văn xuôi. Hồng Nhu thì ngược lại, đến với thơ khi đã về già, bởi vì ông là người “đem tháng ngày ra đốt” bỏ quăng đi. Cũng có khi ông cố kéo dài thời gian ra để hong phơi lên đó những bức tranh phong cảnh hữu tình: “Chiều nấn ná dài thêm trong tiếc nuối/ Vẻ thâm u mà lả lướt Tây Hồ/ Sương như sóng liễu thì như khói/ Mặt người đi ai cũng nét đang mơ” (Tây Hồ). Thơ Hồng Nhu giàu về cảm xúc, nặng về suy ngẫm, tinh tế trong cách giải bày, nặng đầy về hình tượng. Nhiều bài thơ hay, còn đọng mãi trong lòng người đọc như Uống cùng Huế, Ngẫu hứng về chiều, Tây Hồ, Hút thuốc lá, Nước mắt đàn ông... Cảm thức về thời gian, tuổi tác cứ giằng xé tâm trạng thi nhân trong lúc Ngẫu hứng về chiều với quá nhiều lục vấn như những mệnh đề của triết học:

Đừng hỏi tôi là gì thời gian ơi
Đừng thương hại tôi không tên mà có tuổi
Nhiều năm rồi tôi mải mê săn đuổi
Chính thân tôi nhưng chẳng bắt được mồi

Một mình say lúc mọi người tỉnh táo
Tôi vô duyên như chó sủa bóng cây
Một mình tỉnh lúc mọi người lảo đảo

Tôi u mê như cục đá giữa đời này

Con người ơi đừng hỏi tôi là ai
Đừng trách móc tôi giỡn đùa số phận
Nếu thể xin con người tự vấn
Mình là ai, từ đâu đến,
chi hay...?

Truyện ngắn của Hồng Nhu còn có nhiều tín hiệu vui, là nguồn an ủi vô ưu cho cuộc sống con người, nhưng trong thơ tràn ngập nỗi buồn, không chỉ cô đơn mà còn cô độc. Đó là âm hưởng chung của giọng điệu tâm hồn thi nhân cất lên khi bóng chiều len tới, với những hoài niệm thoát ra từ cảm thức hiện sinh, nhưng thấm đẫm ý nghĩa nhân văn:

Bây chừ còn có chi mô
Dặt dìu con nước ngẩn ngơ mạn đò
Dòng sông cứ mực lững lờ

Chảy như quên chảy và bờ... cũng quên (...)

Tôi nhìn ngọn lá vèo rơi
Thấy con mắt lạ một thời Huế xa

Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi

Ôi thu thu lỡ thu rồi
Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An
...
                  (Uống cùng Huế)

Người sáng tạo được nhiều thể loại thì nhiều, nhưng sáng tạo đạt đỉnh cao của nhiều thể loại thì không nhiều. Người ta biết nhiều đến tài thơ của Lưu Trọng Lư, nhưng ít ai biết ông còn là tác giả của 29 cuốn tiểu thuyết và đặt những cuốn tiểu thuyết ấy vào thời điểm những năm 1930 - 40, ông không thua kém bất kỳ cây bút văn xuôi nào đương thời. Tương tự như vậy, người ta quá chú ý đến truyện ngắn của Hồng Nhu, mà quên rằng ông còn là một nhà thơ, không thua kém bất kỳ thi nhân nào cùng thời. Ông viết nhiều, viết khỏe. Nhiều năm liền ông cho ra đời đều đặn mỗi năm hai cuốn sách. Nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng ông sáng tạo một cách dễ dàng. Ông cẩn trọng từng ý, từng tứ, từng chi tiết, từng câu, từng chữ. Ông khó khăn với từng con chữ. Với ông, mỗi chữ là một sinh thể, khi đã buông ra, nó phải có sức sống riêng của nó. Hãy nghe ông kể về hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn hay nhất của mình, là truyện Vịt trời lông tía bay về: “Tôi viết truyện này khi đã ngoài sáu mươi với gần bốn mươi năm trong nghề cầm bút, trong một trường hợp “bất khả kháng”. Ở trại sáng tác văn học Cửa Lò năm 1993 do Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức, nhà văn Xuân Thiều và nhà thơ Vương Trọng phụ trách. Chỉ còn vài ba ngày nữa là trại kết thúc mà tôi vẫn chưa có chữ nào. Trong khi đó mọi thành viên của trại đã chất đầy bản thảo trên bàn anh Vương Trọng. Buổi chiều đi chơi trên bãi biển sau khi cơm nước xong, anh Xuân Thiều hỏi: Hồng Nhu “nộp quyển” rồi chứ? Viết về cái chi vậy? - Chưa có để nộp. Sắp nộp thôi! À, à... viết về... phong tục! Tôi buột miệng/ Phong tục? Cũng tốt thôi! Nhưng mà này, phải có cái cớ chứ? - Vâng.../ Cưỡi lên lưng cọp rồi! Không làm sao xuống được nữa! Liên tục không ngủ trong hai đêm một ngày. Người nộp bản thảo cuối cùng trong ngày cuối cùng trong trại sáng tác năm ấy là tôi” [7]. Những tác phẩm đặc sắc thường ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có cả sự thúc bách về thời gian.

Có thể nói, làng quê văn hiến với sự trầm tích biết bao huyền thoại dân gian đã tạo ra Hồng Nhu, đến lượt mình, Hồng Nhu đã tái tạo đời sống văn hóa vùng đầm phá, tạo cho nó một sức sống mạnh mẽ và lan tỏa vượt khỏi biên giới quốc gia, dân tộc. Về con người, ông sống lặng lẽ, hiền lành, dáng người hơi nghiêng, mái tóc bạc trắng như tiên ông, suốt đời thủy chung với chiếc xe đạp. Dường như ông chưa hề to tiếng với ai, ông tránh xa những cuộc cao đàm khoát luận, dáng ông trông như lúc nào cũng đầy ắp những nghĩ suy về sự đời. Ông khắc kỷ với chính mình, nhưng chan hòa vui vẻ với mọi người và luôn giữ đúng mực trong các mối quan hệ. Với những đóng góp của mình, ông đã nhận được quá nhiều các giải thưởng, trong đó cao nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012). Ông đã bốn lần bị tai biến và lâm trọng bệnh đã lâu. Cái gì đến, phải đến, đời người không ai tránh khỏi. Ông đã từng dự cảm khi Nói trước với vợ rằng: “Sẽ đến một ngày/ Anh chào nắng gió/ Mang hạt mưa bay/ Về nằm trong cỏ”. Thật kỳ lạ là khi nghe tin ông rời cõi tạm, để về với cõi vĩnh hằng, như một nỗi ám ảnh, tôi cứ hình dung ra đàn vịt trời lông tía đang vỗ cánh bay qua nhiều trang văn, trong nhiều truyện của ông. Nhưng lần này vịt trời lông tía đã bay về với vùng trời đầm phá, mây nước Tam Giang - Cầu Hai, nơi chôn nhau cắt rốn của “nhà văn, nhà thơ đầm phá” của chúng ta.

Tóm lại, về con người, ông là một nhân cách đáng kính. Về công việc, ông là một cán bộ mẫn cán. Về nghệ thuật, ông là một nghệ sĩ đa tài. Những ý nghĩ tản mạn, với niềm thương kính trong tôi, như một nén tâm nhang xin tiễn biệt người đi.

P.P.P
(TCSH403/09-2022)

----------------------------
[1] Hồng Nhu (2006), Vịt trời lông tía bay về, Nxb. Hội Nhà văn.
[2] Lời giới thiệu của Nxb. Hội Nhà văn cho tuyển tập Vịt trời lông tía bay về (2006).
[3, 4, 6] Kỷ yếu và tác phẩm (2002), Nhà văn Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa.
[5] Hồng Nhu (2003), “Đời sống tâm linh của người dân chài đầm phá xưa”, Tạp chí Sông Hương, số 168.
[7] Hồng Nhu (2012), Vannghequandoi.com.vn.

 

 

Các bài đã đăng