Giá sách Sông Hương
40 năm thành lập TC Sông Hương
Những tờ báo mang tên 'Sông Hương' nằm bên dòng sông Hương thơ mộng
15:37 | 10/06/2023

DƯƠNG HOÀNG

Sông Hương tức Hương Giang, tùy cách gọi theo âm Hán Việt hay thuần Việt. Tuy được gọi theo tên này hay tên kia nhưng đều chỉ về một dòng sông thơ mộng chảy qua giữa lòng thành phố Huế cổ kính.

Những tờ báo mang tên 'Sông Hương' nằm bên dòng sông Hương thơ mộng
Trụ sở Tạp chí Sông Hương hiện nay ở số 9 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế

Ngoài chức năng của một dòng chảy tự nhiên, từ rất xưa, trôi qua các địa danh của vùng đất mà sông Hương còn được gọi tên: sông Kim Trà, sông Dinh, sông Linh Giang, sông Tiêu Kim Thủy, sông Trường Tiền, sông Huế… và nó còn được mệnh danh là con sông biên viễn, con sông tình yêu, con sông đám cưới Huyền Trân, con sông thi ca, con sông hội họa và hơn thế nữa nó là con sông tải nặng phù sa văn hóa từ ngàn đời được thiên nhiên ban tặng cho cuộc đất Huế. Chính vì thế mà từ xưa, nơi đây, đã có nhiều tổ chức văn hóa, nhiều khách sạn nhà hàng, nhiều tờ báo lấy danh xưng sông Hương hay Hương Giang để đặt tên cho mình như một biểu tượng về vùng đất. Ví như Hương Giang thư quán (hiệu sách Hương Giang của nhà văn hóa Hải Triều Nguyễn Khoa Văn mở ra từ năm 1935 để thu hút độc giả đến đọc miễn phí), rồi khách sạn Sông Hương, khách sạn Hương Giang nổi tiếng nằm bên dòng sông Hương hiền hòa đã gần bảy mươi năm có lẻ, hay như một Nhà in Sông Hương chuyên in sách báo ở chiến khu cách mạng Thừa Thiên Huế, Tiểu đội du kích 11 cô gái Sông Hương thời chống Mỹ cứu nước, và rất nhiều cái tên như vậy đã lưu vào ký ức của cư dân vùng này; cụ thể hơn, dưới đây đã có ba tờ báo, tạp chí mang tên Sông Hương trải qua những thời đoạn khác nhau đã góp phần làm nên diện mạo rất đặc trưng của báo chí xuất bản ở Huế.

Tuần báo Sông Hương của Phan Khôi số 1 ra ngày 1/8/1936



1. Sông Hương - Tuần báo của học giả Phan Khôi

Tờ tuần báo văn nghệ, ra ngày thứ bảy xuất bản ở kinh đô Huế do học giả Phan Khôi,   người làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sinh năm 1887, sáng lập đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Trước đó, có một khoảng thời gian Phan Khôi hoạt động báo chí ở Huế; năm 1935, Phan Khôi làm Chủ bút báo Tràng An - tờ báo Tràng An do nhà tư sản Bùi Huy Tín sáng lập và làm Chủ nhiệm. Cuối năm 1935 Phan Khôi thôi làm Chủ bút báo Tràng An, ông chủ động tách ra xin phép nhà cầm quyền xuất bản tờ báo lấy tên Sông Hương, và được Toàn quyền Đông Dương Rôbanh ký nghị định cho phép thành lập ngày 3/6/1936; sau hai tháng chuẩn bị bài vở, ngày 1/8/1936, tuần báo Sông Hương ra số 1. Tòa soạn lúc đầu đóng ở số 80 phố Gia Hội, sau chuyển đến số 96 cũng trên con phố này, nay là đường Chi Lăng, chạy sát bờ Bắc sông Hương, đoạn đối diện với Cồn Hến. Sông Hương in ở nhà in riêng, mỗi số giá bán 5 xu, báo có 10 trang, ra hai khổ 40 x 32,5cm và 49 x 42,5cm. Nội dung Sông Hương gần như chỉ tập trung vào văn chương, mỹ thuật, sử học và dạy cách đọc chữ Hán. Có nhiều số Sông Hương đăng bút ký văn học, truyện dài Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, truyện ngắn Thi sĩ của Lan Viên, ký ức lục Đi học đi thi của một lão nho và nhiều chuyên mục về thời cuộc…

Lúc mới chào làng, mấy số đầu Sông Hương phát hành lên đến vài ngàn bản, nhưng rồi ngày một giảm dần, ngấp ngoải đến số 32, ra ngày 27/3/1937, thì tự dừng. Nguyên nhân sâu xa do đâu thì chưa rõ lắm, nhưng bấy giờ Sông Hương rất khó bán, vì bị dân Huế tẩy chay do đăng truyện dài Làm đĩ ngay trên tờ báo xuất bản tại Kinh đô, chính Phan Khôi nhận rõ điều này và sau đó ông đã viết trên Sông Hương số 1 (bộ mới) tức Sông Hương Tục Bản là vì “tài chính quẫn bách”, cũng có tài liệu cho rằng do “chủ của nó thiếu tiền hút thuốc phiện!”

Lúc này cuộc đấu tranh giữa các lực lượng dân chủ và phản dân chủ ngày càng quyết liệt ở Huế, đặt ra trước mắt cho những người cộng sản là phải đưa bằng được người của tổ chức mình tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Để có tờ báo “hợp pháp” trong tay làm vũ khí tuyên truyền mà khỏi cần xin phép chính quyền thuộc địa, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương bằng mọi cách phải mua lại tờ Sông Hương của ông Phan Khôi. Thông qua sự giới thiệu của ông Phan Thao1, con trai của ông Phan Khôi một nhà báo cảm tình cách mạng làm tay trong mà tuần báo Sông Hương đã được chuyển nhượng nhanh chóng đến với những người hoạt động cộng sản ở Huế và để bạn đọc khỏi hiểu lầm, trên măng-sét Sông Hương ghi thêm hai chữ tục bản, vẫn để tên người sáng lập là ông Phan Khôi nhằm giữ thế hợp pháp về hình thức, nhưng Chủ nhiệm là ông Nguyễn Cửu Thạnh, một nhân sĩ dân chủ yêu nước cảm tình với những người cộng sản2.

Sông Hương Tục Bản số 1 ra ngày 19/6/1937



2. Sông Hương Tục Bản - Tuần báo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên

Sông Hương Tục Bản tuần báo (bộ mới) ra thứ bảy, số 1 trình làng ngày 19/6/1937, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phan Đăng Lưu, Xứ ủy viên Trung Kỳ (về sau ông là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng). Ngay trên trang đầu của số 1 ghi đậm câu: “Thư và mandat xin gửi về Phan Đăng Lưu”. Lúc này Tòa soạn Sông Hương Tục Bản được chuyển từ số 96 Chi Lăng về đóng ở số 68 rue Jules Ferry, bờ Nam sông Hương - nay là đường Lê Lợi, thành phố Huế, đối diện với khách sạn Hương Giang (địa điểm này là cơ sở bí mật của Xứ ủy và Tỉnh ủy Thừa Thiên) chỉ cách dòng sông Hương vài trăm mét. Ông Ngô Đức Mậu, một cựu chính trị phạm từng bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà đày Lao Bảo, lúc bấy giờ đang hoạt động ở Vinh, Nghệ An, được phân công đứng chân làm Thư ký Tòa soạn. Bài vở chính được Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt lo liệu, viết, biên tập ở Huế rồi chuyển ra Vinh cho Ngô Đức Mậu sắp xếp, trình bày, viết thêm tin cho từng trang, sửa bản in và ấn loát tại Nhà in Vương Đình Châu. Tham gia Ban Biên tập còn có các ông Hải Triều, Hải Thanh, Trịnh Xuân An… về sau còn thêm một số chính trị phạm tích cực cộng tác viết bài.

Tuần báo Sông Hương Tục Bản mỗi số có 04 trang, với hai khổ 40cm x 32,5cm và 49cm x 42,5cm, giá bán 2 xu. Báo in xong phát hành ngay tại Vinh, một số đưa ra Hà Nội, một số chuyển vào kinh đô Huế và các tỉnh lân cận theo một phương thức ngụy trang bí mật.

Nhiệm vụ chủ yếu của Sông Hương Tục Bản là tổ chức vận động cho người của Mặt trận Dân chủ tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ngay số đầu tiên, trên trang nhất, nhân cuộc bầu cử dân biểu sắp đến, Sông Hương Tục Bản đăng bài “Nhìn lại các cuộc tuyển cử vừa rồi ở trong nước và ngoài nước”. Ở số 2, Sông Hương Tục Bản còn mở cuộc thi “Cho mọi người ai cũng được dự. Không phân biệt người ấy là độc giả báo Sông Hương hay không. Không cần biết người ấy có quyền bỏ thăm đúng luật nhà nước hay không”. Miễn là kể ra được “ba ông danh tiếng tốt, và ba ông có danh tiếng xấu” mà đề thi ra: “Những ông nghị nào đáng được cử. Những ông nghị nào không đáng được cử”. Và nói rõ quan điểm: “Chúng tôi ủng hộ hạng nào? Chúng tôi không ủng hộ hạng nào?”. Liên tục mấy số liền, Sông Hương Tục Bản đều có bài viết vận động bầu cử cho những người của Mặt trận Dân chủ. Ở số 6, Sông Hương Tục Bản trình bày khá hệ thống yêu cầu đối với Chính phủ và Nghị viện “không cho dân chúng lá thăm của họ, tức là Chính phủ chống với ý muốn của dân, đi trái với lợi ích của dân”. Ở mục “Chương trình chúng tôi” lại nêu rất kỹ về các mục “Thỉnh cầu về mặt chính trị”, “Về mặt xã hội”, “Thái độ và tư cách các ông nghị viên”. Đi đôi với các bài xã luận, bình luận, Sông Hương Tục Bản còn có mục “Chiếu điện” đả kích trực diện những viên “tai to mặt lớn” “nhiều năm làm quan nghị”, “đắc cử nhiều khóa, ra vào quan Thượng, quan Khâm như đi chợ” mà không đóng góp được gì cho dân cho nước…

Kết quả cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937, hầu hết những người bị Sông Hương Tục Bản đả kích đã không trúng cử, những người được Mặt trận Dân chủ ủng hộ đưa ra tranh cử hoàn toàn giành thắng lợi.

Sau bầu cử, Sông Hương Tục Bản lại tiến vào chuẩn bị đấu tranh nghị trường, nhân danh thanh niên, trí thức, lao động Huế chuyển “Bức thư công khai kính gởi các ông dân biểu Trung Kỳ họp kỳ Hội đồng thứ nhất, khóa dân biểu 1937 - 1940”3, “Dư luận đối với kỳ Hội đồng dân biểu”, “Chương trình hành động của ông nghị Huỳnh Văn Trân, Bình Định” một thành viên của Mặt trận Dân chủ, là phương hướng, nhiệm vụ hành động mà quần chúng nhân dân và cử tri đòi hỏi “các nghị viên”, tạo chỗ dựa vững vàng cho các nghị viên dân chủ đấu tranh với các thế lực phản động.

Sông Hương Tục Bản đả kích dữ dội vào đám người hám danh, trục lợi, theo đuôi thực dân. Một trong những vị ấy là ông Lê Thanh Cảnh, người bị mũi nhọn chính chĩa vào, ông Cảnh đã vin cớ này kiện Sông Hương Tục Bản. Viên Phủ doãn Thừa Thiên ngồi ghế Chánh tòa Nam án lúc bấy giờ kết hợp với Khâm sứ Trung Kỳ liền cho gọi Chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh lên “cảnh cáo”, yêu cầu phải thay đổi đề tài và dọa sẽ đóng cửa tờ báo. Để giữ thế hợp pháp, làm cho không khí đỡ căng thẳng, Sông Hương Tục Bản tạm ngừng đề tài tranh cử nghị viện, chuyển sang đăng các bài về “Văn học và chủ nghĩa duy vật” của Hải Triều, ra được mấy số “bình an”, Sông Hương Tục Bản lại tiếp tục quay về bàn chuyện nghị trường, chuyện dân chủ…

Sông Hương Tục Bản ra đời trong thời gian có cuộc đình công lớn của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, Nghệ An, đã kịp thời phản ánh tin tức, vạch mặt bọn chủ tư bản áp bức bóc lột, cổ vũ công nhân, nông dân đấu tranh, chống đàn áp; lại có bài viết về vụ đình công của phu mỏ Vàng Danh chống bọn chủ mỏ thâm độc.

Về văn học, Sông Hương Tục Bản đăng thơ, ký và truyện dài kỳ có nhan đề “Ngoài cửa Thuận An” của Nguyễn Tích, kể về mối tình của một thiếu nữ con nhà quyền quý với chàng thanh niên học sinh xuất thân từ bình dân.

Về quốc tế, Sông Hương Tục Bản lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chống phát xít của Nhân dân Tây Ban Nha và đưa tin về Hội nghị quốc tế các nhà văn ủng hộ Nhân dân Tây Ban Nha, lên án Tơrốtsky và Ăngđơrê Giđơ…

Thực dân Pháp và Nam triều biết rõ Sông Hương Tục Bản là tờ báo có xu hướng cộng sản khá rõ, do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo, nên không còn biện pháp đối phó nào hơn là ra nghị định cấm xuất bản để chấm dứt một tai họa lớn đối với chính quyền. Ngày 11/10/1937, Toàn quyền J.Brêviê ký lệnh thu hồi giấy phép khi báo vừa in xong số 14 vào ngày 14/10/1937. Khi biết chắc tờ báo sẽ bị cấm xuất bản, những người cộng sản nhanh chóng tổ chức bài vở để ra một số phụ trương cũng có 4 trang, tương tự số báo chính, cùng ngày phát hành của số 14 vừa bị đình bản để đăng: “Dư luận đối với kỳ Hội đồng dân biểu sắp tới”; “Tin tức trong xứ”; “Bức tối hậu thư cho các ông nghị…”. Như vậy, kể cả phụ trương, có thể xác lập và xem như Sông Hương Tục Bản ra được 15 số. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian 4 tháng, nhưng Sông Hương Tục Bản là tờ báo cách mạng do những người cộng sản tổ chức hoạt động công khai giữa lòng kinh đô Huế của chế độ Nam triều và chính quyền bảo hộ thực dân, tuần báo đã làm tròn nhiệm vụ của một cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ, tuyên truyền vận động, giác ngộ quần chúng thật sự có hiệu quả, góp phần đáng kể vào thời kỳ đấu tranh nghị trường ở Huế và toàn xứ Trung Kỳ.

Sông Hương Tục Bản là tờ báo cách mạng do ông Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo, những người hoạt động cộng sản ở Huế tích cực tham gia biên tập, viết bài, tuần báo này thường được nhà yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng tìm đọc và bình phẩm.

Sau ngày Sông Hương Tục Bản bị chính quyền Nam triều thu hồi giấy phép, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ chuyển sang vận động hai nghị viên tiến bộ là ông Nguyễn Đan Quế (quê Thanh Hóa) và ông Nguyễn Xuân Các (quê Quảng Bình)4 đứng tên xin phép chính quyền để ra một tờ báo “hợp pháp” lấy tên là báo Dân, báo vẫn do ông Phan Đăng Lưu chỉ đạo nội dung; tham gia Ban Biên tập có các ông: Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Bùi San, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Xuân An…

Kế tục đường hướng của Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, báo Dân cho đăng nhiều bài theo chủ trương đấu tranh để thực hiện đường lối của Mặt trận Dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, đoàn kết các lực lượng quần chúng trong một mặt trận thống nhất, thường xuyên phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, đòi cải cách thuế khóa, đòi tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận, đòi thả tù chính trị, đòi tự do thành lập hội ái hữu và nghiệp đoàn; đồng thời vạch trần bộ mặt thối nát của chế độ thực dân phong kiến…

Dòng sông Hương thiên tính bao đời trầm lặng với con nước hiền hòa, dịu ngọt, thơ mộng, trong xanh rất đỗi tự nhiên giàu chất thiền khí. Có lẽ âm nhạc, đặc biệt là thi ca, mỹ thuật Huế chịu ảnh hưởng nhiều từ bản thể của dòng sông này. Nhưng những tờ báo mang tên Sông Hương giàu bản lĩnh hình như không phải thế…

Trước và sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đến ngày đất nước “về chung một nhà” vào tháng 4 năm 1975, đã có rất nhiều tờ báo ra đời ở Huế, trong đó có những tờ thiên về “văn học nghệ thuật” như Văn Học Tuần San của Lê Cương Phụng và Hoàng Tân Dân, Cười của Trần Thanh Mại, tuần báo Đại Chúng của Tôn Thất Dương Kỵ, Reo của Đỗ Hữu Phú, Lòng Dân của Thanh Tịnh, Tổ Quốc của Nguyễn Xuân Dương, Cuốc Kêu của Kim Quân, Quê Hương của Vương Đình Quang và Phan Khắc Khoan, Tập Văn Ngày Mai của Tôn Thất Dương Kỵ, Liên Hoa Văn Tập của Sư bà Diệu Không và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Liên Hoa Nguyệt San của Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Hòa thượng Thích Đức Tâm, Sinh hoạt văn nghệ của Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế, rồi Văn nghệ Trị - Thiên - Huế của Thanh Hải và Tô Nhuận Vỹ. Nhiều tờ báo “phong trào” được xuất bản (dù có phép hay không có phép) khi hình thành nên các phong trào đấu tranh chống Mỹ và tay sai của sinh viên, học sinh ở Huế được xuất bản dưới dạng tờ văn nghệ, để làm vũ khí đấu tranh chính trị trá hình trên diễn đàn văn học nghệ thuật.

Sau ngày đất nước hòa bình, tháng 3 năm 1976, Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế cho xuất bản tờ Văn nghệ Thừa Thiên Huế, và sau khi sáp nhập lực lượng văn nghệ của 03 tỉnh để thành tỉnh Bình Trị Thiên, Ty Thông tin Văn hóa cho xuất bản tờ Văn hóa (1976), Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật cho ra tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên(1977), rồi Nội San Văn Nghệ Bình Trị Thiên (1981), kế tiếp là tờ Sinh hoạt văn nghệ (1987). Tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, số 1 ra năm 1977, tòa soạn đóng tại số 26 Lê Lợi, thành phố Huế, ngay trong khuôn viên của Hội Văn nghệ, ấn phẩm Văn nghệ Bình Trị Thiên do nhà thơ Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội phụ trách cùng một Ban Biên tập nhiệt huyết (nhưng bấy giờ không ghi tên trên ấn phẩm) và sự cộng tác nhiệt tình của nhiều văn nghệ sĩ trong tỉnh, trong nước. Văn nghệ Bình Trị Thiên là tờ báo tiền thân của Tạp chí Sông Hương ngày nay.

Trước nhu cầu sáng tác, phê bình văn học, nghiên cứu văn hóa của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên ngày càng phát triển, tỉnh Bình Trị Thiên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng cũng như phong phú đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên rất cần có một tờ báo chính thức, có đủ bộ máy hoạt động độc lập, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, là tờ tạp chí sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật - văn hóa, thuộc Hội Văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên.

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên về việc thành lập tờ tạp chí văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên được khẩn trương triển khai. Vấn đề là tên tờ tạp chí này sẽ được đặt ra sao cho phù hợp với vùng đất văn hóa và con người nơi đây. Trong quá trình tranh luận, hiến kế đặt tên với nhiều cách gọi khác nhau, cuối cùng thì mọi người đều đi đến thống nhất, tên của tờ tạp chí được chính thức ghi vào “Giấy khai sinh” - Tạp chí Sông Hương.

3. Tạp chí Sông Hương - cơ quan thuộc Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên

Để bạn đọc có điều kiện nắm rõ hơn về ngày, tháng, năm thành lập Tạp chí Sông Hương, chúng tôi xin được in lại nguyên văn nội dung Quyết định số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bá Nhiệm, thay mặt Ban Thường vụ ký “Giấy khai sinh” cho phép xuất bản tạp chí. Kèm theo là ảnh chụp lại từ bản chính của quyết định quý giá này làm tư liệu đối chiếu.

 

Quyết định xuất bản Tạp chí Sông Hương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên

 

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
TỈNH ỦY BÌNH TRỊ THIÊN

-----

Số: 23/VP-TU                                  Huế, ngày 04 tháng 4 năm 1983


QUYẾT ĐỊNH

Xuất bản Tạp chí Sông Hương

Thuộc Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên

-----

- Căn cứ Công văn số 20/TH/TW ngày 15/1/1983 của Ban Tuyên huấn Trung ương và giấy phép số 33 XB-BC của Cục Xuất bản và Báo chí Bộ Văn hóa cho phép xuất bản Tạp chí “Sông Hương”.

- Xét đề nghị của Đảng đoàn Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên,

THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BÌNH TRỊ THIÊN

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Cho xuất bản Tạp chí “Sông Hương”, tạp chí sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật - văn hóa, thuộc Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Tạp chí có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo, động viên các hoạt động sáng tác, nghiên cứu của giới văn học và nghệ thuật Bình Trị Thiên trên cơ sở quán triệt đường lối của Đảng, góp phần giáo dục lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, những tình cảm đạo đức cao quí, những giá trị thẩm mỹ trong sáng nhằm vươn lên thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị trước mắt trong tỉnh và những mục tiêu lâu dài về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

- Từng bước giới thiệu truyền thống văn học nghệ thuật, những giá trị văn hóa của quê hương, thúc đẩy trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong tình hình mới.

- Thông qua Tạp chí, làm tốt công tác tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức đồng thời tăng cường công tác độc giả làm cho Tạp chí ngày càng đi vào các đối tượng quần chúng rộng rãi.

Điều 2: Tạp chí xuất bản định kỳ 2 tháng 1 số, lượng bản in 5000 bản (trước mắt 3000 bản), khổ 16 x 24cm, dày 100 trang.

Điều 3: Chịu trách nhiệm xuất bản về Tạp chí gồm có các đồng chí:

- Nguyễn Khoa Điềm: Tổng Biên tập

- Nguyễn Khắc Phê: Phó Tổng Biên tập.

Điều 4: Ban Tuyên huấn có trách nhiệm giúp Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi việc thực hiện quyết định này.

Điều 5: Đảng đoàn chính quyền, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Bưu điện, Xí nghiệp in Bình Trị Thiên, có trách nhiệm cùng với Đảng đoàn Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên tạo điều kiện thuận lợi về các mặt tổ chức, tài chính, trang bị vật chất, in và phát hành để Tạp chí “Sông Hương” sớm được xuất bản, có đủ cơ sở hoạt động của một cơ quan độc lập vươn lên làm tròn nhiệm vụ của mình.

TM. THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BTT

Phó Bí thư

(đã ký)

Thái Bá Nhiệm

Bìa 1 Tạp chí Sông Hương số 1 ra tháng 6/1983

Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên cho phép xuất bản Tạp chí Sông Hương được ký ngày 04 tháng 4 năm 1983, nhưng đến tháng 6 năm 1983, Sông Hương mới ra số 1 chào làng. Lúc mới thành lập Tòa soạn đóng tại số 26 Lê Lợi, ngay trong khuôn viên của Hội Văn nghệ ở bờ Nam sông Hương. Đến tháng 5 và 6 năm 1986 (Sông Hương ra số 19) Tòa soạn chuyển đến số 05 đường Đinh Tiên Hoàng, đóng phía ngoài cửa Thượng Tứ - ở bờ Bắc sông Hương. Từ tháng 7 năm 1995, Tòa soạn lại chuyển tới địa điểm số 5 nay là số 9 đường Phạm Hồng Thái, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.

Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 1989, Sông Hương đã xuất bản được 39 số bản  chính và 02 số phụ trương phản ánh về trận bão lụt lịch sử năm 1985 tại Bình Trị Thiên.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng thuận của Nhân dân, cùng với một số tỉnh khác, ngày 30 tháng 6 năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chính thức được chia thành 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế - về danh xưng và địa giới của cả 03 đơn vị hành chính cấp tỉnh này trở lại như thời trước hợp nhất năm 1976. Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên cũng được chia làm ba:

- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình xuất bản Tạp chí Nhật Lệ - tên của con sông Nhật Lệ đổ ra cửa biển Nhật Lệ.

- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị xuất bản Tạp chí Cửa Việt - lấy tên cửa biển nơi con sông Thạch Hãn đổ ra biển.

- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế kế thừa Tạp chí Sông Hương (bộ cũ) tạm dừng vài tháng trước khi xuất bản Sông Hương (bộ mới số 40); Tạp chí Sông Hương trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật - nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ khi ra số đầu tiên, tháng 6 năm 1983, Tạp chí Sông Hương xuất bản hai tháng 1 kỳ, đến tháng 1 năm 1994 tạp chí xuất bản một tháng 1 kỳ. Do nhu cầu giải quyết bài vở trên tinh thần hội nhập, đổi mới trong khi số hàng tháng chưa đáp ứng được, cho nên Tạp chí rất cần có thêm một ấn phẩm phụ. Tháng 3/2010, Tạp chí Sông Hương xuất bản ấn phẩm “Sông Hương số Đặc biệt”. Năm 2010, Tạp chí xuất bản ba số Đặc biệt vào tháng 3, 5, 10; năm 2012 ra bốn số vào tháng 4, 6, 9, 12. Từ năm 2013 đến nay, Tạp chí ra bốn số Đặc biệt vào tháng 3, 6, 9, 12.

Đến tháng 6 năm 2023, kỷ niệm 40 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, Sông Hương đã có 8 đời Tổng Biên tập, Tạp chí đã xuất bản được 412 số Sông Hương hàng tháng và 51 Sông Hương số Đặc biệt.

D.H
(TCSH412/06-2023)

-----------------------------
1 Phan Thao là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946, đơn vị tỉnh Quảng Nam.
2 Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Nguyễn Cửu Thạnh trúng cử Đại biểu HĐND thị xã Thuận Hóa (tức thành phố Huế); tháng 7 năm 1946, ông được bầu làm Chủ tịch UBHC huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
3 Báo Sông Hương Tục Bản số 14 ra ngày 14/10/1937.
4 Sau nhiều năm xác minh, năm 2020, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã ký quyết định công nhận ông Nguyễn Xuân Các là cán bộ lão thành cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1937.

 

 

Các bài mới