TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Mùa hè này, Tạp chí Sông Hương tròn 40 năm góp mặt với làng báo chí Việt Nam, một chặng đường có thể nói là khá dài của một tạp chí, mà lại là một tạp chí văn nghệ địa phương thì lại càng có ý nghĩa thiết thực hơn. Và 40 tuổi, tôi thấy Tạp chí Sông Hương đang mang trong mình là một độ chín chắn, chững chạc và được bạn bè trong và ngoài nước mến mộ.
Trong những ngày xuân xứ Huế trời se lạnh, mưa lất phất xen kẽ với những ngày nắng vàng. Có thời gian ngồi lần giở lại từng trang, từng số của Tạp chí Sông Hương mới thấy được sự phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức mà Tạp chí đã mang đến cho người đọc suốt 40 năm qua.
Trong lời giới thiệu ở số 1 của Tạp chí, (phát hành vào tháng 6, 1983) đã viết: “Mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế - SÔNG HƯƠNG, những trang tạp chí này là dòng chảy của những cảm xúc tươi đẹp trên “khúc ruột miền Trung” đất nước. Từ nơi đây như truyền thống đã có, sẽ bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu với bạn đọc cùng thời của họ.
SÔNG HƯƠNG sẽ chuyển đến các bạn những sáng tác mới, những công trình nghiên cứu, phê bình, những cuộc mạn đàm về văn học, nghệ thuật và văn hóa, cùng trang văn học nước ngoài nằm trong tầm quan tâm của mỗi chúng ta.
Tạp chí phấn đấu là tiếng nói văn nghệ - văn hóa chính thức của một vùng đất, với những dấu hiệu riêng của nó, trong khi không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước”1.
Đến tháng 3/2010, lại có thêm Sông Hương số Đặc biệt. Lời ngỏ của số Đặc biệt đầu tiên này, tòa soạn đã nói: “Các bạn đang cầm trên tay SỐ ĐẶC BIỆT SÔNG HƯƠNG. Bên cạnh Tạp chí Sông Hương mà “văn hiệu” của nó đã vượt ra khỏi “biên giới” của miền sông Hương núi Ngự kể từ tháng 6 năm 1983, Trang thông tin điện tử Sông Hương Online (www.tapchisonghuong. com.vn) đang được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước truy cập; tòa soạn Tạp chí cố gắng hình thành số Đặc biệt SÔNG HƯƠNG, ra mắt công chúng 3 số trong năm 2010 vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10. Đây là ấn phẩm ghi nhận một nỗ lực mới của Tạp chí trên hành trình phụng sự”2. Sau đó, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, số Đặc biệt Sông Hương đã tăng lên 4 số/ năm, phát hành vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Đến giữa năm 2023, Sông Hương số Đặc biệt ra 49 số, và Tạp chí Sông Hương hàng tháng là 412 số.
Nếu như đo theo chiều cao thì Tạp chí Sông Hương cũng được 6m, với số lượng trang viết gần 50.000 trang, có vậy mới thấy được sự cật lực của đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu đã đóng góp sức mình cho Tạp chí Sông Hương trong vòng 40 năm qua.
Tôi đến với Tạp chí Sông Hương từ số 164 tháng 10/2002 và đến nay đã đăng được 20 bài trên Tạp chí Sông Hương hàng tháng và Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt. Thật không biết nói gì hơn cho cảm giác vừa mừng, vừa vinh dự khi có bài được đăng trên Tạp chí Sông Hương. Và tôi duyên nợ với Sông Hương cũng từ đó cho đến hôm nay và sau này nữa.
Bìa Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt, các số 1, 10, 20, 30, 40 và số 47 |
Tôi cũng là người hiện đang sở hữu trọn bộ Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt nếu so với tuổi đời giữa tôi và Tạp chí Sông Hương thì tôi hơn 8 tuổi, thế nhưng duyên nợ đáng nhớ nhất với Tạp chí Sông Hương là sở hữu đủ bộ Tạp chí. Có được cơ may đó là do có một quá trình sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau để có đủ được các số Tạp chí Sông Hương là không phải dễ dàng. Sự bén duyên đó được xem là cơ may, còn nếu như hiện nay hồi cố lại các số cũ của Tạp chí Sông Hương thập niên 80, 90 của thế kỷ trước thì hiếm hoi lắm, khó lắm. Bởi vì, môi trường và thời tiết xứ Huế hàng năm nào là mưa, lụt, bão, nào là ẩm thấp, mốc meo, mối mọt đã lấy đi của Huế nhiều di sản văn hóa tinh thần trong đó có sách báo.
Trong dịp Kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương (1983 - 2013), tôi vinh dự được Tòa soạn Tạp chí mời giới thiệu bộ sưu tập Tạp chí Sông Hương của cá nhân tôi trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế và giờ đây cũng đã kỷ niệm 40 năm. Duyên nợ với Tạp chí Sông Hương sẽ còn mãi ở trong tôi cứ mỗi khi đón nhận số Tạp chí mới xuất bản.
Tôi luôn có sự so sánh, thống kê của chuyên mục mới của Sông Hương, từ cái nhỏ nhất là“Tủ sách Sông Hương”, giới thiệu những sách mới của các tác giả đến mục “Thư bạn đọc” đều rất thú vị, chia sẻ nhiều thông tin về Huế. Sau này, Tạp chí bắt đầu chú trọng xây dựng chuyên mục “Huế - dòng chảy văn hóa” thì độc giả đón nhận được nhiều bài hay về văn hóa - lịch sử Huế xưa và nay của nhiều cây bút gạo cội của Huế.
Cũng trên diễn đàn Tạp chí Sông Hương, tôi cũng bắt gặp những người thầy, cô giáo đã từng dìu dắt tôi trong thời đại học, gặp những người bạn đồng khoa, đồng khóa cũng có bài đăng ở Tạp chí và nhiều người khác nữa. Chúng tôi đã gặp được tâm hồn đồng điệu ở trên Tạp chí từ những bút ký, truyện ngắn hoặc thơ ca, các tác giả đã gửi gắm nỗi lòng yêu văn học nghệ thuật, yêu văn hóa Huế và lan tỏa các giá trị tinh thần đến với mọi miền Tổ quốc.
Thật khó mà thống kê được số lượng tác phẩm thơ, văn, bài nghiên cứu, giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhạc phẩm, ảnh nghệ thuật, hội họa, phê bình, bình luận… đã đăng trên Tạp chí. Nhưng đều có những nét đặc trưng của một vùng đất giàu truyền thống văn học nghệ thuật, văn hóa và di sản. Cứ mỗi lần kỷ niệm 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 25 năm, 30 năm, 35 năm thì Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương cũng có những số Đặc biệt kỷ niệm hoặc tuyển chọn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu để in tuyển tập đã phần nào giúp các bạn đọc, các nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội tiếp cận gần như trọn bộ Tạp chí Sông Hương.
Càng về sau, đội ngũ Ban Biên tập của Tạp chí trẻ trung, năng động đã có nhiều đổi mới, thêm nhiều chuyên mục và Tạp chí Sông Hương càng có cơ hội thu hút nhiều cây bút trẻ, những nhà nghiên cứu trẻ tham gia cộng tác và cộng tác thường xuyên như Võ Vinh Quang, Đỗ Minh Điền, Trần Văn Dũng, Lê Vũ Trường Giang, Trần Nguyễn Khánh Phong, Phan Thuận Thảo, Nguyễn Hữu Phúc, Phạm Đăng Nhật Thái... Và không chỉ ở Huế mà ngoại tỉnh cũng có nhiều cây bút góp sức cùng Tạp chí Sông Hương như Đoàn Ánh Dương, Bùi Thiên Thai, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Văn Quyến, Nguyễn Phúc An, Nguyễn Văn Uông; tác giả ở nước ngoài như Nguyễn Dư.
40 năm qua, vẫn song hành với Tạp chí Sông Hương là những cây bút gạo cội trong làng báo chí Thừa Thiên Huế, họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu như Bửu Ý, Võ Quê, Nguyễn Khắc Thạch, Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Trần Đại Vinh, Nguyễn Thế, Phan Thanh Hải, Huỳnh Đình Kết, Trần Huy Thanh, Nguyễn Anh Huy, Trần Đức Anh Sơn, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh… Cũng từ Tạp chí Sông Hương mà có nhiều cây bút trở nên thành danh trên con đường sáng tác văn học. Như mới đây, nhà văn - giảng viên Lê Vũ Trường Giang đã có nhiều tác phẩm được đánh giá rất cao của thế hệ những nhà văn trẻ Việt Nam, hàng loạt tác phẩm đã xuất bản, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Như nhà văn Trần Thùy Mai, họa sĩ Lê Minh Phong, dịch giả Phạm Tấn Xuân Cao đã làm nên những công trình văn học, những tác phẩm hội họa có giá trị.
Và cũng từ Tạp chí Sông Hương đã có nhiều nhà văn, nhà thơ đạt giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật như nhà thơ Hồng Nhu, nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Dưới mái nhà Tạp chí Sông Hương cũng là nơi để nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Huế gặp gỡ trao đổi học thuật, triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, trưng bày các tác phẩm của văn nghệ sĩ trong các dịp kỷ niệm hoặc Festival Huế.
Với lòng yêu mến, chúng tôi vừa là độc giả, vừa là cộng tác viên nhưng vẫn luôn mua Tạp chí, đọc và ủng hộ Tạp chí Sông Hương trên hành trình thời gian và lịch sử. Với mong muốn Tạp chí Sông Hương đến được với nhiều đối tượng, nhiều thư viện trường học, bản thân tôi cũng đã không ngừng quảng bá Tạp chí Sông Hương trên nhiều kênh như Facebook, Zalo, và chính Tạp chí Sông Hương mà nội dung trong đó cũng đã phục vụ rất thiết thực cho những hoạt động ngoại khóa văn học trong nhà trường.
Trong thời gian tới, toàn tỉnh đang chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong đó chú ý đến đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường thì Tạp chí Sông Hương sẽ chuyển tải những giá trị đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Huế qua các tác phẩm văn học nghệ thuật đậm chất Huế từ bấy lâu nay, như trong lời ngỏ số đầu tiên Sông Hương đã gửi gắm: “Thi hào Nguyễn Du xưa đã viết “Hương Giang nhất phiến nguyệt” - có một mảnh trăng trên Sông Hương - mảnh trăng đó hẳn phải là tất cả tâm hồn thi ca lồng lộng của nhà thơ trên dòng sông xanh yên tĩnh này; cũng trên dòng sông đó hôm nay, phải chăng vầng trăng lớn của nghệ thuật và cuộc sống chúng ta sẽ soi mình…”3.
40 năm nhìn lại và nghĩ tới, tôi là một độc giả trung thành với Tạp chí Sông Hương và cũng là cộng tác viên tích cực của Tạp chí. Kính chúc đội ngũ biên tập của Tạp chí ngày càng sung sức, chung tay, đồng lòng giữ vững thương hiệu Tạp chí. Và chúc Tạp chí Sông Hương trường tồn với thời gian, với Huế.
T.N.K.P
(TCSH49SDB/06-2023)
----------------------
1. BBT: Lời ngỏ. Tạp chí Sông Hương, số 1/1983, trang 1.
2. BBT: Lời ngỏ. Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt tháng 3/2010, trang 1.
3. BBT: Lời ngỏ. Tạp chí Sông Hương, số 1/1983, trang 2.