Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm ngày thành lập TCSH
Ghi lại đôi điều từ Hà Nội...
09:23 | 07/06/2023


TRẦN PHƯƠNG TRÀ

(Nhà văn, nguyên Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam)

Ghi lại đôi điều từ Hà Nội...
Nhà văn Trần Phương Trà thập niên 90 - Ảnh: tư liệu

Tháng 6 năm 1983, số đầu tiên của Tạp chí Sông Hương, tạp chí sáng tác nghiên cứu văn học nghệ thuật văn hoá của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên ra đời với những dòng tự giới thiệu: “Mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế - SÔNG HƯƠNG, những trang tạp chí này là dòng chảy của những cảm xúc tươi đẹp trên “khúc ruột miền Trung” đất nước. Từ nơi đây như truyền thống đã có, sẽ bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu với bạn đọc cùng thời của họ”.

Riêng ở thủ đô Hà Nội, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ... đã cộng tác chặt chẽ với tạp chí, đóng góp nhiều bài giá trị. Xuất bản định kỳ 2 tháng một số, sau đó là mỗi tháng một số, Tạp chí Sông Hương đã được nhiều bạn đọc mong chờ. Đó là một niềm vui lớn cho đội ngũ nhà văn, nghệ sĩ, biên tập viên, phóng viên và cán bộ, nhân viên của tạp chí.

Ngay khi số 1 ra mắt, tôi đã giới thiệu tạp chí trên sóng phát thanh của chương trình văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam và nhận làm đại diện cho Tạp chí Sông Hương tại Hà Nội. Hồi đó, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ Huế, toà soạn gửi tạp chí qua các chuyến xe khách ra Hà Nội. Tôi đến nhận ở các nơi xe đỗ. Sau đó đem nộp lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia, Vụ báo chí Bộ Văn hoá, Vụ báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, gửi đến các cơ quan và cá nhân được biếu, báo biếu và nhuận bút của tác giả, bạn đọc dài hạn, ký gửi ở một số hiệu sách, quầy sách báo... Tại các cuộc họp đồng hương Thừa Thiên - Huế, tôi nhờ những người thân bán tạp chí và cố gắng mở rộng thêm số lượng bạn đọc dài hạn. Đồng hương Thừa Thiên - Huế ở Hà Nội, xa quê đã lâu, khao khát những hình ảnh của quê nhà nên nhiều người tìm đến tận nhà để mua cho đủ số tạp chí. Tháng 11 năm 1985, số phụ trương đặc biệt của tạp chí Sông Hương “Huế - Bình Trị Thiên trong cơn bão số 8” có hình ảnh Ngọ Môn với những cây đổ rạp trên mặt đất với chú thích “Hàng cây đã đứng vững trong cơn bão Giáp Thìn (1904)” được nhiều bà con đồng hương ở Hà Nội chuyền tay nhau đọc sau những ngày tổ chức quyên góp gửi về giúp bà con bị bão.

Từ mối quan hệ với cộng tác viên trong nhiều năm làm biên tập chương trình phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi mở rộng việc phát hành tạp chí Sông Hương và đặt bài cho nhiều người. Nhiều lần tạp chí cần có những bản kẽm về nhạc, tôi nhờ anh Hà Trì, người lo khâu mỹ thuật của tạp chí Văn nghệ Quân đội trước đây chép nhạc và đem đến nhà in Tiến Bộ làm bản kẽm về nhạc và ảnh. Nhiều lần tôi tìm đến toa số 2 tàu Thống nhất thường có nhiều khách về Huế để nhờ chuyển bản kẽm và bài vở về tạp chí Sông Hương. Những người chưa hề quen biết đó nghe chuyển cho tạp chí Sông Hương họ sẵn sàng giúp đỡ ngay. Sau này, tôi còn đến dự cuộc họp hàng tuần của hãng thông tấn Liên Xô tại Hà Nội để lấy tài liệu gửi vào cho toà soạn khai thác.

Tôi đã tìm đến khu vực Kim Giang để gặp nhà nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu Nguyễn Huy Hồng và nhà văn Đoàn Lê trao tặng thưởng của tạp chí Sông Hương... Năm 1987, khi Tạp chí Sông Hương chủ trương xuất bản “Tủ sách Sông Hương”, các cuốn “Hương Giang cố sự” của Nguyễn Đắc Xuân và tập thơ “Bài thơ thôn Vỹ” với 91 bài của 51 tác giả được nhiều người hoan nghênh. Nhiều bạn đọc ở Hà Nội nhiệt tình đón nhận tủ sách ấy. Khi mang sách và nhuận bút đến cho các tác giả trong tập hoặc cho thân nhân các tác giả đã mất, ai cũng thấy Sông Hương đã làm được một việc đáng trân trọng. Một buổi tối tôi vào khu An Dương ngoài đê Yên Phụ để tìm nhà thơ Đoàn Phú Tứ trao sách và một ngàn đồng nhuận bút cho bài thơ “Màu thời gian”, nhà thơ cảm động nói:

- Cảm ơn anh đêm hôm đã tìm đến được nhà tôi. cảm ơn Tạp chí Sông Hương đã in lại bài thơ và có cả nhuận bút. Tôi sẽ cố gắng tìm cách vào thăm Huế một lần nữa.

Nhưng rất tiếc một thời gian sau đó trước khi mất, nhà thơ không thực hiện được nguyện vọng ấy. Nhiều tác giả khác trong tập thơ “Bài thơ thôn Vỹ” (1987) những năm gần đây cũng đã qua đời như Phạm Huy Thông, Thanh Tịnh, Hồng Chương, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, Văn Cao, Lưu Trọng Lư, Mộng Huyền, Hồ Dzếnh... Và Tạp chí Sông Hương luôn chu đáo đi thăm người ốm và dự tang lễ những cộng tác viên thân thiết của mình ở thủ đô. Có lần, tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ cùng tôi đi thăm cụ Đào Duy Anh khi cụ ốm và dự lễ tang của cụ tháng 4-1988.

Năm 1987, Tạp chí Sông Hương đã công bố lại vế thách đố của nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy ở Huế với giải thưởng là một con gà trống do chị Bội Lan, con gái nhà thơ trao. Vế thách đối: “Tết tới túng tiền tiêu tính toán toan tìm tay tử tế”. Tạp chí đã nhận được 352 vế đối và toà soạn đã tặng giải thưởng cho Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, một nhà ngôn ngữ học quen biết với bài viết dài 5 trang đánh máy nhan đề “Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy”. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã công phu tra cứu từ điển khảo sát 5 phụ âm đầu C (K,Q), Đ, L, X và đề ra những khả năng để đối. Nhận được tạp chí Tết Mậu Thìn 1988 mãi vào ngày ba mươi Tết tôi mới tìm được địa chỉ nhà giáo sư ở gần khu chợ Hoà Bình. Dạo đó trời Hà Nội có gió mùa Đông Bắc và mưa rét kéo dài. Các con đường quanh nhà thầy nhiều bùn, lầy lội. Tôi mang tạp chí Sông Hương số 29 có đăng bài viết “Con gà trống đã ra Thủ đô ăn Tết” bên cạnh bài của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cùng số tiền tặng thưởng của Toà soạn. Hồi học năm thứ 3 khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn truyền cho những niềm say mê đối với ngôn ngữ học khi thầy vừa ở Liên Xô về nước. Bà Nôna, tiến sĩ ngôn ngữ học, người Nga, vợ của giáo sư đang chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa thân mật chào tôi bằng tiếng Việt: - Chào anh. Mời anh ngồi chơi.

Trên bàn thờ tổ tiên cũng đủ mâm ngũ quả, dưa hấu, bánh chưng, pháo và cành đào. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nói:

- Tạp chí Sông Hương nêu lại vế thách đối của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy là một điều thích thú cho bạn đọc. Giờ lại được nhận món tiền thưởng tương đương con gà trống do chị Bội Lan tặng. Tôi nhờ anh chuyển lời cảm ơn và chúc tết ban biên tập Sông Hương.

Giữa năm 1989, tôi phải đi công tác xa nhiều tháng nên xin thôi làm đại diện cho Tạp chí Sông Hương ở Hà Nội nhưng từ đó đến nay giữa toà soạn và tôi vẫn giữ một sự gắn bó mật thiết.

T.P.T
(TCSH172/06-2003)

 

Các bài mới
Chiều (09/06/2023)
Các bài đã đăng
Hệ lụy thơ (04/06/2023)