Nhà văn NGUYỄN KHẮC PHÊ
Sinh ngày 26 - 4 - 1939 tại Huế (Quê Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tổng Biên tập Sông Hương từ tháng 2-1991 đến tháng 5-1991. Trước đó, từ 1983 đến 1990, liên tục giữ cương vị Phó Tổng Biên tập.
Cái nắng tháng 6 chang chang và tiếng ve ran trên những tầng lá thì vẫn thế, vậy mà đã 20 năm qua! “20 năm ấy biết bao nhiêu tình... ” Đã đành, đẹp nhất là tình đồng chí - không đồng chí đồng lòng thì người từ 3 tỉnh nhập lại, người từ Bắc vô, người trên rừng xuống... làm sao có thể tạo nên một tờ báo có “một giọng nói riêng, một phong cách trang nhã riêng” như giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhận xét hồi kỷ niệm 5 năm “Sông Hương”; nhưng tên “Sông Hương” đậm nữ tính gợi nhớ các cô gái Huế yêu kiều nên chuyện tình yêu với “Sông Hương” là vô vàn không kể xiết; rồi tình thương của những độc giả ở T.P. Hồ Chí Minh mua “Sông Hương” với “giá ủng hộ” giúp Toà soạn nhẹ bớt gánh tài chính lúc ngân quỹ ngặt nghèo; và tình nghĩa của anh Trần Nguyên Vấn (Hà Nội) anh Phương (T.P. Hồ Chí Minh) giúp làm cầu nối với bạn đọc và cộng tác viên ở 2 thành phố lớn, của cô Loan - cô dâu Huế ở nhà in Tiến Bộ lo giúp khâu làm ảnh kẽm suốt mấy năm liền, của anh Lê Huy Cận giúp “Sông Hương” đến với bà con Việt kiều ở Pháp...; lại còn “tình hận" nữa - nói thế thì cũng hơi quá, nhưng “người ta” thiết tha yêu “Sông Hương” gửi bài tới năm lần bảy lượt mà không được đăng thì cũng “hận” lắm chứ; hình như cũng có cả tình oan trái - “người ta” viết với tất cả tình yêu nồng cháy với Tổ quốc, với nhân dân, nhưng ai đó lại cho rằng đó là kẻ “ngoại tình” (tức là muốn tỏ tình với kẻ ngoại bang ấy!)...
Tôi là người chỉ “gánh” chức Tổng biên tập trong một thời gian ngắn đầy sóng gió, nhưng lại có vinh dự làm “người giúp việc”, lo chuyện bếp núc Toà soạn cho hai đời Tổng biên tập nổi tiếng trong gần chục năm, nên có may mắn được biết “bao nhiêu tình” quanh “Sông Hương”. Kể ra có thể là một thiên hồi ký thú vị... Nhưng ngày “lễ” vui vẻ, bao nhiêu người hẳn cũng muốn tỏ tình với “Sông Hương”, nên chỉ xin đôi dòng nhắc lại “mối tình đầu” - những bước đi ban đầu của “Sông Hương”.
Đó là những ngày Bình Trị Thiên còn sum họp một nhà thật vui vẻ, đông đúc và có thể nói là hùng hậu. Xuân Hoàng, Lương An, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Đăng Trí, Xuân Đàm, Trần Hữu Pháp, Lâm Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh, Bửu Chỉ, Võ Quê, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân... Một danh sách thật dài... dài như là tỉnh Bình Trị Thiên, khó mà kể đủ. Mà không chỉ có tình đoàn kết văn nghệ sĩ ở Bình Trị Thiên. Còn nhớ, ngày 17/12/1982, tôi lĩnh trọng trách đi Hà Nội, mang theo công văn của Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên chính thức đề nghị Trung ương cho “Sông Hương” ra đời. Công việc cuối năm bề bộn, hơn nữa, hồi đó việc xin ra một tờ tạp chí địa phương như “Sông Hương” còn hiếm, nếu đem công văn nạp ở các văn phòng thì chắc còn bị “ngâm cứu” lâu; thế là cậy vào tình... đồng hương, tôi quyết định “đột nhập” nhà riêng đồng chí Lê Xuân Đồng, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương. Nghe tôi trình bày xong, đồng chí cười bảo:
- Cậu là dân Nghệ Tĩnh, sao lại đi “thuyết khách” cho Huế?
- Anh không biết, chứ tôi sinh ở Huế và ông cụ tôi làm việc ở Huế nhiều năm...
- Ừ, mà Huế đâu phải của riêng ai. Huế là của cả nước...
Nghe đồng chí Lê Xuân Đồng vui vẻ nói vậy, tôi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ 100%...
Ngày 4/3/1983, “Sông Hương” nhận được giấy phép xuất bản mang số 33/XB-BC và một tháng sau, nhà thơ Xuân Hoàng và Lê Thị Mây ra Hà Nội họp cộng tác viên; không, lúc đó Tạp chí đã ra số nào đâu mà có “cộng tác viên”; chỉ mời họp để “cổ động” cho “Sông Hương” mà có gần 100 văn nghệ sĩ tên tuổi ở Thủ đô tới dự. Đây là một dòng tin về cuộc họp đầy tình nghĩa ấy: “...Sau phần trình bày của anh Xuân Hoàng, các anh Huy Cận, Thanh Tịnh, Bửu Tiến, Nguyễn Xuân Sanh, Viễn Phương, Phan Tứ, Hoàng Minh Châu... đã nói lên những tình cảm trìu mến của anh chị em văn nghệ cả nước với Huế, niềm mong ước “Sông Hương” sẽ là một tạp chí có bản sắc và chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của văn nghệ sĩ và người đọc cả nước...” Sau đó một thời gian, tôi được Ban biên tập cử vào T.P. Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Thuận Hoá tổ chức cuộc họp cộng tác viên. Cũng đông đúc và nồng nhiệt như cuộc gặp gỡ tại Thủ đô. Lúc đó, thực ra “Sông Hương” đã làm được bao lăm. Chính là vì thiên hạ vốn yêu thương Huế mà “Sông Hương” được nhờ! Có lẽ cũng vì bạn bè gần xa hy vọng vào những tên tuổi đang chung sức xây dựng “Sông Hương”.
Với công chúng Huế thì việc “Sông Hương” ra mắt số đầu tiên là một sự kiện văn hoá khó quên. Đó là ngày 16/6/1983. Trước đó, ngày 12/6, những số “Sông Hương” đầu tiên xuất xưởng được ưu tiên dành tặng đại biểu dự một Hội nghị của Tỉnh và chuyển vào phục vụ bạn đọc T.P. Hồ Chí Minh. Xí nghiệp in Bình Trị Thiên ngày đó còn ở trong Đại Nội, nhiều khâu còn làm thủ công, nên đến ngày 16/6, Toà soạn mới nhận đủ 4.000 cuốn. Chiều, bất chấp nắng hè chói chang, Thái Ngọc San, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ lên chiếc Zeep của Hội Văn nghệ được “trang điểm” bằng một tấm biển quảng cáo “Sông Hương” và loa phóng thanh chạy vòng quanh thành phố. Xe chỉ dừng mấy nơi mà bán được gần 1000 cuốn. Buổi tối, trên sân trụ sở Hội Văn nghệ, Ban biên tập tổ chức cuộc gặp gỡ với bạn đọc, giới thiệu những tác phẩm trên tờ “Sông Hương” số đầu tiên vừa ra mắt, trong đó có bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp “Dòng sông ai đã đặt tên”. Toà soạn ngày đó còn đặt trong một căn phòng vuông chật hẹp chưa đầy 20 mét vuông trên gác nhà 26 Lê Lợi, nhưng cũng nhờ có “biết bao nhiêu tình” nên “Sông Hương” vẫn kết nối được với đông đảo cộng tác viên và bạn đọc, kể cả những người ở xa Tổ quốc.
Đã đành, mỗi thời một khác, nhưng sao mà nhớ; và ước chi...
Trường An - Huế, tháng 6/2003
N.K.P
(TCSH172/06-2003)