Giá sách Sông Hương
Tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Tính cách Huế
10:31 | 11/09/2023


HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

                                  Bút ký

Tính cách Huế
Bìa sách Huế - Di tích & con người, tập bút ký chọn lọc về Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1995

Thiền sư Viên Thành, người sáng lập chùa Trà Am, có một bài thơ nói về thành phố quê hương của ông như sau:

Vầng trăng núi Ngự, nước sông Hương
Chưa đi tới đó hận muôn đường
Khi đã tới rồi không gì lạ
Vầng trăng núi Ngự, nước sông Hương.

Hiểu theo ngôn ngữ Thiền, bài thơ này hàm ý rằng nếu như nhìn nó  như một cá thể (đối chọi với những thành phố khác) thì Huế không có gì là lạ, và để nhận thức Huế, người ta cần nhìn thấy cá tính của nó.

Hiển nhiên trong đời sống tinh thần của người Việt, Huế đã là một trung tâm văn hóa có thực, với cộng đồng dân cư   từ xưa không lớn lắm (khoảng trên dưới 10 vạn người) nhưng đã tạo ra một truyền thống văn hóa nghệ thuật riêng, một hệ thống các quan niệm nhân văn biểu hiện qua những tập quán ứng xử và thờ phụng riêng, cách nấu ăn, may mặc, giải trí, cách xây dựng nhà ở và đô thị riêng, và người Huế có cả những khát vọng và những mê tín riêng. Từ đó người ta thường nói đến một nghệ thuật sống mang bản sắc Huế hoặc nói cách khác, một “tính cách Huế”.

Những thế hệ di dân đầu tiên (đầu thế kỷ 14) vào chiếm lĩnh Châu Hóa đều xuất phát từ Nghệ Tĩnh. Đợt di dân thứ hai (cuối thế kỷ 16) với Nguyễn Hoàng thì đại bộ phận là gốc Thanh Hóa. Thanh Nghệ Tĩnh là đất Việt cố cựu từ thời dựng nước, ở đó nhân dân vẫn bảo trì rất bền bỉ những giá trị văn hóa Việt cổ, tức là văn hóa Mường. Các di dân mang theo vốn liếng Việt cổ này làm chỗ dựa tinh thần trên đất mới, lưu giữ trong cộng đồng người Huế cho tới bây giờ. Vì thế dù đã là thị dân từ lâu đời, người Huế vẫn giữ nhiều tập quán cổ xưa có gốc từ văn hóa Mường, thí dụ tập quán ăn rau dại (người Kinh ở miền Bắc chỉ ăn rau trồng). Cũng từ cội rễ Thanh Nghệ Tĩnh, văn hóa làng vốn là yếu tố căn bản thiết lập nên tính cách Huế. Dù cách xa Huế bao đời, người Huế vẫn gắn bó mật thiết với ngôi làng nơi tổ tiên họ đã sinh ra, sống bằng chất dinh dưỡng của văn hóa làng, thí dụ giai điệu nuôi dưỡng một đời người: từ bài hát ru lúc chào đời đến điệu hò vĩnh biệt lúc nhắm mắt, tất cả đều là tiếng hát của những ngôi làng. Có thể nói từ bản chất, người Huế là một nhà thơ đồng nội hơn là một cư dân đô thị. Có lẽ vì thế mà người Huế thích làm vườn hơn doanh nghiệp (dù rằng lúc rời khỏi Huế, họ sẵn sàng trở thành những nhà kinh doanh đầy tài năng).

Từ nhiều thế kỷ, Châu Hóa đã là địa bàn giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm. Từ năm 1306, sau đám cưới của công chúa Huyền Trân thời nhà Trần, người Việt tiến sâu vào lãnh thổ văn hóa Chămpa. Đây là một tình hình đặc biệt về tinh thần của cộng đồng người Việt ở Châu Hóa. Khi họ ngoảnh mặt về phương Nam để tiếp cận với nền văn hóa hải đảo Nam Á, mà trung tâm là Ấn Độ, chính sự giao thoa Việt - Chăm trong thời kỳ này (thời kỳ thành Châu Hóa) đã tổng hợp nên những đặc trưng mới trong lối sống của cộng đồng người Việt gọi là bản sắc Huế. Chúng ta đã tiếp nhận từ vốn sống hùng hậu của văn hóa Nam Á nhiều yếu tố mới mà trung tâm Thăng Long trước đó chưa biết đến, thí dụ như cách trị thủy tránh việc đắp đê dọc các dòng sông, cách trồng giống lúa Chiêm, cách trị bệnh bằng các cây thuốc phương Nam, sự thờ cúng cá voi và các vị nữ thần phương Nam cùng với các lễ hội kèm theo, kể cả khẩu vị thích ăn cay của người Huế v.v. Ở đây chỉ xin nêu hai biểu hiện lớn của bản sắc Huế là âm nhạc và mỹ thuật.

Ai cũng biết âm hưởng Chăm rất sâu thẳm trong một bộ phận gọi là giọng Nam trong nhạc Huế, như nét mềm mại với tiết tấu buông lơi của các điệu lý, chất trữ tình trong các điệu hò lao động - và điệu hò mái đẩy Huế thì lại giống điệu hò chèo thuyền của các hải đảo Nam Thái Bình Dương. Về điều này giáo sư Trần Văn Khê đã kết luận rằng: “sau nhiều thế kỷ giao lưu, nhạc Việt đã nhuộm màu Chăm”. Chính do tính nội tâm đó, nhạc Huế không thích được trình diễn trước đám đông hoặc hát dưới ánh mặt trời - nhạc Huế cần không gian thân mật và bóng đêm, là nỗi lòng để trở thành tài sản riêng của tâm hồn gửi đến người tri âm, tức là người hiểu được mình. Đó là tính cách Huế trong âm nhạc.

Về mỹ thuật, cố họa sĩ Phạm Đăng Trí đã xác lập hệ ngũ sắc dân gian riêng của Huế gồm 5 màu Đỏ - Vàng - Tím - Lục - Xanh; khác với hệ ngũ sắc truyền thống của phương Đông là Đỏ - Vàng - Xanh - Trắng - Đen; trong đó màu tím là trung gian giữa màu nóng và màu lạnh - và từng cặp màu tương phản có khả năng tạo ra ấn tượng làm dịu mắt gọi là hiệu quả trắng (effet blanche). Màu tím Huế như người ta thường gọi - không gây cảm xúc buồn, mà là một niềm vui trong sáng và thầm kín, là màu áo của các nữ sinh Đồng Khánh xưa, và chỉ xin lưu ý rằng đây cũng là màu áo ưa thích của phụ nữ Chăm ngày nay vẫn còn thông dụng. Nhiều người tưởng nhầm tâm hồn Huế là buồn, thực ra đấy là những cảm xúc được gạn lọc và không thích bộc lộ để thực hiện lý tưởng thăng bằng của nội tâm.

Phật giáo vốn đã tồn tại lâu đời trong cuộc sống tinh thần của người Việt, được các chúa Nguyễn sử dụng như một quốc sách về văn hóa từ đầu thế kỷ 17, đã là một nhân tố quan trọng của văn hóa Huế.

Tình yêu thiên nhiên là một tình cảm lớn trong tâm hồn Huế, đến nỗi nó mang màu sắc của một triết học chi phối toàn bộ cuộc sống tinh thần của người Huế. Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người là nguyên lý căn bản trong tư duy kiến trúc Huế, từ tổng thể đô thị cho đến tận chỗ ở của mỗi gia đình bình thường. Ý niệm “vườn” là nhất quán trong mọi loại hình kiến trúc Huế và người ta có thể nói đến chùa-vườn, nhà-vườn, lăng-vườn, và Huế là một thành-phố- vườn. Vườn Huế hoàn toàn không nhằm mục đích kinh tế, mà là nơi con người được sống với cỏ cây trong một tình bạn lớn: qua đó, con người có thể từ ngôi nhà nhỏ của mình để bước vào ngôi nhà lớn của vũ trụ. Người ta dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của triết học Phật giáo trong mô hình vườn Huế.

Người Huế có một quan niệm mỹ học riêng, khác với truyền thống sẵn có ở miền Bắc. Thử xem xét điều này trên hình mẫu của vẻ đẹp thiếu nữ: trên các tranh tố nữ làng Hồ, vẻ đẹp lý tưởng của khuôn mặt thiếu nữ biểu hiện sự đối xứng giữa hai bên tả hữu với đường ngôi rẽ giữa, đôi mày cong, sống mũi thẳng, đôi môi hình trái tim, và mái tóc được giữ yên giữa đôi vai. Ở các thiếu nữ Huế, đường ngôi rẽ lệch về phía bên phải, mái tóc thề lay động theo bước đi, và tà áo bay theo gió, qua đó người ta cảm nhận một cái đẹp mà trong tổng thể của nó, sự đối xứng không còn được tôn trọng. Mỹ học Huế tìm cách phá vỡ đối xứng để tạo ra một sự hài hòa riêng cho từng cá thể, ý niệm này được thể hiện ngay trên những công trình kiến trúc hoành tráng, thí dụ khác với lăng Minh Mạng (mô hình lý tưởng của nguyên tắc đối xứng), lăng Tự Đức xóa bỏ sự đối xứng để cho từng bộ phận của cảnh quan xuất hiện bất ngờ dưới mắt người xem. Chúng ta biết rằng vẻ đẹp đối xứng bao hàm sức mạnh của lý trí, trong khi vẻ đẹp không đối xứng được khám phá bằng trực giác, và đây cũng chính là nguyên lý của mỹ học Thiền. Người Huế cảm nhận sự vật bằng trực giác hơn bằng lý tính, tâm hồn Huế thì thơ hơn là thực, và vì thế tính cách Huế là Thiền hơn là Nho. Nói thế không có nghĩa là con người hành động bị loại trừ khỏi tính cách Huế. Dĩ nhiên thôi, vì Huế đã là sân khấu chính trị lịch sử trong nhiều thế kỷ, do đó cũng chính là mảnh đất nuôi dưỡng triết học hành động ở một danh tướng như Nguyễn Tri Phương, ở một thi sĩ như Tố Hữu, và cả ở những thiền sư lãnh đạo phong trào Phật tử lật đổ chế độ Diệm năm 1963. Ở người Huế, con người hành động luôn luôn dấn thân rất quyết liệt trong những hoàn cảnh thúc bách của lịch sử, nhưng sau đó họ lại quay về sống với tự do nội tâm của mình. Điển hình là nguyên soái Hiệp Đức, vị tướng nhà Nguyễn đã chiến thắng và kết thúc cuộc chiến Trịnh - Nguyễn vào năm 1672, sau đó từ chối ngôi chúa, giã từ vũ khí  để về sống trong một ngôi chùa. Xu hướng tâm linh là một dòng chảy tiềm ẩn nhưng sâu bền trong tính cách Huế.

Cũng trên những nét chung ấy của tính cách, trong quan hệ với “người” khác, người Huế lấy “cái tâm” làm gốc. Cái tâm bao gồm tình thương, sự nhường nhịn, lòng bao dung để bỏ qua thù hận, sự điềm tĩnh để không cuồng tín v.v... Cái tâm có sức chứa đựng tất cả, nhưng tóm tắt lại là tấm lòng tốt muốn đem tâm hồn mình làm quà tặng, mà người Huế nói là “của ít lòng nhiều”. Theo phong tục Huế, trong đêm tân hôn cô dâu và chú rể làm lễ “cúng tơ hồng” lễ vật chỉ có khoai lang, muối và gừng. Đó là lời nguyện lấy cái tâm để sống với nhau suốt đời; nên lưu ý rằng tình trạng ly hôn có tỉ lệ rất nhỏ trong cộng đồng người Huế. Cái tâm hoặc gọi là “tấm lòng” chỉ để cho mà không cần “nhận” lại chút gì cả, như trong một bài hát của Trịnh Công Sơn:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
- Để gió cuốn đi!

*

Trên đây chỉ là sự phác thảo về một vài quan niệm sống đã làm nên “tính cách Huế”. Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý đặc biệt, Huế đã là một trong những trung tâm văn hóa quốc gia lớn nhất, đồng thời cũng bị hạn chế về giao lưu với bên ngoài suốt nhiều thế kỷ, do đó, giống như tình hình nước Nhật và người Nhật trước thời Minh Trị, cộng đồng người Huế quay lại củng cố những quan niệm và lối sống của mình trong sự cố gắng nâng cao vốn liếng dân tộc của mình lên chuẩn mực của cái Đẹp. Thí dụ người Huế rất sành ăn và kiên định trên lập trường ăn uống của mình. Trên mọi lĩnh vực tính cách Huế, thích sống văn hóa hơn là hưởng thụ vật chất, thích sống đẹp hơn là sống giàu có, từ đó người ta thường nói đến “Huế thanh lịch”.

Xin lỗi, hình như là tôi đã nói hơi nhiều về những gì tốt đẹp trong tính cách Huế. Có lẽ vì tôi là người Huế, và khác với người Anh vốn thường thích cho nước mình đo ván, người Huế giống người Pháp ở chỗ thích nói những điều tốt đẹp về xứ sở của mình. Thực ra, mọi tính tốt đều kèm theo mặt xấu của nó, thí dụ sự chăm chú vào nội tâm thường làm yếu khả năng đấu tranh cho tiến bộ xã hội về mặt khác. Còn những thói xấu khác của người đời thì ở đâu cũng có, người Huế cũng vậy thôi, thí dụ tính thích làm quan hoặc bệnh sợ vợ ở nhiều người đàn ông. Nhưng khó chữa nhất trong tính cách Huế, theo tôi, lại là căn bệnh phát sinh từ chính sức mạnh của nó, đó là tính bảo thủ về văn hóa. Người Huế rất khó chấp nhận những thử nghiệm đổi mới trong lối sống và trong cái ý thức văn hóa của mình. Ngay từ thế kỷ 16 cái nhìn tinh tế của tiến sĩ Dương Văn An về cộng đồng người Huế ở đô thị thành Châu Hóa đã nhận ra rằng “thói cũ giữ lâu ngày, cái mới còn quá ít”. Có lẽ vì thế, những thế hệ người Huế tuồng như được sinh ra để trung thành với một sứ mệnh cao quý được ủy thác, là bảo vệ di sản văn hóa trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

H.P.N.T
(TCSH415/09-2023)

 

 

Các bài mới