Giá sách Sông Hương
Tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như tôi biết
15:31 | 11/09/2023

DƯƠNG PHƯỚC THU

Chỉ chưa đầy ba tuần sau khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, người vợ đảm đang của ông cưỡi hạc trắng bay về trời, vào lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 24 tháng 7 năm 2023, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng thanh thản rời cõi tạm, theo dấu người vợ hiền trở về chốn bình an tận miền cực lạc.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như tôi biết
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Paris năm 1997 - Ảnh tư liệu của nhà báo Dương Phước Thu

Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của muôn đời, là lẽ sống - chết tự nhiên của kiếp nhân sinh. Nhưng khi biết tin ông đã ra đi lòng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng trước một mất mát đau thương như mất một người thân mà tôi vô cùng yêu quý, kính trọng - nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Theo giấy tờ công bố, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 09 tháng 9 năm 1937 tại Huế. Căn cứ vào gia phả và “bản tự khai về ngày sinh tháng đẻ” để “chấm tử vi” thì ông Tường sinh ngày “trùng cửu” năm Bính Tý (1936). Sở  dĩ tôi biết chính xác việc này, là vì, giữa năm 1998, ông Tường bất ngờ bị tai biến rất nặng tại Đà Nẵng, được điều trị tích cực tại Bệnh viện C, hơn một tháng sau, bệnh tình ông càng thêm trầm trọng, rất khó qua khỏi, nên gia đình chủ động họp bàn chuẩn bị tình huống xấu nhất (cuộc họp này có cả ông Hoàng Hữu Chỉ là người anh con bác của ông Tường; ông Chỉ được xem như vị Trưởng chi họ Hoàng Hữu, làng Bích Khê tại Huế); chúng tôi liên hệ với sư chùa Hải Đức  (là vì gia đình ông Tường có nhiều đóng góp cho ngôi chùa này), Ban quản lý Nghĩa trang nhân dân thành phố Huế và cả những chỗ quen biết, học trò, những người yêu quý ông Tường để tính chuyện hậu sự, tầm cho ông một chỗ cát địa được gần kề bên dòng sông Hương, tôi là một trong mấy “anh em và học trò” của ông Tường được tham gia việc này.  Nên tôi biết đích xác ông Tường sinh năm Bính Tý (1936). Sinh thời, lúc được ông cho xem bảng chấm tử vi, có nhiều lần tôi hỏi nhưng ông không nói rõ nguyên do vì sao lại bớt đi một tuổi (mà đại khái là do bản khai ban đầu để đi học) cho nên dù khai sinh năm 1937 nhưng linh trạch âm dương hung cát của ông lại có ngày sinh trùng với ngày sinh của Chu Thần Cao Bá Quát. Cô Hoàng Dạ Thư (tên thân mật Bê Líp) con gái lớn của ông Tường đã xác nhận trước nhiều người: “Ba cháu tuổi Bính Tý - 1936”.

Ngày 31 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, một đêm thơ nhạc đầy ý nghĩa để tiễn biệt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về thế giới người hiền.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra trong một gia đình nho học, quê gốc làng Bích Khê - ngôi làng này ngày trước có tên Hồng Khê, vì kỵ húy tên vua Tự Đức, nên đổi thành Bích Khê, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; dưới thời triều Nguyễn trị vì, gia tộc này có nhiều người làm quan to nên nhiều đời sinh sống ở Huế. Trong bài Đôi điều về văn hóa Huế, ông Tường viết: “Huế là nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, đã tranh đấu và chiến đấu, đã yêu thương, đã sống một đời công dân và một cuộc đời riêng tư. Vậy Huế tuy không phải là nơi quê gốc của tôi nhưng tôi vẫn tự xem là Dân Cột Cờ. Tôi ngẫm lại thấy người Huế chưa hẳn là người gốc Huế người gốc Huế chưa hẳn là người Huế. Nơi nào đã từng là kinh đô lại không là như thế, lại không có cư dân tứ xứ. Theo tâm lý học của Biaget, tính cách của con người hình thành từ năm 1 đến 8 tuổi. Vậy thì, tôi nghĩ, con người lớn lên mang tính cách của môi trường. Và chánh quán thì không gây ảnh hưởng đến tính cách bằng sinh quán ở lý lịch con người. Con người sinh ra ở đâu, thì mặt mày giống cha mẹ, còn diện mạo tinh thần thì lại giống xứ sở nơi sinh ra”.

Tuổi đèn sách ông Tường học rất giỏi, mỗi cấp bỏ cách một lớp. Cuối mỗi cấp lại đỗ đầu mà bây giờ người ta quen gọi là “thủ khoa”. Ông Tường học giỏi cho nên thường được nhà trường cử đi diện kiến để nhận lời khen thưởng từ các quan chức đứng đầu chính quyền, vì thế mà về sau cũng có chút lận đận...

Trong một lần hầu chuyện, ông kể với tôi rằng: “Lúc đầu mình muốn học trường y để ra làm bác sĩ. Nhưng vì mê văn và triết nên quyết rẽ ngang qua sư phạm. Mình nghĩ, nghề bác sĩ là nghề cứu người nhưng có khi chỉ cứu được một người, vài người thôi. Nghề văn và triết nếu thất bại thì cũng xứng một đời, còn thành công thì cứu được cả xã hội, có khi cả nhân loại… ý niệm riêng của mình là thế nên mình theo đuổi ngành sư phạm, nghề văn và triết…”

Những năm còn đang học sư phạm ông đã nổi tiếng đĩnh ngộ, kiến thức rộng, được một số trường mời đi dạy thêm các lớp dưới, nên cũng có chút tiền để mua sách báo và phí dự nghe các buổi thuyết giảng của các học giả tây - ta ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 1959, ông đỗ đầu Ban Việt Hán - Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, cùng với mấy người đỗ đầu các ngành khác, ông được đại diện chính quyền gặp mặt, với nhã ý: cho các thầy “tùy ý lựa chọn” nơi làm việc để có điều kiện tiến thân, các thầy “thủ khoa” ưng chỗ nào thì chính quyền ra quyết định đến chỗ ấy nhận việc ngay. Nhưng ông Tường đã quyết trở về Huế chọn con đường đi dạy theo lời di huấn của tổ tiên. Mới 22 tuổi ông trở thành “Giáo sư”; năm 1960 đứng trên bục giảng Trường Quốc Học - ngôi trường trung học nổi tiếng nhất Việt Nam suốt thế kỷ hai mươi và cả bây giờ ở Huế.

Về Huế vừa dạy học, ông tiếp tục đèn sách rồi tốt nghiệp Cử nhân Triết học - Đại học Văn khoa Huế. Học trò của ông đa số bằng tuổi, có số còn lớn hơn thầy Tường mấy năm. Dù sau này nhiều người trưởng thành làm nên “ông to bà lớn” họ vẫn thường hay nhắc đến những kỷ niệm sâu sắc về thầy Tường với những buổi cao đàm khoát luận nổi tiếng ở Huế một thời chưa xa.

Rồi chiến tranh ngày một lan tới quê nhà, ông hăng hái tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm, mấy năm liền với tư cách Tổng Thư ký lãnh đạo sinh viên học sinh Huế đấu tranh công khai chống kẻ thù xâm lược. Từ các cuộc đấu tranh vào những năm 1963 đến năm 1965, ông bắt đầu tham gia trong tổ chức yêu nước dưới sự chỉ đạo của những người cộng sản hoạt động bí mật ở Huế, do vậy ông đã bị chính quyền Sài Gòn treo thưởng đòi lấy đầu; mùa hè năm 1966, ông chính thức rời bục giảng, trong một đêm trời đầy sao ông lặng lẽ theo người giao liên men con đường bí mật lên chiến khu tham gia kháng chiến, trở thành người lính cầm bút và cùi cõng.

Về nghiệp cầm bút, trước hết ông là một nhà báo tên tuổi là tác giả có nhiều bài báo nổi tiếng; thời chưa lên chiến khu ông làm Chủ bút tờ Vietnam Vietnam, báo vừa ra liền bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa; khi lên chiến khu ông làm Chủ bút tờ Cứu lấy Quê hương, cơ quan của Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế; từ tháng 6 năm 1983, ông là thành viên Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương; sau ngày 1 tháng 7 năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách làm ba, địa giới trở lại như hồi năm 1975, ông chuyển công tác ra Quảng Trị, được cử làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt. Lúc bấy giờ tất cả các cơ quan cấp tỉnh của Quảng Trị đều đóng ở Đông Hà, duy nhất Tạp chí Cửa Việt của ông Tường đóng Tòa soạn tại thành cổ Quảng Trị, mà như ông nói: “Để được nghe những linh hồn phiêu dạt kể chuyện”; làm báo, ông dấn thân đến tận cùng trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội và của thời cuộc.

Là nhà thơ ông Tường có những bài thơ, câu thơ ma mị giàu triết lý nhân sinh về cuộc sống, về tình yêu, về những số phận của con người. Là nhà văn ông có những tác phẩm tiêu biểu giàu sự sáng tạo của thể ký. Bút ký văn hóa của ông giàu triết lý hiện sinh, phảng phất tư tưởng bác học nhưng lại màu mỡ phù sa đậm chất sử thi; như Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoa trái quanh tôi, Ngọn núi ảo ảnh, Sử thi buồn…

Với tôi, ông Tường là một trong ba nhà văn viết bút ký hay nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu bút ký Nguyễn Tuân là ngôn ngữ văn hóa chơi chữ sang trọng, thì bút ký của Vũ Bằng là ngôn ngữ văn hóa dân gian giàu nhạc điệu; thứ đến bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là ngôn ngữ văn hóa bác học. Có thể xem, cả ba ông đã tạo nên một hình tam giác cân của văn chương về thể ký. Ông Tường thường nói, viết bút ký là viết về sự thật, sự thật đến tám mươi phần trăm nhưng là sự thật được văn chương chuyển tải một cách nhuần nhụy nên đọc mà cứ tưởng là hư cấu; bút ký văn hóa là thể loại không có nhân vật nhưng lại có con người, vì nó có đời sống hiện hữu của con người, tất cả bóng dáng diện mạo ấy do con người tạc nên được gộp chung vào thể loại bút ký văn hóa.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chụp năm 1995


Ông là nhà văn tài năng, nhất là viết bút ký văn hóa. Luận về nghiệp cầm bút, đã có lần ông nói với tôi bằng một giọng bình thản rằng: Dù nhà văn tài năng thì đôi khi (và nhiều khi) nhà văn ấy vẫn có bài viết dở (rất dở là đằng khác mà người ta vẫn đăng là vì cái tên nhà văn!). Mình không thích người ta tổng kết cuộc đời cầm bút bằng các tuyển tập, mình ưa đứa con toàn tập trọn vẹn để có lúc phải ngẫm nghiệm lại để thấy rõ hơn đứa con “dị tật” của mình cũng chỉ vậy mà thôi. Thảo nào lúc sinh thời tôi không nghe ông nói về văn của mình, mà ông chỉ lẳng lặng đón nhận những dư âm từ bạn đọc vọng về. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là như thế.

Sau khi rời nhiệm sở ở Quảng Trị để hồi hưu, ông trở về Huế an nhiên tự tại với cuộc sống gia đình “hàn nho” trong một căn hộ rộng vài chục thước vuông ở gác hai nhà chung cư đầy ắp dấu ấn kỷ niệm văn hóa với nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn, với bạn bè văn nghệ cả nước ở đường Nguyễn Trường Tộ dưới bóng những cây long não lâu niên nằm cạnh con sông An Cựu “nắng đục mưa trong” của thành phố Huế. Mà anh thường giới thiệu với bạn bè rằng: “Nhà tôi ở phố Đạm Tiên/ Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu”.

Về Huế, lúc này ông chuyên viết báo và viết nhiều bài báo ngắn bàn đủ chuyện văn hóa, văn chương, chính trị, tôn giáo, môi trường và nếp sống của người Huế in trên báo Thanh niên, báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam… để có tiền “trầu thuốc” và đỡ đần vợ con. Mỗi bài ông viết chừng năm trăm đến gần ngàn chữ, vừa như tản văn, vừa như bình luận, lại có hơi hướng triết luận, lấy xưa nói nay, sâu sắc mà rất dễ cảm làm cho nhiều người đọc thích thú. Ông gọi chung thể loại này là “nhàn đàm”. Về Huế, ngoài việc chuyên cần viết báo, viết văn, làm thơ, ông còn được người ta mời đi dạy học, đúng cái nghề ông được đào tạo năm xưa, nhưng kiến thức truyền đạt là môn Văn hóa Huế do ông tự soạn.

Cuối năm 1995, ông Tường được Hòa thượng Thích Thiện Siêu và thầy Thích Đức Thanh mời  dạy  môn  Văn  hóa  Huế  cho trường Trung cấp Phật học, Huế. Ông dạy được chừng hơn một năm. Một hôm, nhân buổi trà luận về chuyện “Đại học chi đạo”, ông Tường nói vui: “Mình là thầy đứng lớp dạy học trò ở trường Phật học. Ở dưới học trò toàn sư thầy, sư cô. Thầy dạy cứ dạy nhưng không biết ai là thầy của ai.”

Im lặng một lúc rồi ông nói tiếp: “Khi đứng trên bục giảng mình là thầy, dưới lớp là trò. Nhưng khi hết giờ, ra khỏi lớp, mình phải gọi những học trò ấy là “thầy” là “cô”. Rồi ông cười hồn nhiên”…

Từ trái qua: Cô Hoàng Dạ Thi (con gái thứ hai của ông Tường), nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà báo Dương Phước Thu và nhà văn Hoàng  Phủ  Ngọc  Tường  nhân  dịp  ông  được  Đảng,  Nhà  nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; lễ trao tặng được tổ chức tại phòng bệnh đặc biệt của Bệnh viện Trung ương Huế - năm 1998.


Gần ông Tường nhiều chục năm, tôi nhận ra một điều làm ông luôn trăn trở suốt cả đời cầm bút là văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Huế. Không chỉ trăn trở trong suy nghĩ mà bằng hành động của một nhà văn hóa thông qua các bài viết, buổi nói chuyện, hay đi dạy học. Ông mong muốn có nhiều người cùng chung tay xây dựng nên một chuyên ngành về Văn hóa Huế để dạy ở các trường Đại học Việt Nam. Chính vì thế mà khi nghỉ công tác, ông đã nhận lời mời vào dạy môn Văn hóa Huế tại trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Giáo trình do ông soạn, dạy đến đâu Hội đồng nhà trường sẽ tổ chức nghiệm thu, sửa chữa đến đó để có một giáo trình hoàn chỉnh sau bốn năm trình Bộ Giáo dục. Nhưng rất tiếc, mọi việc còn dang dở thì ông bị tai biến nặng vào rạng ngày 16 tháng 6 năm 1998, tại khách sạn Faifo, Đà Nẵng, nơi ông được người ta bố trí ở lúc vào dạy tại Đại học Duy Tân.

Từ đó đến ngày 23 tháng 7 năm 2023, mặc dù thời gian bệnh tật kéo dài, di chuyển nhiều nơi trong nước để chữa trị, nhờ vợ và con gái, nhờ bạn bè và các thầy thuốc, nhờ sự chia sẻ và ủng hộ của những bạn đọc yêu mến văn chương, báo chí, với nghị lực phi thường vượt lên số phận chống chọi bệnh tật và ý chí kiên cường của con người mà ông vẫn viết văn, viết báo, làm thơ bằng cách đọc cho người khác ghi giúp và đã cho ra gần chục cuốn sách, dù giọng nói khó nghe nhưng ông vẫn say sưa nói về văn hóa, về tính cách con người ở mỗi vùng miền mỗi khi gặp bạn bè, vẫn trăn trở sâu nặng về văn hóa Huế… Ông có hẳn một công trình về Huế di tích và con người.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người yêu nước chân chính từ trong trang viết ra ngoài cuộc đời. Từ năm 1960 ông đã tham gia trong phong trào yêu nước xuống đường đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm của sinh viên học sinh Huế mà ông là một trong những ngọn cờ tiêu biểu của phong trào ấy, rồi sớm từ bỏ thành phố xa hoa để lên chiến khu tham gia kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Tuy ở chiến khu nhưng ông không biết bắn súng, ông chiến đấu bằng sức mạnh của ngòi bút, bằng thi ca. Ông nói rằng mình đi kháng chiến không biết bắn súng thì làm báo và cùi cõng vậy. Dù sức mình yếu nhưng cùi cõng thêm vài chục cân lương thực cũng là nhiệm vụ quan trọng để phục vụ kháng chiến, là chiến sĩ giải phóng quân hẳn hoi.

Tết Mậu Thân năm 1968, sau đêm Tổng tiến công và nổi dậy của đồng bào Huế, quân và dân Huế đã làm chủ thành phố suốt 26 ngày đêm, từ chiến khu “giáo sư”, nhà báo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được lệnh trở về thành phố Huế thân yêu sau mấy năm xa cách, nhưng khi vừa hành quân đến chân núi Kim Phụng, chỉ còn cách trung tâm Huế chừng 15 cây số thì có lệnh dừng lại. Ông có nhiệm vụ cùng với một số cán bộ mặt trận chuẩn bị chu đáo để đón Hòa thượng Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi (bà Tùng Chi) và nhiều nhân sĩ trí thức khác từ Huế lên chiến khu A Lưới tham gia kháng chiến. Lúc này ông ước ao được đi giữa lòng thành phố Huế giải phóng nhưng vì nhiệm vụ cách mạng nên ông phải dừng lại, đứng từ ngọn núi chủ Kim Phụng phía tây thành phố hướng về thành Huế - nơi gia đình bà con ông đang sinh sống và ngôi Trường Quốc Học thân yêu mà ông từng có nhiều năm đứng lớp, rồi cùng đoàn cán bộ dân chính và nhân sĩ quay lên chiến khu.

Cuối năm 1972, một nửa tỉnh Quảng Trị giải phóng, nhiều tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng được thành lập, dù lúc này ông chưa phải là đảng viên, ông Tường vẫn được cử làm Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị (hai Phó ty là ông Lê Văn An và nhà thơ Lương An, đầu năm 1976 tất cả đều vào Huế công tác). Giai đoạn từ cuối năm 1972 đến cuối 1975 thường có nhiều đoàn khách quốc tế đến vùng giải phóng Quảng Trị, thi thoảng ông Tường được phân công đi đón tiếp, nhiều lúc làm cả chân phiên dịch cho lãnh đạo tỉnh và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông không nề hà công việc của một người kéo lá cờ Mặt trận Giải phóng lên cột cờ ở bờ Nam sông Hiền Lương, báo hiệu ngày thống nhất đất nước sắp tới gần. Là người lính cầm bút, nhiều năm hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật, ông tự hào được làm và làm tốt từ những công việc nhỏ nhất của cách mạng giao.

Ông yêu chuộng hòa bình theo cách của một nhà văn, nhà văn hóa. Những năm sống ở Huế ông ghét đến mức phẫn nộ đối với những kẻ vác súng đi bắn chim ở thành phố, đặc biệt là khu vực nội thành. Ông nói, nghe tiếng chim hót ta cảm thấy trong lòng bình yên, một cuộc sống giàu thi vị. Tiếng chim hót dưới vòm cây của một thành phố xanh làm cho cuộc đời này thêm ý nghĩa đáng sống, sự bình yên của một thành phố văn hóa.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà báo Dương Phước Thu trong một lần ra thắp hương tại nơi an nghỉ của cụ nội tổ Hoàng Phủ ở làng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị.


Những năm sống ở Huế, dù bận công việc ông vẫn tranh thủ năm đôi lần về quê nội làng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị, lội ra cánh đồng bái lạy tổ tiên; rồi đến thắp hương ở Nghĩa Trũng đàn nằm cạnh Thành cổ Quảng Trị - Nghĩa Trũng này được xem như là nghĩa trang “quốc gia” đầu tiên trên đất Quảng Trị do một vị quan người họ Hoàng Hữu lập nên để chôn cất di cốt và thờ tự những người lính chết trận ở Gò Đống Đa, Hà Nội thời Tây Sơn chống quân nhà Thanh xâm lược. Có nhiều lần tôi đã đi cùng ông về nơi tổ tiên ông yên nghỉ để dâng hương. Tôi đã tiếp nhận từ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều bài học quý về nhận diện lịch sử qua từng bước chân rong ruổi mọi miền đất nước và nghiệp văn nghề báo trong đó có thi pháp viết bút ký văn hóa nói chung.

Những đóng góp của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho đất nước trên tất cả là vì con người, vì văn hóa Huế, vì các thế hệ tiền nhân vượt Hoành Sơn mở cõi. Tôi kính trọng gọi ông bằng danh xưng Nhà văn hóa Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 và nhiều giải thưởng văn học cao quý khác…

Sau đêm bị tai biến ở Đà Nẵng, suốt 25 năm ngồi xe lăn để chữa trị, chống chọi với bệnh tật, mặc dù được gia đình vợ con, bạn bè, thầy thuốc và những người yêu mến văn chương giúp đỡ, cầu nguyện cho ông được bình an, nhưng vì bệnh tình quá nặng, tuổi cao, sức yếu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thõng áo ra đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 88 tuổi ta, tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo di nguyện của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, ngày 30 tháng 7 năm 2023, tro cốt của hai vợ chồng đã được con cháu và người thân đưa từ Thành phố Hồ Chí Minh về Huế. Sau gần hai ngày đêm quàn tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế để các cơ quan đoàn thể, bà con quê hương, bạn bè bằng hữu, học trò và những người yêu mến văn chương thi phú của cả hai nghệ sĩ… đến viếng lần cuối. Sáng ngày 1 tháng 8 năm 2023, lễ tiễn đưa hương linh hai nghệ sĩ về an nghỉ trong miền thiền khí của vùng núi Ngự sông Hương tại Nghĩa trang nhân dân thuộc phường Hương Hồ phía Bắc thành phố Huế.

Thắp nén hương trầm thơm ngát, tôi cúi đầu đảnh lễ, cầu nguyện cho hương linh nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ phước đức phù trợ sớm được siêu độ về cõi Niết bàn.

D.P.T
(TCSH415/09-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tính cách Huế (11/09/2023)