Tôi đã trải qua tâm trạng lo âu, sợ hãi cho người thân ở ngoài nớ khi nhớ lại eo Hoà Duân - Thuận An, dải cát mỏng manh ven biển bị nước cuốn trôi ra biển, cửa biển bị xé toang và thảm hoạ đã ập đến.
Ngày đó, cách đây 10 năm, chính xác là tháng 11 năm 1999, chúng tôi là những người đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh đã dõi theo tình hình lũ lụt từng ngày, từng đêm và đã tổ chức kịp thời nhiều chuyến đi cứu trợ quê hương. Làm thế nào để ghi lại thật trung thực và đầy đủ thành những tư liệu sống động về trận lũ lụt thế kỷ này như một lời nhắc nhở? Nhưng không phải chỉ có chúng tôi mới nghĩ ra như vậy. Giữa mênh mông nước lũ của đầm Chuồn, nhà thơ Võ Quê đã gọi điện thoại vào, nói cùng ý nghĩ đang ấp ủ của chúng tôi. Và thế là tập sách “Thương lắm Huế ơi!” được góp sức hình thành. Chuyện bếp núc của cánh làm văn, làm báo đã diễn ra khẩn trương và khá thuận lợi. Để góp sức làm “tập tư liệu” về trận lũ lụt thế kỷ này, NXB Trẻ và Nhà máy in Quân Đội Nhân Dân 2 tại TP.HCM cùng một số đồng hương hảo tâm đã hỗ trợ để xuất bản “Thương lắm Huế ơi!” vào tháng 12-1999.
Tập sách không chỉ có những con chữ trăn trở và những tấm ảnh trung thực, sống động mà còn có những tấm lòng “nhường cơm xẻ áo” của cả nước. Sách mở ra toàn cảnh tang tóc, mất mát, chia lìa, chết chóc… nhưng vẫn còn đầy ắp thương yêu, san sẻ và hy vọng. Người viết bài và chụp ảnh minh hoạ thì hết lòng với quê hương. Gần như các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh của tỉnh nhà đều “ra trận” với thiên tai này. Các nhà văn, nhà báo đồng hương ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác đều góp sức, trải lòng trên những trang viết đầy trách nhiệm. Các phóng viên báo Tuổi Trẻ, báo Thừa Thiên Huế đã có những phóng sự phản ánh kịp thời và có chất lượng. Trong tay tôi - người bếp núc, biên tập của tập sách này thì nội dung đã quá đầy đặn. Các tác giả tại quê nhà đã tham gia khá đông đảo. Những nhà văn tên tuổi rất gần gũi với người đọc cả nước.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết: “…Tôi biết kể lể cũng như văn chương chữ nghĩa lúc này không làm người dân quê tôi được no bụng… Nhưng tôi vẫn kể lể dù tôi chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ thảm cảnh của một vùng đất sau lũ. (Huế - sau bốn ngày chìm ngập trong cơn lũ thế kỷ). Anh còn phản ánh tiếp về “Sự tích mới ở eo Hoà Duân”. Cùng một tâm trạng và trách nhiệm của người cầm bút trước cơn lũ thế kỷ này, những bút ký, phóng sự, kể chuyện, phỏng vấn, sáng tác… của các tác giả đã góp vào bức tranh lũ lụt nhiều nét khắc hoạ mạnh mẽ, chân thật, khách quan, sống động và lôi cuốn, như “Nước đổ về phá Tam Giang”của Văn Cầm Hải, “Cố đô chìm trong trong cơn lũ thế kỷ” của Hồ Vĩnh, “Tấm lòng của người xa Huế” của Võ Quê, “Di tích Huế sau trận lũ lụt thế kỷ” của Trần Đức Anh Sơn, “Những đứa trẻ mồ côi sau cơn lũ” của Hữu Thu, “Cứu người trong lũ” của Minh Tự-Hương Trà, “Khúc bi ai cho vùng quê bên chân sóng” của Nguyên Hương, “Một góc xứ Huế bây giờ” của Lê Vĩnh Thái, “Hối hả màu áo blu” của Võ Mạnh Lập, “Cực lòng chi rứa Huế ơi!” của Đoàn Thương Hải… Với trái tim mẫn cảm, nhiều nhà thơ, tác giả đã in dấu cảm xúc, chia sẻ, trăn trở đầy trách nhiệm trước cộng đồng, quê hương.
Thơ của Võ Quê, Trần Hữu Lục, Văn Hữu Tứ, Hồ Đắc Thiếu Anh, Vĩnh Nguyên, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thái Dương, Cao Quảng Văn, Ngàn Thương, Nguyễn Văn Phương cũng “vào trận”; như văn… độc đáo là bút ký thơ “Huế - Tin khẩn cấp” của Nguyễn Quang Hà: “… 75 năm Huế chưa có trận lụt nào to như thế/ Thêm một lần Huế nhận ra rằng/Huế không phải là một nước Huế/ Địa danh này không phải của riêng ai/ Mãi mãi Huế là của nước non này/ Huế là đứa con trong bầy con đông đúc/ Của người Mẹ hiền tên gọi Việt Nam”. Phóng sự ảnh của Đào Hoa Nữ, Minh Tự, Hoàng Hải, Hồ Vĩnh… thật lay động. Dưới góc nhìn nghệ thuật, nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ đã “chộp”, đã “săn tìm” những bức ảnh độc đáo, chân thật và cảm động. Đấy là các bức ảnh chụp tại cửa biển mới Thuận An, Người sống sót sau vụ vỡ cửa biển Hoà Duân, cảnh tang thương của làng xóm, Đoàn cứu trợ của đồng hương dùng thuyền chở hàng cứu trợ đến các vùng bị lũ lụt nặng, Cố đô Huế chìm trong lũ, làm sạch thành phố…
Lật những trang sách cũ cách đây 10 năm, tôi thử so sánh hai trận lũ lụt 1999 và 2009, càng thêm bàng hoàng, khủng khiếp và hết sức lo lắng. Lũ năm 1999 tại TP Huế có 62 người chết và 1209 nhà cửa bị tàn phá, sụp đổ, bị trôi, tổn thất về công trình đô thị, hệ thống chiếu sáng… lên đến hàng tỷ đồng, đường sá, cầu cống thiệt hại 26 tỷ đồng, ngành giáo dục tổn thất trên 5 tỷ đồng, thiệt hại về sản xuất công nghiệp trên 15 tỷ đồng,về nông nghiệp, thuỷ lợi, chăn nuôi đến 28 tỷ 600 triệu đồng… Cơn bão số 9 năm 2009 đã gây thiệt hại cho tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến ngày 1-10 là 343 tỷ đồng, trong đó có nhà ở, trường học, trạm xá, giao thông, thuỷ lợi, công nghiệp, cây xanh đô thị…
10 năm xảy ra một trận lũ lụt thế kỷ. Người đồng hương xa xứ buồn lo và chia sẻ, tiếp tục hành trình cứu giúp bà con, quê hương. Câu thơ tôi viết 10 năm rồi như bừng thức, cồn cào và đau đáu nhớ quê: “...Thư em viết trong mưa/ Trời hành thêm cơn lụt/ Lúa xanh chìm biển bạc/ Quê nhà lũ trong mưa/ Cồn dương liễu xác xơ/ Tang thương nào đong được/ Mất rồi vườn khế ngọt/ Nỗi đau này, riêng ai?” (Thư nhà). Quê hương đang chìm nổi trong sóng nước, mưa bão. Những tư liệu cũ vẫn còn đó, cay nghiệt và gợi nhớ nỗi đau thế kỷ. Quê tôi còn đau buồn,mất mát chồng chất sau cơn lũ lụt thế kỷ nhưng “cứu lấy quê hương” đã thành mệnh lệnh của trái tim những người xa xứ.
(10-2009) T.H.L (249/11-09)
|