Rằm tháng tám cùng với tiếng trống lân rộn ràng đâu đây vừa qua đi lặng lẽ. Mùa trăng đẹp sau cùng trong một năm nhanh chóng tàn phai để còn lại đầy trời màu tro mây vần vũ. Sắc nắng lụa mùa thu rơi rớt, nhạt dần cho đến khi thực sự đã trở thành thứ hoài vọng mịt mờ, xa vắng.Từ đó… Những cơn mưa dài lê thê nối tiếp.“Mưa từ Thượng Tứ mưa vô. Mưa qua Thành Nội, mưa hồ Tịnh Tâm”. Gió mùa đông bắc thổi, và ngoài kia - Thái Bình Dương - tâm bão chực chờ... Lác đác từng đàn cò trắng xuôi về Nam tìm hơi ấm chân mây. Bầu trời mãi thấp xuống, gần với những mái lầu âm dương, long phụng.
Ấn tượng của một Huế an lành, hiền dịu đổi khác đi từng ngày tưởng chừng xa lạ hẳn với một dáng Huế hôm nào phượng hồng, mây trắng.Mưa xuyên đêm. Mưa thức giấc từ sáng với con người. Mưa theo ai khắp chốn như bạn đường đầy kiên trì, tha thiết. Mưa cho đến cuối hoàng hôn, khi cánh cổng khép lại mỗi một ngày u uẩn. Mưa ngày, đêm ròng rã. “Hành khúc Huế” đi vào tận từng mảng rêu xanh ướt sũng. Thành quách xưa nhỏ giọt đìu hiu...
Cửa Hiển Nhơn bên hông trái Đại Nội và con đường Đoàn Thị Điểm xa xưa... “Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau”. Trịnh Công Sơn, đứa con kiệt xuất làm sao quên hình ảnh kia trong những nốt nhạc giao mùa. Mưa muôn nơi trong ca từ nhạc Trịnh, như thể mưa mang hồn vía không nguôi của đất trời xứ Huế. Bao mỹ từ ước lệ, vinh danh chợt trở nên sáo rỗng trước một tâm hồn đẫm đầy chất Huế chính tông. Vâng, vượt qua “hình - nhi - hạ” tự bao giờ, nhạc Trịnh thấu đắc “hình - nhi - thượng” trong minh triết phương đông. Thứ minh triết ẩn vào trong, chuyên lắng nghe, chiêm nghiệm từng tiếng vọng của linh hồn sâu thẳm...
Trong mưa, Huế như một bức ảnh phai màu. Mọi bóng dáng ẩn khuất, co ro sau màn mưa thầm thì, bất tận. Tất cả cơ hồ chờ tan chảy thành ngấn nước mênh mông. Câu ru hò xứ Huế, vì sao? “Tháng mười mưa ướt tàu cau/ Trên nguồn nước đổ đi mau mà về”. Lời mẹ dặn vẫn còn đây. Người mẹ Huế một đời lầm lũi trong mưa, mãi đến khi khói rạ rơm không còn vương lên vách bếp ngày xưa...
“Thủy hoả phong lôi”. Huế, từ lâu sống chung với bão bùng và triền miên lũ lụt. Hai trong bốn đại hoạ kinh hoàng ấy đã khảm khắc quá nhiều vết hằn đau thương vào lòng Cố đô yêu dấu...
Không chỉ ca ngợi Huế - để làm duyên - như phần lớn quý khách du lịch ghé qua vui chơi thư giãn, vẫn còn có những người Tây phương thích khám phá, quần short áo mưa dơi dầm mình ngược xuôi trong con nước dâng trào. Họ không ngồi yên trong khách sạn tiện nghi hoặc chỉ biết đến những nơi an toàn, thanh lịch...
Hồng thủy kinh hoàng năm 99. Khi nước đã rút xuống rất nhiều dù vẫn còn xập xõa, mênh mông trước cổng trường Quốc Học. Người ta cố gắng vớt lên nhiều thi thể trôi sông. Một người đàn ông gầy ốm còn cõng trên vai đứa con chừng 5 tuổi. Đến chết, đôi tay thằng bé còn quặp cứng lấy cổ cha không tách rời ra được. Thôi thế, người ta bỏ hai thi thể kỳ dị vào cùng một cỗ quan tài chật cứng. Hai khuôn mặt bất hạnh sát vào nhau trong nụ hôn vĩnh cửu... “Để cha, con không còn sợ lạc nhau trong thế giới bên kia”. Hai vợ chồng người Anh vịn vào nhau trong nước lụt. Họ bưng mặt và run rẩy đôi vai… Nước mắt hai con người xa lạ ấy ứa ra.Tôi đã không kìm giữ nổi khi chính người Anh kia bước tới gần hơn, cố gắng gửi một nụ hôn gió tới thằng bé trước khi tấm thiên đậy nắp... “Phớt tỉnh Ăng lê”? Lắm khi kiến thức qua sách vở, còn lưu dấu trong ta cũng phải cũ đi để cho thêm cơ hội nhận dạng một tâm hồn. “Hình ảnh biết nói” ấy không nhiều nhưng quả đã khiến người Huế bâng khuâng... lòng tự hỏi lòng.
Nơi đây, người đôi ba chục năm đến ngụ cư lập nghiệp vẫn không thể nào tận tuỵ hiểu “những nỗi lòng xứ Huế”. Những nỗi lòng không mong gì nói, viết nên lời hoặc có thể tìm ra trong thi văn, chương cú. Chỉ con người Huế truyền thống, đã qua nhiều thế hệ nối nhau mới thấm cảm đầy đủ mức nông sâu của tất cả những gì chưa thố lộ…
Vâng, người Huế ít nói đã hẳn. Còn hơn thế, đấy lại là những nỗi lòng sâu kín nhất. Có ai cần nghe lại, nhắc lại mãi những niềm đau đã vĩnh viễn không bao giờ thôi thổn thức trong tâm?
Ba tháng mùa nước nổi dài lê thê bất tận. Có biết bao nhiêu lần ngồi chong đèn canh con nước xuống lên. Không thể nào nhớ hết. Rất nhiều năm... Lũ lụt cứ chồng lên lũ lụt. Ánh điện không còn, tất cả chìm sâu trong bóng đêm khi con nước đã lên bờ. Thật khuya khoắt trong tiếng mưa rơi ướt sũng, một đôi tiếng vạc ngang trời quang quác, lạnh tanh.Thành Nội âm u như hải đảo rêu phong dầm mình trong nước bạc...
Nước tuôn qua mấy cửa cuồn cuộn, đập xoáy vào thành xưa ồ ạt lạ lùng như tiếng rống loài thú nào lồng lộn. Sông Hương không còn thấy bến bờ... Mọi tiếng động còn lại trầm tích, hút heo như một thành phố hoang cư không người ở. Gió giật từng hồi, lật xô đầy cuồng nộ trên những mái nhà đang co mình cầu nguyện... Nước nguồn về, đổ mạnh.
Lũ lụt ở Huế khác xa lũ lụt miền đồng bằng sông Cửu Long Nam Bộ. Nơi lúa thóc thêm tốt tươi sau mỗi lần tưới tắm. Phù sa đã làm đầy lên sự sống, đặc ân ban cho con người vô tư quen vui trên sông rạch được mùa... Có chăng, Huế với rẻo cồn bãi neo bên bờ thôn Vỹ cho ta những chén chè bắp “ngậm nghe”. Ai biết vị thanh, non từ vườn bắp xanh um kia đã đánh đổi biết bao lần lũ lụt đi qua..? Thứ hương vị dường như được linh cảm sâu xa trong câu thơ Hàn Mặc Tử “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”…
Trong “Trăm năm cô đơn” danh tác Gabriel Garcia Marquez, trận lụt dài ba năm sáu tháng mười hai ngày làm đổi thay tất cả… Mệnh vận của con người như một ám ảnh vĩnh viễn trước siêu nhiên huyền bí? Ở hai đầu của khoảng - chận - trăm - năm là tiếng cười ngạo nghễ của thời - gian - bịt - mặt… Bão lụt Huế, như một phần mệnh vận của con người nơi đây. “Bão bùng cành ngọn xơ rơ/ Chim không nơi đậu vật vờ khá thương”. Hoặc “Ngồi nhìn con nước xuống lên/ Mùa đông tháng giá lòng phiền, dạ lo”. Vâng, để rồi “Rút rơm lót chỗ mẹ nằm/ Đợi khi nước xuống sinh phần*, con lo”…
Từ đó, trong sâu thẳm của “mộng và mơ” - ngoài ngữ nghĩa thi ca - còn thực nghĩa của những giấc mộng cuộc đời. Giấc mộng không để làm thơ hoặc đơn giản, chỉ viết lên trên từng trang giấy mong manh…
T.H.T (249/11-09)
------------ (*) Sinh phần: Chỗ đất un sẵn, dành cho cha mẹ già lúc xế bóng chiều hôm…
|