Giá sách Sông Hương
Chuyên đề LỤT
Những đoản khúc từ đỉnh lũ
11:29 | 02/11/2009
HỒ ĐĂNG THANH NGỌCÁC MỘNG
Những đoản khúc từ đỉnh lũ
Nước dâng ngập mái nhà

“Tôi đang bơi trên dòng sông xanh quê nhà. Bỗng nhiên một tiếng nổ long trời từ thượng nguồn và ngay lập tức, nước ở phía đó dâng lên cao, dựng đứng như một binding cao tầng đang sập xuống sau thảm hoạ động đất, cả khối nước khổng lồ ấy đổ ập xuống về phía hạ lưu, nơi tôi vừa cảm nhận sự bình yên thấm vào người qua làn da đang được vuốt ve bởi dòng nước mát. Nước lập tức đổi màu thành dòng lũ đục ngầu và cuộn xiết. Cơn thịnh nộ của thần linh thật khủng khiếp và bất ngờ. Những khúc củi rìu không còn vướng bận gì lừng lững trôi về lao thẳng vào tôi đau điếng, cuốn tôi theo dòng lũ nhanh như tên bắn, chẳng mấy chốc đã trôi về cuối làng, nơi có rặng tre thân thương lúc ấy đang nhìn tôi nói lời vĩnh biệt. Tôi hoảng hốt bơi ngay vào bờ, nhưng việc đó quả là khó khăn khi rìu đang trôi về từng đám lớn không dễ gì vượt qua. Tôi vừa vượt qua đám rìu này thì ngay lập tức xuất hiện đám rìu khác, chúng thay nhau thúc vào người tôi, lùa tôi đi, níu tóc, níu tay níu chân tôi khiến tôi lóp ngóp giữa dòng lũ cuốn. Tôi bắt đầu mệt và có cảm giác đuối thì bỗng nhiên bị một đám xoáy hút vào và đẩy tôi xuống đáy sông. Tôi quờ quạng cố vượt lên để thở và cảm giác rất rõ mình vừa chạm một cái đuôi con trâu hay con bò gì đó. Tôi cố níu lấy cái đuôi con vật để sống nhưng không được. Rồi tôi cũng níu được cái đuôi ấy nhưng cũng không ngoai lên nổi. Đám xoáy đã hút cả tôi và con vật xuống rất sâu, tôi ngạt thở dữ dội và bắt đầu uống nước. Tôi uống nước rất nhiều và có lúc tôi sặc sụa vì ngậm phải đám lông của một con gà đã chết trương sình. Uống nước căng bụng nhưng cũng không đủ ô xy, tôi cảm nhận cái chết cận kề và cố vùng vẫy thật mạnh cố thoát khỏi nó...

Đúng lúc đó tôi tỉnh dậy, người ướt đẫm và mừng rỡ vô cùng vì thấy mình còn sống, đang thở dưới bầu trời đen kịt. Tôi trở về thì hiện tại rất nhanh và nhớ ra mình đang nằm sốt mê mệt trên mái nhà giữa cơn đại hồng thủy đang diễn ra. Ngay từ nửa đêm, chồng tôi đã dỡ mái ngói đưa vợ con lên trần nhà vì nước đã dâng lên đến cái tra làm bằng cái nốn lớn gác trên xà nhà. Chúng tôi còn trẻ và chỉ mới có một đứa con gái ba tuổi. Đã ba ngày qua chúng tôi không có gì ăn, con bé khóc ngất và xỉu đi tỉnh lại nhiều lần vì đói. Mới đêm trước, nó đi học về và hát vang nhà bài “Ba thương con vì con giống mẹ” khiến tôi vừa vui song cũng gắt gỏng với nó vì hát ồn ào quá. Còn bây giờ nó nằm co ro như một con mèo rách rưới tội nghiệp. Tôi thì sốt nằm mê man. Chồng tôi cũng không hơn gì. Anh còn trẻ, khoẻ nhưng phải vật lộn nhiều với cơn lũ suốt mấy ngày qua nên đã xuống sức. Chắc giờ anh cũng ngủ mê mệt. Tôi quờ tay sang bên cạnh tìm chồng nhưng không gặp, tôi ngồi bật dậy, linh cảm chuyện chẳng lành quả nhiên hiện thực. Chồng và con tôi không còn ở trên mái nhà nữa, chỉ còn tôi một mình. Tôi thét lên, chồng ơi, con ơi... Tôi gào đến rách cả họng nhưng xung quanh vẫn im lặng như tờ. Tôi nhận ra mái nhà tôi nằm đang trôi đi giữa dòng và cảm thấy một cơn lạnh sống lưng chạy ngược từ dưới lên như một lưỡi dao sắc lẹm. Chồng con tôi đâu? Họ đã bị nước cuốn hay chẳng lẽ họ đã bỏ tôi đi vì tôi đau ốm nằm sốt li bì giữa cơn nước dữ? Tôi khóc rống lên và tỉnh lại thêm lần nữa vì quá tuyệt vọng.

Té ra đó lại là một cơn ác mộng khiến người tôi toát đẫm mồ hôi lạnh. Chồng và con đang mỉm cười với tôi từ bức ảnh trên bàn thờ. Tôi đã nhận lại xác của họ trong số hàng trăm người chết đuối được vớt lên đặt tại bia Quốc Học. Tôi nghĩ mình đã khóc hết nước mắt từ hôm đó. Và giấc mơ khủng khiếp này cứ tái đi diễn lại đã mười năm qua, kể từ khi cơn đại hồng thuỷ khốn nạn 1999 ập đến...”

Đó chỉ là một trong những giấc mơ khủng khiếp của những người còn sống sót qua đại hồng thủy. Những giấc mơ khủng khiếp này chồng lên những giấc mơ khủng khiếp khác, đan vào nhau, nhoè mờ trong nhau, nhưng lại rõ ràng một cách kỳ lạ, cũng dễ hiểu thôi bởi những cơn ác mộng ấy là có thật...


TRÊN DÒNG SÔNG CHẾT

“Nếu ai không tin có đại hồng thuỷ trên cuộc đời này, xin hãy đến đây!”. Tôi đã viết như thế ngay sau khi đại hồng thuỷ 11.1999 vừa tràn qua Huế trong bút ký “Trên dòng sông chết”. Ám ảnh tôi đến tận bây giờ là cú sốc lạnh sống lưng khi thuyền cứu trợ từ Ngã Ba Sình ngược vào vùng hạ lưu sông Bồ lên phía thượng nguồn. Sau một tuần chìm trong lũ, cả một vùng châu thổ vẫn còn ngập trắng nước. Đập vào mắt đầu tiên là hàng ngàn xác xúc vật lững thững trôi như một bãi tha ma di động. Những con trâu, con bò trương phình bám dính vào nhau như những trái núi nhỏ. Những con heo, con chó, to như những con voi. Những con mèo, con chuột trương phình như những con lợn... Chúng cứ trương nở gấp bốn gấp năm lần như thể để bố cáo cho thiên hạ biết rằng cái chết đang thống trị, đang tồn tại, đang trương phình, đang chảy, đang cho con người biết rằng thảm họa đang hiện hữu như thế đấy, đang trôi qua trước mắt chúng tôi thành đàn thành lũ. Và chỉ cần một cơn gió thoảng nhẹ, lập tức mùi thối rữa lợm họng bốc lên, xộc vào tận cuống phổi khiến chúng tôi nôn oẹ. Một số người đã phải ngồi bệt xuống vì chóng mặt khi phải chứng kiến những cảnh tượng và cái mùi cực sốc ấy. Cả một vùng tử khí chết chóc bao trùm kia lại im lặng một cách đáng sợ. Không có nổi một tiếng gà gáy báo hiệu sự sống. Còn mơ gì được tiếng gà khi ngay trước mũi thuyền, những xác gà chết cũng đang trôi, con nào con nấy mồng mào tái ngắt đến đen xỉn. Những con gà con vịt như chực rữa ra trôi vật vờ, con chổng chân, con chổng đít, con nằm nghiêng trôi, con chúc đầu trôi, con ngửa bụng to bứ xự trôi mang theo những đám lông chết rã toe, dặt dẹo... Một hình ảnh báo hiệu sự sống đang tồn tại duy nhất là xa xa, đang có những chiếc ghe nhỏ đi lại mà theo vị chủ thuyền từng trải, những chiếc ghe ấy lại đang đi tìm xác người thân bị lũ cuốn...

Chúng tôi đã đi như thế cho đến khi nghe thấy tiếng người kêu cứu bên sông. Họ đã cạn kiệt đến giọt sống cuối cùng sau tuần lễ đói khát và ướt lạnh. Có những khúc sông, những người sống sót lộ rõ bản năng sinh tồn mạnh mẽ của mình khi dành giật nhau dữ dội những thùng mì tôm do đoàn cứu trợ vừa mang đến. Một bé gái chừng mười hai tuổi không tranh dành với ai được, đã vòng tay quỳ xuống ngay giữa chiếc ghe nhỏ: -“ Xin các chú, các bác cho cháu với, cháu đói lắm!”. Nước mắt từ đâu trào ra trên mắt tôi. Gửi cho em mấy gói mì ăn liền, tôi nói rằng đây không phải là của các chú các bác trong đoàn, mà là của tấm lòng nhân dân cả nước gửi cho em. Lúc đó, tôi có cảm giác không đủ ngôn từ để nói với em nữa. Thiên nhiên tai ác thế, đổ bao nhiêu điều khốn khổ xuống dân lành sau lũy tre xanh, xuống đôi vai gầy guộc bé nhỏ và quá đỗi thật thà kia...

Nhiều người đã tự trói mình để chết trên mái nhà, với hy vọng cứu cánh duy nhất là xác không bị lũ cuốn trôi và sẽ được bà con chôn cất. Hy vọng buồn thảm đó, đau đớn thay, lại hoá thành sự thật....

Nhà thơ Trần Quang Hải lúc ấy đang công tác ở báo Nông Thôn Ngày Nay cũng đi theo đoàn cứu trợ. Nghe lụt lớn ở Huế, chiều mồng 2.11, anh liên lạc với Bộ Tư lệnh Không quân bay vào Đồng Hới trong đêm. Hôm đó Huế vẫn còn bị cô lập nên không vào ngay được. Sốt ruột, hôm sau anh vất cả tư trang hành lý tại khách sạn để theo đoàn xe lội nước của Quân đội vào cứu trợ Huế. Khuya mồng 3.11, anh là một trong những nhà báo từ bên ngoài có mặt ở Huế sớm nhất để chuyển những thông tin nóng bỏng đến bạn đọc cả nước. Hôm đó đi cứu trợ, anh xuống thuyền với cái bụng đói, vậy mà vẫn không dám ăn tô mì do chủ thuyền mời. Anh sợ dùng lạm vào khẩu phần của người dân đói rét đang cần được cứu trợ. Và anh đã kiên quyết nhịn. Mãi tới khi tối mịt về đến nhà tôi ở tạm, dưới ánh nến, gương mặt anh vẫn thất thần khi viết bản tin về những gì đã chứng kiến.

Có một điều cần phải nói, là trên dòng sông này sau đại hồng thuỷ ấy, có một dòng chảy không chết là tình người và sự hồi sinh.

NHỮNG THƯỚC PHIM VÀNG

“Sáng ngày 4.11, tôi ôm camera theo mũi cứu trợ lên phía thượng nguồn Hương Thọ. Chiếc ca nô mạnh mẽ thế mà phải đến mấy tiếng đồng hồ mới lên được Điện Hòn Chén. Nhưng vừa đến đó, đoàn một phen suýt chết khi ca nô chết máy do chân vịt bị một mảnh gỗ gắn vào chặt cứng. Một đám xoáy lớn đã xoay ca nô như chong chóng và chỉ có may mắn, ca nô mới không bị lật. Tôi kẹp chặt camera trong áo ấm, bởi chỉ cần sơ sẩy, máy sẽ bị dew không quay được, sẽ mất toi công lên được đến đây giữa dòng lũ xiết. Sự cẩn trọng là bài học quý nhất sau nhiều năm lăn lộn của tôi. Với cái máy quay được giữ gìn cẩn thận ấy, tôi lia ống kính vào hai bên bờ: Những con người nhỏ bé đứng trên các nóc nhà chới với vẫy tay. Một ông già ngồi bần thần bên xác người thân nằm vắt trên mái nhà đang được đắp bằng một tấm ni lông và cái nón. Bên trong một ngôi nhà, hai xác người chết được đắp chiếu đặt trên giường với những cái chân giường được cột chặt vào xà nhà. Những con người đã chịu đói khát ba, bốn ngày trời bất chấp nguy hiểm để tiếp cận đoàn cứu trợ. Những cánh tay đói đan vào nhau giơ về phía đoàn cứu trợ khẩn cấp và chới với... Bất chợt tôi nhận ra một người đàn ông tách khỏi đám đông tiến đến gần ca nô, vừa đi vừa ngả tay xin. Tôi đưa ống kính lên và ghi lại được hình ảnh người đàn ông vừa nhặt được gói mì cua, ông xé ra nhai ngấu nghiến cho thỏa cơn đói và ngay lập tức giơ tiếp ra xin nữa. Hình ảnh ấy của ông thể hiện rất rõ cái bản năng sinh tồn của con người trong cơn đói khát. Tôi biết mình vừa quay được những thước phim đắt giá nhất trong đời. Quả nhiên tối hôm đó, hình ảnh được kênh VTV1 truyền đi, người dẫn chương trình-nhà báo Thanh Lâm chợt sững sờ khi nhìn thấy cảnh ấy, cái nấc nghẹn của anh khiến cho người xem truyền hình cả nước bật khóc. Những hình ảnh đó sau này được truyền đi khắp thế giới, được trao Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2000. Riêng cảnh người đàn ông nhai mì ngấu nghiến đã được phóng lớn và treo tại Trung tâm Cảnh báo và Phòng chống Thiên tai Liên Hiệp Quốc...

Hình ảnh xúc động này đã được Liên Hiệp Quốc dùng để cảnh báo về thảm hoạ thiên tai


Người đàn ông được nhiều người biết đến ấy làm nghề chạy xe thồ nơi bến phà Tuần. Một thời gian sau tôi đi tìm lại thì ông đã qua đời vì bệnh tật.”

Trên đây là những dòng ký ức của đạo diễn Lê Quý Hòa, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế. Trong lúc chúng tôi tiếc là không có camera để quay những hình ảnh khủng khiếp trên dòng sông chết, thì trong sáng đó, anh đã ghi lại được những thước phim quý hơn vàng trên thượng nguồn sông Hương. Những thước phim đó đã gây xúc động lòng người mạnh mẽ và đã đi vào lịch sử lũ lụt thế giới.

CHIẾC MÕ TRONG VƯỜN PHỦ

Sau lụt chừng một tháng, vườn phủ nơi bạn tôi ở Kim Long vẫn ngập đầy phù sa trên các lối đi. Bấy giờ cụm từ côi cút giữa phù sa được nhiều người nhắc đến khi chứng kiến quá nhiều cảnh những đứa trẻ bị mồ côi cha mẹ. Anh bạn cũng có đứa cháu côi cút như vậy, đưa nó về ở trong nhà phủ xưa. Anh có vẻ trầm ngâm hơn, dáng dấp một người vừa qua biến cố lớn trong đời. Anh nói có một cái mõ hình con cá chép lớn từ đâu trôi dạt vào khu vườn phủ bên sông của anh. Cho rằng duyên Thiền định, anh đưa nó lên kệ bàn thờ và từ đó, mỗi sớm chiều thỉnh chuông mõ, thời gian bù khú với bạn bè coi như đã là dĩ vãng, giờ dành chuyên tâm đọc sách dưới tán cây im vắng. Anh cười cười bảo tôi có lý khi vào năm 1990 đã viết: “Hình như Huế là con gái”. Huế có những đức tính của nước. Một truyền thuyết nói rằng: Nước sinh ra từ đất và từ ánh bình minh màu trắng nên nước là giống cái. Victor Segalen tụng ca: “Người yêu tôi có những đức tính của nước: một nụ cười trong vắt, những cử chỉ uyển chuyển như nước chảy, tiếng hát trong trẻo cất lên những lời ca như những giọt nước nối tiếp nhau...” như thể đang tụng ca Huế vậy.

Tôi cười ngất: “- Ôi chả lẽ vì Huế là nước, là con gái, là giống cái vậy nên mùa lũ Huế trở nên hung tợn thế sao?”.

Anh cười theo rồi trở nên nghiêm túc, rằng từ trong sâu thẳm Huế là mưa. Những người thổ dân châu Mỹ gọi mưa là tinh khí của thần giông tố. Những khu rừng của các vị thần bị chặt phá nên thần nổi giận. Bão táp và lũ lụt chính là biểu tượng của thần hiện, biểu lộ toàn năng đáng sợ của Thượng đế: “Nếu cơn dông có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc thiên khải, thì lụt bão biểu hiện cơn thịnh nộ của thánh thần và đôi khi là sự trừng phạt”. Anh đọc một câu trong cuốn sách nào đó. Và tôi chợt nhớ đến những khu rừng bị đốn trụi đó đây. Những khoảnh rừng bị chất da cam lầm lỗi phát quang, những lưỡi cưa của cuộc mưu sinh tham lam đốn ngang lưng những thân cây... bày biện nên những cái chết được báo trước.

Tiếng mõ của anh là tiếng cảnh báo cho những cái cây đã tức tưởi oan ức chết. Là sự mong mỏi phục sinh xanh. Nhưng cũng chỉ vang lên lặng lẽ trong những sớm chiều nơi thềm hiên phủ vắng. Còn bao nhiêu cái cây còn sót lại trên đời, để có thể cứu vớt sự sống trên hành tinh này, đang chờ những tiếng mõ khắp nhân gian thì sao?...

Vậy nên Đại hồng thuỷ Huế 1999 cũng là một tiếng mõ cho cõi nhân gian thời cuộn xiết a còng.

Huế, 11.2009
H.Đ.T.N
(249/11-09)




 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Cùng bạn đọc! (02/11/2009)
Đi qua vùng lũ (02/11/2009)
Các bài đã đăng
Lụt Huế (02/11/2009)
Oan gia ngõ hẹp (02/11/2009)