Giá sách Sông Hương
Chuyên đề LỤT
Thầy và trò và cơn đại hồng thuỷ
11:35 | 02/11/2009
LTS: Dưới đây là một câu chuyện có thật diễn ra trong Đại hồng thuỷ Huế-1999 mà nhiều người có nghe đến. Hai thầy giáo và một bảo vệ trường đã cứu 57 em học trò nhỏ qua cơn nguy hiểm. Một trong số đó là nhà thơ Lê Vĩnh Thái, vừa mới chuyển công tác về Tạp chí Sông Hương năm 2009. Sau hành động dũng cảm ấy, thầy giáo Lê Vĩnh Thái đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Tỉnh Đoàn, Trung ương Đoàn, Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em Việt Nam, Bộ GD và ĐT, đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Anh đã giấu kín chuyện này nhiều năm, phải đến khi TCSH làm chuyên đề LỤT, điều đáng quý này mới được anh em làng văn phát hiện. Xin giới thiệu cùng bạn đọc những hồi ức của nhà thơ Lê Vĩnh Thái về những ngày đó. Câu chuyện được kể lại không màu mè, uyển ngữ, nhưng phía sau những câu chữ dung dị là những trái tim lấp lánh lòng nhân ái...
Thầy và trò và cơn đại hồng thuỷ
Nhà cửa đổ nát dọc đường Thuận An. Ảnh: Hữu Tư

LÊ VĨNH THÁI


Thầy và trò và cơn đại hồng thuỷ


“... Sáng ngày 1/11 đến ngày 5/11/1999 tại Thừa Thiên Huế đã có mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng, vùng ven biển gió mạnh cấp 7-8 và nước biển dâng cao, gây nên lũ lụt, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống thông tin hữu tuyến, giao thông, điện, nước và mọi sinh hoạt... Hầu hết các xã, phường của 6 huyện đồng bằng và thành phố Huế bị ngập trong nước, hàng vạn ngôi nhà ngập sâu từ 1,5m đến 4m; các xã thuộc 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới cũng bị ngập nặng... Tốc độ lũ quét hết sức ác liệt tạo nên một trận lũ lịch sử của thế kỷ chưa từng xảy ra trong hơn 100 năm qua, lúc cao điểm mực nước sông Hương lên 5,98m vượt mức báo động 3 là 2,98m... Trước hết, phải kể tổn thất về người. Đây là một tổn thất hết sức nặng nề đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Chúng ta vô cùng đau xót nước lũ đã cuốn đi sinh mạng của 385 người cả chết và mất tích, trong đó có 4 đồng chí bộ đội hy sinh, 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 352 cán bộ và nhân dân bị tử nạn và 20 người mất tích...” Giọng nói đầy xúc cảm của ông Ngô Yên Thi trong buổi lễ truy điệu đồng bào và đồng chí đã hy sinh và tử nạn trong cơn đại hồng thuỷ khiến tất cả những người tham dự buổi truy điệu không cầm được lòng đau xót, đến đây tất cả như vỡ oà, những giọt nước mắt đau thương chảy dài trên chiếc khăn tang của những người mất gia đình, mất tất cả người thân...

Đã 10 năm trôi qua, trong ký ức của tôi vẫn còn in mãi hình ảnh biên tập viên Thanh Lâm xuất hiện trên bản tin thời sự trên sóng VTV1. Trong tiếng nghẹn ngào của anh và sự im lặng của những giọt nước mắt chảy dài trên má của những đôi mắt đang theo dõi truyền hình. Hình ảnh một ông lão hốc hác, thất thần ở thôn Bằng Lãng, xã Thuỷ Bằng nhận gói mì tôm từ đoàn cứu trợ và nhai ngấu nghiến khi nửa người còn ngâm trong dòng nước ngầu đỏ; hình ảnh những người đang đói rét co ro trên những mái nhà; những vành khăn tang trắng trên đầu từng khuôn mặt còn thất thần hoảng loạn. Sự tang thương mất mát đầy im lặng của những người đến bia Quốc Học, những nén nhang cháy ở eo biển Hòa Duân của những người đang hy vọng tìm thấy xác người thân. Chút hy vọng mong manh là cứu cánh cuối cùng trong sâu thẳm của mỗi người. Những hình ảnh ấy cứ thay phiên tái hiện day dứt mãi trong tôi.

Tôi trở lại Hương Thọ vào một ngày đầu tháng 10/2009, một xã bán sơn địa thuộc huyện Hương Trà, vùng đất tọa lạc giữa hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch hợp lại thành sông Hương. Men theo đường Quốc lộ 49, qua từng xóm nhà nhỏ, những khu vườn còn đậm lằn rác rều bùn đất trên những gốc cổ thụ, bất chợt câu hát cứ vang mãi trong đầu tôi ca khúc “Tiếng Sông Hương” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than... Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thì thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn... ơi hò ơi hò...”. Tiếng hò ơi ấy dường như cứ dâng nghẹn lên trong hoài niệm về cơn lũ lịch sử đã tràn qua tàn phá nặng nề nơi đây. Tôi lần theo từng bậc đất dẫn xuống bến đò nơi mười năm trước đã từng ngày qua lại khúc sông đầu nguồn này. Những con người thân quen ngày xưa vẫn còn đó, anh Võ Đại Lựa, anh Võ Đại Màng, chị Dương Thị Liễu, cháu Võ Đại Đại…

Mười năm trước, trận lũ tháng 11/ 1999 đã hung hãn cuốn trôi bao xóm làng, tại đây chính những người này đã chèo đò qua dòng nước lũ để đưa nhiều người dân ở làng La Khê Trẹm lên đồi tránh lũ lụt. Cậu bé Võ Đại Đại học lớp 7 ngày ấy, đã dũng cảm cùng mẹ chèo đò chở các bạn cùng trường và bà con thôn xóm đi tránh lũ và được Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương “ Tuổi trẻ dũng cảm”. Bây giờ Đại đã trở thành một thanh niên chững chạc và nghe đâu Đại mới đi hỏi vợ được mấy hôm. Đại vẫn nối nghiệp gia đình đưa đò ngang sang sông. Gặp lại người quen, tôi mừng khôn tả, vài lời hỏi han, vài hồi ức kỷ niệm cũng khiến lòng tôi bồi hồi, xúc động. Chia tay những người dân quê chân thật hiền lành và đầy nhân ái ấy, tôi đến ngôi trường trước đây từng công tác - Trường THCS Hương Thọ. Tôi rất may mắn gặp người cùng công tác trước đây, đó là anh Lê Văn Hồng (Hùng), người bảo vệ trường đã dũng cảm xông pha để cứu mọi người giữa dòng nước cuồn cuộn ngày ấy... Ngày 1/11/ 1999.

Buổi sáng hôm ấy trời mưa nhẹ hạt, xế trưa trời bỗng hửng nắng, dòng sông vẫn hiền hòa chảy. Thế nhưng đến chiều khoảng 15 giờ nước bắt đầu dâng cao và chỉ chừng một tiếng đồng hồ sau, trời bắt đầu đổ mưa, mưa xối xả mù mịt cả đất trời, dòng sông cũng bắt đầu cuồn cuộn chuyển mình. Hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch hợp sức lại biến dòng sông Hương thành dòng lũ hung hãn đỏ ngầu nước, tàn phá và nhấn chìm bao xóm làng trong nước. Đây là lần đầu tiên tôi thấy được con nước dâng nhanh, mạnh đến vậy. Ngay nơi hợp lưu Tả Trạch và Hữu Trạch tại Ngã Ba Tuần, hai dòng này đã xô đẩy, cuộn vào nhau tạo thành những cuộn xoáy, những con sóng gầm thét. Đoán chừng sẽ xảy ra lũ lớn, mà đa số các em học sinh của trường đều ở phía bên kia sông, hai anh em giáo viên chúng tôi tự phân công nhau, anh Hoàng Thái ở lại quản lý học sinh, tôi sang sông để mướn đò lớn đưa cho các em về nhà. Con đò nhôm của chị Nhỏ sao hôm nay khó chèo đến thế. Nhồi lên xóc xuống, có khi nước tạt tràn vào chiếc đò nhôm vốn khá vững vàng bây giờ sao lại thấy nó quá nhỏ bé và mong manh trước dòng nước. Đến bờ bên kia thuộc xã Thuỷ Bằng, tôi đi hỏi nhưng chẳng có chủ đò nào dám chở, bảo nước lớn quá không thể chạy được. Đành trở lại làng La Khê Trẹm bên kia. Chị Nhỏ bảo “Thầy về đi, đừng trở lại nữa, nước lớn nguy hiểm lắm”. Không, tôi nhất định phải trở lại bằng được vì các em học sinh của tôi đang còn ở bên kia sông, nhất định tôi phải trở lại, tôi nói. Chị Nhỏ chở tôi quay lại bên kia sông trên con đò nhỏ chòng chành, nước chảy mạnh và xoáy. Hai người trên chiếc đò nhỏ giữa biển nước thật khủng khiếp. Chị chèo ngược lên phía trên cách xa bến bên kia vài chục mét nhưng đò vẫn trôi ngược. Phải mất hơn 20 phút chúng tôi mới qua được sông Tả Trạch, lúc này nước đã chảy tràn lên đường. Không kịp nhìn lại nữa, tôi chạy nhanh lên dốc để kịp đưa các em học sinh quay về lại trường để tránh lụt. Mới khoảng 5 giờ chiều mà trời đã tối sầm xuống, những cơn mưa như trút nước và gió lớn ào ạt...

Về lại trường, tôi cùng anh Hoàng Thái, anh Lê Văn Hồng tập trung học sinh, ổn định nơi ăn chốn ở cho các em. Người đi mượn chăn màn, người đi nấu cơm, người đi chặt buồng chuối để nấu canh... Anh Hồng đã vét hết nhẵn thùng gạo của gia đình để nấu bữa cơm tối cho thầy và trò. Tất cả công việc xong xuôi, bữa ăn tối đầu tiên tại trường diễn ra, lúc này khoảng 19 giờ tối. Nước càng lúc càng dâng cao nhưng ngôi trường nơi chúng tôi ở nằm trên đồi cao nên chúng tôi cũng yên tâm hơn. Chúng tôi cho các em vào phòng để ở, hai phòng học và văn phòng với 57 học sinh, hai giáo viên và một anh bảo vệ. Đêm ở nơi đầu nguồn, trong căn phòng ba chúng tôi ngồi đầy lo âu, ngoài kia mưa gió gào thét, anh em thay nhau chạy xuống dưới xóm xem nước lên đến đâu. Các em học sinh nam còn vui cười đùa, một số em học sinh nữ trầm tư, buồn, khóc, cứ hỏi đi hỏi lại. “Thầy ơi! Mai em về được chưa thầy!”. Để các em khỏi hoang mang, chúng tôi khuyên răn, động viên các em và cho các em chơi các trò chơi tập thể, thi văn nghệ tại phòng học. Căn phòng bỗng ấm lên, các em cười đùa rôm rả, riêng ba chúng tôi vẫn canh cánh bên mình liệu nước sẽ lên cao hơn không? Đến khoảng 23 giờ, các em đã ngủ hết, chúng tôi dùng đèn pin đi kiểm tra tình hình xung quanh, không có gì, nước vẫn còn rất xa... Trời càng về khuya càng lạnh, ba anh em chia nhau từng điếu thuốc để chống rét, rồi ngồi bàn về lũ lụt, dò lại danh sách các em học sinh, thi thoảng lại đội mưa xuống xem nước lụt lên đến ngang đâu. Ba người ngồi co ro ngủ gật lúc nào không hay. Đến 3 giờ sáng ngày 2/11, nước bắt đầu dâng lên ở chân đồi nơi ngôi trường chúng tôi ở. Chúng tôi bắt đầu thu dọn những hồ sơ, tài liệu của nhà trường đưa lên cao và chuẩn bị phương án chống lũ. Gần 6 giờ sáng nước đã tràn hành lang dãy phòng học, chúng tôi huy động tất cả các em kê bàn ghế lên, anh Hồng đi kiếm dây để cột các dãy bàn lại. Mới kê xong dãy bàn chưa kịp cột chân lại với nhau thì nước đã dâng lên hơn nửa bàn, dãy bàn thứ hai bắt đầu được tiếp tục kê lên. Nước lúc này lên nhanh đến tốc độ chóng mặt, chẳng mấy chốc đã ngập gần nửa dãy bàn thứ hai. Những dãy bàn bắt đầu được thu hẹp lại để chuyển tiếp lên cao hơn, tầng thứ ba là dãy ghế được kê lên, 57 em học sinh lúc này đầu đã chạm trần nhà. Không một em nào được nhích chân lên, nếu nhích lên là bàn ghế sẽ nổi hết, chúng tôi dặn đi dặn lại học sinh như thế. Con nước lên quá nhanh, đến 9 giờ sáng nước đã ngập dãy bàn chồng thứ 2, chúng tôi điện thoại về báo cho các cơ quan chức năng, báo cho lãnh đạo trường, các đồng nghiệp để họ liên lạc khắp nơi... Lúc này nước bắt đầu trườn lên be của dãy phòng học, nhà dân ở thôn La Khê Trẹm ở dưới kia đồi đã ngập hết tất cả. Chúng tôi tính đến chuyện phá ngói để có thể leo lên mái nhà, nhưng rất khó để bẻ gãy những thanh gỗ rui mèn của mái ngói. Tôi và anh Hồng, anh Hoàng Thái dùng chân đạp cũng không thể gãy được. Không còn cách nào khác hơn là phải đi lấy rựa để chặt, mà rựa đang nằm ở trong phòng học. Tôi cột dây vào bụng anh Hồng để lặn vào phòng lấy rựa, không tìm thấy. Chúng tôi thay nhau lặn rất nhiều lần, cuối cùng cũng tìm được. Tôi và anh Hồng bắt đầu chặt tất cả các thanh gỗ rui mèn đưa học sinh lên trên be, lúc này đã hơn 10 giờ... Đến khoảng 11 giờ 30, chị Võ Thị Thảo đang chèo đò đi qua cùng người cha già, bác Võ Đại Hồng, thầy trò mừng khôn xiết vẫy tay kêu cứu. Đó là chuyến đò đầu tiên chở 7 học sinh lên đồi Hóc Tổng. Sau đó chị Phan Thị Liễu cùng cháu Võ Đại Đại con trai của chị và anh Võ Đại Lựa chèo những chuyến đò cứu người tiếp theo. Chúng tôi lên đồi Hóc Tổng an toàn nhưng chỉ được một lúc, nước đã dâng lên ngập đồi lại phải chạy lụt. Đang chuẩn bị đưa học sinh đi tìm nơi cao hơn thì gặp anh Nguyễn Ngọc Chính, Bí thư Xã Đoàn Hương Thọ, nghe tin nước lũ bao vây thầy trò chúng tôi, anh lập tức đến ứng cứu kịp thời. Anh đưa thầy trò chạy lên miếu làng Trẹm, nước lại dâng lên, lại một cuộc “hành quân” nữa bắt đầu. Thầy trò chúng tôi chạy lên nhà ông Trần Lập, nơi cao nhất của vùng này, lúc này đã hơn 15 giờ. Thầy trò thấm mệt, lạnh và đói.

Ba anh em chúng tôi an ủi động viên tinh thần các em học sinh, buổi chiều hôm đó thầy trò chúng tôi lót lòng bằng những gói mì tôm của vợ chồng anh Hồng mang theo. Tối đến, ba anh em đi xin cơm cho các em, nhưng ở đây ai cũng là dân chạy lụt nên không mang theo gì cả. May có bác Trần Lập nấu cho thầy trò một nồi cơm để ăn tối hôm đó. Lụt, một nắm cơm cũng được chia nhau, không em nào chịu ăn vì cơm ít quá, cứ nhường nhau và cuối cùng tôi phải chia ra thành nhiều nắm cơm bé xíu để mỗi một em được một nắm, lúc này mới thấy được tình người thật ấm áp trong hoạn nạn.

Đêm xuống trên đồi, để xua đi cái lạnh, đói và rét, tôi bắt bài hát tập thể để các em hát, hát thật to, thật lớn. Niềm tin vào một ngày trời sẽ tạnh, một ngày nắng đẹp sẽ tới, các em đã hát đến lúc không thể hát được nữa vì đói..., tất cả thiếp đi. Chỉ còn lại ba chúng tôi, anh Hoàng Thái, Lê Văn Hồng và tôi, ngồi bên nhau trong tâm trạng đầy lo âu đến ba giờ sáng. Lúc này trời bắt đầu nổi gió, gió lớn làm sập mái tôn lán trại tạm bợ vừa dựng lúc chiều. Ba anh em chúng tôi ngồi chống tay đỡ trên đầu những tấm tôn để học trò của mình tiếp tục ngủ... Sang ngày 3/11, mưa tầm tã, các em học sinh bắt đầu không còn sức đề kháng trước cái đói, rét, chỉ còn cách duy nhất là ngồi sát vào nhau, các em ôm lấy nhau thành vòng tròn để gió khỏi len vào. Khoảng 10 giờ trưa, tôi và anh Hoàng Thái đi xin sắn và thay nhau đi nhổ sắn quanh đồi về nấu cho các em ăn tạm. Đến trưa, vợ chồng anh Hồng chèo đò đi mượn được khoảng 30 lon gạo ướt đã bị ngâm nước nhiều ngày, khoảng 1 giờ chiều cơm nấu xong, hạt gạo ngâm nước đã bốc mùi chua nhưng nhìn các em ăn ngon, tôi mừng rớt nước mắt.

Chuyện thật hy hữu, chị Nguyễn Thị Nguyệt và 8 người ở căn phòng kề bên phòng chúng tôi tại ngôi trường bị ngập lụt, được chúng tôi phá ngói đưa lên trên be cùng với các em học sinh, lúc này chị Nguyệt đang mang thai gần đến thời kỳ sinh nở. Đêm hôm sau, ngày 3/11 chị Nguyệt đã sinh một cháu bé ngay trên đồi nơi trốn lũ. Người dân làm cho chị lán trại dã chiến, cháu bé sinh ra được bà con dùng lưỡi lam để cắt dây rốn, không có sát trùng và dụng cụ y tế trong lúc hoảng loạn ấy. Bây giờ, cậu bé Nguyễn Thắng được sinh ra trong cái đêm đặc biệt ấy đã lớn, năm nay em đã mười tuổi và đã vào lớp 5. Em cũng chẳng biết tôi là ai nhưng tôi vẫn nhớ về em, về một cậu bé đỏ hỏn cất tiếng khóc chào đời trong cái đêm gió gào thét, trên trời mưa như trút, dưới thì nước lũ cuồn cuộn. Chính tiếng khóc của em đã gieo vào lòng tôi niềm tin vào một ngày mai, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh và lòng quả cảm của con người. Có nó, chúng ta sẽ vượt qua, sẽ vượt qua... Đó là bài học thực tiễn mà tôi chắc 57 học trò của tôi ngày ấy cảm nhận được.

Suốt mấy ngày ở trên đồi nơi nhà ông Trần Lập cùng học sinh, chúng tôi không có một tin tức gì ở dưới thành phố Huế. Không biết giờ gia đình tôi ra sao, xóm phường tôi thế nào? Sau này gặp các anh trong đoàn cứu trợ tôi mới biết tình hình lụt ở các nơi trong tỉnh, nước lớn và mạnh, hung hãn... Tôi đã bình yên cùng các em học sinh ở đây nhưng còn bao nhiêu người thân trong gia đình, làng xóm... giờ ra sao?

Sau ròng rã một tuần lễ cùng học sinh tránh lũ ở phía thượng nguồn. Tôi trở về thành phố trong đêm, thành phố tiêu điều không thể tưởng tượng nổi. Thành phố không một ánh điện, không một tiếng cười. Thành phố im lặng, thi thoảng một vài tiếng còi của xe cấp cứu nghe rợn cả người. Thật khủng khiếp!

Kiếm tìn sau cơn lũ. Ảnh: Cảnh Tăng


Chỉ cách đây mươi ngày thành phố đẹp lắm, nhưng sau trận lụt khủng khiếp ấy thành phố trở nên hoang tàn. Những con đường lưu thông chính của thành phố như đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Duẩn, Hà Nội, Hùng Vương... cũng đã chìm trong nước lũ. Tất cả mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt, ở Thành Nội hoàn toàn ngập sâu trong nước, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Và nơi thấp nhất là xóm Tây Linh. Xóm này thuộc phường Thuận Lộc, được người dân đặt tên là Xóm Lụt, vì mới mưa lớn và có lụt thì đây là nơi đầu tiên bị ngập trước và ngập sâu nhất của thành phố. Xóm Lụt này trong ngày 2/11, anh Hoàng Đình Thảnh đã dũng cảm chèo ghe đi khắp xóm để cứu người, hàng chục người được anh cứu sống và đưa đến nơi an toàn nhưng chuyến đò cuối cùng anh lại không vượt qua được. Dòng nước cuồn cuộn hung hãn đã nhấn chìm người mẹ của anh, bà Lương Thị Tìm, đứa con trai 11 tuổi, cháu Hoàng Nguyễn Trường Hưng và anh. Trong mưa gió, những người được cứu sống vẫn còn nghe tiếng anh gọi con gái, cháu Thanh Thuỷ: “Con cố bám vào ghe, để ba vớt mệ và em...”  và tiếng kêu cứu thất thanh giữa dòng nước lũ của cháu Thuỷ: “Bà ngoại ơi! Ba ơi! Em ơi! Bà con ơi! Cứu con với! Cứu con với!...”. Trước nghĩa cử cao đẹp của anh Hoàng Đình Thảnh, một người đã liều mình giữa dòng nước cuồn cuộn để cứu mọi người, tối ngày 16/11, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến thăm, thắp nhang cho anh và tặng quà cho người vợ góa phụ của anh. Không nén được xúc động, đồng chí Tổng Bí thư đã chia sẻ với gia đình anh Thảnh: “Tôi hiểu nỗi đau của gia đình ta, và tôi mong chị sớm khuây khỏa để tiếp tục công việc làm ăn và chăm nuôi cháu Thuỷ khôn lớn như anh Thảnh từng mong muốn”. Nhà thơ Thanh Thảo đã cảm động và viết về anh “Cứu cả làng cả xóm/ anh không cứu nổi mẹ mình, con mình/ anh không cứu nổi mình/ hai bàn tay mất hút trong dòng nước xoáy... hai bàn tay anh/ chìm xuống để nâng người khác...”

Tôi về đứng phía bờ bên nầy của Hòa Duân, nơi xưa kia nối liền với các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên và một số xã của huyện Phú Lộc, nhưng chỉ sau một đêm đã trở thành cửa biển mênh mông. Trước nỗi đau “Trong ngày làng Hòa Duân bị lũ xé thành cửa biển” nhà thơ Hồng Nhu đã viết “Chưa kịp nhắm mắt bịt tai/ Eo làng đã vùi dưới biển!/ Cửa sông mới xé hỡi ôi/ Nhận chìm bao nhiêu nhân mạng/ Mẹ ơi con ơi... đâu rồi,/ Trời cao đất dày thấu chăng?”. Theo lời kể của những người sống sót khi cửa biển vỡ, đêm 2/11/1999, đêm mưa to, gió lớn, nước biển cuồn cuộn dâng, thị trấn Thuận An đã chìm trong biển nước mênh mông, lũ dâng cao hơn mực nước biển khoảng 1 mét. Khoảng 23 giờ 30 phút, một tiếng nổ vang trời của sức nước cuồn cuộn. Tiếp đó tiếng của những ngôi nhà đổ sập xuống, va vào nhau, rồi tiếng gào thét của những người kêu cứu trong dòng nước lũ. Một dải đất đẹp biến thành eo biển. Trong vòng 30 phút, nước đã cuốn trôi 264 ngôi nhà của thị trấn Thuận An và cuốn trôi 64 ngôi nhà ở eo Bầu của thôn Hải Thành, mở thêm một cửa biển mới rộng 1,5 km, cửa biển Hoà Duân. Lũ đã cướp đi 14 người dân của thôn Hải Thành và 2 chiến sĩ bộ đội biên phòng. Trong đêm kinh hoàng ấy, chiếc tàu BP.310202 do thiếu uý Đào Xuân Thành chỉ huy vượt sóng sang cứu dân đang bị lâm nạn, tàu mới đi được một đoạn thì bị nước lũ lớn vây hãm, thuyền trưởng Đào Xuân Thành thả dây neo để ghì con tàu lại nhưng do nước quá mạnh đã đập vào thân tàu và hất tung anh xuống biển. Trên thuyền còn lại máy trưởng Vũ Xuân Cường, Phạm Văn Điền và binh nhất Lê Đình Tư, các anh đã chống chọi với lũ đến 6 giờ sáng ngày 3/11/1999 thì thuyền bị chìm. Các anh Đào Xuân Thành, Vũ Xuân Cường, Nguyễn Quang Phú đã bị nước lũ cuốn trôi đi lênh đênh trên biển, nhờ sóng đánh dạt vào bờ, được bà con và đồng đội cứu chữa nên các anh thoát chết. Hai anh Phạm Văn Điền và Lê Đình Tư đã vĩnh viễn ra đi, những con người dũng cảm dám xông pha giữa bão lũ, giữa sóng nước chẳng nề hiểm nguy để cứu người. Hai anh, là tấm gương sáng, xứng danh “Anh bộ đội Cụ Hồ”.

Còn đâu làng Hoà Duân. Ảnh: Nguyễn Khoa Quả


Những ngày kinh hoàng ấy đã qua, giờ về Làng Rồng - ngôi làng được Quân khu IV thuộc Bộ Quốc Phòng xây dựng, khánh thành vào tháng 3/2000 và được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên là “Làng Rồng”, nơi ở mới của 64 hộ đã bị lũ cuốn trôi tại eo Hòa Duân, ngôi làng đã nhiều thay đổi, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, đời sống của bà con nơi đây đã khá lên nhiều. Gặp anh Nguyễn Hữu Năm, Thôn phó thôn Hải Thành, cư dân của làng Rồng, một người đã được về làng mới sau trận lũ năm ấy, anh nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã quan tâm, giúp đỡ, động viên bà con chúng tôi...” Trận lụt lịch sử đã đi qua 10 năm, nhân dân Thừa Thiên Huế sẽ không bao giờ quên tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương và tấm lòng của đồng bào trong và ngoài nước dành cho nhân dân Thừa Thiên Huế trong cơn nguy khó ấy.

Mười năm trôi qua, ký ức về những ngày kinh hoàng ấy vẫn chưa phai mờ trong tôi và các em học sinh của tôi. Trở lại chốn xưa tìm các em, theo lời đề nghị của báo Tuổi Trẻ, qua từng ngõ xóm, từng con đường, từng ngôi nhà song hầu hết các em đã trưởng thành: “em H đi lao động ở Malaysia rồi... em D đi lấy chồng ở xa lắm thầy ơi...”. Cuối chiều tôi gặp em Lê Thị Cẩm Hương, ngôi nhà em nằm trên dốc đường Quốc lộ 49 chạy qua thôn Liên Bằng, thuộc xã Hương Thọ. Thầy trò gặp nhau mừng không tả hết, dường như một điều gì đó thiêng liêng đã nhen dậy trong lòng chúng tôi, tình thầy trò mười năm gặp lại mà mới như ngày hôm qua. Cô học sinh lớp 8B bé bỏng ngày ấy giờ đã lập gia đình, em đã có cháu gái 2 tuổi, hiện làm thợ may. Chúng tôi ngồi ôn lại kỷ niệm về cơn lũ năm 1999, những ngày khó quên trong ký ức của mỗi người, điều ám ảnh đến bây giờ Hương vẫn còn sợ là đói, lạnh và nước lũ mênh mông... Em kể: “Ngày em trở về nhà mẹ em thấy con về mừng quá vội vàng chạy ra đón em nên bị té ngã đau buốt suốt mấy ngày... ba mẹ ôm em khóc nức nở,...”. Thầy trò chúng tôi ngồi hàn huyên đến lúc trời sập tối... Rời Hương Thọ, tôi trở về Huế. Theo số điện thoại của gia đình cung cấp, tôi tìm đến nhà em Lê Thị Chi, học sinh lớp 7B ngày ấy, giờ em theo chồng về Huế. Chi hiện đã có hai cháu, cháu gái lớn năm nay đã 4 tuổi, còn cu sau 2 tuổi. Thời gian thấm thoắt trôi qua, khi nghĩ về ngày ấy, với Chi, “Đó là ấn tượng sâu sắc nhất đời em, vì từ khi cha sinh mẹ đẻ đến chừ, đó là lần đầu tiên em mắc lụt, mà lụt lớn đến như rứa... sợ hãi khi đói, khi lạnh...”. Chi trở lại câu chuyện ngày trở về nhà sau lũ lụt của hai chị em, Chi và người chị Lê Thị Diệp học sinh lớp 8B cùng bị mắc lụt, lúc hai chị em gặp lại mẹ, mừng mừng, tủi tủi. Chi nói: “Mẹ em gặp lại hai chị em, mẹ mừng khóc như mưa, hai hàng nước mắt cứ chảy”. Những ngày ngồi trông con từ bên kia sông nước lũ, mẹ Chi nghĩ là hai đứa con của mình đã chết và hy vọng mong manh từ sâu thẳm trái tim người mẹ, bà đã nguyện cầu “lạy trời cho đứa mô sống được thì sống, còn chết thì cho mắc lại xác để mà tìm cho ra, nếu mất tích mất tăm thì tội lắm...”. Tôi xúc động rơi nước mắt về những kỷ niệm các em nhóm lên trong tôi vào ngày thầy trò hội ngộ, để rồi nhớ... Ngày ấy tôi mới 24 tuổi, một giáo viên tập sự bước vào nghề chưa đầy hai tháng đã phải đối mặt trước những giờ phút khắc nghiệt nhất, chống chọi giữa sự sống và cái chết, nó mong manh và nghiệt ngã nhất. Những ngày tôi đưa các em học sinh lên đồi tránh lũ ở Hương Thọ, ba mẹ tôi cũng trông tôi trở về từng phút từng giờ như ba mẹ của các em và cầu mong cho tôi tai qua nạn khỏi. Sau mấy ngày lũ lụt, nước đã rút xuống nhưng vẫn không thấy tôi trở về, vô vọng, ba tôi đến bia Quốc Học, nơi tập trung thi thể những người xấu số bị lũ cuốn để tìm con. Đó là hy vọng cuối cùng của gia đình tôi, hy vọng tìm thấy tôi...

Tôi lang thang quanh Huế, đi thật chậm để nhìn kỹ Huế thêm chút nữa. Trong nắng vàng hôm nay, ký ức về cơn đại hồng thuỷ 1999 vẫn còn lưu đây đó những dấu tích, nhiều nỗi đau buồn vẫn chưa phai trong lòng mỗi con người xứ Huế. Song vòng tay ấm áp nghĩa tình đồng bào ngày đó và bây giờ cũng đang xanh trên những tán cây reo trong gió.

L.V.T
(249/11-09)




 

 

 

Các bài mới
Cùng bạn đọc! (02/11/2009)
Đi qua vùng lũ (02/11/2009)
Các bài đã đăng
Lụt Huế (02/11/2009)
Oan gia ngõ hẹp (02/11/2009)