Làng quê xác xơ sau bão lũ
Ngay sau khi cơn bão số 9 (2009) vừa tan, sáng 1/10, chúng tôi đã có mặt tại vùng rốn lũ Phú Mậu và Phú Thanh (H. Phú Vang) nằm ngay Ngã Ba Sình, phía hạ lưu sông Hương đổ ra phá Tam Giang. Từ UBND xã Phú Thanh, chiếc xuồng đuôi tôm nhọc nhằn băng qua cánh đồng vẫn còn mênh mông nước lũ bủa vây. Các khu dân cư Quy Lai, Thanh Đàm, Hải Trình, Hòa An... sau ba ngày bị cô lập, người dân vẫn đang chống chọi với lũ dữ với ít lương thực dự trữ và mì tôm cứu trợ của chính quyền. Nước lũ chưa rút hết, thì nước mắt của người dân đã ngập tràn vì những thiệt hại về vật nuôi, gia súc, gia cầm và cá nuôi. Không khóc sao được, cơm gạo áo tiền, sách vở học hành của con cái và hằng trăm nhu cầu khác đều trông chờ vào đàn vịt, con heo, chiếc lồng cá, thế nhưng tất cả đều tan tành sau một đêm bão lũ.
Xóm định cư vạn đò thôn Quy Lai nằm cheo leo bên bờ hạ lưu sông Hương có chừng hơn 20 hộ dân. Anh Trần Thọ từ khi trở về nhà đến nay vẫn chưa hết bần thần vì những lồng nuôi cá chình, nuôi gần đến ngày thu hoạch bỗng chốc tan tành. Anh Thọ chỉ tay lên dãy nhà bảo: “Xóm định cư ni có được nhà cửa như rứa cũng là nhờ cá chình cả đó, nếu như không bị thiệt hại bởi bão lũ, tháng tới chúng tôi sẽ thu vào mỗi hộ ít nhất cũng ba chục triệu đồng. Giờ thì mất tất cả rồi, năm nay đói là cái chắc”. Anh Thọ cùng với ông Huỳnh Bui, góp vốn thả nuôi hai lồng cá chình, mỗi lứa xuất khoảng 50 triệu (bình quân 300 nghìn đồng/kg). Mỗi năm nếu không bị thiệt hại do bão lụt mỗi người có thể thu về lãi ròng hơn 50 triệu đồng. Cá chình có một đặc tính kỳ lạ là khi bị ngâm nước lũ, chúng sẽ bỏ ăn và chết dần. Vì vậy, những lồng nuôi dù không bị sóng đánh vỡ trôi mất, cá vẫn chết không thể cứu vãn. Sau trận lũ mỗi hộ coi như cũng mất trắng xấp xỉ 30 triệu đồng.
Ngày 1/10, một cánh phóng viên khác của chúng tôi có mặt tại huyện Quảng Điền - địa phương vẫn còn nhiều xã bị cô lập giữa biển nước. Sau khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển nước, chúng tôi tiếp cận được với thôn Mai Dương. Ở đây, nhiều căn nhà xơ xác, trống hoác do gió mạnh trong ngày bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Nước lũ vẫn mấp mé trong những con đường của thôn. Anh Hoàng Chí ở thôn Mai Dương vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tối đó, gió giật mạnh, nước lên nhanh, những vách tường nhà tui bỗng đổ sụp. Mọi vật dụng để sinh sống đều bị cuốn trôi, nhìn ra phía đầm phá, nò sáo bị lũ cuốn hết. Vài bữa không biết lấy gì mà sống đây”.
Không những anh Chí, mà hầu như mấy chục hộ dân trong thôn đều cùng chung hoàn cảnh. Bởi, tất cả họ đa phần sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nò sáo, nuôi tôm trên phá Tam Giang - vốn đã bấp bênh do dịch bệnh và nguồn thủy sản đã cạn kiệt. “Mới chưa đầy một tháng mà cả làng mất hết. Vừa rồi lúa đã nảy mầm do ngâm nước lũ, giờ ao tôm, sáo dành dụm bao năm mới có được cũng bị nước lũ cuốn đi. Cả làng đã nghèo, mai mốt chắc không biết làm gì mà ăn”, chị Hoàng Thị Hiền, ở thôn Phước Lâm mắt rưng rưng vừa nói vừa nhìn lên mái nhà trơ trọi vừa bị gió thổi bay. Vùng quê nghèo này cũng đang đứng trước vô vàn khó khăn khi người dân nơi đây đã “tay trắng tay” sau bão lũ vừa qua.
Lũ vẫn chưa đi, nước mắt người dân ở ven phá Tam Giang ở Thừa Thiên Huế một lần nữa chảy dài. Nước lũ đã cuốn đi hết những tài sản phục vụ cho cuộc sống mưu sinh của họ bấy lâu nay. Những ngày sắp tới, chắc chắn họ sẽ đối mặt với khó khăn trong việc lo toan cho “miếng cơm manh áo” của gia đình.
Hồng Thủy gặp Đại hồng thủy
Sau khi tuyến đường vừa được khai thông, chúng tôi đã có mặt tại Hồng Thủy, nằm dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, giáp với địa phận ĐaKrông (tỉnh Quảng Trị). Cơn bão số 9 vừa qua đã làm tuyến đường Hồ Chí Minh, từ trung tâm huyện lỵ A Lưới đi Hồng Thủy bị sạt lở nặng hơn 8km, với 48 điểm sạt lở, làm giao thông chia cắt và toàn xã bị cô lập hoàn toàn hơn 10 ngày (từ ngày 28/9 đến 7/10). Sau nhiều nỗ lực của ngành Giao thông, hiện nay đường vào Hồng Thủy mới tạm thời thông tuyến để đến thôn 1 là điểm dân cư đầu của xã.
Dù đợt lũ lụt đã xảy ra hơn 10 ngày nhưng trên tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn những núi đất đá khổng lồ đổ xuống mặt đường. Phía ta luy âm, nhiều đoạn đường đã bị sụt nứt và đứt gãy hoàn toàn rơi xuống vực sâu vài chục mét. Trên dọc tuyến đường, hàng chục xe múc, xe đào vẫn ngày đêm san gạt để giữ cho tuyến đường không bị tắc nghẽn. Con đường huyết mạch chính của xã vẫn còn trong tình trạng chia cắt nhiều điểm và đặc biệt cầu treo bắc qua sông Kroong và cầu Paay nối thôn 7 cũng bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Đặt chân đến Hồng Thủy, chúng tôi cũng không khỏi bàng hoàng trước sự tàn phá kinh hoàng của nước lũ. Những ngọn núi nguyên sinh bị sạt lở đầy những “vết thương” nham nhở vằn vện như lưng hổ bị cào rách bươm. Nương rẫy, ruộng vườn đỏ quạch một màu bùn đất, những cây cổ thụ già trên núi cao, bật cả gốc rễ đổ ầm xuống đường nằm la liệt... Cái tên Hồng Thủy không biết có từ bao giờ nhưng với trận lũ lịch sử này Hồng Thủy giống như một định mệnh theo đúng tên gọi của nó (hồng thủy: lũ lớn).
Chị Hồ Thị Vay, ở thôn 7, kể lại: “Chúng tôi chẳng biết làm gì trong lúc nước lên nhanh và hung dữ như thế. Ngoài trời, gió thổi ù ù rít lên như tiếng đạn réo. Cả xã dường như không ai dám ra khỏi cửa”. Ngôi nhà của chị bị bão hất tung phần mái, nước chảy lênh láng cả nhà, chị chỉ biết lấy thân mình che cho con. Cả gia đình ngồi núp dưới gầm giường chờ bão tan. Sau bão, giờ gia đình coi như mất sạch, lúa nương bị vùi lấp, cây cối trong vườn gãy đổ...
Ông Hồ Bá Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, dường như vẫn chưa hết kinh hoàng: “Chúng tôi tưởng như xã Hồng Thủy đã bị xóa sổ. Đây là một đợt lũ lịch sử đối với người dân Hồng Thủy. Xưa nay, nước lũ trên sông Kroong cao lắm cũng chỉ tới dưới gầm cầu. Nay nước lũ dâng cao ngập tất cả những chiếc cầu hơn 2 mét, kéo theo nó là đất đá, cây cối... và cuốn tung tất cả những gì nằm trên dòng chảy. Thế nhưng, nhờ chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền và kiên quyết nên xã Hồng Thủy đã không một ai thiệt mạng. Tuy nhiên, hiện nay, còn một thôn 69 hộ, 315 nhân khẩu cần phải di dời khẩn cấp vì núi lở. Toàn bộ số dân này thuộc thôn 1 của xã Hồng Thủy, sống dưới chân một ngọn núi cao, sau đợt bão lũ vừa rồi ngọn núi đã xuất hiện vết nứt 0,5 mét, kéo dài chia ngọn núi làm hai mảng, chỉ cần có mưa lũ tiếp là nửa ngọn núi sẽ đổ xuống. Trước mắt, nếu tiếp tục có bão lụt xã phải đưa toàn bộ người dân nơi đây sang tạm trú ở thôn 2 cạnh đó. Sau bão lũ, Hồng Thủy đang gặp 3 cái khó khăn: thứ nhất là nước sạch, giờ nước sông đỏ ngầu bùn đất làm sao người dân có thể dùng được; thứ hai, nước bẩn chắc chắn sẽ dẫn đến dịch bệnh và thứ ba là người dân giờ đã trắng tay, chủ yếu sống bằng nguồn cứu trợ, nếu cắt cứu trợ chắc chắn bà con sẽ đói. Ông Bình tâm sự: “Dù chúng tôi xác định là phải vươn lên từ nội lực không trông chờ ỷ lại, nhưng giờ anh thấy đấy, người dân biết lấy gì để có thể vươn lên.”
Và những cái chết thương tâm
Đi qua những vùng lũ, nhất là những địa phương có người thiệt mạng, đâu đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cảm động. Chẳng ai biết mình phải chết thế nên mới có những chuyện đau lòng. Có người chết vì nóng lòng đi thăm mẹ già, có người vì sửa lại cái chuồng heo hoặc cũng có người chỉ vì ra đồng kiếm con cá, con chuột để cải thiện bữa ăn sau những ngày đói kém... Thế rồi không may họ đã sẩy chân và mất mạng.
Sáng 1/10, khi chúng tôi có mặt ở xã Phú Thanh, cũng là lúc người ta vừa tìm thấy thi thể anh Phan Đình Hạnh. Cái chết ở đúng vào 43 tuổi định mệnh của anh khiến cả làng thương tiếc. Trưa 30/9, anh Hạnh đưa vợ con trở về nhà sau 2 ngày đi tránh bão. Sau khi dọn dẹp nhà cửa của mình tạm ổn, nhớ tới người mẹ già không biết ra sao trong những ngày qua, anh liền chống ghe cùng hai người thanh niên khác sang thăm mẹ. Thấy thời tiết vẫn chưa ổn, vợ anh, chị Lê Thị Tám, đã ngăn lại. Nhưng vì nóng lòng nghĩ đến mẹ, anh không ngăn cản được bước chân định mệnh của mình. Đoạn đường từ nhà anh sang nhà mẹ cũng gần (khoảng 400 mét) nên anh càng muốn đi và nhất định phải đi. Khi 3 người chống ghe ra được một đoạn thì bị một cơn gió mạnh đánh lật úp. Dòng nước không mạnh nhưng gió thì mỗi lúc như càng đẩy anh ra xa hơn. Cả 3 đều đã cố sức để bơi, mọi người đã ra sức ứng cứu nhưng mãi cũng chỉ cứu được anh Lành (Đặng Lành, 35 tuổi) và anh Nghĩa (Phan Văn Nghĩa, 30 tuổi) lên bờ, còn anh thì… tất cả đều vô vọng. Anh cứ thế trôi chìm vào dòng nước cho đến sáng nay (ngày 1.10), mọi người mới tìm thấy thi thể của anh. Anh Hạnh đã ra đi vĩnh viễn bởi lòng hiếu thuận của mình dành cho mẹ già, để lại người vợ và 3 đứa con thơ bơ vơ (gồm Phan Đình Đức (12 tuổi), Phan Đình Nhật (10 tuổi) và Phan Thị Như Ý (7 tuổi) đang tuổi ăn tuổi học, bỗng một ngày trên đầu đã trắng khăn tang.
Nếu như những cái chết của những người lớn làm cho gia đình mất đi chỗ dựa, thì những cái chết tức tưởi của những em bé ngây thơ càng làm người ta thêm thắt ruột. Cháu Mai Thị Khánh Huyền, ở phường Thuận Lộc, mới vừa tròn 3 tuổi. Cái tuổi ngây thơ ấy cháu nào có biết lũ lụt là gì thế mà chỉ do một giây sơ suất của cha mẹ, cháu bị rơi xuống nước và chết tức tưởi trong sự ân hận muộn màng của người lớn. Cũng đáng thương như cháu Khánh Huyền, cháu Trần Văn Bảo An, ở 240 đường Bạch Đằng, phường Phú Hiệp, mới 2 tuổi, cũng chết đuối trong lũ do gia đình bất cẩn. Chưa hết, hôm 2.10, huyện Hương Trà còn cập nhật thêm cái chết đau lòng của một cháu bé sơ sinh mới 20 ngày tuổi, ở xã Hương Vinh, cũng do cha mẹ sơ suất để cháu rơi xuống dòng nước đục ngầu hung dữ.
Bão lụt đã đi qua, nhưng nỗi đau vĩnh viễn vẫn ở lại với những gia đình mất người, mất của. So với cơn lũ lịch sử 1999, cơn bão số 9 và đợt lũ lụt vừa qua sức tàn phá cộng lại cũng không thua kém gì, thế nhưng những tổn thất về người về của nêu trên đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Điều đó, cho thấy công tác phòng chống bão lụt của các cấp chính quyền đã được triển khai tốt, đồng bộ và khoa học. Ý thức tự vệ của người dân trước thiên tai cũng được nâng cao.
Tuy vậy, quy luật thiên nhiên cho thấy thiên tai diễn biến ngày một nghiêm trọng và phức tạp gây nên những thảm họa liên tục cho con người. Những thảm họa đó nguyên nhân chính vẫn là do lỗi của con người, trong hành vi ứng xử tiêu cực với thiên nhiên. Đã đến lúc con người buộc phải nhận thức lại toàn bộ thái độ của mình trước thiên nhiên.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCBL&TKCN tỉnh, cơn bão số 9 (2009) kèm theo mưa lũ đã làm 15 người chết; 59 người bị thương; 376 nhà bị sập, 11.355 nhà tốc mái và 201 nhà xiêu vẹo. Đợt bão lụt cũng đã làm thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng... với tổng thiệt hại về kinh tế ước 343 tỷ đồng.
|
BÙI NGỌC LONG VÀ NHÓM PV THANH NIÊN TẠI HUẾ THỰC HIỆN
(249/11-09)
|