Huy kể: Những ngày ấu thơ, tuy sống xa cha mẹ nhưng anh lại được sưởi ấm trong vòng tay dịu hiền của bà. Vì thế, ký ức về tuổi thơ trong anh luôn là một khoảng trời trong trẻo và ngập tràn hạnh phúc. Bà anh ngày ngày bươn chải với mảnh vườn nhỏ nhưng cũng đủ nuôi anh khôn lớn và học hành bằng bạn bằng bè. Khó khăn, thiếu thốn đủ điều, anh vẫn quyết tâm trở thành họa sĩ. Năm 1968, anh thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Thế là, sáng sáng, khi trời còn mờ tối và cây cỏ hai bên đường vẫn còn thơm phưng phức hương đêm, anh đã thức dậy, cuốc bộ trên con đường làng, vượt chuyến đò ngang sang phố cổ Bao Vinh đón xe lam để đến trường. Vất vả là thế, nhưng cứ hễ cầm cọ là anh quên hết, chỉ biết vẽ, miệt mài và say mê. Dường như, cậu bé “nhà quê” ấy đã thanh lọc tất cả nét đẹp tinh tuý mà anh nhặt nhạnh được trên con đường sáng sáng đến trường để đưa vào tranh.
Tốt nghiệp năm 1972, Thân Văn Huy học tiếp 3 năm về nghệ thuật tranh sơn dầu. Với “vốn” nghệ thuật kha khá, năm 1974, anh mở cuộc triển lãm đầu tiên tại Đà Nẵng với cái tên lãng mạn: Mùa Thu. Mùa Thu của anh đã khiến những người yêu nghệ thuật bấy giờ ngỡ ngàng. Không vẽ điều gì xa lạ, bố cục tranh cũng vô cùng đơn giản thế nhưng với nét bút nhẹ nhàng, sắc màu tươi mát, êm dịu, Thân Văn Huy đã nắm tay người xem dắt vào một khoảng không hiền lành, bình yên. Đem vào tranh chất dân gian sâu lắng, anh đã tạo ra được sự lãng mạn huyền ảo của hội họa hiện đại. Tranh của anh vừa phảng phất chất thơ, vừa thấm đẫm chất thiền lại mang sự dịu dàng của màu sắc hoà hợp. Cũng trong triển lãm này, anh bắt đầu bước chân vào môn phái trừu tượng. Hai bức tranh anh tâm đắc nhất là Vẳng nghe hồn thiêng réo gọi và Đe doạ. Nếu như với Vẳng nghe hồn thiêng réo gọi Thân Văn Huy đã dùng tình cảm quê hương, làng mạc và những giá trị văn hóa dân tộc làm mạch nguồn chân chính chống lại dòng văn hóa ngoại lai đang có dấu hiệu du nhập vào mảnh đất Huế trong những năm 70 thì với Đe doạ, anh đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược thông qua hình tượng những bóng đen diều hâu đang vờn lên số phận người dân Quảng Trị dưới làn bom.
Ra trường, Thân Văn Huy lặng lẽ với công việc của một nhà giáo trường làng trong 10 năm. Sau đó, anh lại dấn thân vào nghề thiết kế mẫu đồ gỗ. Dẫu với công việc nào anh vẫn lặng lẽ say mê với nghiệp vẽ. Kéo dài được 10 năm, khi những chiêm nghiệm về các giá trị nghệ thuật đã thật sự chín muồi và phần nào vượt qua hoàn cảnh khó khăn, anh gác lại tất cả mọi công việc, quyết tâm lao vào nghệ thuật để đưa tranh mình đến với công chúng. Có thể nói, đây là giai đoạn sáng tác “khoẻ” nhất của anh. Hàng loạt bức tranh ra đời càng góp phần khẳng định một dấu ấn riêng của tranh Thân Văn Huy giữa làng hội hoạ Cố đô. Hiền lành như cỏ, rạng rỡ như hoa xuân, lung linh như sương sớm, tranh của anh vừa đọng lại trong lòng người xem một cảm giác nhẹ nhõm, dễ chịu lại vừa man mác một nỗi buồn dịu dàng, vấn vương đến lạ lẫm. Dẫu trực tiếp vẽ về Huế hay là một lần ngẫu nhiên phóng bút theo cảm hứng, tranh của anh vẫn thấp thoáng cái trầm mặc, cổ kính và lặng lẽ của miền sông Hương núi Ngự này. Có lẽ vì thế mà dẫu với chất liệu nào, tranh của Thân Văn Huy cũng phảng phất một gam màu chủ đạo, màu lam lục trong mát pha chút huyền ảo như một bức tranh lụa. Bến phố, Hoa mong manh hay Chợ sương đều gợi cho người xem về một xứ sở bềnh bồng sương khói.
Bên cạnh hàng chục lần gửi tranh tham gia trưng bày chung trong nhiều cuộc triển lãm chuyên đề tại Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung, Thân Văn Huy tiếp tục thực hiện thêm hai cuộc triển lãm cá nhân: ở Huế vào năm 1994 và ở Đà Nẵng vào năm 1995. Riêng năm 2000, được sự bảo trợ của Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, anh đã cùng 6 họa sĩ xứ Huế tổ chức triển lãm thành công tại thủ đô Hà Nội. Dường như, tranh của anh có duyên với các vị đại sứ nước ngoài tại Việt . Ông bà đại sứ Thuỵ Sĩ đã sưu tập của anh 3 bức: Chiều vàng, Mênh mang và Biển; ông bà đại sứ Philippin sưu chọn bức: Hoa giấy mùa xuân; bức Bến Xuân hiện đang thuộc quyền sở hữu của bà đại sứ Angiêri và bức Chợ Hôm là của bà đại sứ Hà Lan.
Hơn nửa đời lang bạt với nghiệp vẽ, Festival Huế 2006, anh trở về làng Thanh Tiên, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, quyết tâm làm một cuộc triển lãm “tổng hợp” vừa để giới thiệu tranh mình vừa để du khách hiểu thêm về ngôi làng hàng trăm năm tuổi nổi tiếng bởi nghề làm hoa giấy. Trong một không gian làng quê đẫm mùi rơm rạ, du khách vừa có thể thưởng thức những bức tranh sơn dầu rất đương đại lại vừa có thể thưởng thức một dòng tranh truyền thống, giàu giá trị tâm linh, được xem là nét văn hóa đặc sắc của vùng quê này, đó là tranh làng Sình. Không dừng lại ở đó, anh còn dành riêng một khoảnh vườn để ra mắt tác phẩm nghệ thuật sắp đặt Hoa giấy Thanh Tiên. Tour du lịch Sắc màu Thanh Tiên do anh đứng ra tổ chức đã thu hút đông đảo du khách đến dự. Hết lòng với quê hương, anh được UBND huyện Phú Vang tặng bằng khen. Với dòng ghi vui vui “Họa sỹ làng” vì thế, bạn bè trong giới gọi đùa Thân Văiệt nam Huy là họa sĩ làng. Anh chỉ cười: “Hạnh phúc nhất của cuộc đời mình là làm đẹp cho quê hương”.
Festival Huế 2008, ngoài tranh sơn dầu, tranh làng Sình, anh đã cùng với 2 nghệ nhân trong làng phục dựng lại nghề làm hoa sen giấy đã thất truyền hơn 50 năm nay. 150 bông sen bằng giấy pơ luya được cất công làm trong gần 1 tháng đã tham gia vào lễ khai mạc Festival Huế 2008, sau đó được sắp đặt trong chiếc hồ có diện tích 30m2 tại làng Thanh Tiên để du khách thưởng ngoạn. Gặp anh ở tư gia, một ngôi nhà vườn khá đẹp với không gian tranh lãng mạn tại 38 Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Huế, tôi không khỏi ngạc nhiên khi hội ngộ với một Thân Văn Huy hoàn toàn khác. Vẫn sắc màu ấy, vẫn những bức tranh đầy cảm hứng ngọt lành như: Đà Lạt, Thanh bình, Giao hòa, Khởi sắc… Thế mà, có một số tác phẩm phảng phất suy tư: Quyền năng, Chiến tranh, Ảo ảnh, Phù du… bỗng nhiên khiến ta suy ngẫm thật nhiều về cuộc sống. Chất liệu cũng hoàn toàn mới. Ngoài sơn dầu còn có mặt mây, xơ dừa, con chíp điện tử… Không giải thích, Huy chỉ cười: “Càng lớn tuổi, con người ta càng có nhiều điều phải trăn trở…”.
H.P (nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)
|