Tôi đã không hoàn toàn ý thức được cái quy luật tâm lý ấy, cho đến khi phải từ giã quê nhà, bôn ba trong những năm tháng tha hương của cuộc mưu sinh chìm nổi. Chỉ đến khi đã rời xa mái nhà cha mẹ và mảnh đất sinh thành, quay nhìn lại những ngày tháng êm đềm của tuổi thơ với một nỗi ngậm ngùi nuối tiếc, tôi mới lần đầu chợt nhận ra, là cả tâm hồn tôi, cả con người tôi đã hằn sâu dấu ấn của những năm đầu đời sống ở làng quê. Và càng về sau, vào những lúc không ngờ nhất, tôi càng cảm nhận được cái tác động mãnh liệt của những ấn tượng tuổi thơ. Một trong những âm thanh gây dấu ấn sâu sắc và tác động lâu dài đến đời sống tâm hồn tôi là tiếng trống làng.
Khi rời xa quê nhà, tôi đã mang theo cái tiếng trống đình làng ấy ra đi. Ở một thành phố cổ gần biển, trong những trang sách đầu đời, tôi làm quen với “tiếng trống thu không như gọi buổi chiều về” của Thạch Lam; tiếng trống hộ đê dữ dội và nhiều nỗi lo sợ, bàng hoàng của Phạm Duy Tốn. Đặc biệt, tiếng trống báo hiệu binh lửa với bao sinh linh đồ thán của Đoàn Thị Điểm: “Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam tuyền mờ mịt thúc mây” đã vang động không ngừng trong đời tôi, có lẽ vì tôi đã phải sống phần lớn tuổi đời của mình trong chiến tranh, ly loạn. Tiếng trống dội ra từ những trang văn ấy lại càng khiến tôi thêm nhớ đến tiếng trống làng trong những đêm mùa lụt ở chốn quê xưa. Giữa đêm mưa gió thét gào, tiếng trống từ đình làng cứ từng chặp, từng chặp vang lên. Xen giữa tiếng trống là tiếng người kêu cứu trong màn đêm, nghe thật thảm thiết, kinh hoàng. Những tiếng kêu cứu ấy như chạy luồn trong mưa gió đang rít gào, va đập và lẫn khuất sau những rặng tre làng ngập nước. Rồi tiếng người kêu cứu yếu dần, tắt lịm, chỉ còn nghe tiếng bờ tre già oằn mình trong gió mưa, liên hồi kêu kẽo kẹt, như tiếng nghiến răng chịu đựng bi thương. Trong những đêm mưa lũ ấy, khi gấp rút, tiếng trống đình báo hiệu nước lụt đang lên nhanh; khi ngắt quãng, chậm rãi, tiếng trống báo hiệu nước lũ đang rút xuống. Tiếng trống đình làng thao thức trong đêm mùa lụt ấy sao như chất chứa bao nỗi đời lo toan sinh tử. Nó trở thành nỗi đau quặn lại trong hồn người.
Cũng vậy, là tiếng trống đưa ma. Người dân quê tôi vẫn giữ quan niệm “Sống đèn dầu, chết kèn trống”. Và do đó, trong làng có bộ kèn trống dành riêng để dùng trong những dịp tang lễ, vì người xưa cho rằng, không có kèn trống thì không thành lễ tang. Tiếng trống kèn được coi là những lời khóc than, thương tiếc của con cháu và cũng là âm thanh tiễn đưa hồn người chết về với tổ tiên. Nhưng trước sau, với tôi, chỉ có tiếng trống đình lúc làng tổ chức hội xuân là ấn tượng hơn cả.
Tôi không bao giờ quên được cái không khí náo nức, rộn rịp của ngày hội làng. Ở quê tôi, hội làng thường bắt đầu vào Rằm tháng Giêng, ngay sau những ngày Tết Nguyên đán. Nói chung, ở miền Trung, hội làng ngày xưa thường gắn với lễ Kỳ yên (Tế xuân). Lễ Kỳ yên, ngoài ý nghĩa cúng Thành hoàng, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mùa, cúng tổ nghề. Tuổi thơ non nớt của tôi làm sao không ngạc nhiên khi lần đầu tiên được theo ông nội lên đình xem lễ tắm Thần vị. Vào lúc nửa đêm, tất cả những vị chức sắc trong làng, y phục trang nghiêm, tề tựu ở đình làng, cáo yết Thành hoàng để xin tắm Thần vị. Tuy chỉ được đứng từ xa, ngoài sân đình, để nhìn, tôi vẫn nhớ lời ông tôi giải thích, rằng thứ nước để tắm Thần vị là loại nước trong sạch nhất, do những người có trách nhiệm chèo thuyền ra giữa sông để lấy, vào lúc tinh mơ của ngày hôm đó.
Khi Thần vị đã được đặt trở lại trên bàn thờ, dân làng thay nhau dâng đồ tế lễ. Tuổi thơ của tôi ngập tràn màu sắc và âm thanh của những đêm hát bội vào dịp hội làng. Là một trong những cái nôi của hát bội, cùng với Bình Định, Quảng
đã từng có thời kỳ cực thịnh của loại hình nghệ thuật lôi cuốn này. Ngày xuân, khắp nơi đâu đâu cũng nghe rộn rã tiếng trống chầu. Tiếng trống chầu hát bội quyến rũ mọi tâm hồn già trẻ, hấp dẫn và lôi cuốn đến độ khiến cho mọi người rạo rực không yên: “Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi/ Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”. Với những người dân quê, vào hội xuân không thể thiếu hát bội. Đối với những tâm hồn chơn chất, một khi đã “nghe tiếng trống chiến, nó điếng trong ruột”, thì chẳng còn màng công việc nào nữa. Mà thật vậy, hát bội ngày thường đã hấp dẫn, ngày Tết, hội làng nó lại càng quyến rũ hơn, khiến cho mọi người “lắng nghe hò hát xoay vần suốt đêm”. Sức quyến rũ ấy khiến cho ngay cả người phụ nữ bán kẹo đậu phụng, ngỡ như là người xa lạ với nghệ thuật, cũng phải: “Tai nghe trống chiến, trống chầu/ Xếp ba miếng kẹo đậu phụng lộn đầu lộn đuôi”.
Tưởng cũng cần nói thêm rằng, trống chầu, cũng như trống đình, trống chùa, là loại trống to, đường kính mặt trống thường phải từ 1m – 1,2m; có khi đến 1,4m. Còn các loại trống nhỏ, như trống tổng, trống lệnh, trống nhạc thì đường kính mặt trống thường không lớn hơn 30cm. Lại cần làm sáng tỏ một điều: Mấy năm gần đây, ở nhà thờ tộc các dòng họ, người ta hay dùng loại trống lớn. Như vậy là không đúng quy cách. Lệ xưa quy định, trống nhà thờ tộc họ chỉ có mặt trống lớn 7 tấc (đường kính). Nếu dùng trống lớn hơn cỡ đó, sẽ bị cho là họ tộc ấy nghèo quá, không sắm nổi cái trống, phải đi mượn trống lớn là trống nhà chùa. Xem thế mới biết, không phải cứ có tiền là nhất thiết mua cho được cái trống lớn. Không khéo lại chỉ làm trò cười!
Nói đến trống, lại không thể không nói đến cái tài thẩm âm của những người thợ làm trống. Một số ít người, dựa vào kinh nghiệm bí truyền trong gia đình những nghệ nhân làm trống, có tài thẩm âm đặc biệt để tạo nên được tiếng trống hay. Đơn giản, có thể hiểu rằng, tiếng trống hay được phân định: trống đình, trống chùa, trống chầu phải lấy cho được tiếng “bầm”; trống tổng, trống lệnh, trống nhạc lại phải lấy cho được tiếng “tang”. Đó là cả một nghệ thuật! Tiếng trống chầu hát bội lôi cuốn, thúc giục mọi người khắp đầu làng, cuối xóm. Nhưng nó chỉ tạo nên nỗi rạo rực và sự háo hức ham vui. Còn chính tiếng trống làng, với không khí trang nghiêm và tưng bừng, náo nhiệt, khi cờ ngũ sắc bay phất phới khắp sân đình, trước cửa tam quan, mới thực sự tạo ấn tượng thiêng liêng sâu đậm. Tiếng trống ấy như còn vang dội suốt đời tôi, như còn theo tôi đi khắp mọi ngả đường trong những bước chân lưu lạc sau này.
Tiếng trống làng dồn dập, vọng xa, vô hình nhưng rõ rệt tạo nên một sức mạnh linh thiêng chạy suốt tâm hồn tôi, thôi thúc. Tiếng trống đình ấy khiến tôi vừa cảm thấy sợ sệt, phải giữ mình, vừa tạo nên sự háo hức như giục tôi phải chóng lớn, nên người. Nhiều năm tháng về sau tôi mới hiểu ra rằng, tiếng trống nơi đình làng ấy chính là hồn làng. Quả vậy! Đó chính là hồn thiêng của làng xã, nơi lưu giữ ký ức tổ tiên; nơi hình thành tình yêu gia tộc, làng xóm; nơi kết nối hồn làng với mệnh nước. Còn với riêng tôi, làm sao có thể đoan chắc rằng tiếng trống đình mang cái hồn thiêng của tổ tiên, làng nước ấy đã không có tác động sâu xa, lặng lẽ nhưng mãnh liệt, khiến tuổi thanh niên của tôi có đủ dũng khí tham gia cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (?).
Là một làng quê chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, mỗi khi tổ chức hội xuân, người quê tôi có lệ “ném kén”. Thực ra, kén ở đây không phải là những cái kén tằm, mà chỉ là những cái kén giả, được làm bằng hom dâu; mỗi hom dài độ 2 – 2,5cm, được vót nhọn một đầu. Người ném kén đứng trên chòi cao, cầm những “con kén” bằng hom dâu ấy ném tung xuống bốn phía. Mọi người tranh nhau lượm “kén”. Ai cũng mong nhặt được, vì những “con kén” này, khi mang về nhà được giắt trên mái tranh hay để trên bệ cột đầu hồi, coi như một thứ bùa “trấn trạch”(1), với niềm tin rằng trong năm mới sẽ nuôi tằm đạt được những “mí” (lứa) tằm chín, tơ đẹp, làm ăn phát tài, phát lộc. Điều quan trọng là, người được cử ra “ném kén”, trước đó phải có lời khấn, cầu mong Thành hoàng, tổ tiên phù hộ cho dân làng, “an khang thịnh vượng”. Và cùng với lời khấn là những tiếng trống dập dồn.
Sẽ có người cho rằng nhắc lại những sinh hoạt trong quá khứ là vô ích, vì văn hóa cũng giống như dòng sông luôn tuôn chảy về phía trước. Song với những ai nặng lòng với văn hóa dân tộc thì quên quá khứ là một tội lỗi. Mà thực tế lịch sử cũng đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, không có cộng đồng cư dân nào, dân tộc nào có thể tồn tại và vững bước hướng tới tương lai nếu bỏ quên quá khứ. Ngày nay, dù cuộc sống đã đổi khác, nhiều tục lệ xưa không còn nữa, nhưng tiếng trống đình làng vẫn không ngừng vang lên mỗi độ xuân về. Và tiếng trống đình ấy vẫn là một trong những cái hồn của quá khứ, của văn hóa làng xã, một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa dân tộc, đã và sẽ trở thành cơ sở vững chắc tạo nên tình yêu quê hương, đất nước ở các thế hệ người Việt tiếp nối nhau.
T.H.D.V (nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)
---------- (1) Trấn trạch: (thổ trạch: nhà ở, nhà đất). Chỉ tục xưa nơi nhà ở thường có dán bùa trừ tà ma. Ngày nay, tục ấy đã hoàn toàn được xóa bỏ trong sinh hoạt dân gian.
|