Giá sách Sông Hương
Về cuốn "Thơ đến từ đâu"
Có những vấn đề của thơ… được kiến giải sâu sắc
10:23 | 08/01/2010
(đọc “ Thơ đến từ đâu ?”(1) của Nguyễn Đức Tùng)HOÀNG NGỌC HIẾN                                         Cho đến nay tôi quan tâm đến thơ của Nguyễn Đức Tùng hơn phê bình văn học của anh. Bài “Chiến thắng” là bài gần đây nhất anh gửi cho tôi. Bài thơ vẻn vẹn 19 chữ. 2 câu “thất” ngắt dòng kiểu thơ Maia và một câu 5 chữ:
Có những vấn đề của thơ… được kiến giải sâu sắc
GS Hoàng Ngọc Hiến

Phá xong giặc Ân
Đông Ki Sốt

Phóng mình lên ngựa sắt
Dông tuốt
Không ở lại dự tiệc

Nguyễn Đức Tùng hiểu thế nào là tính hàm súc của ngôn ngữ thơ, không chỉ ở sự kiệm lời mà trườc hết ở sự nén lại những tư tưởng (tôi liên tưởng đến câu thơ của Berthold Brecht):với 19 chữ được khơi gợi những  suy tưởng về  3 chủ đề đáng đẻ chúng ta suy nghĩ: “chiến thắng”, “người chiến thắng”, “bàn tiệc chiến thắng.” Tác giả lại dùng câu thơ hàm súc để tạo ra sự mênh mang của thế giới thơ: “huyền thoại Đông” và “huyền thoại Tây”, “huyền thoại dân gian” và “huyền thoại bác học”, “ước mơ” cao vời vợi và “phê phán” ôn tồn, nghiêm trang cuộc sống trần tục…(theo lời bình của Đỗ Quyên)

Tôi yên tâm dở đọc từng trang cuốn sách của Nguyễn Đức Tùng: người phỏng vấn những nhà thơ là người có  hiểu thế nào là ngôn ngữ thơ và thế giới thơ.

Có lẽ Mallarmé (1842-1898) là người đầu tiên đặt ra vấn đề: làm thơ bằng “ chữ” hay bằng “  ý tưởng”?  Theo cách quan niệm thông thường, đặc biệt ở những thời “tư tưởng là thống soái”, thì không thể khác được, làm thơ là bằng những ý tưởng. Nhiều nhà thơ đã lên tiếng cãi lại. “
Ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người” (Maiakôvxki).Quan điểm của Mallarmé: làm thơ “bằng những chữ  chứ không phải bằng những ý tưởng”. Một cuộc cách mạng trong thi ca. Thơ hiện đại ngoài sự gắn bó với ngữ nghĩa những cảm xúc và tâm hồn như thơ truyền thống (không có sự đoạn tuyệt đâu!) còn có sự thể nghiệm bản thân ngôn ngữ. Có lẽ Lê Đạt đã xuất phát từ quan điểm của Mallarmé để định nghĩa nhà thơ là “phu chữ”. Tôi thiên về quan điểm của Mallarmé. Suy nghĩ của tôi hết sức đơn giản: cái đầu của Lê-nin là một kho tàng tư tưởng nhưng ông không làm nổi một nửa câu thơ. Nhưng tôi vẫn phân vân chưa hình dung được thế nào là “làm thơ bằng những chữ”. Có lần nghe tôi trình bầy quan điểm của Mallarmé và Lê Đạt về thơ, nhà văn Tô Hoài buông một câu: “Nhất định là làm thơ bằng “chữ” rồi , ai lại làm thơ bằng “tư tưởng”, nhưng vấn đề là anh ”sống” những con “chữ” như thế nào!” Ý kiến có vẻ như bâng quơ của Tô Hoài hé mở cho tôi một hướng để hiểu quan niệm của Mallarmé. Và hướng này đã được soi tỏ trong công trình của Ngưyễn Đức Tùng:

-
“…phải sống với chữ nghĩa như ăn uống, như khí trời. Lâu rồi nó thành ra của mình, chỉ chờ dịp là bộc lộ” (tr.47,dẫn từ một câu trả lời phỏng vấn của Hoàng Cầm).Đúng là “làm thơ bằng những con chữ”, nhưng phải hiểu cho đúng thế nào là “chữ” của nhà thơ.”Chữ” trong vốn văn hóa của nhà thơ không giống như những đồng xu trong túi. Có món phải tiêu chỉ cần móc túi lấy ra những đồng xu. Còn đưa những con chữ vào thơ, nhà thơ nhất thiết phải “sống” chúng.

- Đồng xu chỉ là  đồng xu, nhưng “con chữ” của nhà thơ nó có hồn, có vía.”Hồn vía những con chữ ở linh thức,cửa tử sinh của chữ Tâm, Nguyễn Du bảo:
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài,chữ Tài lại liền với chữ tai một vần. Ỷ vào tài hoa kiểu thuần hình thức có thể thành công trong ghép chữ (như cái trò scrabble) nhưng lại giết thơ đấy” (tr. 77, lời của Nam Dao).
      
Trong những bài phỏng vấn nhiều vấn đề quan trọng khác của thơ đã được nêu lên với những kiến giải sâu sắc: thơ không vần, thơ tự do, thơ “trình diễn”, thơ Tân hình thức, thơ hiện đại “có dáng dấp cổ điển”… Có những nhà thơ được phỏng vấn đề cập những vấn đề này ở một tầm lý thuyết rất cao.

Có lẽ vấn đề được công chúng thơ trong và ngoài nước quan tâm hơn cả là: hiện tình của thơ Việt. Phải chăng thơ Việt đương xuống cấp? Phải chăng nói đến việc “xả rác” hiện nay ở các nhà xuất bản, Nguyễn Khoa Điềm không loại trừ  những ấn phẩm thơ?

Có những nguyên nhân được phơi bày không phải để dè bỉu, để mạt sát mà biểu lộ những thao thức, lo lắng  chân thành của những nhà thơ. Tiêu biểu là những ý kiến của Nam Dao.

- “
Cứ mỗi lần nói về hình thức và nội dung, tôi có cảm tưởng chúng ta tách bạch chúng như những phạm trù khác biệt có chút tính đối kháng (cái thói quen tư duy nhị nguyên Tây phương du nhập mà!). Cặp hình thức-nội dung theo tôi thì là một quan hệ sinh hóa rất biện chứng.Chính vì thế mà khi nhấn mạnh quá nhiều đến hình thức, ta có xu hướng hạ thấp nội dung, rồi triệt tiêu luôn cả ngữ nghĩa.Từ đó, ta  toàn thơ nhan sắc, thơ rỗng ngực với cái xu-chiêng nylon hiệu wonderbra, thơ tô son bôi mắt, thơ lắp chữ làm dáng, thơ tối nghĩa hơn đêm ba mươi mượn hơi ẩn dụ, thơ đĩ thõa, thơ văng tục…Nói chung , đó là những loại thơ vô hồn và cô hồn có thờigian nhiều đến nỗi không còn ai muốn đọc trừ người viết và một nhúm thân hữu, dĩ nhiên.Thơ cứ thế xuống cấp và tạo ra hiện tượng dị ứng thơ là một nguy cơ văn hóa. Bởi nói cho cùng ,văn học Việt ta nếu có một chút gì để tự hào thí là thơ, ở đúng nghĩa của thơ, và nhất định phải là thơ hay…”(tr.74-75)

- “…
Nhan nhản trong thơ đăng báo,đọc qua không xúc động khiến phải tự hỏi mình,ơ kìa, có phải chính ta là kẻ đã khô cằn trước cái chết, sự sống, tình yêu ,niềm hy vọng … hay là thơ giả hình, sáo rỗng, đỏm dáng đã giết cho bằng hết cái rung cảm của lòng ta?...” (tr.75)

Với cách nhìn hết sức tỉnh táo và những nỗi lo trĩu lòng Nam Dao không hề bi quan:
“…Còn thành bại của một dân tộc?Phải về những vùng xâu vùng xa mới thấy cái gốc của những con người Việt , dẻo dai và biét thích ứng nhưng vẫn giữ được mình. Sống giữa hai nền văn minh khổng lồ là Hoa và Án mà còn là người Việt, muốn tiếp tục là người Việt, không phải là lẽ dĩ nhiên đâu.Thành bại của một dân tộc là văn hóa của dân tộc đó. Hiện nay có những điều đáng buồn, đáng lo. Nhưng dăm ba chục năm trong lịch sử một dân tộc không dài hơn tiếng muỗi vo ve bên tai. Tôi không bi quan, và xắn tay nặn óc làm những gì tôi làm được để góp tay vun trồng cái nền văn hóa đó.” (tr.89). Tôi là người vốn bi quan về tình hình văn hóa hiện nay. Bỗng thấy Nam Dao xem “dăm ba chục năm trong lịch sử … không dài hơn tiếng muỗi vo ve bên tai” cảm thấy trong người nhẹ nhõm hẳn đi…

Một điểm sáng trong tác phẩm của Nguyễn Đức Tùng là tinh thần lạc quan  “xắn tay” “góp tay” vun trồng nền văn hóa của dân tộc  là cảm hứng chủ dạo của toàn bộ công trình.

Những nhà thơ lên tiếng trong tập sách này là những cá tính khác nhau, những quan điểm thẩm mỹ, chính trị rất khác nhau, nhưng những nỗi lo của họ, những nghĩ ngợi của họ, những ước mơ và kỳ vọng của họ hướng về một
tổ quốc chung: đó là tiếng Việt, thơ Việt, văn hóa dân tộc Việt…./.

H.N.H











[1] Nguyễn Đức Tùng, “Thơ đến từ đâu?”. N.x.b. Lao động. 2009. Số trang được dẫn trong bài là từ cuốn sách này



Các bài mới
Các bài đã đăng