Giá sách Sông Hương
Về cuốn "Thơ đến từ đâu"
Thơ đến từ đâu – Một cuốn sách quan trọng và cần thiết
10:35 | 08/01/2010
DƯƠNG TƯỜNGTới giờ, có thể khẳng định: Thơ Đến Từ Đâu của Nguyễn Đức Tùng là một hiện tượng trong đời sống văn học Việt Nam trong năm 2009. Buổi ra mắt sách, tôi không có mặt vì đang ở Pháp.
Thơ đến từ đâu – Một cuốn sách quan trọng và cần thiết
Nhà thơ Dương Tường - Ảnh: thehetre.vn

Ngay sau hôm về nước, tôi nhận được một bản do nhà văn Trần Thị Trường mang đến tận nhà. Mấy tuần ở châu Âu, không có dịp lướt mạng, giờ tôi mới biết cuốn sách đã được đón nhận rôm rả đến thế, với những í kiến bình luận và phản hồi nhiều chiều, thẳng thắn, đôi khi nghịch tai đôi với một số người. Trong mail chúc mừng gửi Nguyễn Đức Tùng ngay sau khi nhận được sách, tôi có viết: “Không phải năm nào, mùa nào cũng ra được một cuốn sách như thế.”

Thơ Đến Từ Đâu, nói cách nào đó, là một công trình tập thể mà Nguyễn Đức Tùng là kiến trúc sư trưởng. Hình như cho đến nay, chưa có cuộc tập hợp đông đảo các gương mặt thơ trong nước và hải ngoại đến thé – 25 nhà thơ, vì ngoài 21 người được phỏng vấn trực tiếp, còn phải kể cả Du Tử Lê, Nguyễn Thụy Kha, Trần Mạnh Hảo (góp mặt trong bài Mừng vui có được hôm nay khép lại tập sách) và chính tác giả Nguyễn Đức Tùng nữa. Môt lựa chọn chưa hẳn là tiêu biểu, nhưng bao gồm nhiều phong cách, khuynh hướng, quan niệm thơ khác nhau, đủ để cho thấy sự đa dạng của thơ Việt hôm nay. Với ưu tâm hướng đến một giao hòa và đồng cảm trong khác biệt, và bằng kiến văn của mình, Nguyễn Đức Tùng đã tạo nên những cuộc đàm đạo thú vị, có chiều sâu, vượt ra khỏi khuôn khổ thuần túy mĩ học của câu hỏi: thơ đến từ đâu? Tôi thấy ở đây cả tâm lẫn tài.

Trong những phản hồi sau khi sách ra, có một số í kién chỉ trích, đôi khi gay gắt, đối với việc biên tập tùy tiên sửa đổi hoặc cắt xén văn bản ban đầu. Là một trong những người được phỏng vấn, tôi nhìn nhận vấn đề như thế này: Trong quá trình giao dịch với những bên liên quan trước khi ra sách, Nguyễn Đức Tùng đã rất nghiêm túc và cẩn trọng tiến hành theo ba bước, nhằm dành cho các nhà thơ quyền chấp nhận hay từ chối: 1/ gửi thư xin phép tất cả các nhà thơ liên quan; 2/ đồng gửi bản phỏng vấn đã đăng trên talawas cho ban biên tạp Nha xuất bản và nhà thơ liên quan; 3/ gửi lại nhà thơ liên quan bản đã biên tập (version finale) để xin í kiến lần cuối. Vậy là mọi sửa đổi hay cắt bỏ, nếu có, đều do sự thỏa thuận của ba bên. Vậy mà khi sách ra, vẫn có những sửa đổi, cắt bỏ sau thỏa thuận cuối cùng, thậm chí loại cả bài (trường hợp Lý Đợi). Đó là điều đáng tiếc.

Có thể có nhiều lí do, nhưng suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa vẫn là sự ngự trị của chế độ quản lí văn hóa ngặt nghèo (thực chất là kiểm duyệt), áp lực của nó luôn đè nặng lên tất cả những người làm công tác biên tập. Đó là một thực tế, thực tế ở một nước mà tất cả các nhà xuất bản đều là của Nhà nước, thuộc quyền quản lí của Nhà nước, cái thực tế ấy ta phải tạm chấp nhận sống chung với nó như người dân ở một số vùng cao phải sống chung với lũ vậy.

Bình tĩnh và khách quan nhìn lại, tình hình bây giờ đã khác xa thời chúng tôi. Tin tôi đi, thế hệ chúng tôi đã sông những ngày tăm tối hơn nhiều, quay trái quay phải đều đụng tabou! Nhiều tác phẩm của bọn tôi đã phải nằm ngăn kéo, des œuvres en souffrance (tiêng Pháp có những thành ngữ thiệt hay!), hàng mấy chục năm trời. Đơn cử: nhiều tác phẩm của nhà thơ quá cố Trần Dần viết từ những năm 60 – 70 của thế kỉ trước, đến nay vẫn chưa thể ra mắt bạn đọc. Phải, nhìn lại, quãng đường đã vượt qua trong tiến trình dân chủ hóa, không phải là ngắn. Chính những cố gắng để tiến tới hòa giải và hội nhập đã góp phần vào tiến trình ấy. Tôi nghĩ Thơ Đến Từ Đâu đích thị là một trong những cố gắng đầy nhiệt huyết theo hướng đó.

Cho nên, dù thế nào, tôi vẫn nghĩ Thơ Đến Từ Đâu là một cuốn sách quan trọng và cần thiết. Và tôi thành thật “mừng vui có được hôm nay”

D.T










Các bài mới
Các bài đã đăng