Hầu hết họ đều có những tác phẩm mới sau ngày Thơ, nhưng, như họ phát biểu, dường như họ viết cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn với câu chữ của mình, không còn hồn nhiên để cảm xúc cuốn đi như trước nữa. Bởi tất cả tám người đều tự “quàng” vào mình một trách nhiệm trước người đọc, rằng sẽ cho ra đời những tác phẩm đích thực và chuyên nghiệp, trong nguồn cảm hứng tươi trẻ “xoay và xoáy”* ngày nào.
Trong “Thơ trẻ 360 độ” (Công ty truyền thông Hà Thế và NXB Hội Nhà văn ấn hành), mỗi người góp mặt bằng 4, 5 bài thơ, hầu hết là những tác phẩm đã viết từ trước được đọc tại Ngày Thơ VN, và một đôi bài mới. Chưa đủ để nhận diện từng người, nhưng cũng phần nào cho độc giả cảm nhận về hồn thơ của họ. Nhà thơ Lương Tử Đức ví họ như một… phường bát âm với những sáo, đàn, trống, nhị, lục lạc… Những tưởng là đùa, những tưởng là một cách nói xuê xoa làm cử tọa buổi ra mắt tập thơ cùng nhau cười xòa, nhưng ngẫm lại, thấy cũng có nhiều phần đúng. Lâu nay cứ nghe đến từ “thơ trẻ” hoài mà cũng chưa ai định nghĩa cho đến cùng thế nào là thơ trẻ. Nhiều người dùng từ ấy để nói về những thi phẩm có những hướng đi mới lạ, chạm đến những đề tài chưa người khai phá, hoặc có hình thức thể hiện kỳ kỳ, phá cách - là thú vị với người này, là vớ vẩn tầm phào với người kia. Nhiều người dùng từ ấy để nhắc đến những cây bút mới bén duyên văn chương, chưa khẳng định tên tuổi và vì thế “bị” biết bao cái nhìn thận trọng, nghiêm khắc đang “soi”, đánh giá và bình phẩm. Nhiều người phũ phàng dùng từ đó với nghĩa: “còn non”, chưa đủ già giặn, chưa đứng được với đời! Bất luận người đọc và các nhà phê bình khen chê thế nào, “thơ trẻ 360 độ” trước hết vẫn đích thực là thơ và trong đó có rất nhiều hướng đi, cách khai triển thi pháp của mỗi cá nhân, không ai giống ai, mà đặt bên cạnh nhau, lạ thay, vẫn thấy những đồng điệu. Chợt nghĩ, phải chăng, “thơ trẻ” chính là sự mạnh dạn kiên trì theo đuổi ý niệm sáng tác của riêng mình, không chạy theo phong trào, không vì “người ta làm thế” mà mình làm theo, cũng không vì người ta chê mà chùn bước, khao khát cống hiến cho thơ những thanh âm đa sắc, làm phong phú thêm mỹ cảm của độc giả, đồng thời cũng mạnh dạn bày ra những phát hiện mới mẻ một cách đầy hăm hở, ngập tràn cảm xúc?
Và cái nền làm nên sự đồng điệu của tám người viết này, có lẽ, cũng chính là điều ấy.
Mở đầu tập thơ là những lời trần tình được viết một cách nhiệt thành, như một tuyên ngôn: “Những người trẻ có mặt ở đây, trong tập thơ này, gặp nhau, như ngẫu nhiên, khi mỗi con đường xem chừng vừa đủ, sắp đủ cho một tích luỹ. Và mỗi bài ca đang chuẩn bị bay lên. Ở ngoài kia là đất lớn vạn dặm, và nơi này, sức vóc của tâm trí bắt đầu chuyển động. Có những hy vọng, có những tin tưởng và một chút kiêu hãnh ở lòng yêu trong sáng với thơ ca mình đang đi. Người đọc và đời sống như đất đai, làm thành luồng lạch sông ngòi cho thơ ca trôi chảy. Những dòng nước mảnh mai hay vạm vỡ ấy cứ trẻ trung và trẻ lại để đi mãi, thấm xanh ngút ngát bãi bờ, bồi đắp nên những vùng đất mới.” (Nguyễn Quang Hưng)
Nguyễn Quang Hưng nói hộ các bạn mình, khẳng định “lòng yêu trong sáng với thơ ca”. Đó cũng là điều lớn hơn cả người đọc có thể cảm nhận, khi đọc xong 40 bài thơ, gấp cuốn sách nhỏ này lại. Thơ, suy cho cùng, dù cách tân hay cổ điển, vẫn chỉ xuất phát từ “lòng yêu”.
Điểm mặt những người thơ của nhóm 360 độ, tôi không nhắc đến tuổi tác của họ, bởi thưởng thức thơ không cần đếm đo thời gian trải đời của tác giả, nhưng vô tình vẫn nhận thấy nét trẻ trung tươi mới của một Lữ Mai trẻ nhất nhóm. Những nhà văn nhà thơ, nhà phê bình có mặt tại buổi ra mắt thơ nhận xét, thơ Lữ Mai già dặn, sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, biết “bung” khỏi hiện thực để ảo hóa cảm xúc. Nhưng, cái cảm xúc tươi roi rói, nồng nàn cũng quá mức, thất vọng buồn đau cũng quá mức của thơ đã để lộ vẻ thanh tân của người viết. Lữ Mai có được sức trẻ trong sự cảm nhận mùi vị cuộc sống, mà lại biết cách đưa vào thơ cảm nhận đó một cách chân thành, không ngại nói hết, nói đến cùng. Vì thế, tuy ít có điểm nhấn trong mỗi bài, cảm xúc cứ buông ra lan man theo nhận xét của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, thì Lữ Mai vẫn chinh phục được người đọc ở sự nồng nàn đến “thành tâm” của mình. Những “mưa thanh tân”, “mái tôn chật hẹp tóc buồn”, “phập phồng đêm”, “ngặt ngằn khói thuốc” “bời bời ký ức tháng năm”, “cựa quậy bức tường loang ố”, “mí mắt đêm”... là những khái niệm mới mà Lữ Mai muốn độc giả ghi lại vào “cuốn từ điển mỹ học cá nhân” của mình. Có những câu thơ thực sự khó nắm bắt, vẽ ra một không gian thơ là lạ, nhưng rõ ràng có đâu đó trong tâm tưởng mỗi người, người ta chỉ có thể cảm được mà không nói ra được như Lữ Mai:
“… nghe mộng mị thở dài trên gối cũ/ kéo em đi/ bình minh đón ngày bằng giọt sương/ tái tê, xon xót…”
Rồi:
“Em chỉ là hạt mầm cô đơn/ Khóc trước sự thành tâm của cỏ”.
Nhắc đến Lữ Mai rồi, thì lại muốn nói ngay đến Nguyễn Quang Hưng, vì thơ anh, ngược lại, có chất trầm, chậm, chắc của một người nhìn đời bình tĩnh, và đó là cái nhìn luôn muốn xa hơn, sâu hơn, cao hơn. Thơ vì thế mà tham lam muốn ôm trùm trời đất, từ vần điệu, vốn liếng từ vựng, lẫn chủ đề. Kể cả những bài thơ lấy tâm điểm là hội làng, là miền quê kiểng, hay những bài viết riêng cho con gái nhỏ, thì Nguyễn Quang Hưng vẫn thiên về sự khái quát. Chẳng hạn, trong “Tìm Tấm”, ta không chỉ thấy người đi tìm Tấm, mà những “phân vân”, “ngơ ngẩn”, “lo”, “đợi” của người dành cả cho một miền dân gian thấm đẫm những tinh hoa của dân tộc. Tấm, Hằng Nga, Xúy Vân, Tiên Dung… rồi chị Hai, chị Ba, anh Tư, chị Năm - có hết trong thơ Nguyễn Quang Hưng, mà tầm vóc lại không bé nhỏ trong những nếp nhà, bờ tre, đồng ruộng, mà cứ lồng lộng trong đất trời với “Rồng hạc về trời, mây mở”, với “chạy tìm mây nổi cuối đường trăng xưa”, với “Những mùa xuân của mọi chúng ta qua những thời khắc và biến cố”… Ngay cả đứa bé của anh cũng “mắt nhìn biển cả”, “bóng con sải cánh”…
Tôi thích giai điệu của thơ Nguyễn Quang Hưng, tiết tấu chắc, ít chuyển dồn dập, đôi khi đều đều dàn trải, lúc lại lên cao ở cuối đoạn thơ, gợi đến sự thăng hoa về cảm xúc tinh thần của con người sau khi được lắng nghe những bài giảng về tâm linh và cũng lại gợi một sự định hướng nội tâm tới những điều lớn lao cao cả. Đọc to thơ Hưng lên, để nhận được sự thăng hoa ấy:
Chính vì lẽ đó mà trên những dấu chân thanh minh/ Chưa bao giờ cỏ ngừng mọc/ Để mai đây, giữa nền bức tranh xanh non nối liền mặt đất và bầu trời/ Sẽ sáng lên những loài hoa mới
Tiếp nối mạch nghĩ về âm điệu trong thơ, phải nhắc đến Nguyễn Anh Vũ. Theo nhà thơ Lương Tử Đức, Vũ là “trống cái” trong nhóm, xuất hiện là đầy kịch tính. Bài “Tiếng chim Quyên quy” của Nguyễn Anh Vũ cũng sẽ đem cho người đọc niềm thích thú nhiều hơn nếu chịu khó đọc to bài thơ lên. Khi thì nhịp nhịp, vội vàng: ai vừa giũ vải/ cho nước suối xanh chàm/ ai vừa nướng cơm lam / đất thơm mùi khói cho cái bụng anh đói/ quên tìm tiếng chim/ tại nó lặng im/ nên chân anh đi lạc/ con mắt anh ngơ ngác/ chạm bậc nhà sàn/ vừa bước lên thang/ thì lại nghe nó hót.
Lúc lại mênh mang, tiếc nuối, kéo dài như một dư âm: Cuối bản Poong-kọn có tiếng Quyên qui hót/ giọng nó như ngậm mật rừng mùa chín ngọt/ “quyên qui”/ “quyên qui”/ nghe như ngây như say/ vây khắp lối về/ một mình anh/ và mây
Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn sân thơ Trẻ 2009 chọn Vũ xuất hiện đầu tiên trong buổi đọc thơ. “Trống cái” tạo mở màn kịch tính, để mọi người bước ra xưng danh. Những bài Vũ chọn đọc ở sân thơ Trẻ và chọn in đều ít nhiều có tính chất ấy. Đọc, thấy tiết tấu thay đổi liên tục, thấy chi tiết ngồn ngộn, thấy cả lời thoại, cho dù là lời thoại của con người với chính bản thân mình - nhưng không phải độc thoại, mà như giằng xé, như tranh cãi, như giễu cợt, khiến người đọc đôi khi rơi vào trạng thái bất ngờ, ngơ ngác trước những điều nhà thơ dồn dập đưa ra rồi bỏ lửng, không đi đến tận cùng (bài Xin lỗi). Có thể, Vũ muốn bạn đọc không “đọc” mình, mà song hành cùng mình trên những trải nghiệm cảm xúc?
(Nhóm Bát Tú trình diễn thơ)
Một trong những tác giả cũng muốn rủ người đọc đi theo những trải nghiệm cảm xúc ấy của người viết, mà lại rủ bằng cái giọng thủ thỉ, tâm tình, không… nài ép, là Thụy Anh. Trong buổi ra mắt tập thơ, nhiều ý kiến thống nhất rằng, chị là một giọng thơ truyền thống, hay nói đúng hơn, là cũ! Tác giả Nguyễn Hoàng Vân Anh nhận xét, chị “luôn đấu tranh với truyền thống để thể hiện nội lực của mình”. Nhưng dường như, khi viết, chị chỉ còn bị một thứ chi phối, đó là cảm xúc, ít cân nhắc câu chữ, chưa biết tiết chế cảm xúc, để tạo hiệu quả thẩm mỹ lớn hơn. Nhưng, như trên đã nói, đây cũng là một ý niệm sáng tác rất riêng. Thụy Anh dùng chi tiết, màu sắc để vẽ nên một bức tranh tâm hồn của mình, theo trường phái hiện thực, có vẻ thật thà, và dùng sự thật thà ấy để lôi cuốn người ta cùng soi chung với mình vào một tấm gương. Ở đó, hiện ra nỗi buồn:
Chiều đã buông, cánh rừng đã lặng/ Những thân cây dáng đứng thẳng vẫn buồn/ Giá vùi mặt xuống đất kia như cỏ/ Thì nỗi niềm có dễ chịu hơn không?
Nắng đã tắt, dòng sông xa thẫm lại/ Vạt hoa vàng cũng khép những niềm vui/ Gió thì lạnh, cỏ cuối mùa cằn cỗi/ Tiếng dế kêu tha thiết trên đồi.
Hay khao khát được đi đến cùng đường yêu: “Bát ấu tẩu em hãy nấu non/ cho ta chết đi mà tình vẫn còn”…
Những nỗi niềm ấy của con người ai chẳng có, và, trong cuộc đời vội vã này, hẳn có lúc độc giả cũng muốn ngồi lại, bất thần ngó vào tấm gương kia, nhận ra mình trong ấy!
Một giọng thơ cũng có nét chân chất mộc mạc, nhưng khỏe khoắn và ấm áp là giọng thơ Huyền Minh. Cái ấm áp trong thơ chị như chắt ra từ cơn gió lạnh của vùng cao nguyên đá, từ bếp lửa nồng nàn trong những ngôi nhà vách đất trình dày khộp của miền đất Hà Giang, nơi chị sống và làm việc: “Ăn mèn mén bằng muôi gỗ/ Uống nước đun bằng ấm đồng/ Thương anh/ Em giữ lửa suốt mùa đông”
Rất giản dị, như tên bài thơ “Điều giản dị”, nhưng lại sâu sắc, kín đáo thể hiện sự kiêu hãnh của những con người “đi trên con đường núi/ mọi đỉnh núi/ đều thấp hơn đầu gối”, những người như “cổng trời”, ngạo nghễ tuyên bố: “Gió ngang tàng cứ thổi/ Cổng trời vẫn thảnh thơi”. Huyền Minh có riêng cho mình một thế giới thơ, và chị không vội vã tái hiện thế giới ấy trong từng bài thơ, với một niềm yêu, niềm tin thật không dễ có được trong những bon chen vất vả - niềm tin ấy hồn nhiên và trong trẻo, có đôi chút ngây thơ, như hồn thơ của chị:
“Đời ông bà/ Nước mắt rụng trên đá/ Đời chúng ta/ Nụ cười nở thành hoa”.
Một thái cực khác, là Điệp Giang. Tác giả nữ này có thật nhiều hoang mang trong những bài thơ có những cái tên kỳ lạ: “Entry for September 16, 2008”, “FF3”, “FF(N+1)”… Ngay cả cách đặt tên, có phải, cũng đã thể hiện những hoang mang? Chắc hẳn chị đã có nhiều “Entry…” cho nhiều ngày sống. Chắc hẳn cũng đã có những FF1, FF2, … cho đến những N+1. Nếu suy xét theo kiểu toán học như thế, thì mới thấy hoảng sợ trước một hồn thơ đã có bề dày trải nghiệm và nhiều hoang mang đến vậy. Những câu thơ đầy nữ tính, với những ao ước, xúc động, và cả chia sẻ và hy sinh:
Em ước mình đã là đàn bà/ Được sống sớm hơn mười mấy năm về trước/ Được chia sẻ với anh những điều dường thân thuộc/ Được ăn cùng bữa cơm rau nhạt miệng của anh/ Được đọc những quyển sách giấy đen sần sùi của anh/ Chàng thanh niên Paven, anh hùng Che Guevara huyền thoại,/ Nghe tiếng bom, đội mũ rơm và chui hầm tránh đạn/ Chung một ngôi trường, chung những người bạn/ Rưng rưng cùng anh nghe lại bài hát cũ/ Rưng rưng cùng anh xem lại tấm hình cũ/ Như thể suốt cuộc đời ta đã thuộc về nhau…
Và nỗi buồn, cũng là nỗi buồn nông nổi của một người đàn bà:
“Tháng Năm nằm ở trên trời/ Nỗi buồn nằm ở ngay nơi mắt mình”.
Người này khi buồn, thì buồn nặng trên mắt. Người này khi buồn, thì nhìn thế giới qua nỗi buồn ấy. Và thế giới vì thế cũng ngập buồn của người rồi còn gì nữa! Đó là kiểu nói thật tinh tế của một người phụ nữ, mà cũng khiến người ta dễ đồng cảm quá! Ngay đến cái sự khẩn khoản “Nắm chặt tay em, nắm lấy tay em”, “Mình đang có nhau giây phút này/ đừng để tháng năm trôi” cũng dịu dàng nữ tính, và cũng mãnh liệt cuốn người ta đi, trong nhịp yêu nồng nàn mà vẫn đầy hoang mang. Đọc Điệp Giang, cứ nhớ câu “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” của Kiều, mà thấy lòng mềm ra, thảng thốt khi thấy tác giả trong mê đắm vẫn nhận biết được cả sự trào dâng, lẫn sự nguội dần của cảm xúc. Sự sáng suốt ấy khiến cho câu thơ mang một nỗi đau:
Lời tình yêu nói lần bao nhiêu không nhớ nữa/ Cả con tim, nhịp cũng chậm đi rồi/ Chẳng điều gì vững bền mãi được/ Quá khứ phai tàn, quá khứ mới sinh sôi.
Nếu mệt mỏi với những câu thơ dễ lôi cuốn sự đồng điệu của cảm xúc mà không chú ý cách tân về hình thức, bạn đọc sẽ đọc Lệ Bình Quan lâu hơn một chút. “Cánh đồng tuổi nhỏ” của anh là mạch suy tưởng miên man, những tưởng cứ dàn trải ra như thế đi suốt cuộc đời, viết mãi không dừng được. Nhưng trong bài thơ, hầu như câu nào cũng có cách nói của một tư duy không đơn giản. “Cuộc chia tay ban mai”, “mùi dậy thì của gió”, “thạch nhũ của giọng trầm”, “ra đầu sông nước chảy/ ra đầu biển cát bay”, “một vạt mưa xuôi”, “khi lấm bụi rồi/ và khi gây xước”... hình ảnh nào cũng mang tính ẩn dụ, hình ảnh nào cũng đầy sức gợi, một vài từ mà tác giả cho ta thấy rất nhiều, cả cảnh thiên nhiên nơi anh từng sống, cả cảnh sinh hoạt của người nông dân ở đó, và những thân phận người, từ quá khứ xa xăm lẩn vào hiện tại, và nhìn cả đến tương lai, bởi nhà thơ “chuẩn bị cho cuộc chia tay ban mai/ khi cánh đồng còn mơ ngủ”.
Lệ Bình Quan thể hiện một “phông nền” tri thức rộng và vững, vì thế, có cảm giác, anh viết chắc chắn và không chút ngại ngần, sẵn sàng thể hiện mình trên giấy. Anh mê mải đi theo dòng tâm tưởng của mình, tự lý giải mình, mặc cho người đọc dừng lại nghĩ ngợi, anh đã đi tiếp rồi:
hạnh,/ liếp đàn trầm/ hương tích trũng/ xương rồng nở hoa/ mưa sa đốn ngộ/ anh/ một mùi trẻ nhỏ/ mê mải gối chăn/ lặn chìm thần thoại/ con cóc là cậu ông trời/ xin người yêu cóc bằng lời ễnh ương. …
Thơ anh luôn có xu hướng tuôn ra ào ạt, như một người nói không hết những gì người ấy nghĩ, chỉ vì cái đầu đầy ăm ắp suy tư, ngôn từ không đủ, không đuổi kịp tư duy. Vì thế mà những người đọc đôi lúc phải chật vật giải mã những câu thơ. Có thể, đó cũng là một quá trình mang lại cho họ cảm xúc? Cũng đôi khi, giữa những “mật mã” là những đoạn thơ “dễ hiểu”, lại nói bằng một giọng ngọt ngào, đầy thương mến, khiến người đọc rưng rưng:
“Con là thiên thần của mẹ/ Không phải down ra từ mạng đâu/ Đừng làm công dân toàn cầu/ Mẹ sợ đau con bé nhỏ”.
Hay: “Em chẳng thể yêu anh như cỏ yêu mùa/ Em yêu anh vì anh là suối nguồn cần thác đổ”.
Người viết từng có một tuyên ngôn cho phong cách thơ của mình: “Tôi tin rằng đại sứ cao nhất của văn hóa Việt và tâm hồn Việt chính là thơ ca… Qua thơ ca, tôi đang học những bài học vỡ lòng về vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt” là Nguyễn Phan Quế Mai. Chị nói đến những điều lớn lao như vậy, có lẽ vì, chị là người đi nhiều, sống và làm việc cả nửa đời ở xa Tổ Quốc, có sự tự ý thức về trách nhiệm của một công dân của đất nước khi đối mặt với thế giới, ý thức giữ gìn vẻ đẹp tiếng Việt Nam. Ý thức về việc làm phong phú ngôn ngữ Việt trong chị rất mạnh mẽ, vì thế, thơ chị cũng luôn là những khao khát tìm được những cách nói lạ:
“Chảy ta về đâu giữa trập trùng sóng núi? Lời thì thầm ai nói Mắc võng giữa lưng chừng xanh?”
Hay:
“Chợt bấm khóa lịch trình hối hả Gửi chìa cho mây ngàn...”
Tuy nhiên, đôi khi, những cố gắng của chị có thể khiến người đọc cảm thấy ngợp, vì bất kỳ cái gì chị cũng... không chịu nói bằng cách thông thường. Nhưng, đó là con đường đi của chị, do chị lựa chọn, một con đường không bằng phẳng chút nào, và phải dũng cảm lắm mới dám đi đến cùng.
Điểm mặt điểm thơ của tám tác giả “Thơ trẻ 360 độ” đối với tôi là một việc không dễ, vì tám cách viết, tám cách cảm thế giới, đọc họ một lèo, nói về họ trong một bài viết, thật khó nói hết. Chỉ muốn tin, mỗi người trong nhóm đều dũng cảm quạt chèo khỏa nước, kiên trì bơi theo dòng thơ trôi chảy của mình, và, nói như Nguyễn Quang Hưng, “những dòng nước mảnh mai hay vạm vỡ ấy cứ trẻ trung và trẻ lại để đi mãi, thấm xanh ngút ngát bãi bờ, bồi đắp nên những vùng đất mới”.
M.T (251/01-2010)
-------------- *Tên bài viết về tập thơ của tác giả Mai Anh Tuấn.
|