Giá sách Sông Hương
Trịnh Công Sơn
Những câu chuyện về giấc mơ
14:44 | 29/03/2011
NGUYỄN XUÂN HOÀNG Bỏ ra gần hết cuộc đời để nghiên cứu đời sống của vô thức, S.Freud cho đến hơi thở cuối cùng vẫn đều đặn viết lại những giấc mơ của đời mình. Cái miền nâu nâu mờ nhạt như đêm tối ấy cuốn hút ông dữ dội.
Những câu chuyện về giấc mơ
Một cõi đi về (Chân dung Trịnh Công Sơn) - Tranh sơn dầu Bửu Chỉ
Với mỗi giấc mơ cá nhân, ông đều cố gắng tìm ra gốc gác, những ngọn nguồn và sự có mặt tất yếu của nó trong đời sống con người. Như những vụ nổ lặng lẽ trong vũ trụ, mà âm thanh của nó không bao giờ được nghe thấy, giấc mơ mở ra trong cõi vô thức những cánh cửa ẩn chứa nhiều bí mật của một đời sống riêng tư.

Trong nhạc Trịnh Công Sơn, giấc mơ là sự nối dài cuộc đời thực mà ông đã mệt nhoài. Giấc mơ mang lại niềm vui sống, nhen lên ngọn lửa hy vọng và chút ánh sáng ở cuối con đường tăm tối. Trong vô vàn những hình ảnh của cõi mộng mị triền miên, tình yêu là giấc mơ lớn làm choáng ngợp tâm hồn nhạc sĩ họ Trịnh. Dường như hiện thực khó có thể thỏa mãn những khát khao tình yêu rộng lớn vô tư trong cõi lòng ông. Và giấc mộng chính là sự chuyển dịch tình yêu ấy vào cõi vô thức mờ nhòa:

- Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi.
- Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai.

Thường tình thì điều gì không có ở hiện thực, con người sẽ tìm nó trong giấc mơ. Giấc mơ sẽ bù đắp những khiếm khuyết, thiếu vắng, mất mát... mà con người phải hứng chịu trong cuộc đời thực. Nhưng những giấc mơ về tình yêu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn lại không như vậy, nó không mang gương mặt của hạnh phúc. Thay vì hội ngộ, ở đây lại là một sự chia tay. Thay vì niềm vui rạng rỡ, ở đây là một nỗi đợi chờ đến héo úa. Nghĩa là giấc mơ thay vì tuân thủ sự bù đắp, làm đúng phận sự lấp đầy nỗi trống vắng tình yêu, nó lại làm cho tâm hồn con người trống vắng hơn. Giấc mơ tình yêu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn hoàn toàn là một nỗi thất vọng. Nó là giấc mộng đã tàn héo, nhạt phai, là cuộc đời thực dang dở do quán tính, lại tiếp tục lăn tròn và tiếp diễn trong giấc mơ.

Là người suốt đời ca ngợi tình yêu nhưng chưa bao giờ Trịnh Công Sơn cho rằng tình yêu sẽ mang lại hạnh phúc tuyệt đối, mà như chính đời sống con người, nó ẩn họa những tai ương. Quan niệm ấy đã chi phối hoàn toàn những giấc mơ tình yêu của ông. Dường như chưa bằng lòng với độ phê cơ bản về sự dang dở của tình yêu trong cuộc đời thực, Trịnh Công Sơn tiếp tục làm dang dở nó trong những giấc mơ. Và không phải lúc nào ông cũng nói rõ rằng mình đã thấy điều gì, bởi vì nó là giấc mơ về một... giấc mơ. Sự lấp lửng ấy đã làm cho chính ông cũng không biết rằng mình mơ hay thực, rằng có điều gì đã hiện ra trong giấc mơ. Nó là vô thức hay chính là sự nối dài của hữu thức. Đây là giấc mơ hay không phải giấc mơ. Này đêm đêm mơ thấy mặt trời, này đêm đêm mơ thấy nụ cười. Và đây nữa, em ở bên đời là thực hay là mộng: Có nhiều khi bên gối tôi nằm/ Nghiêng bên em tôi thấy nắng vàng. Có lúc Trịnh Công Sơn lẫn lộn lung tung giữa hai cõi THỰC và MỘNG, hai từ MÊ và TĨNH. Khó có thể xác quyết rằng thấy có phải là mơ hay không? Việc xóa mờ lằn ranh giữa hai cõi thực và mộng bằng những nghiêng (nghiêng bên em tôi thấy nắng vàng), những nghe (có những lần nằm nghe tiếng cười), những thấy (này đêm đêm mơ thấy mặt trời), cho thấy ông xem cõi mộng chính là đời thực và cuộc đời thực cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi. Nỗi tuyệt vọng chuyển hóa qua giấc mơ thành những hình ảnh ngập tràn ánh sáng. Ẩn dụ mặt trời, nụ cười rất hay xuất hiện trong giấc mơ của Trịnh, nó là đốm lửa hồng trong những ngày đông tàn lạnh giá. Trong cuộc đi mê mãi vào cõi hư không của ông, ánh sáng trong giấc mơ là thứ ánh sáng thật độ trì, chói gắt nỗi đam mê không thành, khi chuyển hóa một lần nữa từ giấc mơ vào cuộc đời thực nó lóng lánh sắc màu thủy tinh đọng lại trong vườn mắt ai một tình yêu bất diệt.

Nếu hình ảnh nụ cười xuất hiện trong giấc mơ của Trịnh rất gần với niềm khát ái lứa đôi thì mặt trời chính là tình yêu của ông đối với sự sống. Giật mình vì một nỗi sợ hãi truyền kiếp: Hôm nay thức dậy/ không còn thấy mặt trời/ không còn thấy loài người, cho nên giấc mơ của ông tràn ngập mặt trời. Đi giữa ranh giới của thực và mộng, có chút ngác ngơ của loài nghệ sĩ bẩm sinh, nhưng Trịnh Công Sơn không phải là một người tự huyễn, ông phơi trần giấc mơ bằng nỗi chân thành của một người kinh tởm sự tha hóa bốc mùi từ cái chết. Gạt bỏ hết tất cả những gì rối rắm, huyền ảo, giấc mơ của ông trinh hạnh như gương mặt tình yêu đầy ắp nụ cười. Trong những ca khúc của ông, giấc mơ tình yêu bao giờ cũng thật đẹp, dù có lúc tình yêu ấy đã làm ông khánh kiệt niềm vui: một ngày thấy em là đời bỗng đêm vây khốn, khiến ông cố nén lại nỗi thất vọng bằng một tiếng thở dài sâu thẳm: anh ghi bằng nhiều thu vắng/đến thu này thì mộng nhạt phai.

Thỉnh thoảng lạc loài giữa những giấc mơ tình yêu nhiều mộng đẹp, là cơn mơ, ác mộng về cái chết.

Đường nào dìu tôi đi đến những cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời.

Thấy mình chết, Trịnh Công Sơn đã kể lại điều ấy hết sức bình thản, ông xem điều đó như là một qui luật tất yếu. Cái chết thuộc về tương lai, chính vì vậy mà nó ám ảnh hiện tại. Tôi nhìn thấy tôi chết, điều đó gần giống như một bi kịch, đến rất chậm, đến từ từ. Như là có thể nghe được tiếng bước chân mơ hồ của thần chết đi qua đời người từ những vành nôi. Từ nỗi sợ hãi thời thơ ấu, đến ngợi ca ở tuổi trưởng thành, Trịnh Công Sơn đã làm cho gương mặt của thần chết dễ chịu hơn, bớt lạnh lẽo hơn. Lạc quan hóa cái chết, sự chết là cách thức mà ông muốn làm chủ cái chết, chuyển từ thế bị động sang chủ động. Sự cố gắng ấy có thể nhìn thấy không phải từ nỗ lực sáng tạo phi thường của ông với hơn tám trăm ca khúc mà ở chỗ vừa thuyết phục đồng loại, ông đồng thời ra sức thuyết phục bản thân mình rằng cái chết suy cho cùng chỉ là một trò đùa trẻ con. Tôi thấy tôi chết và đồng loại cũng thấy mình như vậy. Khi nói điều đó, người ta thấy ông cười rất nhẹ, vầng trán rộng thoáng những nếp nhăn suy tư, mái tóc bồng bềnh như một áng mây trời phiêu lãng.

Ngợi ca cái chết, hát về nó không mệt mỏi, Trịnh Công Sơn yêu cuộc sống đến mê mệt. Có những lúc ông giật mình tự hỏi: tôi là ai mà yêu quá cõi đời này. Ngay từ thời trẻ, đơn vị để ông đo cuộc đời không phải là năm, tháng, hay bốn mùa mà là từng ngày, từng ngày. Ông xoay trở trong cái quỹ thời gian chật hẹp và ít ỏi ấy để sống, để yêu, để đau khổ và hạnh phúc, để tuyệt vọng và hy vọng, để đo những cuộc đi không có kết thúc. Cuối con đường tiều tụy chỉ là dư ảnh của một bờ cỏ non đầy mộng mị mà thôi. Quay quắt trước cái chết, đùa bỡn với nó từng ngày, Trịnh Công Sơn vẫn điềm nhiêm làm cái công việc của dã tràng bằng trách nhiệm của một người nghệ sĩ chân chính, góp tiếng nói dù mong manh với cuộc đời này. Khó có thể từ chối sự quyến rũ của cái chết trong mỗi giấc mơ của ông, và nó hối thúc con người ta phải sống, nó bức bách con người ta chấp nhận một qui luật để có cơ may thắng cuộc bởi sự chấp nhận đó. Từ sự đe dọa thường trực của cái chết, tình yêu trở nên lung linh và đẹp ra. Ngón tay thần chết hoàn toàn bất lực khi nó bấu víu nhằm phải ngọn lửa tình yêu cháy rần rật, bất tử trong ca khúc của ông. Cái chết bất tử đã phải nhường lại cho tình yêu bất tử. Trong lối đi rất hẹp đó, Trịnh Công Sơn đã đoán mộng đời mình, ông chậm rãi với liều thuốc đắng của thần chết, mặn nồng với tình yêu thầm lặng nỗi si mê, thần chết và tình yêu giành giật ông, muốn chiếm hữu ông trong cả giấc mơ. Bỗng dưng ông thành một trọng tài bất đắc dĩ đàm phán và dàn xếp cho ổn thỏa cuộc chiến chiếm hữu ấy. Và rồi như có phép lạ, thần chết đã thỏa hiệp với tình yêu bằng bản giao kèo phi định chế: Các ca khúc ra đời ca ngợi tình yêu và cái chết. Cánh cửa vô thức khép lại, những giấc mơ lại tiếp tục trong một cuộc hành trình mới.

N.X.H

(266/4-11)





Các bài mới
Các bài đã đăng