Thế giới không gian
Gặp gỡ mùa thu 2018: Phát triển một nền lý luận, phê bình kiến trúc Việt Nam
09:05 | 17/01/2019

NGÔ VIẾT TRƯỜNG   

Trung tuần tháng Mười một, trên 300 kiến trúc sư (KTS) cả nước đã hội tụ về Huế trong không khí “Gặp gỡ mùa thu 2018” nhằm góp ý kiến để phát triển tốt hơn nền lý luận, phê bình (LL - PB) kiến trúc Việt Nam. Qua các giai đoạn phát triển, mặc dầu nhận thức sâu sắc rằng phải có LL - PB kiến trúc để soi đường cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam hiện đại; tuy nhiên cho đến nay, nền LL - PB kiến trúc vẫn chưa lớn mạnh, trong bối cảnh nền kiến trúc Việt Nam dường như còn chưa định được cho mình một đường lối sáng tạo nào, một hướng đi nào rõ rệt.

Gặp gỡ mùa thu 2018: Phát triển một nền lý luận, phê bình kiến trúc Việt Nam
Nhà Quốc hội - công trình hội tụ tinh hoa kiến trúc dân tộc. Hình tròn tượng trưng cho Mặt Trời/Người Cha và hình vuông tượng trưng cho Trái Đất/Người Mẹ.

Thách thức từ phát triển

Kiến trúc Việt Nam đang phát triển nhưng có xu hướng phức tạp hỗn loạn. Đó là nhận định chung của nhiều kiến trúc sư tham gia cuộc Gặp gỡ mùa thu 2018. Nhìn lại những năm trước 1986, cả nước sống trong bao cấp, xã hội được quản lý bằng tem phiếu, phân phối theo kế hoạch. Nhà dân tự xây ở đô thị hầu như không có, bởi rất ít ai mua nổi bao xi măng hay vài cân sắt. Kiến trúc đô thị sau chiến tranh khoác một màu đơn điệu, buồn tẻ, nhưng trật tự và ngăn nắp.

Công cuộc đổi mới như cơn lốc phá vỡ những rào cản trói buộc; cả nước như một đại công trường với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Người dân tự do cải tạo, xây dựng nhà ở; trong khi những công trình của nhà nước thì kiến trúc phần nhiều vẫn theo mô típ Liên xô cũ; các trường đào tạo kiến trúc sư đang ôm giáo trình cũ mèm, chợt giật mình trước tư duy kiến trúc hết sức mới mẻ của thế giới đang thay đổi từng ngày. Dù háo hức trước mở cửa, nhưng do thiếu hành trang bản lĩnh tri thức, nên cuộc đi từ “ao làng” ra “biển lớn” đã khiến giới kiến trúc sư Việt Nam lúng túng, không xác định được nên như thế nào khi lựa chọn hướng sáng tác giữa truyền thống và hiện đại, giữa phong cách bản địa và quốc tế. Thêm vào đó, sự lười biếng trong sáng tạo và tư tưởng sính ngoại quá đáng đã tạo ra hiện tượng sao chép, mà hệ quả là ra đời những kiến trúc nhại cổ, lai căng, hiện đại nửa vời, xa rời điều kiện tự nhiên và văn hóa dân tộc. Xuất hiện và lây lan đến chóng mặt những “Em ơi Hà Nội chóp”, “nhại cổ, nhại kiến trúc Pháp”, cả những dãy nhà ống vô duyên, buồn cười trong các lũy tre làng…

Sự hỗn loạn, sự nghèo nàn kiến trúc đang thật sự diễn ra. Bộ mặt kiến trúc nhiều đô thị na ná nhau, miền núi và đồng bằng cũng kiến trúc na ná nhau, thậm chí kiến trúc miền núi và miền biển cũng là những bản sao của nhau, không còn bản sắc, không còn ký ức, không còn hồn cốt. Đã xuất hiện tràn lan phong trào xây dựng những cổng chào, những tượng đài, biểu tượng hoành tráng nhưng lại xa lạ, lạc lõng với văn hóa quê hương. Kiến trúc nông thôn truyền thống bị đô thi hóa cưỡng bức đang có nguy cơ mất bản sắc, trở thành nơi chứa “rác thải tư duy” của văn minh đô thị.

Một điều thật đáng quan ngại là trong lúc phát triển hỗn loạn, những di chỉ ký ức lại đang mất đi. Việc trùng tu di tích vô tội vạ, thiếu hiểu biết khiến nhiều di tích biến dạng. Tư duy làm ngân sách bằng bán đất đã khiến nhiều nhà quản lý bằng mọi cách bán những khu trung tâm đô thị, cho các nhà đầu tư vô tư đập phá các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa để xây mới. Hậu quả là hàng loạt các kiến trúc xưa cũ, đã từng đi vào tiềm thức bao thế hệ, đã biến mất. Các không gian văn hóa đang mất dần ký ức kiến trúc, dù rằng tất cả thừa hiểu rằng một vùng đất sẽ trở nên nghèo nàn, tự đánh mất mình khi không chịu lưu giữ cho mình ký ức của tiền nhân. Về vấn đề này, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát biểu: bản sắc dân tộc của kiến trúc là cái HỒN của tác phẩm, là hơi thở của tác giả; ở đó người ta cảm nhận và chia sẻ với không gian sống của mỗi người dân Việt. Tuy nhiên, nhiều khi bây giờ đến nghỉ dưỡng tại một biệt thự mới xây tại vùng biển đẹp miền Trung, nhiều người cảm nhận mình đang ở một ngôi nhà xa lạ…

Những nghiên cứu về công tác bảo tồn đã chỉ rõ những hệ giá trị của kiến trúc Việt Nam được hình thành và phát triển qua các giai đoạn. Việc ứng xử với hệ thống di sản cũng như phát huy giá trị của nó trong cuộc sống đương đại đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi giới kiến trúc sư cần thể hiện quan điểm rõ ràng.

Khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đất nước còn phải giải quyết nhiều hậu quả chiến tranh cũng như những trở lực phát triển như quốc nạn tham nhũng; thì kiến trúc Việt Nam phải giải quyết nhiều bài toán cho sự phát triển bền vững với nhiều tham số hơn so với những nước phát triển khác.

Những thách thức chưa dừng ở đó. Những năm đầu thế kỷ 21, vai trò KTS Việt Nam bị suy giảm đáng kể khi lực lượng KTS nước ngoài đổ vào và chiến thắng trong hầu hết các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc quan trọng. Hệ quả là kiến trúc Việt Nam đang phần nào bị định hình từ bên ngoài. Nguyên nhân của hiện tượng này một phần do KTS Việt Nam thiếu kinh nghiệm thiết kế các công trình phức tạp, quy mô lớn, thiếu hiểu biết về công nghệ xây dựng; mặt khác tâm lý “sính ngoại” trong khách hàng người Việt dẫn đến sự thu hẹp hành nghề của KTS bản địa.

Những xu hướng kiến trúc Việt Nam và thực trạng lý luận phê bình

Người Việt canh tác lúa nước và định cư từ rất sớm, chủ yếu dưới dạng làng nông nghiệp tự cung tự cấp, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có kiến trúc. Đó là văn hóa làng xã với tính cố kết cộng đồng bền chặt, phong tục thờ cúng tổ tiên đặc trưng, có ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc dân gian truyền thống. Tất cả in đậm trong tiềm thức dân tộc và trở thành niềm tự hào, đến mức nhiều ngàn năm dù chịu tác động của phương Bắc và phương Tây, văn hóa làng xã của kiến trúc dân gian người Việt vẫn không bị đồng hóa, vẫn được bảo lưu và phát triển. Hình ảnh làng quê hiền hòa, xanh mát, con sông, bến nước, con đò, cánh đồng bao quanh với đàn cò trắng la lả bay la, khuất trong vườn chuối là những mái tranh tạo nên một thực thể hữu cơ không thể tách rời, làm nên nét đặc trưng tự bao đời của làng quê Việt.

Theo thời gian, giá trị truyền thống của kiến trúc Việt Nam du nhập thêm nhiều giá trị của kiến trúc thế giới. Giai đoạn 1858 - 1954: Kiến trúc có thiết kế do người Pháp đưa vào Việt Nam có từ thời Gia Long. Nhưng kiến trúc hiện đại phù hợp với các tiêu chí phổ quát trên thế giới, chính thức từ khi Pháp mở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925). Xu hướng Trọng Âu phổ biến. Về quy hoạch, người Pháp thiết kế và xây dựng nhiều đô thị dựa theo nguyên tắc phân vùng chức năng. Thành phố Huế với dòng sông Hương được thiết kế để liên kết hài hòa giữa Thành Nội phía Bắc truyền thống với khu phố Pháp hiện đại ở phía Nam. Khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) cây xanh, mặt nước được khai thác với vai trò là thành phần cảnh quan tạo nên sự liên kết độc đáo bốn mặt kiến trúc khác nhau xung quanh. Đà Lạt, thành phố nghỉ dưỡng được thiết kế với những công trình kiến trúc đậm chất châu Âu nhưng với sự tôn trọng gần như tuyệt đối đặc điểm địa hình cảnh quan rừng và đồi núi. Giá trị cảnh quan Đà Lạt được nâng lên và nhấn mạnh hơn nhờ ý tưởng quy hoạch Hồ Xuân Hương - hồ nhân tạo, tạo nên kiến trúc cảnh quan thơ mộng buộc mọi người đều nhớ đến…

Cổng chùa Thiên Mụ theo kiến trúc Tam Quan, tháp Phước Duyên phía xa, một nét đẹp trầm mặc quen thuộc trong kiến trúc Huế. Ảnh: tư liệu.


Thời Pháp thuộc, theo thời gian đã định hình 7 phong cách kiến trúc phổ biến: kiến trúc thực dân thời kỳ đầu (trại lính), Tân cổ điển phương Tây (như Nhà hát lớn Hà Nội), kiến trúc địa phương Pháp (một số biệt thự ở Đà Lạt), kiến trúc Art Nouveau (mái đón nhà khách 12 Ngô Quyền - Hà Nội), kiến trúc Art Deco (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), kiến trúc Đông Dương (trụ sở Bộ Ngoại giao), kiến trúc dân tộc (biệt thự 215 phố Đội Cấn, Hà Nội - KTS Nguyễn Cao Luyện).

Giai đoạn 1954 - 1975: Ở miền Bắc phương thức xây dựng xã hội chủ nghĩa chi phối mọi hoạt động. Nhiều khu đô thị, làng quê thiết kế theo mô hình nhập khẩu từ Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu. Trong điều kiện thiếu thốn, tuy hình thức kiến trúc đơn giản nhưng mạch lạc, thể hiện tinh thần của kiến trúc hiện đại và phù hợp với điều kiện thực tế miền Bắc những năm tháng đó. Có thể xác định đó là một phong cách kiến trúc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Ở miền Nam, sự chi phối của tư bản chủ nghĩa tác động mạnh mẽ đến kiến trúc, tạo nên sự đa dạng về loại hình kiến trúc. Trong đó đáng kể nhất là xu hướng tìm tòi các giải pháp kiến trúc hiện đại thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới miền Nam. Ngày nay có thể gọi đó là phong cách kiến trúc nhiệt đới hiện đại Việt Nam.

Giai đoạn 1976 - 1986: Đất nước hòa bình song rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh, cấm vận. Kiến trúc thể hiện tư duy duy ý chí. Chương trình phát triển nông thôn với 500 pháo đài huyện hay quy hoạch mở rộng Thủ đô Hà Nội lên Vĩnh yên… là những ví dụ tiêu biểu.

Giai đoạn từ 1987 đến nay: Mở cửa - Đổi mới đã trở thành động lực phát triển trong xu thế toàn cầu hóa. Tốc độ đô thị hóa và phát triển kiến trúc ở nước ta diễn ra nhanh chưa từng có, làm thay đổi bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị và nông thôn theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Về quy hoạch, vai trò dự báo và định hướng chưa chuẩn xác, quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa theo kịp sự phát triển. Về kiến trúc, hội nhập quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa đã khiến nhiều xu hướng, phong cách kiến trúc mới, hiện đại xuất hiện. Kiến trúc đương đại đã có những thành công nhất định. Các xu hướng hiện đại thể hiện qua các phong cách tượng trưng, biểu hiện, thô mộc, high - tech, tối giản, hiện đại mới. Kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc đang định hình, gắn với kiến trúc xanh, bền vững.

Thực tế kiến trúc Việt Nam là khá phong phú, thế nhưng thực trạng các ấn phẩm về LL-PB kiến trúc là khá ít ỏi, chưa theo kịp được nhu cầu phát triển. Các tham luận của KTS Nguyễn Quốc Thông, KTS Vũ Hồng Hạnh, KTS Vũ Hiệp… đã thống kê khá kỹ các tham số:

Giai đoạn trước 1954 chỉ có 6 cuốn liên quan đến kiến trúc xuất bản. Giai đoạn 1954 - 1975: 7 cuốn. Giai đoạn 1975 - 1986: 15 cuốn. Giai đoạn 1986 đến nay: 312 cuốn.

Các nhà xuất bản (Nxb) trong nước hiện xuất bản sách kiến trúc rất ít: Nxb Xây dựng, Nxb Mỹ thuật, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Nxb Văn hóa, Nxb Hà Nội. Thống kê cho thấy, tổng số đầu sách LL-PB sử dụng trong đào tạo chỉ 340 cuốn, trong đó sách dịch 18 cuốn (5,3%), Nxb nước ngoài xuất bản 15 cuốn (4,4%), trong nước có 325 cuốn (95,6%), sách do Hội Kiến trúc sư Việt Nam xuất bản có 17 cuốn (5%).

Số tạp chí, báo đăng tải các bài LL-PB liên quan đến kiến trúc từ sau Đổi mới cũng không nhiều. Hiện có 4 tạp chí chuyên ngành chính là: tạp chí Xây dựng, tạp chí Kiến trúc, tạp chí Kiến trúc - Việt Nam, tạp chí Quy hoạch Xây dựng, tạp chí Đô thị đã in khoảng 1450 bài báo liên quan. Các bài báo liên quan đến LL-PB kiến trúc thì có 286 bài về lý luận  kiến  trúc,  54  bài  về  phê  bình  kiến  trúc,  57  bài về phát triển bền vững, 217 bài về bảo tồn di  sản  kiến  trúc,  643  bài  về  xu  hướng  sáng  tác  kiến  trúc.  Các  bài  báo  liên  quan  đến  LL-PB  quy  hoạch  xây dựng: khoảng 80 bài liên quan đến quy hoạch  vùng (5,9%); 46 bài về xu hướng phát triển đô thị  sinh thái, đô thị xanh, thông minh, phát triển bền  vững, thích ứng biến đổi khí hậu… (3,4%); 18 bài  về  quy  hoạch  bảo  tồn,  phát  huy  giá  trị  di  sản  đô  thị (1,5%); 41 bài về phương pháp lập quy hoạch  (3%). Khi xem xét 29 luận văn thạc sĩ kiến trúc, thì  có 10 luận văn về đề tài lý luận, không có luận văn  nào về phản biện.  

Trong số 340 đầu sách kiến trúc và 1450 bài báo,  sách và bài về lý luận kiến trúc cũng có số lượng hết  sức hạn chế, chỉ có 49 cuốn sách (14,4%), 286 bài  báo (21,1%). Giai đoạn sau 1986, sách lý luận chỉ  chiếm 17,9% và cũng chỉ phát triển từ nền tảng lý  luận phương Tây. Sách báo phê bình kiến trúc càng  ít ỏi hơn. Chỉ có 9 cuốn phê bình và 54 bài báo. Sự  vắng vẻ trong loại phê bình kiến trúc cho thấy tâm  lý ngại va chạm của người Việt Nam, chưa xuất hiện  nhà phê bình kiến trúc chuyên nghiệp.

Thực  trạng  LL-PB  kiến  trúc  cho  thấy  có  những  tồn  tại  sau  đây:  chưa  quảng  bá  được  giá  trị  đặc  sắc của kiến trúc truyền thống Việt Nam ra với thế  giới;  chưa  tìm  ra  được  sợi  dây  xuyên  suốt  từ  kiến  trúc truyền thống với kiến trúc hiện đại; chưa hoàn  thiện cơ sở LL-PB để từ đó định hướng sáng tác…

Ga Huế - một kiến trúc thuộc địa ra đời từ 1906,  là nhà ga còn giữ kiến trúc nguyên bản nhất Việt Nam. Ảnh: tư liệu.


Cần  sớm  minh  định  phát  triển  nền  lý  luận  phê bình kiến trúc  

Kiến  trúc  truyền  thống  Việt  Nam  đã  sản  sinh  ra những tác phẩm giá trị cao về thẩm mỹ không  thua kém phương Tây; thế nhưng nó lại bị kiến trúc  phương  Tây  tấn  công  dồn  dập,  rơi  vào  thế  phòng  thủ, cửa dưới. Về sau này, sự hỗn loạn của kiến trúc  đang chứng tỏ kiến trúc Việt Nam đang có nguy cơ  mất phương hướng. Một trong những nguyên nhân căn  bản  thực  tế  đó  chính  là  sự  yếu  kém  của  LL-PB  kiến  trúc. Thực tế cho thấy từ Đổi  mới 1986 đến nay, thông tin  kiến  trúc  như  trăm  hoa  đua  nở,  lực  lượng  tham  gia  viết  LL-PB  đa  dạng,  từ  những  người uyên thâm đến những  người  vỡ  lòng,  nhiều  quan  điểm  không  có  giá  trị,  thậm  chí  lệch  lạc  có  hại  cho  công  tác phát triển kiến trúc nước  nhà,  cổ  vũ  cho  việc  tàn  phá  thiên nhiên, phá hủy di sản,  tung  hô  phong  cách  duy  mỹ  tầm thường…

Ý thức về LL-PB kiến trúc  ở  Việt  Nam  chỉ  thực  sự  hình  thành  từ  thời  Pháp  thuộc.  Sau  đó  trải  qua  các  cuộc  chiến tranh tàn khốc, LL-PB trầm lắng hẳn. Từ sau  Đổi  mới,  Việt  Nam  mới  có  điều  kiện  để  xây  dựng  nền móng cho LL-PB kiến trúc. Những thành công  bước đầu có thể kể đến: Đã góp phần quan trọng  trong bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống;  phổ biến những thành quả tiến bộ của kiến trúc thế  giới vào Việt Nam song có kế thừa, chọn lọc; đồng  hành  cùng  lịch  sử  dân  tộc;  góp  phần  định  hướng  sáng tác.

Nhiều  KTS  trong  Gặp  gỡ  mùa  thu  2018  đã  đề  xuất nhiều biện pháp phát triển. KTS Nguyễn Hữu  Thái  đề  xuất  LL-PB  kiến  trúc  hướng  đến  một  kiến  trúc  có  bản  sắc  và  bền  vững:  Một  lý  thuyết  đang  có ảnh hưởng rất lớn hiện nay trong giới kiến trúc  quốc tế là lý thuyết về “Nơi chốn”. Bên cạnh đó, lý  thuyết về “Kiến trúc sinh thái” cũng mang đến cho  kiến  trúc  bản  sắc  rõ  rệt,  gồm  cả  các  hình  thái  tự  nhiên  và  sinh  thái  nhân  văn.  Kết  hợp  “Nơi  chốn”  và “Kiến trúc sinh thái” để ứng phó với biến đổi khí  hậu là xu hướng hợp lý và có hiệu quả cho tương lai  kiến trúc Việt Nam song vẫn bảo đảm bản sắc dân  tộc đậm đà.

Nhiều KTS riết róng đặt dấu hỏi: Làm sao nhanh  chóng phát triển nền LL-PB kiến trúc; để từ đó làm  nó thật sự lớn mạnh để thực sự góp tiếng nói quyết  định  trong  vấn  đề  bảo  tồn  -  phát  huy  di  sản  kiến  trúc, quảng bá các giá trị kiến trúc truyền thống ra  với thế giới, quan trọng là có thể định hướng sáng  tác mới?

Câu trả lời vẫn là phải căn cứ từ ngọn lửa khoa  học trong mỗi trái tim của mỗi KTS; sự thống nhất  nỗ lực của các bộ ngành, các cơ quan, trường học, tổ  chức liên quan trong quản lý, trong xây dựng, trong  đào tạo, trong bảo tồn phát triển... Cần cập nhật các  hệ thống lý thuyết tích cực và kinh nghiệm sáng tạo  của thế giới trong việc tạo dựng bản sắc kiến trúc và  phát triển bền vững cho kiến trúc Việt Nam.  

N.V.T 
(SHSDB31/12-2018)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng