Kiến trúc Huế
Những đặc điểm về dẫn ngữ trong thơ trên điện Thái Hòa (3)
15:30 | 04/11/2008
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG(tiếp theo và hết)


3. Dẫn ngữ thơ văn, sách vở:
Ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hòa còn được sử dụng phương thức ẩn dụ qua việc mượn những câu thơ, ý thơ, các câu trong kinh sách để diễn đạt nội dung. Nội dung trong quá trình tiếp nhận sẽ được lĩnh hội thông qua việc liên tưởng đến những “tiền giả định” là những câu thơ, đoạn văn đã biết. Chẳng hạn như:
+ Yêu đào hồng chước chước (
夭佻紅灼灼): cây đào mơn mởn hồng rực rỡ (Bài A.2.5.N). Trong Kinh Thi có bài Đào Yêu ( ) như sau: Đào chi yêu yêu/ Chước chước kỳ hoa/ Chi tử vu quy/ Nghi kỳ thất gia  (桃之夭夭/ 灼灼其花/ 之子于歸/ 宜其室家): nhánh đào mơn mởn/ rực rỡ muôn hoa/ theo chàng về nhà/ yên bề gia thất. Dẫn hai chữ này, ý thơ muốn chỉ về sự tốt đẹp trong cuộc sống, sự hòa hợp âm dương trong vạn vật.
+  Đông ly hiểu lộ lung (
東離曉露籠): bờ rào phía đông sương sớm phủ dày  (Bài A.1.13.CD). Hai chữ Đông ly xuất phát từ câu thơ của Đào Tiềm: Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến sơn (採菊東籬下/ 攸然見南山): hái hoa cúc tại hàng rào đông, bỗng nhiên vụt thấy núi . Ở đây ý của câu thơ trong ngữ cảnh là ca ngợi, tự hào về non sông, gấm vóc, cái đẹp vụt lên trong ngỡ ngàng.

+ Lưỡng tương nhân trí nhạo (
兩將仁):  Hai bậc nhân và trí cùng lấy đó làm thích (Bài B1.30.LB2t). Ba chữ nhân trí nhạo xuất phát từ một câu trong thiên Ung Dã của sách Luận Ngữ: Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn (智者樂 / 仁者樂山): người trí dũng ưa thích nước, người nhân nghĩa ưa thích núi. Chu Hy chú câu này là: “Người trí đạt sự lý thông suốt mọi lẽ không bị đình trệ, giống thể của nước, cho nên ưa thích nước. Người nhân ổn định nghĩa lý, trước sau không thay đổi, giống đức của núi, cho nên ưa thích núi”. Sau này, vua Thiệu Trị cũng từng có câu thơ trong bài Tịnh hồ hạ hứng (mùa hè, cảm hứng ở hồ Tịnh Tâm): Y nhiên nhân trí tình vô hạn (依然仁智情無限): quang cảnh ở đây hợp với tình cảm của người nhân và người trí(2). Dẫn ngữ này trong ngữ cảnh bài thơ để bày tỏ lòng tự hào về núi sông tươi đẹp, con người sống chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ, đất nước thanh bình.

+ Cửu hữu ngưỡng nghi hình (
九有仰儀型): “chín điều có” ngẩng lên làm khuôn mẫu (Bài A.1.37.LB). Cửu hữu ở đây đây chính là Cửu tư (九思): chín điều phải lo nghĩ. Hai chữ này mượn từ một câu trong sách Luận ngữ: Quân tử hữu cửu tư (君子有九思): người quân tử phải có chín điều lo nghĩ, ý thơ chỉ về việc “tu thân, trị quốc” của nhà vua, phải luôn lo lắng tu dưỡng bản thân, trăn trở đối với vận nước và vận mệnh nhân dân.
+
Minh đức nhật duy tân (明德日維新): đức sáng ngày càng duy trì cái mới  (Bài B1.18.LB3t). Các tổ hợp Minh đức, duy tân ở đây mượn từ sách Đại học: Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân, tại ư chí thiện (Cái đạo của Đại học ở chỗ làm sáng cái đức sáng, ở chỗ thân thiện với dân, ở chỗ đạt đến cái thiện). Ý thơ ở đây là chỉ về sự tu dưỡng, rèn luyện của nhà vua, ngày không ngừng đổi mới để hoàn thiện bản thân nhằm đạt đến “cái đức”, “cái đạo”, “cái thiện”, nói chung là những điều tốt đẹp trong hành xử với con người, trong điều hành xã hội.

Những kiểu dẫn ngữ thơ văn tương tự ở thơ trên điện Thái Hòa là phổ biến. Trong chừng mực giới hạn, chúng tôi chỉ trình bày vấn đề này qua một vài dẫn chứng có tính tượng trưng mà thôi.
Trong các ẩn dụ hình thành bằng việc dẫn ngữ, hình thức của dẫn ngữ là hết sức phong phú, chúng được sử dụng đan xen, trộn lẫn, có nhiều bài chứa đến bốn, năm dẫn ngữ điển tích, thành ngữ, thơ văn đã tạo nên một mã ngôn ngữ phức tạp, đòi hỏi đối tượng tiếp nhận phải huy động tất cả khả năng hiểu biết để lĩnh hội.
Một số dẫn ngữ dùng nhiều lần đôi lúc đã trở thành phô trương, khuôn sáo, nhất là các dẫn ngữ về điển tích. Điều đáng nói là, chủ thể sáng tạo đã linh hoạt “đắp” cho điển tích những sắc thái nghĩa mới bằng cách thêm vào điển một nét nghĩa có tính chất “làm rõ nghĩa, xác định cụ thể” của điển, tránh sự lặp lại nhiều lần một cách nhàm chán.

Nhận thức đúng đắn về những quy luật của các phương thức tu từ ngữ nghĩa trong ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hòa, nhất là cách thức vận dụng dẫn ngữ với những đặc điểm khá riêng biệt, sẽ lĩnh hội được nội dung một cách đúng đắn nhất, đồng thời nó sẽ tạo nên một kinh nghiệm trong việc lĩnh hội nội dung của hệ thống thơ trên di tích Huế cũng như trong thơ của các vua Nguyễn(3).
                     N.P.H.T.

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

………………….
(1)
Cách đánh số các bài thơ do chúng tôi tự đặt. Trong đó, ở ngoại thất, phần điện trước được quy ước trình bày có ký hiệu viết tắt là A.1; phần  điện sau được quy ước trình bày là A.2. Theo đó, tất cả các bài thơ đều được đánh số chạy từ 1 đến 41 cho phần tiền điện và từ 1 đến 32 cho phần hậu điện. Thơ được trang trí tại các vị trí bờ nóc mái (ký hiệu là N), cổ diêm mái trước (ký hiệu là CD), cổ diêm mái trái (ký hiệu là CDT), cổ diêm mái phải (ký hiệu là CDP). Tương tự, đối với nội thất điện, chúng tôi cũng chia sự phân bố thơ làm hai khu vực chính: điện trước và điện sau. Trong đó, phần điện trước được quy ước trình bày là B.1; phần điện sau được quy ước trình bày là B.2. Tất cả các bài thơ cũng đều được đánh số chạy từ 1 đến 90 cho phần tiền điện và 1 đến 28 cho phần hậu điện. Thơ được trang trí tại các vị trí liên ba hàng cột 3 dãy trên (ký hiệu là LB3t) và dưới (ký hiệu là LB3d); liên ba hàng cột 2 dãy trên (ký hiệu là LB2t) và dãy dưới (ký hiệu là LB2d); liên ba hàng cột 1 (ký hiệu là LB1); liên ba hàng cột 8 (LB8); liên ba hàng cột 7 mặt trước (ký hiệu là LB7t); liên ba hàng cột 7 mặt sau (ký hiệu là LB7s); liên ba vách hậu điện (ký hiệu là LBV).
(2)
Phan Thuận An, Phan Thanh Hải, Phạm Đức Thành Dũng, Nguyễn Phước Hải Trung, Thần Kinh nhị thập cảnh - thơ vua Thiệu Trị, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 86. 
(3)
Xem thêm: Nguyễn Phước Hải Trung, Đặc điểm ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hòa, Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học, Trường ĐHKH Huế, 2006.

Các bài mới
Các bài đã đăng