Kiến trúc Huế
Những đặc điểm về dẫn ngữ trong thơ trên điện Thái Hòa (1)
16:25 | 04/11/2008
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG  I. Tổng quan về điện Thái HòaĐiện Thái Hòa (太和殿) là công trình quan trọng nhất trong Hoàng Thành (皇城) Huế làm nơi đặt ngai vua và tổ chức các lễ đại triều từ năm 1805 (từ khi xây dựng) đến năm 1945 (đến khi chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam).
Những đặc điểm về dẫn ngữ trong thơ trên điện Thái Hòa (1)

Dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), ngôi điện này được xây dựng và tu sửa chủ yếu vào triều Gia Long (1802 - 1819), Minh Mạng (1820 - 1840), Thành Thái (1889 - 1907), Khải Định (1916 - 1925), Bảo Đại (1926 - 1945) với sự thay đổi về vị trí, về quy mô kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Trải qua nhiều thời kỳ tu sửa, trùng tu, nhưng về cơ bản, ngôi điện này vẫn còn bảo tồn được những giá trị, nhất là về các chi tiết trang trí giàu tính thẩm mỹ và nhân văn của nó.   
Đây là ngôi điện được đánh giá là uy nghi tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình ở Huế và Việt Nam, là một trong những biểu trưng cho sự uy nghi của một triều đại với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật của chế độ quân chủ triều Nguyễn. Điện Thái Hòa thể hiện rất rõ tính chất là đại diện tối cao cho bộ mặt của nhà nước quân chủ, biểu hiện ngay tại quy mô, cấu trúc của nó và đó cũng là căn bản biểu hiện quy mô cấu trúc nghi thức của chế độ chính trị vào thời bấy giờ. 

Đặc biệt, ở nội thất cũng như ngoại thất, ở tiền điện cũng như hậu điện tại các vị trí như bờ nóc, cổ diêm, liên ba điện Thái Hòa đều thể hiện mô-tip trang trí nhất thi nhất họa (một bài thơ, một họa tiết) ở hai dạng chất liệu chủ yếu là viết trên nền pháp lam và chạm khắc trên gỗ sơn son thếp vàng. Nếu cho rằng, các chi tiết mang tính hội họa là biểu hiện mang tính vật thể của đặc điểm thẩm mỹ thì cũng có thể cho rằng các bài thơ là những biểu hiện mang tính phi vật thể của đặc điểm thẩm mỹ của ngôi điện này. Tất nhiên, hình thức của chữ viết cũng đã tự thân bộc lộ ra bên ngoài những đặc điểm thẩm mỹ của nó, nhưng quan trọng hơn vẫn là những nội dung tư tưởng sau những câu chữ được đề cập đến.

Bản thân điện Thái Hòa và không gian tồn tại của nó là nơi tổ chức các lễ triều nghi (
như lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ, lễ Tứ tuần đại khánh tiết, lễ Ngũ tuần đại khánh tiết, lễ Hưng quốc khánh niệm v.v. của triều Nguyễn), nơi đặt ngai vua, biểu tượng cao nhất của nhà nước quân chủ. Do đó cũng có thể ví ngôi điện này như một bộ mặt hành chính của triều Nguyễn, đó là nơi giao tiếp chính thức của triều đình trong đối nội cũng như đối ngoại, đó cũng là nơi biểu hiện cao nhất, rõ ràng nhất tính chất trật tự, tôn ti xã hội. Do đó, cũng có thể cho rằng, thơ chạm khắc trên điện Thái Hoà vừa thực hiện chức năng trang trí, vừa thực hiện “chức năng giao tiếp”: giao tiếp giữa vua và quần thần; giao tiếp giữa triều đình với hệ thống quan lại; giao tiếp giữa triều đình với các nước; và rộng hơn là giao tiếp giữa thế hệ này với thế hệ khác. Đây là một tác tố làm ảnh hưởng sâu sắc đến việc lựa chọn ngôn ngữ trong “giao tiếp”, trong “phạm vi giao tiếp”, trong “quá trình giao tiếp”. Đặc điểm này đã tạo nên một hoàn cảnh giao tiếp có tính cách nghi thức. Từ một góc nhìn có tính suy luận như thế, nên có thể xem thơ trên điện Thái Hòa như là hiện tượng “giao tiếp” một cách gián tiếp, một hiện tượng “giao tiếp đặc biệt”. 

Chữ Hán trên điện Thái Hoà được phân bố tại nhiều vị trí trên tất cả 297 ô hộc ở trong và ngoài điện. Ở ngoại thất điện, thơ được viết trên các tấm pháp lam tại các vị trí bờ nóc, cổ diêm thuộc phần mái; chạm khắc trên liên ba thuộc phần hiên ở cả hai phần tiền điện và hậu điện. Ở nội thất điện, thơ được chạm khắc trên liên ba bằng gỗ, trên các vách ở cả hai phần tiền điện và hậu điện.
Nhìn một cách khái quát, điện Thái Hòa là một kiến trúc nghệ thuật có giá trị về lịnh sử và nghệ thuật. Thơ trên điện Thái Hòa với số lượng hiện còn là 191 bài (kể gộp cả những bài bị mất chữ và các đoạn 02 câu) tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau tại ngôi điện này đã tạo nên một “chỉnh thể văn bản” có những giá trị gắn kết với những nội dung tư tưởng nhất định. Chúng vừa biểu hiện đặc điểm thẩm mỹ của kiến trúc vừa tồn tại trong tư cách là một văn bản nghệ thuật. Xuất phát từ cơ sở lịch sử văn học, hệ thống thơ ca này thuộc về văn học trung đại, một hệ thống văn học có nhiều đặc trưng trong sử dụng ngôn ngữ, trong quan điểm nghệ thuật.

II. Dẫn ngữ trong thơ trên điện Thái Hòa
Dẫn ngữ là một phương thức ẩn dụ, thực chất đó là việc vay mượn điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các câu thơ, ý văn có giá trị tiêu biểu để làm cho nội dung diễn đạt thêm phần sinh động và biểu cảm, nó có thể gợi hàm ngôn, thể hiện năng lực diễn đạt của chủ thể sáng tạo.
Trong dẫn ngữ, thơ trên điện Thái Hòa đã tạo nên ba nhóm chủ yếu: dẫn ngữ điển tích, dẫn ngữ thành ngữ và dẫn ngữ thơ văn.

1. Dẫn ngữ điển tích:

Ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hòa thường được sử dụng phương thức ẩn dụ qua điển tích với nhiều lần trùng lặp, do đó, các điển tích này trong thơ ở đây có tính tượng trưng khá cao, chúng có tính ẩn dụ và tỷ dụ. Sử dụng điển tích là một trong những đặc trưng của văn chương viết bằng chữ Hán. Đó là cách dùng tên các nhân vật, sự kiện, truyền thuyết lịch sử, địa danh; dùng các câu trong kinh sách v.v. để vận dụng liên tưởng ngữ nghĩa ở một bối cảnh ngôn ngữ nhất định.
Ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hoà sử dụng nhiều điển tích. Có điển tích lại sử dụng nhiều lần ở những bối cảnh gần nhau, giống nhau (như Tam đại, Nghiêu, Thuấn, Vũ v.v). Các điển tích được sử dụng thường hướng đối tượng được nói đến trong sự liên tưởng, so sánh với những nét nghĩa tích cực. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này qua một số ví dụ sau:

+ Điển tích Tam đại (ba đời): Lễ Nhạc siêu Tam Đại (
禮樂超三 ): lễ nhạc vượt cả thời Tam Đại (Bài B1.21.LB3t)(1);  Lễ nhạc long Tam đại (禮樂隆三代): lễ nhạc đầy đủ như thời Tam Đại (Bài B1.61.LB2). Tam đại là ba đời vua Trung Quốc (Hạ, Thương, Chu ), có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp ứng với ba đời vua Trung Quốc là vua Hạ, vua Thang và vua Văn Võ vương). Ở đây, điển tích Tam đại là ẩn dụ so sánh với những truyền thống văn hóa tốt đẹp.
+ Điển tích Nghiêu-Thuấn (vua Nghiêu, vua Thuấn): cả hai điển này được sử dụng đến 26 lần. Điển được sử dụng linh hoạt, tránh sự nhàm chán khi nhắc đến đối tượng so sánh: Điển về vua Thuấn thì gắn với “những cái sở thuộc” của vua Thuấn như thềm, nhạc, ngày, điện, đàn sắt, đàn cầm; tương tự điển về vua Nghiêu cũng gắn “những cái sở thuộc” của vua Nghiêu như đường, cỏ, kinh đô, thềm, lông mi, bậc thềm, cung điện v.v. Xét về tính chất trong ẩn dụ của điển tích, thì nghĩa hàm ẩn mang lại trong các trường hợp này là tương tự nhau, nhưng xét về cách sử dụng thì hình thức của nó tránh được sự nhàm chán, khô khan. Chẳng hạn: Hóa nhật quang Nghiêu điện/ Huân phong độ Thuấn cầm
(化日光堯/ 薰風度舜琴): mặt trời làm sáng ngôi điện của vua Nghiêu/ khúc Nam Phong đã đưa tiếng đàn cầm của vua Thuấn (Bài B1.60.LB2); Đại đạo đăng Nghiêu Thuấn/ Tân phong quảng Lạc Hùng ( / ): đạo lớn xin theo (mô hình thời) vua Nghiêu Thuấn/ chế độ mới mở rộng (quy mô thời) vua Hùng Vương (Bài B1.39.LB2d); Cửu cù ca Thuấn đán/ Tứ hải vọng Nghiêu vân (九衢歌舜旦/ 四海望堯 ): chín nẻo ca ngợi ngày của vua Thuấn/ bốn biển ngắm cảnh mây của vua Nghiêu (Bài B1.6.LB3d) v.v.

Điển về vua Nghiêu - Thuấn liên quan đến thuyết sử Trung Quốc. Theo thuyết sử thì vua Nghiêu họ Cơ từng đóng đô ở Sơn Tây (Trung Quốc). Những năm cuối đời vua Nghiêu, nạn hồng thủy gây nhiều tai họa cho dân chúng. Nhà vua hết sức lo lắng, triệu các quan đến hiến kế, các quan đề cử một người để chuyên lo vấn đề trị thủy, nhưng gần chục năm trời vững không mang lại kết quả gì. Không lâu sau thì đề cử một người khác tên là Thuấn (họ Diêu là người ở Sơn Tây) chuyên trách về vấn đề này. Khi được giao công việc trị thủy, ông đã dốc hết tâm trí để thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan, được vua Nghiêu truyền ngôi. Nhưng ba năm sau ông lại nhường con cho con của vua Nghiêu, về ẩn dật tại phía nam sông Nam Hà. Nhưng dân chúng và các nước chư hầu đều hướng về vua Thuấn, nên sau đó ông phải trở lại ngai vị. Tuy toàn bộ điển tích Nghiêu - Thuấn chỉ mang tính chất thuyết sử, không phải là chính sử nhưng nó đã trở thành một hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng cao trong văn chương trung đại Việt . Thơ trên điện Thái Hòa thường dùng điển này với ngụ ý nước sẽ có một nền chính trị tốt đẹp như thời Nghiêu - Thuấn, đó cũng là những lời tuyên bố về đường lối chính sách của triều Nguyễn.
 
Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, nên xu hướng rút gọn các điển tích, rút gọn ngữ diễn ra như một quy luật có tính phổ quát. Nhiều điển tích đã bị rút gọn chỉ còn lõi nòng cốt.

+ Điển tích Xa thư (xe, sách): được sử dụng 7 lần để chỉ về sự thống nhất lãnh thổ và chế độ chính trị. Đây là một điển được dùng khá đặc biệt với tính chất rút gọn, tinh giảm tổ hợp, chỉ giữ lại “lõi trung tâm”:
Có 6 lần rút gọn chỉ còn trung tâm là danh từ (xa đồng quỹ, thư đồng văn tự chỉ còn xa thư): Xa thư vạn lý tân
(車書萬里新): nay thống nhất muôn dặm (Bài A.2.20.LB); Xa thư vạn lý thông (車書萬里通): thống nhất thông suốt muôn dặm (Bài A.2.26.LB);  Xa thư vạn lý đồ (車書萬里圖): thống nhất cơ đồ muôn dặm (Bài B1.1. LB3d); Xa thư cộng nhất gia (車書共一家): thống nhất cùng một nhà (Bài B1.13.LB3d); Xa thư sơn hải trọng (車書山 海重): thống nhất cả biển núi (Bài A.2.27.LB); Xa thư quy nhất thống ( ): thống nhất quy về một mối  (Bài A.1.29.LB).

Có 1 lần rút gọn chỉ còn trung tâm là thành phần vị ngữ chung và bổ ngữ (xa đồng quỹ, thư đồng văn tự chỉ còn đồng văn quỹ):
Tứ hải đồng văn quỹ (四海文軌): bốn biển đã cùng thống nhất (Bài B1.29.LB2t).
Trong sách Sử Ký, ở thiên Thủy Hoàng bản kỷ, có đề cập đến việc vua Tần Thủy Hoàng (236-208 TCN) đã quy định thống nhất cho tất cả các mẫu mã, kích cỡ của các vật dụng đo lường cũng như nhiều thể thức mang tính hành chính khác. Vị vua Tần này cho rằng, muốn đất nước phát triển bền vững thì một trong những vấn đề mấu chốt là: Xa đồng quỹ, thư đồng văn tự (
車同軌書同文字) nghĩa là: xe phải cùng một vết bánh, sách phải viết cùng một kiểu chữ. Do vậy, xa thư ở đây là một điển tích nhằm chỉ sự thống nhất. Trong Thiên ngữ lục có câu: Phong trần bốn bể vỗ an/ Xa thư một mối giang sơn vẹn toàn (風塵夝 帀把安/車書蔑欦江山院全). Tóm gọn trong hai chữ xa thư, triều Nguyễn đã nói lên lòng tự hào về công cuộc thống nhất đất nước của mình.
(xem tiếp trang 2)

Các bài mới
Các bài đã đăng