Kiến trúc Huế
Môi trường thiên nhiên trong kiến trúc đô thị Huế
10:16 | 26/12/2008
MAI VĂN LỘC (*)Huế được biết đến ngoài sự nổi tiếng của các di sản kiến trúc cung điện, lăng tẩm của triều Nguyễn còn do cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp đã gắn bó hài hoà với sự hình thành đô thị cổ, đồng thời cấu trúc quy hoạch đô thị chặt chẽ tạo nên một sự quyến rũ của thành phố, nơi mà môi trường thiên nhiên và các công trình xây dựng nhân tạo được hoà quyện tạo nên một “bài thơ tuyệt tác về đô thị”.
Môi trường thiên nhiên trong kiến trúc đô thị Huế

Việc tìm hiểu và nghiên cứu môi trường thiên nhiên của Huế trong phát triển kiến trúc đô thị Huế là một điều cần thiết trong quan niệm quy hoạch đô thị cổ và quan niệm phát triển đô thị hiện đại ngày nay, nhằm giữ gìn bản sắc của đô thị Huế.
Việc chọn lựa vị trí xây dựng đô thị Huế đã vận dụng thuật Phong thuỷ của phương Đông một cách khéo léo qua việc bố cục các công trình xây dựng với các yếu tố thiên nhiên của khu vực theo yêu cầu về thế đất một cách hài hòa trong bố cục chung của đô thị cổ. Sau nhiều lần di chuyển phủ của các chúa Nguyễn đã chọn đất Phú Xuân để xây dựng Kinh thành và sau đó, nhà Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn cũng chọn Phú Xuân để xây dựng kinh đô.

Trên cơ sở thuật Phong thuỷ, trong quy hoạch đô thị đã chọn núi Ngự Bình làm bình phong cho Kinh thành Huế, phía trước có sông Hương với cồn Dã Viên, cồn Hến đã tạo nên thế đất đẹp và cùng hệ thống có các sông hộ thành như sông đào Kẻ Vạn, Đông Ba, Bạch Yến, cùng với việc cải tạo hệ thống sông Kim Long cũ đoạn qua Kinh thành (nay là sông Ngự Hà) cho phù hợp với hệ thống kiến trúc công trình đô thị cổ, rất có ý nghĩa cho việc bảo vệ Kinh thành trong vấn đề phòng thủ, đồng thời giải quyết vấn đề thoát nước và tạo cảnh quan môi trường đô thị cổ. Đó là những giải pháp quy hoạch đô thị rất đáng nghiên cứu để vận dụng trong việc phát triển thành phố Huế và bảo tồn đô thị cổ sau này. Khu vực xây dựng Kinh thành Huế thường bị ngập lụt do vị trí đất thấp, ngoài ra việc tiêu thoát nước do mưa lớn gây ra trong thời gian xảy ra bão lụt, hệ thống hồ cổ trong Kinh thành có chức năng điều hoà lượng nước mưa để tránh ngập úng, đồng thời là các trục cảnh quan của khu Kinh thành. Thực tế, hệ thống hơn 40 hồ trước đây đã bị người dân lấn chiếm để xây dựng các công trình nhà ở, nhiều hệ thống kênh mương nối giữa các hồ này để thoát nước mưa ra sông Ngự Hà cũng bị hư hỏng và không còn phát huy tác dụng trong vai trò điều tiết nước là điều cần sớm được quan tâm giải quyết sớm để phục hồi lại chức năng của hạ tầng kỹ thuật có giá trị trong hệ thống thoát nước đô thị này. Việc khoanh vùng theo Luật Di sản Văn hoá cho khoảng 36 hồ đang được tiến hành, các hồ còn lại tuy không nằm trong danh sách khoanh vùng bảo vệ cũng cần được cân nhắc kỹ khi tiến hành san lấp để thực hiện các dự án quy hoạch phát triển các khu dân cư trong khu vực Kinh thành do vai trò cảnh quan đô thị và điều tiết nước của nó và là hạ tầng kỹ thuật đô thị cổ cần được bảo vệ cùng với hệ thống các di sản kiến trúc cổ mà nó đi cùng.

Quy hoạch về kiến trúc xây dựng tại 4 phường trong Kinh thành đã được ban hành, phục vụ cho việc quản lý kể từ năm 1999. Ngoài các nội dung quản lý kiến trúc theo quy hoạch còn có nội dung điều chỉnh để quy hoạch giảm số dân trong khu vực này từ 48 nghìn người năm 1998 xuống còn 45 nghìn người vào năm 2005, với mục tiêu giảm áp lực đô thị hoá và có điều kiện cải thiện chất lượng nhà ở tại các khu dân cư cũng như có điều kiện giảm mật độ xây dựng chung của khu vực, qua đó bảo vệ cảnh quan và môi trường đô thị của các công trình kiến trúc cổ, đặc biệt là khu vực xung quanh Đại nội. Tuy nhiên, mục tiêu này không đạt được, số dân thực tế tại khu vực này không giảm đi mà đã tăng lên nhiều hơn. Từ thực trạng này cho thấy rằng, để giải quyết những vấn đề quản lý đô thị theo quy hoạch không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp quản lý hành chính đơn thuần mà cần có chính sách về đô thị phù hợp, đồng thời tiến hành đầu tư xây dựng những khu dân cư mới ở ngoài khu vực Kinh thành, do tại đây có điều kiện về hạ tầng xã hội và dịch vụ tốt hơn, tạo được nhiều công việc cho người dân đến ở để thu hút người dân tại các khu vực cần chỉnh trang theo của quy hoạch, nhận thấy lợi ích và phù hợp để tự nguyện đến nơi ở mới. Việc hạn chế tầng cao công trình trong khu vực Kinh thành tuy đến nay vẫn còn vi phạm những không nhiều và đã được người dân tại đây hiểu và đồng tình trong việc thực hiện các quy định về kiến trúc công trình nhằm giữ giá trị kiến trúc của đô thị cổ; việc tiến hành các dự án di dời dân tại các khu vực di tích như thượng thành, các hồ cổ, trong khu vực I cũng được nghiên cứu để thực hiện nhằm tăng giá trị của môi trường thiên nhiên và đô thị.

Do địa hình tự nhiên của đồng bằng miền Trung được hình thành sát dãy Trường Sơn và gần biển Đông, có nơi từ núi đến biển khoảng cách chỉ dưới 20km, nên độ dài của sông Hương cũng như các sông khác như sông Bồ, sông Truồi v.v. nói chung đều ngắn và có độ dốc lớn, vì thế thường gây lũ lụt tại đồng bằng thuộc các sông này. Việc nghiên cứu các yếu tố môi trường thiên nhiên trong quy hoạch và phát triển đô thị cần nghiên cứu kỹ vấn đề giải quyết thoát lũ và hạn chế những thiệt hại do lũ lụt gây ra cần nghiên cứu các kinh nghiệm trong xây dựng Kinh thành Huế của triều Nguyễn trong việc đào các sông như sông như sông Kẻ Vạn, Đông Ba, An Cựu v.v... để phân lũ trong quy hoạch hạ tầng để vận dụng trong việc quy hoạch phát triển các khu đô thị mới trong việc giải quyết các vấn đề thoát nước mặt đô thị và tạo cảnh quan môi trường nước.

Vùng tây nam thành phố là nơi có nhiều khu vực công viên cây xanh được quy hoạch bảo vệ, cùng với hệ thống lăng tẩm của các vua Nguyền đã được quản lý theo quy hoạch chi tiết cảnh quan tây nam được phê duyệt năm 1999 có quy mô 2.400 ha; nhưng trong thực tế việc phát triển các khu dân cư tại đây vẫn mang tính tự phát và chưa kiểm soát được theo quy hoạch, nhiều hộ dân đã tự xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, đất cây xanh vẫn còn khá phổ biến và chưa có biện pháp hạn chế có hiệu quả để giải quyết những vi phạm trong việc bảo vệ đất chuyên dùng này. Những khu được khoanh vùng bảo vệ như đất di tích, công viên cây xanh v.v... vẫn còn nhiều hộ dân đang ở và các kế hoạch di dời chỉnh trang còn bị khó khăn về vốn và quỹ nhà đất để tái định cư. Các khu dân cư tại các khu vực này do yêu cầu phát triển các dịch vụ kinh tế xã hội đã mở rộng các công trình xây dựng một cách tự phát và vi phạm các khu vực được xác định theo quy hoạch. Đối với các khu dân cư hiện có tại đây cũng chưa được quy hoạch chỉnh trang cho phù hợp theo quy hoạch để nhằm hạn chế những tác động tiêu cực làm giảm giá trị kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên tại khu vực này.

Cũng nên lưu ý rằng trước đây việc xây dựng nhà ở tại các khu vực nông thôn thường là nhà một tầng, có sân vườn, số lượng nhà xây dựng cao trên 2 tầng còn ít nên mật độ xây dựng chung còn thấp; thì hiện nay do giá trị sử dụng đất tăng cao để đáp ứng nhu cầu giải quyết về nhà ở, đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng tại khu vực này. Nhiều khu vườn, nhà vườn bị phân lô để xây dựng nhà theo dạng “hình ống” khá phổ biến. Điều này khiến cho diện tích cây xanh giảm đi, mật độ xây dựng chung của khu dân cư lớn làm cho điều kiện vị trí khí hậu của công trình cũng như môi trường sống của khu dân cư không tốt như thiếu ánh sáng tự nhiên, nóng và thiếu thông gió tự nhiên cho công trình. Muốn giải quyết vấn đề này, cần phải được lưu ý ngay trong khâu quy hoạch đô thị và thiết kế các khu dân cư mới phải có đất dành cho cây xanh, mặt nước và các loại đất chuyên dùng và có sự quản lý cụ thể; đồng thời ban hành các chính sách thích hợp để cho việc quản lý có hiệu quả trong việc bảo vệ các yếu tố cảnh quan thiên nhiên tại khu quy hoạch, nhằm nâng cao chất lượng đô thị cũng như môi trường sống của người dân và hạn chế việc vi phạm các quy định trong xây dựng tại các khu vực này.

Đối với khu đô thị cổ và cũ thì giữ cho được giá trị về kiến trúc của các nhà vườn, nhà cổ truyền thống. Muốn thế, cần bảo vệ và bảo tồn cũng như tôn tạo phục hồi giá trị của chúng trong quá trình phát triển đô thị bằng các chính sách phù hợp về đất đai như giá đất, thuế đất, thuế quyền sử dụng đất v.v.. nhằm tránh chia cắt vườn và quản lý có hiệu quả việc chuyển nhượng đất không đúng quy hoạch, có các quy định rõ ràng về quản lý kiến trúc công trình xây dựng để thực thi, và cũng cần có những dự án khai thác kinh tế về các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp để triển khai giúp giữ được cảnh quan thiên nhiên và khai thác được giá trị của các nhà vườn như ở Phú Mộng, tại Thuỷ Biều, Hương Hồ, Hương Long, Kim Long, Vĩ Dạ, Phường Đúc và các phường trong Kinh thành. Việc bảo vệ các giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị cần được người dân tại đây tự nguyện tham gia cho thấy được giá trị của nó cũng như được hưởng lợi qua các dịch vụ khi khai thác những yếu tố thiên nhiên và kiến trúc này đem lại. Các sản phẩm làng nghề truyền thống được tôn vinh qua lễ hội Festival năm 2005 vừa qua cũng cần được nhân rộng để đem lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tại các làng nghề.


Thành phố Huế có vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam với ý nghĩa là một trong 5 đô thị trung tâm cấp quốc gia theo định hướng quy hoạch chung của cả nước đến năm 2020. Vì thế, để đáp ứng vai trò là đô thị trung tâm cấp quốc gia thì giải quyết việc phát triển kinh tế - xã hội, áp lực đô thị hoá và mở rộng phạm vi lãnh thổ đô thị để phát triển là xu thế tất yếu. Tuy nhiên để việc phát triển đô thị được bền vững cần lưu ý giữ được kiến trúc cảnh quan môi trường đô thị, nhất là đối với khu đô thị cổ và khu Kinh thành và giữ sự hài hoà của đô thị mới với môi trường thiên nhiên của thành phố.

Trục cảnh quan thiên nhiên quan trọng của thành phố cần được quan tâm bảo vệ là trục sông Hương cũng được xác định trong việc hình thành đô thị cổ cũng như trong quy hoạch chung của thành phố và việc thực hiện các dự án tôn tạo chỉnh trang hai bờ sông Hương như tại Kim Long, Hương Long và khu phố cổ Chi Lăng hay tại An Cựu v.v... đã có hiệu quả cao nhằm đảm bảo giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị. Việc bảo vệ trục cảnh quan sông Hương cần được xem xét chung từ khu vực lăng Gia Long cho đến phá Tam Giang, thị trấn Thuận An để có được sự thống nhất trong quy hoạch và phát triển đô thị, việc quản lý đô thị tại đây cũng cần có những quy chế chung và cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong quản lý và không bị hạn chế do địa giới hành chính của thành phố và huyện theo dọc sông Hương, giữ cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc đô thị thống nhất và hài hoà trên toàn tuyến.

Việc phát triển thành phố Huế, đã được công nhận là đô thị loại I trong tháng 8 năm 2005, không nên xây dựng để trở thành một đô thị khổng lồ với dân số trên 500 nghìn dân do tính chất đặc thù là thành phố có hệ thống di sản kiến trúc triều Nguyễn được thế giới công nhận và có hệ thống nhà vườn có giá trị cần được bảo tồn và phát huy trong vai trò là động lực phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ của đô thị. Vì thế cần nghiên cứu để định hướng cho các đô thị vệ tinh theo các hướng phát triển như Thuận An, Phú Bài, Tứ Hạ v.v... là cần thiết và phải có những khu vực cách ly bằng cây xanh đô thị nhằm tạo nên cảnh quan thiên nhiên gồm đất cây xanh kết hợp với hệ thống sông tự nhiên hay nhân tạo để giúp cho việc phát triển đô thị được bền vũng và giữ được giá trị của môi trường đô thị cổ và hài hoà với các khu đô thị hiện đại. Điều này cũng cần được quan tâm trong việc xây dựng các khu đô thị mới như An Vân Dương ở phía đông nam và khu vực đô thị phía đông bắc thành phố vì đây sẽ là cực phát triển của thành phố, trong tương lai. Ngoài ra, việc hình thành các khu vực cách ly cây xanh và gắn kết với cảnh quan thiên nhiên trong phát triển không gian đô thị cũng sẽ bảo vệ, tôn tạo và khai thác được tiềm năng khu vực di tích văn hoá - lịch sử thuộc các xã Thuỷ Bằng (huyện Hương Thuỷ), Hương Hồ, Hương Vinh (huyện Hương Trà), Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu (huyện Phú Vang) trong quy hoạch phát triển đô thị.

Cảnh quan môi trường thiên nhiên của thành phố như sông An Cựu, Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, núi Ngự Bình - Tam Thai, Vọng Cảnh, Thiên Thai và các vùng lân cận như hồ Thuỷ Tiên, khu vực lâm viên, cần được khai thác trong phát triển các loại hình du lịch dịch vụ thích hợp cho việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Xây dựng chính sách thích hợp để bảo vệ rừng đầu nguồn kết hợp bảo tồn và khai thác khu vực lâm viên cùng với các lăng tẩm phía Tây Nam thành phố, nghiên cứu để tổ chức các tuyến du lịch cảnh quan nối thành phố Huế với trục cảnh quan ven biển (từ Thuận An, phá Tam Giang đến đầm Cầu Hai, Cảnh Dương, Bạch Mã, Lăng Cô...) cho nội dung này.

Hiện nay, thực trạng các công trình nhà ở, dịch vụ thường được xây dựng dọc các tuyến đường trục giao thông như các quốc lộ, tỉnh lộ vì tận dụng được hiệu quả sử dụng do hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã có sẵn yêu cầu hạ tầng khu dân cư. Việc xây dựng nhà ở cũng như các công trình phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ v.v.. dọc theo các đường này, đã gây trở ngại trong khai thác hệ thống giao thông đối ngoại của đô thị; ảnh hưởng xấu đến môi trường bởi tiếng ồn, bụi bặm; chứa đựng nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông và cảnh quan môi trường kiến trúc đô thị. Khắc phục được điều này không đơn giản do việc thiết quy hoạch hoàn chỉnh, và việc đầu tư hoàn chỉnh khu dân cư mới với hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đòi hỏi nhiều kinh phí và thời gian thực hiện thường bị kéo dài. Trong quy hoạch đô thị mới cần nghiên cứu những dự án xây dựng hệ thông đường gom nối với các đường giao thông đối ngoại, tách khu dân cư ra khỏi hệ thống giao thông này để đảm bảo việc phát triển các khu dân cư mới và các khu dịch vụ thương mại phù hợp theo quy hoạch chung, tạo điều kiện để các khu dân cư phát triển ổn định và đầu tư đồng bộ với các khu vực phát triển đô thị mới đây cũng là xu hướng quy hoạch của các đô thị hiện đại.

Ngoài việc người dân tự xây dựng sửa chữa các công trình nhà ở tại các khu dân cư hiện có thì việc quản lý để tránh các vi phạm về các quy định cũng cần phải được tiến hành có hiệu quả cũng như ban hành các quy định cụ thể về kiến trúc, quy chuẩn xây dựng để đảm bảo sự hài hoà chung của các công trình này. Đối với các khu dân cư mới, việc thực hiện các dự án khu đô thị mới với hình thức nhà ở được xây dựng hoàn chỉnh có chất lượng cao về kiến trúc và quy hoạch là hướng giải quyết cho toàn bộ mặt đô thị mới ngày càng tốt hơn, hạn chế những sự vi phạm xây dựng và quản lý các khu dân cư này cần có tổ chức để thực hiện.

Các yếu tố cần quan tâm khi phát triển đô thị và kiến trúc Huế là việc bảo tồn cho được vốn kiến trúc cổ và xây dựng đô thị mới hiện đại nhưng hài hoà để giữ được bản sắc và không làm suy giảm giá trị kiến trúc đô thị. Việc phát triển mở rộng đô thị cần tránh theo hình thức “vết dầu loang” với các khu dân cư tự phát mà cần đầu tư hạ tầng đô thị theo ý đồ phát triển chung của định hướng quy hoạch, tạo các đô thị phát triển với quy mô vừa phải xung quanh thành phố Huế để hình thành các cực phát triển và thu hút dân cư đến ở những nơi này nhằm giảm áp lực dân mãn tại trung tâm thành phố và đồng thời giảm các yếu tố bất lợi trong khu vực đô thị hiện có về xây dựng nhà ở, các hạ tầng xã hội cũng như góp phần bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên của sông Hương, các yếu tố về địa hình, cảnh quan phía tây nam của thành phố. Các chính sách quản lý đô thị cần thiết cho việc phát triển và bảo vệ thiên nhiên trong kiến trúc đô thị Huế về nhà vườn, nhà cổ, khu Kinh thành, các hệ thống làng nghề truyền thống tại Huế và trong khu vực, các khu đô thị hiện đại trong chùm đô thị Huế cần được ban hành sớm, đầy đủ, các dự án đô thị cần được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội để hạn chế những tác động tiêu cực trong việc phát triển đô thị trong đó môi trường thiên nhiên đô thị là thành phần dễ bị ảnh hưởng và suy giảm giá trị thiên nhiên của nó.
                   Huế, 8/2005
                 M.V.L

(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)

 



--------------------
* Ủy ban Nhân dân thành phố Huế

Các bài mới
Các bài đã đăng