Công trình kiến trúc này đã trải qua một quá trình xây dựng và cải tạo, mở mang vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Tiền thân của cung An Định là phủ An Định, một công trình kiến trúc bằng gỗ như bao nhiêu phủ đệ của các ông hoàng bà chúa khác dưới triều Nguyễn. Phủ An Định đã được xây dựng vào năm 1902, dùng làm nơi ăn ở riêng cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo khi vừa "xuất phủ" năm lên 18 tuổi. Là con trai đầu của vua Đồng Khánh (1886-1888), Hoàng tử Bửu Đảo khi lên làm vua thì lấy niên hiệu là Khải Định. Ông sinh năm 1885, lên ngôi năm 1916 và chết vì một cơn bệnh hiểm nghèo vào năm 1925 giữa lúc mới 41 tuổi.
Phủ An Định tọa lạc ở bờ bắc sông An Cựu; nằm sát bên trái phủ thờ Kiên Thái Vương là người đã sinh ra 3 vua: Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi. Lúc đầu, khuôn viên phủ An Định còn nhỏ hẹp. Chính tại đây, ông hoàng Bửu Đảo và bà phủ thiếp Hoàng Thị Cúc (1890-1980) đã sinh ra người con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy vào năm 1913, về sau trở thành vua Bảo Đại (1926-1945). Sau khi đăng quang và bắt đầu sống trong hoàng cung từ năm 1916, vua Khải Định nghĩ đến việc cải tạo phủ An Định, mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm một số công trình kiến trúc tại đây. Mục đích là tạo ra một cơ ngơi to lớn hơn để kỷ niệm nơi nhà vua đã sinh trưởng và để ban tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy làm của riêng truyền tử lưu tôn.
Trước hết, nhà vua mua thêm đất thổ cư của những gia đình đang sinh sống ở phía sau khuôn viên phủ An Định để mở rộng diện tích khuôn viên lên đến 23.463.000m2 như chúng ta đang thấy hiện nay. Vua cho triệt giải các ngôi nhà chính và phụ trong khuôn viên cũ và lần lượt cho xây dựng những công trình kiến trúc mới bằng vật liệu kiên cố hiện đại (bê-tông cốt thép) theo phong cách Tây phương. Các công trình kiến trúc trong khuôn viên mới này đã được cải tạo và xây dựng thêm chủ yếu là trong hai năm 1917-1918. Bấy giờ, danh xưng "phủ" được đổi thành "cung": cung An Định. Năm 1922, hoàng tử Vĩnh Thụy được sách phong làm Đông cung Hoàng Thái tử và được rước từ Đại Nội qua cung An Định. Nhưng, sau đó chẳng bao lâu, cũng trong năm ấy, Hoàng Thái tử đi du học ở bên Pháp. Đến năm 1925, khi vua Khải Định thăng hà, Hoàng Thái tử trở về Huế dự lễ tang, rồi lễ lên ngôi kế vị vào đầu năm 1926 với niên hiệu Bảo Đại. Ngay sau đó, vị tân quân qua Pháp học tiếp, đến năm 1932 mới về nước. Vua Bảo Đại kết hôn với hoàng hậu Nam Phương vào năm 1934. Hai năm sau, hoàng hậu sinh ra hoàng tử Bảo Long. Đến lượt hoàng tử được vua Bảo Đại sách phong làm Đông cung Hoàng Thái tử và ban tặng cung An Định để làm tài sản riêng.
Từ đó đến khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, cung An Định thường được sử dụng như một biệt cung, một tòa lâu đài hoa lệ để tổ chức những cuộc tiếp tân trọng thể trong một số dịp lễ khánh hỷ của triều đình với sự tham dự của hoàng gia, đình thần và các gia đình quan chức thuộc Chính phủ Bảo hộ Pháp. Ngay sau ngày lễ thoái vị của vua Bảo Đại (30-8-1945), toàn bộ gia đình nhà vua rời khỏi hoàng cung, qua ăn ở tại cung An Định trong một thời gian ngắn. Riêng bà Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) thì lưu trú tại đây cho đến năm 1949, khi cựu hoàng Bảo Đại trở về nước làm Quốc trưởng. Từ đó, bà Từ Cung được vô sống lại tại cung Diên Thọ trong hoàng thành với tư cách một Hoàng Thái hậu như cũ. Đến năm 1955, khi Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại thì bà Từ Cung lại phải rời khỏi hoàng thành, trở về sống ở cung An Định. Năm 1957, Bà lại bị buộc phải rời cung An Định để chính quyền đương thời dùng làm cư xá cho một số giáo sư Đại học Huế. Từ đó, tổng thể kiến trúc và khuôn viên tại đây bị tiếp tục sử dụng sai chức năng, cho đến năm 2002 thì chính quyền tỉnh sở tại mới giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, bắt đầu trùng tu từng phần và sử dụng vào các hoạt động văn hóa, đặc biệt là trong các dịp Festival Huế 2002, 2004.... Từ năm 1957, bà Từ Cung phải mua một biệt thự khác để ăn ở (tại địa chỉ 147 đường Phan Đình Phùng hiện nay) cho đến khi bà tạ thế vào năm 1980.
Trước năm 1945, trong khuôn viên cung An Định có các công trình kiến trúc chính, kể từ trước đến sau là: cửa cung, đình Trung Lập, lầu Khải Tường và nhà hát Cửu Tư Đài. - CỬA CUNG: Nằm giữa mặt tiền của khuôn viên, cửa cung là một công trình kiến trúc hai tầng được xây bằng vôi gạch và trang trí rất phong phú bằng nghệ thuật đắp nổi sành sứ và thủy tinh nhiều màu. Cả hai mặt trong và ngoài đều thể hiện các hình ảnh rồng, phượng, lân, hổ, thiên hồ (bầu rượu), hoa lá, cùng một số văn tự và câu đối bằng chữ Hán nằm đối xứng nhau. Các lạc khoản cho biết cái cửa xây theo dạng tam quan này đã hoàn thành vào năm 1918. Với cách xây các cặp trụ giả theo dạng vuông hoặc tròn mô phỏng phong cách nghệ thuật Roman và với những đề tài trang trí truyền thống như thế, các tác giả của công trình này đã kết hợp hai dòng mỹ thuật Đông- Tây lại với nhau và đã tỏ ra thành công. - ĐÌNH TRUNG LẬP: Nằm ở sau cửa cung và chính giữa sân, đình Trung Lập là một công trình kiến trúc nhỏ nhắn và xinh xắn có mặt bằng hình bát giác được xây trên hai tầng nền và được che bởi hai lớp mái giả làm theo dạng cổ lầu. Lớp mái dưới có 8 cạnh, lớp trên chỉ còn 4. Mười hai mảng mái đều xây giả ngói ống thanh lưu ly. Mười hai bờ quyết đắp nổi 12 con rồng nhìn ra 4 phương 8 hướng. Trên nóc chắp thiên hồ. Quanh 8 phía tầng dưới đều để trống, cho nên trông rất thoáng. Ngày xưa, ở chính giữa nội thất của đình Trung Lập có dựng pho tượng đứng của vua Khải Định, đúc bằng đồng với tỷ lệ 1/1. Vào cuối thập niên 1960, bà Từ Cung đã cho di chuyển pho tượng lên dựng ở lăng Khải Định vì sợ bị mất; đến nay vẫn chưa đưa về đặt lại tại chỗ cũ. - LẦU KHẢI TƯỜNG: Được xây dựng trong 2 năm 1917-1918 tại vị trí của phủ An Định cũ, lầu Khải Tường là công trình kiến trúc to lớn và quan trọng nhất trong cung An Định.
Với mặt bằng hình chữ nhật (745m2), toà nhà có 3 tầng, gồm 22 phòng lớn nhỏ khác nhau. Tầng 1 có 7 phòng, chủ yếu là dùng để tiếp khách và chiêu đãi. Tầng 2 gồm 8 phòng dùng để ở và tầng 3 có 7 phòng dùng để thờ phụng. Tòa nhà khá đồ sộ, trông giống như một toà lâu đài ở Âu châu thời Trung cổ. Vào thời điểm xây dựng lầu Khải Tường, nền văn hóa của Tây phương nói chung, nền mỹ thuật Pháp nói riêng đã ảnh hưởng đến Việt
một cách mạnh mẽ. Ảnh hưởng ấy đã thể hiện rất rõ ở lầu Khải Tường, từ vật liệu xây dựng, phong cách kiến trúc đến nghệ thuật trang trí nội ngoại thất. Mặt tiền của tòa nhà lầu, đặc biệt là ở gian giữa, là nơi được trang trí phong phú nhất. Phần lớn các mô-típ trang trí ở đây đều lấy từ Tây phương, như chùm nho, bình hoa, thiên thần có cánh, trụ tròn, trụ vuông, v.v.... Tuy nhiên, các nghệ nhân đương thời đã phân bố các hình ảnh trang trí này thành ra có mảng chìm, mảng nổi, mảng tối, mảng sáng, làm cho chúng trở nên mềm mại và sinh động. Sinh động nhất là 8 tượng bát tiên đứng trên 8 đầu trụ ở hai bên 4 hệ thống bậc cấp dẫn xuống sân trước.
Về trang trí nội thất, đáng quan tâm nhất là ở tầng 1, mà có giá trị đặc biệt là ở phòng giữa. Tại đây, có 6 bức tranh sơn dầu vẽ trực tiếp lên tường, thể hiện 6 khu lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Đồng Khánh. Chung quanh mỗi bức là một khung tranh đắp nổi rất khéo léo và được thếp vàng rực rỡ, khiến người xem có ảo giác như đó là những bức tranh đóng khung treo lên tường. Bộ tranh bích họa này đã được vẽ theo luật viễn cận của Tây phương, nhưng có kết hợp phần nào với lối nhìn phối cảnh sinh động của Đông phương. Hai màu chủ yếu của bộ tranh là màu xanh và màu nâu. Màu xanh thích hợp với phong cảnh thiên nhiên non xanh nước biếc của miền núi Ngự sông Hương. Màu nâu dùng để vẽ các công trình kiến trúc lăng tẩm. Bộ tranh chẳng những chứa đựng nội dung gắn liền với Quần thể kiến trúc Kinh đô Huế, mà còn đánh dấu giai đoạn giao thoa hội nhập của nền hội họa nước ta vào những thập niên đầu thế kỷ XX.
- NHÀ HÁT CỬU TƯ ĐÀI: Được xây dựng vào khoảng những năm 1922-1923, nhà hát này nằm gần sau lưng lầu Khải Tường; mặt bằng cũng hình chữ nhật nhưng diện tích lớn đến 1.150m2, có thể chứa hơn 500 khán giả. Sở dĩ gọi là "đài" vì nó có 2 tầng. Nó cũng được xây bằng bê-tông cốt thép. Ở mặt tiền của nhà hát hướng về đường Nguyễn Huệ ngày nay, hai bên có hai cấu trúc 3 tầng mang dạng 2 phòng lồi nằm đối xứng, trên mỗi nóc xây thành hình chóp theo kiểu tháp chuông của các nhà thờ Thiên chúa giáo. Phong cách kiến trúc trang trí ngoại thất của Cửu Tư Đài gần giống như của Nhà hát lớn ở Hà Nội (xây năm 1911). Còn trang trí nội thất thì tương tự như bên trong 3 phòng chính của Thiên Định Cung ở lăng Khải Định, nghĩa là các mặt tường đều được đắp nổi bằng mảnh sành sứ và thủy tinh, thể hiện các đề tài trang trí truyền thống của Đông phương và của Việt
.
Sân khấu chiếm phần giữa của mặt nền tầng 1 (cách bố trí sân khấu này giống như ở hai nhà hát cung đình truyền thống khác tại Huế: Duyệt Thị Đường và Minh Khiêm Đường). Khán đài được thiết trí ở cả 2 tầng chung quanh sân khấu. Riêng khán đài chính (khán đài danh dự) thì được bố trí ở tầng 2, phía hành lang thông với lầu Khải Tường. Cửu Tư Đài là một nhà hát mang giá trị cao về kiến trúc và trang trí. Nhưng, tiếc thay, nó đã bị đặt mìn phá sập vào tháng 2-1947. Ngày nay, nhận thức được giá trị đặc biệt của nó trong tổng thể kiến trúc cung An Định, chính quyền sở tại đã quyết định lập dự án phục hồi nhà hát này trong tương lai. Ngoài các công trình kiến trúc chính nêu trên, trong khuôn viên cung An Định còn có một số công trình kiến trúc phối thuộc. Dọc hai bên Cửu Tư Đài là hai dãy nhà phụ dành làm nơi ăn ở cho những người phục vụ trong cung và dùng làm ga-ra ô-tô của Hoàng gia. Gần cuối khuôn viên, hai bên có hai hồ nước khá rộng. Trong khuôn viên, ngày xưa còn có những chuồng nuôi dã thú, như cá sấu, sư tử, gấu, cọp, trăn, khỉ....
Nhìn chung, cung An Định là một tổng thể kiến trúc đã được thiết kế, xây dựng và trang trí theo một phong cách mới so với các biệt cung khác từng xuất hiện trước đó ở Kinh đô triều Nguyễn. Các phương diện kiến trúc, trang trí, điêu khắc, hội họa ở đây đều ghi lại một dấu ấn đậm nét của giai đoạn dung hội giữa Đông, Tây, kim, cổ trong lịch sử mỹ thuật Huế cũng như của Việt Nam. Hơn nữa, cơ ngơi này cũng đã liên quan ít nhiều đến cuộc sống của vua Khải Định, vua Bảo Đại, bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu), Nam Phương Hoàng hậu, Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long và một số thành viên khác trong gia đình hoàng tộc thuộc giai đoạn lịch sử cuối cùng của triều Nguyễn. Với các giá trị lịch sử và nghệ thuật như vừa nêu, cung An Định đang được quan tâm bảo tồn và phát huy tác dụng. PTA
(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)
|