Sau khi xây Văn Miếu tại kinh đô Huế vào năm Gia Long thứ 9 (1808), các tỉnh trong khắp đất nước lần lượt xây dựng Văn Miếu tại địa phương.
Việc lập Văn Miếu cho thấy triều đình trọng Nho học và đề cao việc giáo dục. Tuy dựa trên nền tảng Nho học nhưng võ bị dưới thời Nguyễn cũng chiếm một vai trò khá quan trọng. Vì thế, vào năm 1835 dưới thời Minh Mạng, theo kiến nghị của Bộ Lễ, triều đình chuẩn y cho xây dựng Võ Miếu nhằm thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ. Theo vua Minh Mạng: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên. Việc xây dựng Võ Miếu là việc nên làm... Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược, huống chi triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài...”.
Võ Miếu được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Ất Mùi (1835) tại làng An Ninh thuộc huyện Hương Trà, phía bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Với chu vi khoảng 400m, cấu trúc Võ Miếu cũng không cầu kỳ, gồm một miếu chính theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, phía trước có xây 2 nhà phụ gọi là Tả Vu và Hữu Vu đối diện nhau. Chung quanh có xây thành bao bọc, phía ngoài thành có nhà Tể sinh - là nơi giết súc vật khi tổ chức cúng tế. Năm 1839 (Minh Mạng thứ 20), triều đình cho dựng ba tấm bia Võ Công ở trước sân Võ Miếu. Những tấm bia này ghi tên những danh tướng đã đóng góp nhiều chiến công trong hai triều vua Gia Long và Minh Mạng như: Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Nguyễn Xuân, Phạm Văn Điển... Về sau, còn có hai tấm bia ghi tên những Tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ dưới thời Tự Đức: 1. Khoa Ất Sửu (1865) 2. Khoa Mậu Thìn (1868) 3. Khoa Kỷ Tỵ (1869). Bên cạnh một số danh tướng Việt Nam như: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội..., trong miếu còn có bài vị thờ các danh tướng của Trung Quốc như: Hàn Tín, Trương Lương, Gia Cát Lượng... Việc tế lễ ở Võ Miếu được tổ chức một năm 2 lần vào mùa thu và mùa xuân. Phẩm vật cúng tế có những quy định riêng. Tuy nhiên, về sau phẩm vật có thay đổi (tùy theo quy định của từng triều vua) nhưng chủ yếu vẫn là tam sinh (trâu, heo, dê) và hương hoa, quả phẩm. Về hình thức, việc lập Võ Miếu nhằm tạo ra một sự đăng đối so với Văn Miếu.
Song thực tế, Võ Miếu không có vai trò quan trọng như Văn Miếu. Nho giáo hay chính xác là Nho học là hệ tư tưởng quán xuyến toàn bộ nền tảng chính trị giáo dục của chế độ phong kiến mà ở đây là triều Nguyễn. Văn Miếu ngày xưa là nơi thiêng liêng nhất đối với người đọc sách thánh hiền và Khổng Tử được tôn vinh là người thầy của muôn đời, ngang hàng với các vị Thánh. Võ Miếu được lập ra cũng để tôn vinh những công thần đã đóng góp nhiều công lao cho triều đại, mục đích động viên những người theo đòi võ nghiệp mong lập được chiến tích để lưu danh muôn thuở Triều Nguyễn lập ra Võ Miếu để khuyến khích nhân tài, tỏ sự công bằng giữa văn và võ. Nhưng tiếc thay, thực tế đã không được như vậy. Giá như đối với việc rèn luyện binh mã, nâng cao trình độ kỹ thuật quân sự, hiện đại hóa vũ khí luôn được chú trọng như việc đọc sách làm thơ thì đất nước ta đã có thể tránh khỏi họa xâm lăng suốt gần một thế kỷ. Võ Miếu vẫn còn đó, nếu để ghi danh những anh hùng có công với đất nước thì có lẽ sẽ không đủ chỗ. Nó chỉ còn là một chứng tích nhỏ bé, thầm lặng góp cùng những di tích khác khi nói về một Huế của ngày xưa.
Theo hueworldheritage.org.vn