Đặc trưng của đô thị Huế không mang tính điển hình của một thành phố thương nghiệp sầm uất. Trong quan điểm xây dựng từ bước khởi đầu, người chủ trương đã thiết lập ý đồ lấy phong thủy dịch lý, thẩm mỹ cảnh quan và đối sách chính trị làm yếu tố quyết định, cho nên, con đường phát triển của Huế cũng từ đấy đã không chọn sự kỳ vỹ, hoành tráng, trong xử lý hình khối kiến trúc, hoặc chất năng động nhộn nhịp của trung tâm thương nghiệp, làm trục tư tưởng hay biểu hiện thiết kế quy hoạch lâu dài.
Nhà Nguyễn thiết lập thủ phủ hay kinh đô trên vị trí vốn là những làng nông nghiệp như mọi làng nông nghiệp khác ở miền Trung, nhưng, từ quyết định nầy và đi cùng với nó là sự tập trung của giới hoàng thân quốc thích, quý tộc, quan lại, giới thượng lưu, trí thức, nghệ sĩ, nghệ nhân, những người có công và phần lớn trong họ là những đối tượng được hưởng nhiều ân sủng của triều đại. Cảnh quan cư trú từ đấy cũng đổi thay. Ngoài hệ thống các thành quách cung điện... trong khu vực kinh thành, còn có sự hiện diện của lăng tẩm, phủ đệ và nhiều dạng kiến trúc cung đình, quý tộc khác, phân bố xung quanh thủ phủ Huế như những vệ tinh làm nên vóc dáng của một kiểu kiến trúc vừa mang tính mỹ lệ, cầu kỳ - đượm chất thượng lưu quý tộc, vừa nằm trong những khung không gian êm đềm của các làng xã, mà thiên nhiên - cảnh sắc gần gũi với nếp sống bình dị của con người. Với lối kết cấu nầy, kiến trúc Huế, ngay cả kinh thành Huế như muốn bày tỏ sự tương hợp với những gợi ý âm thầm của thiên nhiên. Con người nơi đây không phân biệt thành phần xã hội, đã tìm gặp nhau ở một lối ứng xử, chọn thiên nhiên cây xanh làm nền, dùng thành quả qua công trình kiến trúc tận dụng thiên nhiên để tôn vinh giá trị cái mình làm nên. Nhưng cũng chính từ đó, thiên nhiên cũng đã hoà vào dòng kiến trúc, chất nhân văn vốn không là thuộc tính tự có.
Những năm nửa đầu thế kỷ XX, xuất hiện ở Huế nhiều kiểu kiến trúc thuộc địa, mà chất liệu xây dựng, cũng như các giải pháp kỹ thuật đã thoát khỏi khung xử lý truyền thống. Đội ngũ kiến trúc sư cả trong lẫn ngoài nước thời bấy giờ rất tinh tế nhìn ra cái cần phải làm trong thiết kế xây dựng, cho nên, vẫn giữ cho Huế một tổng thể không thoát ra khỏi tinh thần vốn có. Chúng chẳng những không muốn tự tạo riêng cho mình một cụm kiến trúc biệt lập, mà còn uyển chuyển gắn vào tổng thể, làm nên sự kết hợp của nhiều nét riêng trong cái chung của cảnh sắc phố phường, thị tứ, kinh thành và các khu dân cư làng xã, xóm phường. Những bộ phận làm nên sự chuyển hoá không gian kiến trúc đô thị xen lẫn vào nhau, tôn tạo nhau trong sự bao bọc ấm áp của thiên nhiên, sông núi, cỏ cây.
LÀNG TRUYỀN THỐNG TRONG CẤU TRÚC ĐẶC TRƯNG CỦA ĐÔ THỊ HUẾ. Chính sự đa dạng của địa hình trong vùng eo thắt của dải đất miền Trung đã tạo cho Huế nhiều kiểu kiến trúc làng truyền thống, thể hiện ứng xử phong phú của con người nơi đây đối với cảnh quan thiên nhiên và môi trường cư trú. Huế vốn đã chọn Hương Giang làm dòng huyết mạch tạo nên sức sống cho cơ thể và vóc dáng của mình. Các làng xã trong, giữa lẫn cạnh kinh thành hay ven đô, phân bố chủ yếu trên những thảm phù sa ven sông - có cây xanh trong những khuôn viên nối tiếp nhau làm nên ấn tượng của một thành phố công viên, thành phố vườn - trong vườn có phố - và trong phố có nhà vườn.
Chúng ta có thể thấy nhà vườn xuất hiện trong nội thị như là một dấu nối hết sức tự nhiên với những vùng ven như Kim Long, Nguyệt Biều, Lương Quán, Dương Xuân, Vĩ Dạ... Các ngôi làng truyền thống dọc hai bờ sông Hương, ngoài những xóm thôn dân dã, đây đó lại có sự xen lẫn những khuôn viên phủ đệ hay các dinh thự ẩn mình trong cây xanh của tầng lớp quan lại, thượng lưu... chung sống với những kiến trúc cộng đồng như đình miếu, chùa làng, chợ làng... Nét tiểu vẽ, tinh tế của dòng kiến trúc mang dấu ấn cung đình, vẫn tồn tại một cách hài hoà bên cạnh những ngôi nhà rường, nhà rội dân dã.
Ranh giới mong manh giữa hai dòng kiến trúc cung đình - dân gian ở Huế, tự nó đã tạo nên tính hoà hợp, và thật khó để có thể hình dung khoảng ranh giới cụ thể giữa nội thị và vùng ven khi mà mọi kiến trúc đều không muốn vươn mình khỏi những tầng cây xanh, khi mà tất cả đều thấp thoáng trong khoảng không giao tiếp có dụng ý giữa nội thất nơi cư trú, với khuôn viên bao quanh phủ đầy lá và hoa. Cây xanh ở đây đã làm chiếc gạch nối phổ biến giữa khuôn viên nầy với khuôn viên khác, giữa làng nầy với làng khác, khiến chân dung của kiến trúc đô thị Huế trên một góc độ nào đó phải được nhìn nhận như một ngôi làng lớn có nét bình dị của chốn thôn dã, nhưng cũng mang chất kiêu kỳ sang trọng, nếp quyền quý phong lưu của một thời vang bóng. Sự liên kết tự nhiên, tích hợp những yếu tố có thể xen chút dị biệt, thậm chí là đối lập trong thân phận chủ nhân, nhưng không mảy may đối chọi nhau trên phương diện cảnh quan và cấu trúc, theo chúng tôi, đó chính là diện mạo, chất lượng cũng như tính cách của không gian đô thị Huế.
GẠCH NỐI LÀNG - THỊ : MỘT YẾU TÍNH CẦN BẢO VỆ BỀN VỮNG
Tình hình làng truyền thống gắn với đô thị hiện nay đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Đó là những ngôi nhà rường truyền thống đang buộc chủ nhân phải toan tính xử lý nó, khi mệt mỏi đối diện với sự mối mọt, mục nát, tối tăm, ẩm thấp; khi mà hấp lực của những tiện nghi hiện đại đang hằng ngày hằng giờ buộc chủ nhân phải làm những bài toán đối sánh giữa cái đang có và sẽ có. Và chúng ra cũng không loại trừ ở đây những áp lực của thế hệ trẻ trước chủ nhân là những người thân của họ về nhu cầu sử dụng nội thất hiện đại.
Khi các đại gia đình Huế - nơi cư trú của tam tứ đại đồng đường đang trong giai đoạn cuối của quá trình phân rã, sự ra đời của các tiểu gia đình tách khỏi nó cũng chính là lúc khai sinh việc xé nhỏ khu vườn hoàn chỉnh vốn có trong mỗi khuôn viên kiến trúc. Đây đó, trong những ngôi làng ven đô đã mọc lên những kiến trúc cao tầng hiện đại, khung cây xanh được xử lý theo quy hoạch thoáng rộng và tươm tất, xa chất vườn rừng mang tính quy phạm trong hoang dã. Những nét thân quen của ngôi làng nghề truyền thống đã được thay thế bằng những cấu trúc hiện đại - và các khung không gian của những khu vườn trong nội thành có nguy cơ bị cắt nhỏ do giá đất ngày mỗi cao, quy hoạch của vườn cây xanh nơi đây cũng phần nào bị Nhật hoá hay Âu hoá. Tất cả đều là những biểu hiện bào mòn những nét riêng đặc trưng của Huế.
Làng truyền thống trong bức tranh đô thị Huế là một mảng làm nên bố cục hoàn chỉnh từ vị trí, cấu trúc, chất liệu, cho đến phong cách của một không gian kiến trúc, cho nên, làng không chỉ đóng vai trò là một bộ phận phối kết hợp để tạo ra một chỉnh thể, mà nó là của nhau, trong nhau như từng phần của một cơ thể sống với đầy đủ diện mạo lẫn tâm hồn. Đô thị Huế không chỉ được xác định trong phạm vi của kinh thành và những dãy phố, mà nó còn là dòng sông, là những bức thảm đệm nền nã của công viên hai bên bờ sông, là những khuôn viên cây xanh với kiến trúc ẩn hiện trong tán lá và hẳn nhiên những ngôi làng truyền thống không chỉ là mảng điểm tô làm quân bằng sinh thái, hay hoàn thiện yếu tính về mặt thẩm mỹ, mà nó vốn đã hiện hữu từ trong lòng thành thị trải dần ra, tạo nên cho Huế một thần thái không giống bất cứ thành phố nào khác - Không tôn trọng, không bảo vệ những ngôi làng truyền thống hay làm biến dạng nó dưới bất cứ lý do nào đều có thể làm cho đô thị Huế đánh mất những ấn tượng đẹp và độc đáo của một thành phố vốn được du khách trong và ngoài nước ca ngợi.
Huế phải vươn tới sự hiện đại bằng con đường đi riêng của mình - Bởi, sự hiện đại của một đô thị không hề bao gồm những yếu tính như phải có nhà chọc trời, phải có những dãy kiến trúc lập dựng bởi những hình khối lập phương nối tiếp nhau, mà ở đây, chính sự nhỏ nhắn, khiêm tốn trong quy mô, giản dị trong sự thể hiện, và tinh tế cần đến sự khám phá, cũng như biết tôn vinh bức tranh sơn thuỷ và cây xanh mà thiên nhiên đã ban tặng, biết tôn trọng vòng đai yên ả nhưng chỉnh chu và đầy cá tính của những xóm làng truyền thống ven đô, đó chính là cấu trúc bền vững và đặc trưng của đô thị Huế trong lòng mọi người. N.H.T
(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)
|