Nhịp sống âm thanh
Nhạc sĩ Phạm Duy đã về, đã đến
09:15 | 21/05/2013

TÂM HẰNG NGUYỄN ĐẮC XUÂN  

Tin từ Làng Mai Pháp quốc cho biết: Đêm giao thừa Thầy nói về Phạm Duy cho khoảng 70 cháu sinh viên Việt Nam về thăm Làng. Bài giảng này cũng là một loại hommage(1) cho Phạm Duy. Có thể nghe lại trên mạng chỗ Pháp Thoại online của Thầy vào ngày 30 Tết vừa rồi.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã về, đã đến
Vào giờ phút nhạc sĩ Phạm Duy nhận thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: NĐX

Thầy đọc thơ, đọc bài Tìm nhau và 230 xuất sĩ hát bài Tìm nhau của Thầy do nhạc sĩ Anh Việt phổ nhạc. Thầy giảng, toàn thính chúng hát bài Mẹ Việt Nam. Trong bài thuyết pháp Thầy nhắc sơ qua các bài Tâm ca, rồi nghe Người tình già trên đầu non nhạc Phạm Duy do Duy Quang hát.

Đọc mẩu tin này hiện lên trong tâm trí tôi biết bao sự kiện liên quan đến thầy Thích Nhất Hạnh và nhạc sĩ Phạm Duy trong vòng gần nửa thế kỷ qua (1965 - 2013).

Tôi còn nhớ: Sau cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, chúng tôi nghĩ tình hình miền Nam sẽ khá hơn. Nhưng không ngờ sau đó Tổng thống John F.Kennedy bị ám sát, Lyndon B. Johnson lên thay, Chính phủ Mỹ thực hiện nhiều toan tính leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời ấy cấm ngặt việc nói, viết, bình luận hai chữ “hòa bình”. Hai từ “hòa bình” lúc ấy tương đương với hai từ “Việt Cộng”. Mà “Việt Cộng” là bị đặt ra “ngoài vòng pháp luật”. Người bị chụp mũ “Việt Cộng” họ có thể bị bắn bỏ bất cứ lúc nào. Đầu năm 1965, đột nhiên một cánh chim hòa bình bay đến giữa chúng tôi - thi phẩm Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một nhà sư du học ở Âu Mỹ mới về Việt Nam từ sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Qua thơ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phát ngôn hộ khát vọng hòa bình của chúng tôi. Chúng tôi ngấu nghiến đọc và khóc với nhiều hình ảnh trong thơ. Nhân có tập thơ của Thầy (do Nxb. Lá Bối ấn hành) trong tay, một số đoàn viên sinh viên Phật tử - tôi còn nhớ có các bạn Nguyễn Thiết, Bửu Hồ (nay là Thượng tọa Phụng Sơn ở Hoa Kỳ), Phạm Thị Xuân Quế, Lê Minh Trường, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Thế Côn…) bàn với anh Vĩnh Kha (đoàn trưởng) xin lãnh đạo Giáo hội cho tổ chức triển lãm tranh của hoạ sĩ Lê Minh Trường và nhân lúc có đủ mặt quan khách (kể cả đại diện chính quyền và quân đội Vùng I chiến thuật) đến dự triển lãm bất ngờ chúng tôi giới thiệu tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện.
 

Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện - thơ Nhất Hạnh do Lá Bối xuất bản đầu 1965

Khai mạc Phòng tranh xong, Lê Minh Trường đọc ngay bài thơ đầu tiên: “Hòa Bình”

Sáng nay vừa thức dậy
nghe tin em gục ngã
nơi chiến trường
nhưng trong vườn tôi, vô tình
khóm tường vi vẫn nở thêm
một đóa
tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng
điều tôi ước mơ?


Bài thơ nói lên cái thực trạng chiến tranh đang sát hại con người một cách oan uổng. Hai từ “hòa bình” làm cho các quan chức chính quyền có mặt trong phòng triển lãm phải nhíu mày. Nhưng vì tác giả bài thơ là một vị Thiền sư tốt nghiệp Đại học Princeton ở New Jersey, và đang dạy Đạo Phật tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) mới về Việt Nam nên không ai dám có ý kiến gì. Riêng anh chị em sinh viên Phật tử thì quá “đã”. Nhờ bài thơ của thầy Thích Nhất Hạnh mà chúng tôi có thể nói lên được hai từ “hòa bình” ước mơ của mình.

“Nổ súng khai hoả” rồi mà vẫn thấy được bình yên, Lê Minh Trường “thừa thắng” đọc tiếp các bài Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngọn lửa dữ, Ruột đau chín khúc, Sài Gòn ơi đập tan đi ảo ảnh… trong tập Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Không khí trong nhà giảng bắt đầu căng thẳng. Lê Minh Trường say sưa đọc, không cần biết quan khách và người xem tranh đang nghe thơ trước mặt mình là ai, đang phản ứng trên nét mặt như thế nào. Với cử chỉ khẩn trương, Trường lật vội các trang thơ, mắt liếc nhìn vào các sĩ quan cao cấp ở Vùng I chiến thuật và đọc tiếp bài Chiến tranh.

Một quan chức (tôi không còn nhớ tên) bước vội đến nhìn sát vào trang thơ trên tay Lê Minh Trường xem thử đó là lời thơ của thầy Nhất Hạnh hay lời người đọc thơ “cương” thêm. Ông định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Thầy Thích Đức Tâm (phụ trách các đoàn thể Thanh niên của Giáo hội Phật giáo) biết ý, khoát tay bảo:

- Hôm nay khai mạc phòng tranh, đọc thơ như vậy là đủ rồi.

Chúng tôi thấy được như vậy cũng đã đủ rồi. “Con người Việt Cộng” bị đặt ngoài vòng Pháp luật đi qua thơ thầy Thích Nhất Hạnh đã hiện diện hợp pháp giữa khuôn viên chùa Từ Đàm. Chúng tôi đã nói lên được “ước vọng hòa bình”, phản đối chiến tranh của Mỹ đang gieo rắc trên quê hương Việt Nam.

Tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của thầy Nhất Hạnh có một tác dụng rất lớn. Không những trong giới sinh viên học sinh và trí thức, mà ngay cả giới sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng bị tác động. Trung úy Thái Luân ở Sư đoàn I sáng tác và cho lưu hành tập thơ Vùng Tủi Nhục tố cáo chiến tranh do Mỹ đạo diễn  rất dữ dội. Bản thân tôi với tư cách là một sinh viên Phật tử, tranh đấu trong tinh thần bất bạo động cũng làm một loạt thơ chống bạo động, chống chiến tranh. Con người luôn nhân danh một lý tưởng gì đó để chém giết và cuối cùng cũng nhân danh một cái gì đó để giết luôn mình (bài Nhân danh), anh em họ hàng giết nhau (bài Chuyện hai người lính); tất cả quá khứ để lại là tội lỗi, nghèo đói, nhọc nhằn, chiến tranh, tuổi trẻ phải biết thương nhau để cùng nhau tranh đấu cho hòa bình, làm sao “cho súng phải thở dài, cho tàu bay khóc với, cho lựu đạn im tiếng, cho đường vũ khí qua tim” (bài Để lại cho em).
 

Tập nhạc Mười bài tâm ca của Phạm Duy do Lá Bối xuất bản 1965

Nhạc sĩ Phạm Duy rất nhạy cảm trước xu thế tranh đấu của tuổi trẻ đô thị lúc ấy, ông đã soạn một loạt bài Tâm ca, Tâm phẫn  ca, trong đó có nhiều bài ông phổ thơ của các loạt bài hát này là bài phổ thơ Hòa bình của thầy Nhất Hạnh (đổi tựa đề thành Tôi ước mơ), sau đó là bài Để lại cho em (thơ của Nguyễn Đắc Xuân), bài Nhân danh, Chuyện hai người lính (phổ thơ của Tâm Hằng - Pháp danh và cũng là bút danh của tôi), Bi hài kịch (của Thái Luân). Nhưng nổi tiếng nhất là bài Kẻ thù ta với lời ca do nhạc sĩ Phạm Duy phát triển từ một câu thơ trong bài Chiến tranh của thầy Nhất Hạnh.

Phần lớn những Tâm ca Tâm phẫn ca đều in trên tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ của thầy Nhất Hạnh. Và đã có nhiều lần nhạc sĩ Phạm Duy hát cho thầy Nhất Hạnh nghe. Thầy Nhất Hạnh khi được nghe bài Để lại cho em (Tâm ca số 5) thầy rất xúc động và Thầy đã viết cuốn sách nhỏ Nói với tuổi hai mươi dành cho tuổi trẻ, được tuổi trẻ rất ưa thích và lưu hành cho đến ngày nay.

Thầy Thích Nhất Hạnh và nhạc sĩ Phạm Duy đã có một quá trình gắn bó gần gũi với nhau như thế nên vào những năm sau này Thầy và nhạc sĩ luôn nhớ, nghĩ về nhau. Tôi xin kể một số chuyện tiêu biểu mà tôi may mắn được làm người liên lạc giữa hai Người.

*

Ngày 15/11/2012, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhờ tôi chuyển đến tận tay nhạc sĩ Phạm Duy một thư viết tay và hai bài kinh: Lời nguyện cầu hướng về đất mẹ; Lời ca ngợi Bụt Amitabha.

Sáng hôm sau tôi mang thư và kinh đến ngay cho nhạc sĩ Phạm Duy đang nằm chữa bệnh ở Khoa tim mạch tổng quát Bệnh viện 115, quận 10, Tp. HCM. Nhận được thư, Phạm Duy đọc ngay và ông rất vui mừng. Ông nhờ tôi mail cảm ơn Thầy và hứa: Lúc nào ngồi dậy làm việc được ông sẽ phổ nhạc hai bài Kinh. Khi nào Nhà nước cho phép phát hành đĩa phim về cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Duy do Phương Nam thực hiện, đĩa đầu tiên ông sẽ gởi tặng Thầy. Và, nếu còn đi Huế được ông sẽ đến “tu” một thời gian ở Tổ đình Từ Hiếu theo lời mời của Thầy.
 

Thư viết tay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết từ Làng Mai đề ngày 15/11/2012, gởi NS Phạm Duy


Ông nhờ tôi gởi email cảm ơn với mấy lời hứa. Tôi thực hiện nhưng tôi không tin ông còn đủ cơ hội để thực hiện các lời hứa tốt đẹp ấy. Vì các bác sĩ cho tôi biết ông không còn sống lâu nữa. Tôi cũng nhờ Làng Mai thưa lại với Thầy nhận định của tôi. Và Thầy dạy:

Nếu Phạm Duy phổ được nhạc hai bài kinh này chắc sẽ khỏi bệnh. Chỉ cần đọc bài Kinh đất mẹ Trời cha là anh Phạm Duy sẽ hết sợ hãi và sẽ lành bệnh từ từ. Quan trọng là cho anh ấy đọc được hai bài kinh. Nhạc khi nào phổ cũng được.” (Làng Mai,17/11/12).

Trong những ngày hạ tuần tháng 11/2012, những người yêu quý Phạm Duy ở quanh ông luôn tìm cách làm cho ông vui(2) , để bớt nỗi đau xác thân ông và chia sẻ với ông nỗi đau tinh thần do người con trưởng của ông - ca sĩ Duy Quang - cũng đang trọng bệnh vừa đưa sang Hoa Kỳ cứu chữa. Lá thư của thầy Nhất Hạnh là một niềm vui lớn đối với ông. Nhà thơ Lưu Trọng Văn đến thăm, ông khoe thư của thầy Nhất Hạnh và nhờ Văn đọc lại cho ông nghe tiếp. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam  đến thăm, ông cũng giới thiệu thư thầy Nhất Hạnh để nhà thơ Hữu Thỉnh chia vui với ông. Ông lại càng vui hơn khi biết từ ấy, ngày nào Làng Mai ở Pháp quốc cũng cầu nguyện cho cha con ông.

Đến ngày 28/1/2013, nhận được tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, dù biết trước giờ phút đó thế nào cũng đến, thầy Nhất Hạnh ngồi lặng yên một lúc rồi lấy bút ra viết tặng nhạc sĩ: “Lời mai đây cao ngút Trường Sơn. Ý muốn nhắc nhạc sĩ Phạm Duy: “Nhớ nhé anh Phạm Duy? Anh không có đi về cõi vĩnh hằng nào xa xôi hết. Cõi vĩnh hằng là cõi này và Anh sẽ tiếp tục viết Trường ca Trường Sơn với nét đẹp tâm linh của con cháu Mẹ Việt Nam, tiếp tục vươn cao ngút Trường Sơn qua những hình thức mới, những nét nhạc ghi ra qua tay của các em, các con, các cháu của anh, qua con cháu của bạn bè anh, hay qua những người thuộc thế hệ sinh sau nhưng tâm hồn và nét nhạc cũng sâu sắc ngọt ngào nhưng lần này nhiều chất liệu tâm linh hơn, để diễn tả được những gì cao sâu của vĩnh hằng trong phút giây hiện tại, cao ngút Trường Sơn”. (Theo mail của Sư cô C.K. ghi lại ý kiến của Thầy).

Thầy sử dụng lời đề tặng này có một nguồn gốc sâu xa. Năm 1965, Mười bài Tâm ca của Phạm Duy ra đời (Lá Bối xuất bản), nhạc sĩ Phạm Duy hát cho Thầy nghe. Khi nghe hát đến bài Tiếng hát to (Tâm ca số 2), Thầy chú ý đến 3 câu chót của đoạn 1:

Lời hôm qua chắp nối con đường
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn


Thầy có ý đề cập đến ba tập Trường ca mà Phạm Duy đã, đang và sẽ thực hiện:

1/ Lời hôm qua chắp nối con đường nhắc đến Trường ca Con đường cái quan Phạm Duy đã sáng tác;

2/ Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn đề cập đến Trường ca Mẹ Việt Nam Phạm Duy đang soạn (1965);

3/ Lời mai đây cao ngút Trường Sơn ám chỉ Trường ca Trường Sơn cao ngút đỉnh tâm linh mà Phạm Duy năm 1965 dự định sẽ thực hiện. Thầy sử dụng lại câu này cũng có nghĩa Thầy đánh giá sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy “cao ngút Trường Sơn”.

Làng Mai email ngay cho tôi lời điếu của Thầy và yêu cầu tôi phóng to khổ A3, lồng kính và đem đến điếu tang nhạc sĩ Phạm Duy. Sáng ngày 29/1/2013, tôi thực hiện ngay.
 

Lời điếu đã đến bên linh cữu NS Phạm Duy  


Lời điếu của Thầy được gia đình nhạc sĩ Phạm Duy kính cẩn đặt lên bàn thờ trước linh cữu của nhạc sĩ. Từ hôm đó, hàng trăm đoàn khách đến phúng viếng nhạc sĩ Phạm Duy đều được ghi hình với lời điếu thư pháp “Lời mai đây cao ngút Trường Sơn” ấy. Người được ghi hình đầu tiên là kỳ nữ nghệ sĩ Kim Cương.

Ngày chủ nhật 17/3/2013, sau đúng 7 tuần nhạc sĩ Phạm Duy ẩn mình vào cõi tịnh ở hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Trong 7 tuần ấy có biết bao thương tiếc ngậm ngùi cùng với biết bao dự tính thành lập Phạm Duy học hội, Phạm Duy Foundation, Phạm Duy Club, những đêm Hát với Phạm Duy, Tuổi trẻ với Phạm Duy, Hà Nội nhớ nhạc sĩ Phạm Duy v.v, diễn ra trên phắp ba miền đất nước và nhiều nước trên thế giới. Trong 7 tuần ấy không ai còn thấy ông xuất hiện trên các sân khấu, không ai còn được ông tiếp chuyện ở nhà 349/126 Lê Đại Hành, phường 13, quận 11, Tp. HCM, nhưng trên mạng toàn cầu, xuất hiện hàng trăm địa chỉ mà người yêu nhạc Phạm Duy có thể nghe ông hát, ông nói, ông trả lời phỏng vấn, ông rong chơi khắp nước hay đọc được những bài viết về mọi khía cạnh của cuộc đời ông, cuộc đời nghệ thuật và cả cuộc đời ham chơi của ông. Ông ẩn mình ở một nơi để có mặt ở khắp mọi nơi. Tại Huế, ông đã dự đêm Nghìn trùng xa cách ở gác Thọ Lộc hôm 20/2/2013 với CLB những người Huế yêu nhạc Phạm Duy và đêm thứ bảy 16/3/2013, trên sông Hương đầu phường Vỹ Dạ ông được mời về dự đêm nhạc Huế Nhớ Phạm Duy (1921 - 2013) do Hội Nhạc sĩ Thừa Thiên Huế và Trung tâm Du lịch trải nghiệm Huế xưa - Huế nay tổ chức. Và, chiều chủ nhật 17/3/2013, đúng 49 ngày ông qua đời, các nam nữ xuất sĩ chùa Từ Hiếu - chùa Diệu Trạm, những người Huế yêu âm nhạc Phạm Duy mừng ông thực hiện lời mời ông về chùa Từ Hiếu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông “Đã Về và Đã Đến” trong hơi thở, trên môi những người yêu nhạc Phạm Duy với những giai điệu vô thường và tình tự quê hương.

Chuông đã rung, nhạc sĩ Phạm Duy xuất hiện trên môi người…

Chùa Từ Hiếu, chiều 17/3/2013
T.H N.Đ.X  
(SH291/5-13)


...................................................  
1. Tỏ lòng kính mến  
2. Tôi viết một loạt 6 bài : Nhạc sĩ Phạm Duy và Một vài chuyện tình ở Huế (1 bài) và  Mối tình thơ nhạc 10 năm của Phạm Duy và Lệ Lan (5 bài), GS.TS. Trần Văn Khê viết một bài tương đối dài “Đến khi trăm tuổi còn ngồi bên nhau”. Tất cả đều đăng trên tuần san Kiến thức Ngày nay từ số 803 đến số 812. Đọc loạt bài này nhạc sĩ Phạm Duy rất vui.
 







 

Các bài mới
Các bài đã đăng