Như chúng ta đều biết, với tư cách là một nhà thơ, ông từng giật giải “Tam nguyên” thơ ca năm 1979 của 3 tờ báo lớn là báo Văn Nghệ, báo Nhân Dân và tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, và đặc biệt với tập thơ Đồng dao cho người lớn dành 2 giải thưởng trong nước. Thơ Nguyễn Trọng Tạo được dịch ra tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Ba Lan, và đã được Hội Nhà Văn Ba Lan mời sang thăm và làm việc năm 2004. Ông cũng là tác giả của 4 tập văn xuôi, và cuốn tiểu luận phê bình Văn chương Cảm & Luận có số lượng bản in rất lớn. Với tư cách là nhạc sĩ, ông là tác giả của nhiều bài hát rất nổi tiếng như Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang.v.v... Nguyễn Trọng Tạo đã 5 lần đoạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ VN, và hiện nay ông làm việc tại Tạp chí Âm Nhạc và Thời Đại của Hội Nhạc sĩ. Ông cũng là Họa sĩ vẽ bìa sách và trình bày báo, với 500 mẫu bìa sách và 2 giải thưởng về bìa sách... Nhân chuyến đi thăm và làm việc tại Ba Lan, ông đã có cuộc giao lưu với cộng đồng người Việt tại Nhà Văn hoá Thăng Long - Warszwa vào đêm 22.4.2006. Dưới đây là nội dung được trích từ cuộc Giao lưu đó.
MC: Thưa Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (ntns NTT), Ở nước ta có một số nghệ sĩ nổi tiếng đa tài như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn... người ta cũng gọi anh là một nghệ sĩ đa tài. Anh có nghĩ như vậy không? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tôi nghĩ tôi là một người bình thường như mọi người, và tôi làm tất cả những gì phù hợp với khả năng của mình. Nghĩa là thích làm thơ thì làm thơ, thích viết văn xuôi thì viết văn xuôi, thích làm nhạc thì làm nhạc, thích vẽ thì vẽ, thích viết phê bình tiểu luận thì viết phê bình tiểu luận. Hồi mới vào quân đội, tôi còn viết cả kịch nói và đã có vở kịch Tiếng súng do đội văn công xung kích biểu diễn cho nhiều đơn vị bộ đội và tham gia Hội diễn văn nghệ Quân khu. Có lẽ vì thế mà người ta cho tôi là “Người không bình thường”. Nhưng tôi vẫn nghĩ tôi là người bình thường. Thực ra làm một người bình thường “tự nhiên nhi nhiên” cũng không dễ. Tôi có quen biết và chơi thân với những người đa tài như Văn Cao, Trịnh Công Sơn... như là bạn vong niên, và tôi thấy họ cũng dễ thương, dễ gần như người bạn cùng lứa với tôi, nghĩa là không bao giờ họ tỏ ra mình là một “người đặc biệt” hay lập dị. Chính những người như thế đã dạy cho tôi phải làm một người bình thường như thế nào. Điều quan trọng là phải vượt qua sự ngộ nhận về bản thân mình.
MC: Thưa anh, anh đeo đuổi cả thơ ca nhạc họa, vậy anh có dành “tình cảm riêng” cho bộ môn nào không, hay là anh có một tình yêu chung cho tất cả? Và anh đã sáng tác tác phẩm đầu tiên như thế nào? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Người ta thường yêu thương tất cả những đứa con do mình sinh ra, nhưng chắc tình yêu với từng đứa có khác. Tôi cũng vậy thôi. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, tôi dành tình yêu cho thơ nhiều nhất. Từ nhỏ tôi đã thích đọc sách, nhưng lại dị ứng với thơ trong sách giáo khoa, bởi khi thì nó quá đơn giản như “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng”, khi thì nó quá cầu kỳ đến kỳ quặc như “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng”... Phải đến năm tôi 14 tuổi, tình cờ đọc được cuốn sách rất hay của Trần Thanh Mại viết về thi sĩ Hàn Mặc Tử trong tủ sách còn sót lại sau Cải cách ruộng đất của cậu tôi (tôi gọi bố là cậu), tôi mới thực sự yêu thơ. Những câu thơ, bài thơ Hàn Mặc Tử được trích dẫn trong cuốn sách đó đã cuốn hút tôi như một ma lực kỳ diệu. Thơ và cuộc đời thi sĩ Hàn Mặc Tử đã ám ảnh tôi đến rơi lệ. Tôi chép những câu thơ của ông vào sổ tay: “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”, “Bây giờ tôi dại tôi điên? Chắp tay tôi lạy cả miền không gian”... Và tôi bị nhiễm bệnh thi sĩ từ đó.
Ngay đêm hôm đó, tôi bắt chước Hàn Mặc Tử như bắt chước một người thầy tự chọn, làm ra một bài thơ lục bát không đề. “Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng/ Lưng tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng/ Bạn ơi, trăng hoá dòng sông/ Tôi như thuyền nhỏ trôi trong nỗi niềm/ Bây giờ tôi dịu tôi hiền/ Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ/ Mai sau tôi chết trong thơ/ Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi/ Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi/ Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ/ Bạn ơi, trăng quá ngây thơ/ Còn tôi cằn cỗi già nua thế này/ Bao giờ tôi hoá làn mây/ Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng”.... Mấy hôm sau tôi đưa bài thơ cho cậu tôi đọc. Cậu tưởng là tôi chép lại của ai đó, vì bài thơ lục bát rất chuẩn, lại có vẻ người lớn quá. Nhưng sau khi tôi nói là tôi đọc thơ Hàn Mặc Tử rồi bắt chước, thì ông đọc lại bài thơ, rồi nói: “Con làm thơ lục bát được đấy. Học Hàn Mặc Tử nên có ý lạ. Nhưng thời nay người ta không thích loại thơ này đâu. Cất đi. Còn con thích làm thơ thì cứ làm cho vui, chứ thành nhà thơ thì khổ lắm. Cổ kim có nhà thơ nào sung sướng gì đâu. Hàn Mặc Tử tài là thế mà đâm bệnh chết trẻ. Cụ Nguyễn Du nói rồi: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Tôi nghe lời cậu tôi, cất kín bài thơ không đọc cho ai nghe nữa. Đến khi trở thành nhà thơ, tôi đưa bài thơ đó vào tập thơ để in, nhưng bị nhà xuất bản Quân Đội loại ra. Mãi đến những năm “Đổi Mới”, bài thơ đầu tiên của tôi mới được in trong tập thơ Gửi người không quen. Cậu tôi không bao giờ được đọc bản in bài thơ đó. Ông đã mất trước khi bài thơ được in ra đúng 12 năm.
MC: Vâng, từ nhỏ, từ năm 14 tuổi anh đã làm thơ lục bát rất hay. Chúng tôi đọc thơ anh, và thấy thơ anh rất giàu nhạc điệu, nó rất khác với thơ của các bạn trẻ hôm nay, hình như họ không cần chú ý đến nhạc điệu nên rất khó thuộc. Anh có thể nói gì về nhận xét đó của bạn đọc? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Người xưa nói: Thi trung hữu hoạ, nghĩa là trong thơ có nghệ thuật hội hoạ bằng ngôn ngữ hình ảnh. Người ta rất chú trọng hình ảnh trong thơ. Bây giờ tôi có thể nói thêm: Thi trung hữu nhạc. Không có nhạc điệu thì thật khó thành thơ. Mỗi nhà thơ có điệu nhạc riêng của mình. Đấy là điệu nhạc tâm hồn. Ngay cả làm thơ lục bát cũng vậy, cứ tưởng thơ lục bát chỉ có một điệu nhạc duy nhất. Không phải. Lục bát Nguyễn Du khác lục bát Nguyễn Bính. Lục bát Bùi Giáng khác lục bát Bút Tre. Lục bát Nguyễn Duy khác lục bát của tôi... Khi ý thức trở thành nhà thơ, tôi đã có ý thức “làm mới” thơ lục bát bằng cách ngắt câu và bằng hình ảnh của thời đại mới. Trước Nguyễn Bính, chưa ai đưa hình ảnh “khuy bấm” vào thơ lục bát cả. Vì thế mà câu thơ “Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi” xuất hiện rất mới, rất ấn tượng. Trong cuốn “Ngôn ngữ thơ” của nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Cảnh xuất bản năm 1987 có nói tới cấu trúc hiện đại của thơ lục bát, và đã dẫn khá nhiều thơ lục bát của tôi viết những năm 70 với lối ngắt câu bậc thang. Sau này, trong bài thơ Chia, tôi vẫn dùng lối ngắt câu bậc thang ấy, và gây được hiệu quả rất tốt: ...Chia cho em một đời say một cây si với một cây bồ đề tôi còn đâu nữa đam mê trời chang chang nắng tôi về héo khô... Ngay cả trong thơ tự do, thơ không vần người ta vẫn phải chú trọng đến nhạc điệu. Đọc văn xuôi cũng thấy phải lên bổng xuống trầm mới có sức truyền cảm, huống hồ là thơ. Nhạc điệu trong thơ là thứ nhạc điệu nội tại, khi du dương khi réo rắt, khi mông lung khi gấp gáp, khi ngập ngừng ý nhị, khi trần trụi thét gào... Nghĩa là nó tuỳ theo cung bậc của tình cảm mà điều khiển ý, lời. Tôi thích nhịp chẵn của lục bát, đồng dao Việt, có lẽ vì thế mà thơ tôi nặng về nhịp chẵn. Tập thơ Đồng Dao Cho Người Lớn và sau đó là tập Nương Thân của tôi đều mang nhạc điệu chủ đạo là nhịp chẵn: “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ có con người sống mà như qua đời/ có câu trả lời biến thành câu hỏi/ có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới...”.
Thơ của bạn trẻ hôm nay có nhạc điệu không? Theo tôi là có. Nếu họ có hồn thơ thì ắt họ sẽ có nhạc điệu. Chúng tôi cũng đã có một thời tuổi trẻ, và biết rằng, chúng tôi phải thoát khỏi nhạc điệu thơ của người trước, vì thế chúng tôi mới quyết cách tân bằng phá cách, phá luật, phá nhạc, phá nếp nghĩ quen thuộc. Nhưng khi “phá cái cũ” mà chưa xây được cái mới hoàn chỉnh thì anh chưa là gì cả. Anh chỉ là thằng phá bĩnh mà thôi. Anh bóp méo cái cũ cho có vẻ lạ. Anh sơn phết bên ngoài cho có vẻ mới. Thực ra là cái mới phải khởi ra từ nội tại cảm xúc mới và tư tưởng mới của thi sĩ. Cũng nghĩa là anh phải có một nhạc điệu mới. Từ Rock đến Rap (hát nói) là một biểu hiện của bước đi hiện đại trong âm nhạc, nhưng nên nhớ rằng trong chèo cổ đã có hát nói, và trong Opera cũng đã có hát nói từ lâu. Thơ không vần không phải bây giờ mới có trong thơ trẻ, nhưng tại sao không nhập vào người đọc? Bởi nó chưa là thơ thứ thiệt, chưa phải thơ hay. Thơ mới lạ chưa hẳn đã là thơ hay, nhưng thơ hay tất nhiên phải chứa đủ cả yếu tố mới lạ. Thế mới gọi là sáng tạo. Ở trong nước có người cho rằng tôi ủng hộ lăng xê thơ trẻ có khi thái quá, nhưng thực ra tôi biết sự nhạy cảm của tôi, và tôi đã lăng xê những Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly... từ rất sớm, cách đây hơn chục năm. Và giờ đây họ đã trở thành những tên tuổi nổi tiếng trong làng thơ. Hai năm làm trưởng ban biên tập báo THƠ (2003-2004), tôi luôn tìm cách giới thiệu thơ của những cây bút trẻ dù bị áp lực khá nặng nề của ban lãnh đạo. Những cái tên như Lê Vĩnh Tài, Khương Hà Bùi, Trương Quế Chi, v.v... lần đầu tiên xuất hiện đĩnh đạc trên báo của Hội Nhà Văn với ảnh chân dung và lời nhận định... Và còn nhiều nhà thơ trẻ khác nữa. Tôi không tiếc lời khen tụng những giá trị tươi non của thơ trẻ. Bởi tôi nghĩ rằng, thời trẻ của chúng tôi xuất hiện quá khó khăn trước quá nhiều những cây đa cây đề, và đến thời không nên để cho thế hệ trẻ có mặc cảm ấy nữa, mặc cảm “ngày xưa ai cấm duyên bà/ Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi...”, mà cần làm cho họ và cả xã hội thấy phải mở ra dân chủ thực sự trong văn chương. Công kênh trẻ là hành động của người lớn. Cưỡi lưng trẻ là hành động của trẻ con. Tuy nhiên, các nhà thơ trẻ muốn trưởng thành, cũng phải tự ý thức mình là ai. Hơn nữa, người thưởng thức thơ cũng phải tự nâng cao mình để cảm thụ thơ hiện đại.
MC: Chúng tôi vừa nhận được một số câu hỏi của khán giả hỏi ntns NTT. Đây là câu hỏi của anh Thịnh, một người yêu thơ Nguyễn Trọng Tạo, đang bán hàng ở Trung tâm Tàu: “ - Thưa ntns NTT, tôi nhớ cuối năm 1981, hồi tôi còn là sinh viên Tổng hợp văn Hà Nội, sinh viên chúng tôi đã rất thích bài thơ Tản mạn thời tôi sống, và đã chuyền tay nhau chép vào sổ tay bài thơ ấy. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ mấy câu: Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi! Nghe nói bài thơ đầy ấn tượng đó đã gây nên một sự cố lớn đối với tác giả bài thơ. Người ta đã đối xử với tác giả lúc đó như thế nào? Và bây giờ nhà thơ có thể đọc lại bài thơ đó được không? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Đúng là vào một đêm hè tại Vân Hồ (Hà Nội), tôi đã viết xong bài thơ Tản mạn thời tôi sống vào lúc 1 giờ sáng. Viết xong, đọc lại thấy mình bị ớn lạnh. Tôi gọi nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng phòng dậy pha trà và đọc cho anh ta nghe để xem bạn nói gì. Nguyễn Hoa nghe xong, im lặng đến nổi da gà. Một lát sau mới nhận xét là bài thơ gây chấn động mạnh cho anh, một bài thơ mà anh chưa từng thấy trong thơ hiện tại, nhưng anh sợ khó được đăng lên báo. Một tuần sau, trong cuộc họp các nhà văn quân đội tại Vân Hồ do nhà văn Nguyễn Trọng Oánh tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội chủ trì, tôi đã đọc bài thơ này, và ông Oánh cũng khẳng định là không thể in trên tạp chí của ông. Mấy tháng sau, trong một cuộc gặp gỡ 3 nhà báo nước ngoài (Việt kiều) tại báo Văn Nghệ, tôi đã đọc bài thơ này thay cho câu trả lời mà họ đặt ra: Các nhà văn Việt có né tránh sự thật hay không? Bài thơ đã được mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt, và nhà văn Nguyễn Tuân đã tự tay rót cho tôi một chén rượu. Ba nhà báo nước ngoài xin tôi bài thơ để đăng báo. Tôi tặng họ, nhưng cẩn thận đề nghị họ để báo trong nước in trước. Quả thực sau đó một tuần, bài thơ được in trang trọng trên báo Văn Nghệ số 38 ra ngày 19.9.1981. Nhà thơ Hoàng Minh Châu trực Ban biên tập lúc đó hào hứng nói với tôi là bài thơ rất được bạn đọc thích, báo vừa ra đã bán hết, nhiều người đến toà soạn hỏi mua báo nhưng không còn báo để bán. Quả là đúng như vậy, bài thơ được truyền đi nhanh chóng vào cả các trường đại học, nhiều người chép tay lưu giữ, học thuộc dù nó khá dài - gần 80 câu. Bỗng tôi rất bất ngờ khi ghé toà soạn báo Quân Đội Nhân Dân thấy bài thơ của tôi trên tờ báo Văn Nghệ đó bị gạch mực đỏ nhiều câu với những dấu chấm hỏi, chấm than bên cạnh. Vậy là bài thơ “có vấn đề”. Tôi ghé tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh lạnh lùng trách tôi: Đã bảo đừng in, ông lại cứ in; bây giờ biết làm sao? Tôi ngơ ngác trở về Vân Hồ. Nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó là Lớp trưởng kiêm Bí thư chi bộ lớp nhà văn chúng tôi ở trường Viết Văn Nguyễn Du nói với tôi là bài Tản mạn thời tôi sống #có vấn đề nghiêm trọng#. Tôi cãi lại. Hữu Thỉnh khẳng định: “Ông viết: Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng/ Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá, là ông đã phủ nhận thần tượng, phủ nhận Đảng, còn nói gì nữa”.
Và trong một cuộc họp nội bộ, người ta đã chỉ trích bài thơ tôi để qui tội chống chế độ, đến nỗi người trung thực như Nguyễn Hoa bạn tôi không thể chịu nổi, đã phát biểu trong cuộc họp: “Nếu đồng chí Tạo có tội phải vào tù, tôi là bạn, tôi sẽ đưa cơm đến nhà tù cho đồng chí ấy. Nhưng đồng chí Tạo không có tội. Đồng chí ấy chỉ nói lên một sự thật đau đớn mà thôi”. Trong khi đó, báo Văn Nghệ bỗng đăng một bài nhìn lại thơ trên báo nhà, và tự phê là đã cho đăng bài thơ của tôi, “một tác giả đang được bạn đọc yêu thích mà lại có biểu hiện lệch lạc, non tay”. Cách tự phê bình như vậy trái với thái độ hào hứng ban đầu, như là để chuẩn bị chạy tội với sự phê bình của trên sắp tới. Tôi nghe nhiều thông tin là sẽ “đánh” bài thơ Tản mạn thời tôi sống. Để tự vệ, tôi ngồi viết vào sổ tay “Bức thư gửi Bộ chính trị và ông Lê Đức Thọ” dài 10 trang, chứng minh tôi là một nhà thơ Quân đội yêu nước và chỉ nói lên sự thật dù là sự thật đau đớn, nhưng cả dân tộc phải vượt qua như một qui luật tất yếu. Nhưng bức thư đã không phải gửi đi. Nghe đồn là Liên Xô đã dịch và in bài thơ Tản mạn thời tôi sống, nên trong nước đã dừng lại việc định “đánh” bài thơ này. Chả là hồi đó, hai nước vừa ký hiệp định Việt - Xô, và tất nhiên, Liên Xô là anh cả trong phe XHCN. Em phải nghe anh. Nhưng rồi Quân đội vẫn không để tôi yên ở Hà Nội. Có ý kiến cho rằng, nếu để Nguyễn Trọng Tạo ở Tổng Cục Chính Trị, nhỡ nó lại làm một bài Tản mạn nữa thì sao? Thế là tôi “được” điều động đi nhận nhiệm vụ mới: Trở lại Cục Chính trị Quân khu Bốn.
5 năm sau, đến thời kỳ “Đổi mới”, bài thơ của tôi được in lại, được phát trên Đài, và năm 1987 chính báo Văn Nghệ đã đăng bài của Phạm Quang Long nhận định rằng: “Dòng văn học Đổi mới đã được khơi nguồn từ nhiều năm trước Đổi mới, với bài thơ Tản mạn thời tôi sống của Nguyễn Trọng Tạo”. Có thể nói, bài thơ đó là một sự kiện “nguy hiểm suýt chết người” đối với tôi. Và quả thật, tôi đã phải xa Hà Nội trọn 15 năm mới quay lại được. Thời gian ấy bằng thời gian lưu lạc của Thuý Kiều trong kiệt tác của Nguyễn Du. Bây giờ nhắc lại chuyện này, tôi vẫn còn thấy ớn lạnh. Nhưng đọc lại bài thơ, tôi càng thấy tin ở sự anh minh của công chúng, và tin ở mình hơn: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến...”.
MC: Quả đúng là một bài thơ giám nhìn thẳng vào sự thật, làm chấn động tâm hồn của nhiều độc giả trước cả thời kỳ đổi mới đến 5 năm. Bây giờ sau 25 năm nghe tác giả đọc lại, chúng ta thấy bài thơ vẫn còn nóng hổi tính thời sự của ngày hôm nay. Theo tôi biết thì anh Tạo vẫn tiếp tục dòng chảy đó trong bài thơ rất hay là bài Đồng dao cho người lớn. Tôi còn nhớ một câu thơ của anh trong bài thơ này, đó là câu: Có câu trả lời biến thành câu hỏi. Anh có thể đọc bài thơ này tại đây được không ạ? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Vâng, bài Đồng dao cho người lớn và một loạt bài thơ khác của tôi vẫn tiếp tục dòng chảy Tản mạn thời tôi sống mà người ta vẫn thường gọi là “trữ tình công dân”. Thực ra thì sau chiến tranh (1975), tôi chủ trương “Thơ đời thường”, nghĩa là tôi muốn thơ len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống thường nhật lam lũ của con người, thơ đứng về phía những con người bất hạnh, những vẻ đẹp bị trù dập. Tôi có cả một tập thơ nói về quan điểm nghệ thuật này có tựa đề là Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống (viết xong năm 1983, xuất bản năm 1995). Từ đó, thơ tôi phát hiện ra những nghịch lý mà bây giờ người ta vẫn gọi là “nghịch lý Việt
”. Sau Đồng dao cho người lớn là một loạt bài thơ viết về những nghịch lý xã hội như Tin thì tin không tin thì thôi, Mộng du, Bóng, Độc thoại, Tái diễn, Thế giới không còn trăng, v.v... Qua dòng thơ này, tôi muốn cảnh báo và đánh thức lương tri trước cái xấu, cái ác đang hoành hành xã hội. (NTT đọc bài Thơ Đồng dao cho người lớn, và giới thiệu Bùi Hùng đọc bài Thế giới không còn trăng).
MỘT KHÁN GIẢ: Chú Tạo ơi, cháu rất thích thơ tình của chú. Đọc tập thơ tình của chú xuất bản ở trong nước, cháu chép lại rất nhiều bài. Cháu thấy thơ tình của chú rất hợp với cháu, vì nó thường rất buồn. Chắc nhà thơ phải thất tình mới làm được thơ hay, phải không ạ? Chú có thể kể ra một vài bí mật tình yêu và đọc cho cháu nghe mấy bài thơ thất tình được không? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có một quan niệm rất độc đáo: “Nỗi buồn là căn nhà ở đời của Thơ”. Tôi rất thích quan niệm của anh Tường. Nhưng với tôi, nỗi buồn cũng là lửa. “Buồn đừng đi! Buồn đừng tan!/ Mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi!”. Nếu con người mất hết khả năng buồn, có nghĩa là con người sẽ trở nên độc ác hơn cả thú dữ. Chính vì thế mà trong thơ tôi ngay cả khi viết về niềm vui cũng ẩn chứa một nỗi buồn truyền kiếp. Riêng về đề tài tình yêu thì nỗi buồn càng đậm đặc. Xuân Diệu từng bộc lộ: Yêu thì nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu. Tình yêu không phải lúc nào cũng song phương mà phần lớn là đơn phương. Nhất là khi đang song phương bỗng quay ngoắt thành đơn phương, thì nỗi buồn cứ phải gọi là đen tối. Nhiều người tự tử vì tuyệt vọng trong tình yêu. Nhưng nếu anh đã làm được thơ về nỗi buồn tuyệt vọng, thì có nghĩa là anh đã giải toả được nỗi buồn ấy. Người ta quan niệm “làm thơ là tự giải thoát” cũng có lý của nó. Nếu đọc thơ của tôi mà bạn cảm thấy buồn thì nỗi buồn của tôi đã được chia sẻ. Chia vui là một phép nhân, còn chia buồn mới đúng nghĩa là một phép chia. “Chia cho em một đời tôi/ Một cay đắng/ một niềm vui/ một buồn...” là với ý nghĩa của phép chia ấy.
Tôi có trên 100 bài thơ tình, và nhiều bài được bạn trẻ chép vào sổ tay hoặc thuộc lòng. Trên 100 bài thơ ấy có phải để dành cho trên 100 đối tượng tình yêu hay không thì chính tôi cũng không giải thích được. Nhà thơ Neruda viết 100 bài thơ tình chỉ để dành tặng riêng cho một người phụ nữ ông yêu. Còn tôi thì không phải như vậy. Có bài thơ sinh ra chỉ vì một đối tượng tình yêu duy nhất, nhưng cũng có khi đối tượng chỉ là cái cớ của bài thơ tình tôi viết, bởi nó khơi dậy toàn bộ ký ức tình yêu của tôi. Có một bài thơ tình rất nhiều thế hệ sinh viên thuộc, đó là bài Không đề, mở đầu bằng câu “Anh trót để tình yêu tuột mất...” lại là bài thơ tôi viết tặng cho mối tình đầu của một anh bạn nhà thơ có thời sống ở Qui Nhơn. Đó là nhà thơ Ngô Thế Oanh. Sau cuộc chia tay với mối tình đầu, Oanh chỉ còn yêu những cô gái có đôi mắt giống đôi mắt của người yêu đầu tiên. Điều đó ám ảnh tôi rất ghê. Cái đôi mắt đó cũng đẹp như đôi mắt người yêu đầu tiên của tôi, nó luôn ám ảnh tôi. Và nó ám ảnh vào đoạn kết bài thơ: “Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát/ Biếc xanh em mãi chớp sáng vòm trời/ Điều CÓ THỂ đã hóa thành KHÔNG THỂ/ Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”. Nhưng cũng có bài thơ sau khi công bố, tôi nhận được điện thoại của “đối tượng thứ thiệt” nói rằng: “Có nhiều người tặng thơ cho em nhưng em nghĩ họ tặng ai cũng được; chỉ bài thơ của anh là tặng riêng em”. Khi ấy, tôi thấy mình thật hạnh phúc.
MC: Thưa ntns NTT, có ba câu hỏi cùng quan tâm đến những chuyến đi nước ngoài của anh. Bạn NTMH ở quầy hàng nữ trang chợ Sân Vận Động hỏi: Chú đến Ba Lan mấy lần rồi, và chú đã làm được bài thơ, bài hát nào về Ba Lan chưa? -Một bạn không ghi tên, đang học ở trường Pháp hỏi: Chú Tạo ơi, chú đi nhiều nước chưa? Nước nào khiến chú nhiều cảm xúc thơ ca nhất? Chú đọc 1 bài thơ làm ở nước ngoài được không? -Một bạn khác hỏi: Khi đến với Ba Lan, ntns NTT nghĩ gì về đời sống cộng đồng người Việt ở Ba Lan? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tôi đi nước ngoài không nhiều. Hồi chiến tranh tôi có thời gian đi Lào với những người lính tình nguyện, viết được cả nhạc lẫn thơ. Tôi còn nhớ mấy câu thơ trong bài Câu chuyện tình yêu nghe gió trời kể lại: “
Chăm Pa
ơi, thôi em đừng nhắc lại/ Những năm nằm ngủ mơ thấy anh/ Tỉnh dậy lại thấy toàn người khác”. Tôi cũng đã cùng những người lính vào Ăngko Thom, Ăngko Vát, và may mắn hơn nhiều người là được chiêm ngưỡng Ăngko từ trên máy bay trực thăng lượn đúng 5 vòng trên ngôi tháp 5 ngọn. Chính vì thế mà tôi đã làm thơ về Ăngko: “tôi đi từ Địa ngục tới Thiên đường/ từ Xác đá tới Linh hồn của đá/ ôi Ăng-ko! thăng trầm bao thế kỷ/ đỉnh máu xương hóa đá dựng lâu đài”. Tôi cũng đã “đáo Trường Thành”, lên tháp Eiffen, tháp truyền hình Berlin, ghé phố đỏ Hà Lan, xem tượng thằng Cu Đái ở Brucxen, và đặc biệt là Ba Lan với hai chuyến đi khá dài ngày. Người Việt ở Ba Lan không nhiều mà tôi có cảm giác là nhiều vô kể. Đấy chính là tình người, tình quê vô cùng sâu đậm và ấm áp. Chúng tôi đã có đêm giao lưu văn nghệ với cộng đồng người Việt tại nhà hàng Quê Hương của anh Nguyễn Khắc Sinh gần như trắng đêm. Tôi cũng đã gặp nhiều người Việt trên chợ Sân Vận Động và các trung tâm thương mại của Ta, của Tàu, của Thổ, hay ở Nhà Văn hoá Thăng Long, v. v... và đã đến thăm nhà nhiều người bạn. Dù là dân “soái” hay dân “bộ đội” họ đều thương nhớ quê nhà, và chia sẻ với câu hát của tôi: “Ơi con sông quê, con sông quê/ Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”. Người Việt đã góp phần làm cho thị trường thương mại Ba Lan thêm sôi động, nhưng cũng làm cho văn hoá Ba Lan thêm phong phú. Tôi rất tự hào về hai chị em gái Thanh Thảo và Thu Quỳnh (cháu ngoại của nhạc sĩ lớn Văn Cao), hai cháu đã nhiều lần đoạt giải Chopin tuổi nhỏ. Tôi tự hào về nhà thơ Lâm Quang Mỹ bạn tôi được trao giải thưởng về những cống hiến trong lĩnh vực văn học của UNESCO cùng với các nhà thơ Ba Lan và nhiều nước khác. Hôm qua tôi có hân hạnh được dự lễ trao giải thưởng đó, và anh Lâm Quang Mỹ là người gây được ấn tượng mạnh nhất khi anh tự hát những bài thơ của mình bằnh tiếng Việt
. Tôi cũng tự hào về anh Bùi Anh Thái, người đã có sáng kiến và có công lớn trong việc xây dựng Nhà Văn hoá Thăng Long, và đặc biệt là xây dựng lên ngôi chùa Một Cột, một biểu tượng văn hoá của Việt Nam trên đất bạn. Trong chuyến trước, tôi đã viết được một số bài về Ba Lan, và sau chuyến này chắc tôi còn viết nữa.
ÔNG BÙI ANH THÁI: Tôi rất muốn nghe anh Tạo hát những ca khúc của anh. Nhưng trước khi nghe hát, tôi xin hỏi anh Tạo mấy câu: Anh không phải người Quan họ mà sao anh viết bài hát Làng Quan Họ quê tôi hay thế? Hay là anh có một mối tình nào đó với người Quan họ? Nếu có thì “người ấy” của anh bây giờ đang ở đâu? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Thú thực là tôi đã viết bài hát đó khi tôi chưa hề đặt chân đến đất Quan họ Bắc Ninh lần nào, và cũng chưa có một “mảnh tình” nào cả. Ấy là vào năm 1978 ở Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Phan Hách (quê Hà Bắc cũ) đưa cho tôi một bài thơ và nhờ tôi phổ nhạc. Bài thơ làm cho tôi nhớ tới những điệu hát Quan họ mà tôi rất thích. Nhưng điều quan trọng là bài thơ ấy cũng làm cho tôi nhớ tới làng quê của tôi bên dòng sông Bùng xứ Nghệ. Làng tôi cũng có những làn điệu dân ca trữ tình, những đêm trăng trai gái hát dặm vè đối đáp thật yêu đời. Và làng tôi cũng bị “bom Mỹ dội” như bao làng quê thân yêu khác. Nhưng làng quê và người quê vẫn vươn lên tồn tại và vui sống, chẳng đạn bom nào xoá nổi. Và tôi đã viết bài hát đó bằng cả tình yêu làng quê của tôi, có thể nói rộng ra là tình yêu làng quê Việt
. Chỉ có khác một chút, là tôi đã lấy chất liệu dân ca Quan họ để viết nên bài hát đó mà thôi. Vì thế giai điệu bài hát rất mượt mà bóng bẩy, dễ đi vào lòng người. Bài hát vừa ra đời một tuần đã được Đài Tiếng nói Việt
phát trên chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả, và được dạy hát trên Đài. Bây giờ ở Ba Lan vẫn có nhiều người thuộc bài hát này. Hôm qua tôi đã nghe anh Thanh Tùng hát rất hay Làng Quan Họ quê tôi.
MC: Vâng, đúng là mỗi bài hát ra đời đều có cơ duyên của nó. Thưa ntns NTT, tôi đã được nghe 14 ca khúc của anh qua CD có tên là Tình khúc Bốn Mùa. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong CD đó có quá nửa số ca khúc được anh phổ nhạc từ thơ của người khác. Tại sao anh không phổ nhạc thơ của mình, mà lại đi phổ nhạc thơ của người khác? Anh có thể nói cho khán giả rõ về điều đó được không? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Có những nhạc sĩ tự làm lấy ca từ rất hay, nhưng họ vẫn có những ca khúc phổ thơ của người khác. Nhạc sĩ Phú Quang giải thích là làm như thế đỡ tốn công làm lời ca, để dành cả thời gian sức lực cho sáng tạo âm nhạc. Tôi là nhà thơ, tôi biết rất rõ rằng, khi làm thơ là khi nhà thơ đã dồn hết tâm huyết của mình vào thơ rồi, thật khó có một cảm xúc khác để thổi hồn vào nó nữa. Coi như cảm xúc sáng tạo của anh đã hoàn chỉnh rồi. Chính vì thế mà khi đọc thơ của người khác tôi rất chú ý đến rung cảm âm nhạc. Mỗi khi thấy rung cảm âm nhạc đến khi đọc thơ là tôi không bỏ qua, tôi cố duy trì nó, nuôi nấng nó cho đến khi nó trở thành sáng tạo âm nhạc, nghĩa là biến bài thơ trở thành tác phẩm âm nhạc của mình. Thú thực tôi không phải là người cố tình làm nhạc sĩ, tôi chỉ sáng tác nhạc theo cảm hứng, như lúc đầu tôi đã nói “thích thì làm”, thế thôi. Tất nhiên khi sáng tác phải biết hướng tới cái mới, cái lạ, cái truyền cảm nhất. Phổ nhạc cho thơ phải biết chủ động về âm nhạc, nếu không anh sẽ bị thơ dắt đi, và lúc đó nhạc sĩ chỉ còn là một “người hát thơ” mà thôi. Phổ thơ có nhiều cách: Phổ trọn vẹn bài thơ; phổ một số đoạn thơ; phổ theo ý thơ; thậm chí lấy cảm xúc từ bài thơ để làm thành ca khúc như trường hợp ca khúc Sao em vội lấy chồng của Trần Tiến lấy cảm xúc từ bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Tôi có lợi thế khi phổ thơ vì tôi là một nhà thơ nên có thể chủ động điều khiển được phần lời khi cần phải sửa chữa cho hợp với sự phát triển của nhạc. Và khi không phổ thơ của người khác, nghĩa là tôi tự làm lấy lời ca, thì ca từ trong ca khúc của tôi chính là những bài thơ song sinh cùng âm nhạc.
MC: Tôi xin nói thêm, thơ của Nguyễn Trọng Tạo cũng đã có nhiều bài được phổ nhạc. Riêng bài thơ Chia đã có đến 5 nhạc sĩ phổ thành ca khúc mà ca khúc phổ biến nhất là của Phú Quang với một tựa đề khác là Một dại khờ một tôi. Thưa ntns NTT, trong những bài hát của anh phổ thơ của bạn bè, tôi rất thích bài Con dế buồn anh phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh có kỷ niệm gì khi phổ nhạc bài thơ này không ạ? NGUYỄN TRỌNG TẠO: Hồi tôi còn ở Huế, anh Tường làm xong bài thơ Con dế buồn liền mang đến nhà tôi đọc cho tôi nghe. Anh Tường nói rằng làm xong bài thơ thấy nó cứ vang lên âm nhạc, nhưng không biết viết nhạc, nên đem cho Tạo đọc xem có phổ nhạc được không. Tôi rất thích bài thơ này vì nó giàu tính ẩn dụ, thân phận con dế cũng là thân phận con người hoài niệm trong đời sống hiện đại. Con dế bò ngược dòng suối tìm về quê hương của văn minh xưa, chỉ còn thấy những dấu chân của nó “trên dấu đá rêu mờ/ của những con suối Hy Lạp đã khô”. Đấy là “con dế buồn sầu của linh hồn ta”. Bỗng một giai điệu thánh ca vang lên trong đầu tôi, tôi bảo anh Tường về để tôi phổ nhạc. Một giờ sau, tôi đến nhà anh Tường và hát cho anh ấy nghe. Nghe xong, anh Tường nói đùa: “Tường có cặp mắt xanh đấy chớ!”. (Bùi Hùng hát bài Con dế buồn).
MC: Có nhiều câu hỏi của khán giả hỏi ntns NTT về bài hát rất nổi tiếng gần đây của anh. Đó là bài hát Khúc hát sông quê phổ thơ Lê Huy Mậu. Vâng, đây là câu hỏi của bạn Trần Nguyễn Phan Cao (cười). Một cái tên mà mang đến 4 họ. “Mấy lần tôi về nước, đều được nghe bài hát Khúc hát sông quê của anh. Khi thì nghe trong đám cưới, khi thì nghe trong nhà hàng. Lần nào nghe bài hát này tôi cũng đều xúc động đến ứa nước mắt. Bài hát làm cho tôi thương mẹ tôi và thương quê tôi lắm. Cảm ơn ntns đã nói giùm tình cảm của tôi với mẹ và quê. Anh có thể nói một chút về bài hát đó được không?”. NGUYỄN TRỌNG TẠO: Bài Khúc hát sông quê mới ra đời hơn 3 năm nhưng đã có một đời sống riêng trong lòng công chúng. Tôi không bất ngờ về điều đó vì ngay khi tôi vừa viết xong, tác giả lời ca là nhà thơ Lê Huy Mậu đã bàng hoàng xúc động tuyên bố là bài hát này sẽ “làm cho Lê Huy Mậu nổi tiếng!”. Quả đúng như vậy, sau khi Đài Truyền hình Việt Nam đưa lên chương trình Tác Phẩm Mới với giọng hát Anh Thơ, thì cả thành phố Vũng Tàu nơi anh Mậu ở đã có đĩa VCD bài hát này. Hầu như ngày nào tôi cũng được nghe Khúc hát sông quê qua điện thoại di động, khi thì ca sĩ hát, khi thì trí thức hát, khi thì lãnh đạo hát... Ai cũng có một làng quê, một dòng sông, một người mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn. Giờ thì đời sống đã đầy đủ, con cái đã sung sướng thì mẹ không còn nữa. Tình thương mẹ của những đứa con như nghẹn lại và dồn chảy vào âm nhạc, lời ca, như dòng sông quê mãi mãi tuôn chảy tới vô cùng biển cả. Đây là một bài thơ thương quê thương mẹ của anh Lê Huy Mậu, nhưng cũng là bài hát thương quê thương mẹ của tôi, của các anh các chị, của tất cả chúng ta. Bài hát không chỉ phổ biến trong nước, mà nhiều người từ nước ngoài về cũng cố tìm cho được CD để mang đi. Vì thế mà Khúc hát sông quê đã có mặt trong các CD, VCD của hơn chục ca sĩ trong nước như Anh Thơ, Thu Hiền, Phương Thảo, Tố Uyên, Minh Phương, Hồng Năm, Thanh Loan, v.v... Tôi rất xúc động khi được biết anh Đức Hạnh và anh Nguyễn Chương Thiếp từ chợ Sân Vận Động đến dự đêm giao lưu và xin được hát tặng bà con cộng đồng bài Khúc hát sông quê. Để kết thúc cuộc trò chuyện thân thương này, và cũng là để thay lời cảm ơn các bạn, tôi xin mời hai anh cùng hát với tôi bài Khúc hát sông quê. (Bài Khúc hát sông quê). ÔNG BÙI ANH THÁI (Giám đốc Nhà Văn hoá Thăng Long, Trưởng ban tổ chức): Ngót 3 tiếng đồng hồ, bà con cộng đồng chúng ta đã sống trong một không gian đầy ắp nghệ thuật của tình người do Nhà thơ - Nhạc sĩ đầy tài hoa và tâm huyết từ nước nhà mang tới. Anh thực sự là một nhà thơ tài năng và dũng cảm, một nhạc sĩ thấm đẫm tâm hồn Việt, một nghệ sĩ đa tài cầm kỳ thi hoạ, một người bạn chân thành của tất cả chúng ta. Thay mặt Nhà Văn hoá Thăng Long và cộng đồng người Việt, tôi xin chân thành cảm ơn Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, cảm ơn các quý khách và bà con cộng đồng; xin chúc Nhà thơ - Nhạc sĩ có thêm nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. N.T.T
(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)
|