Đó là mơ ước cả nửa thế kỷ nay của giới phê bình - lý luận - nghiên cứu âm nhạc, giờ mới thành hiện thực. Trông vào tên tuổi những nhạc sĩ tham gia Hội đồng Biên tập đã thấy đầy nể trọng. Đó là GS-TS khoa học Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch hội đồng), là PGS-TS Vũ Nhật Thăng (Phó chủ tịch hội đồng), là nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - Phó viện trưởng Viện Âm nhạc (Thư ký hội đồng), và các thành viên là các nhạc sĩ: Dương Viết Á, Bùi Trọng Hiền, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Hoàng Trường. Họ đã miệt mài mấy năm ròng để trình làng bức tranh toàn cảnh nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX vừa sống động, vừa uyên bác đến bất ngờ.
Hợp tuyển được bố cục như sau: Tập đầu tiên là “Những kiến giải về văn hoá âm nhạc Việt Nam”. Tập tiếp theo gồm 2 phần: Nhạc hát cổ truyền và nhạc đàn cổ truyền. Tập tiếp nữa là: Nhạc cụ. Tập tiếp sau là: Nhạc sân khấu cổ truyền. Tập cuối gồm 2 phần: Nhạc hát mới và nhạc đàn mới. Gần 7500 trang sách đã tạo nên bề thế của hợp tuyển với nhiều tên tuổi lớn như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Tố Hữu, Nguyễn Văn Tố, Hà Huy Giáp, Cù Huy Cận, Thế Lữ, Nguyễn Đức Bình, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba v.v...
Hoá ra cái sự đau đáu suốt một thế kỷ vừa qua của các lãnh tụ, các nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc Việt Nam là một kiến giải thường trực thế nào là âm nhạc Việt, thuần việt từ quá khứ xa xăm đến thời hiện đại hôm nay. Mọi buồn vui về sự thăng trầm của “con âm Việt
” qua thời gian đều thổn thức trong các trang viết đầy trách nhiệm của họ. Đọc toàn bộ hợp tuyển này, thấy mình được trang bị một nhìn nhận tự tin hơn, khoa học hơn, dân tộc hơn và chiến lược hơn. Không manh mún, nhỏ lẻ và manh động nữa. Vấn đề ở chỗ làm sao đại chúng hoá được những điều đau đáu này vào xã hội ở thế kỷ mới để tạo nên diện mạo âm nhạc mới “vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc”.
Hợp tuyển là thành công của nhóm chủ biên và tầm nhìn sâu sắc của Viện Âm nhạc Việt Nam bảo vệ tinh thần Việt trong âm nhạc mà qua thời gian, sự đồng hoá vẫn đứng vững vàng, khác biệt giữa bao giọng điệu âm nhạc của các dân tộc trong nhân loại. Họ đã lao động nghiêm túc, vắt kiệt mình trong sưu tầm, đánh giá và cấu trúc hợp tuyển để có một “công trình vàng” độc nhất vô nhị đáng nể trọng. Những nỗ lực trong sáng tạo và đánh giá âm nhạc của thế kỷ qua thật đáng kinh ngạc, thật to lớn. Chính điều đó đặt lên vai thế kỷ mới một trọng trách, một gánh nặng không thể chối bỏ được.
Nhìn bộ sách âm nhạc đồ sộ mà nửa mừng, nửa lo. Đọc cả 7500 trang sách thấy “toát cả mồ hôi hột” như đứng trước một đỉnh Thái Sơn thật khó khăn tìm cách vượt qua. Nhưng không thể nào chùn bước. Hợp tuyển thật khách quan và công bằng khi đề cập đến những bài viết liên quan tới sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy - một nhạc sĩ Việt Nam xa xứ đã để lại nhiều giai thoại, nhiều tranh luận trong cả giới chính trị lẫn giới âm nhạc và văn hoá nghệ thuật trong nhiều năm qua. Có lẽ đã tới thời điểm sau 30 năm thống nhất đất nước, chúng ta cũng cần có cách nhìn như hợp tuyển này để đánh giá rõ ràng về những cống hiến và những hạn chế ở người nhạc sĩ tài danh này để thêm vào tham số giá trị dân tộc Việt những trang nhỏ đầy khích lệ. N.T.K
(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)
|