Nhịp sống âm thanh
60 năm âm nhạc Việt Nam - nửa của chiến tranh, nửa thuộc thanh bình
16:01 | 27/03/2009
NGUYỄN THỤY KHACó thể nói, khi có loài người là có âm nhạc. Thực ra những âm thanh trong thiên nhiên, vũ trụ có trước loài người. Nhưng loài người không chỉ nghe được nó như loài thú chỉ đạt tới cảm xúc, mà còn nhận thức nó, bắt chước nó để tạo ra những âm thanh của mình. Một cành cây hay một khúc xương, người làm ra cây sáo. Sợi dây cung trở thành dây đàn. Một tấm da thú căng ra là thành cái trống.
60 năm âm nhạc Việt Nam - nửa của chiến tranh, nửa thuộc thanh bình
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu



Loài người làm ra âm nhạc thời tiền sử là vậy. Người Việt cũng trong quy trình phát triển ấy. Ở nhiều thiên niên kỷ trước khi mới xuất hiện, tiếng vọng của âm nhạc người Việt lay động tới hôm nay là tiếng trống đồng, tiếng cồng chiêng, tiếng kèn bầu và tiếng đàn đá. Rồi một ngàn năm qua, nhạc Việt tiếp tục phát triển từ thời Lý tới thời Nguyễn. Cuối thời Nguyễn có việc du nhập âm nhạc phương Tây tạo ra phong trào Tân nhạc được khai sinh năm 1938 sau nhiều năm hoài thai. Tân nhạc những ngày đầu giống như Tự Lực Văn Đàn và phong trào Thơ Mới, đi sâu vào việc giải phóng cá nhân, giải phóng tình yêu thoát khỏi lễ giáo phong kiến. Nhưng sau đó không lâu, những tình khúc lứa đôi đã được biến thành những hành khúc yêu nước và trở thành chất kết dính toàn dân tộc trong cuộc vùng lên giành độc lập long trời, lở đất tháng Tám năm 1945.

1. Âm nhạc thời chống Pháp:

Cách mạng đã tiếp nhận Tân nhạc như tiếp nhận một đội quân xung kích. Nền âm nhạc cách mạng non trẻ ngay lập tức "nhập cuộc" vào những ngày Nam Bộ kháng chiến với những hành khúc của Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu... ca khúc thời này đã không loanh quanh trong độ thị nữa mà lan rộng tới các làng quê, rừng núi, miền biển và cùng toàn dân trường kỳ kháng chiến.

Nhịp hành khúc khi nhập vào cuộc chiến đấu của dân tộc Việt đã được Việt hóa bằng vẻ đẹp mới. Đó là vẻ đẹp của một dân tộc từ bóng tối nô lệ của vùng Đông Nam Á bước tới chân trời tự do của thế giới. Nhịp hành khúc đã đạt tới vị trí vinh quang nhất của nền âm nhạc cách mạng với những "Tiến quân ca" của Văn Cao, "Du kích ca" của Đỗ Nhuận, "Lên đàng" của Lưu Hữu Phước, "Xuất quân" của Phạm Duy, "Đoàn Vệ quốc quân" của Phan Huỳnh Điểu, "Đoàn quân đi" của Việt Lang...

Ca khúc tập thể với những bài hát mang phong cách chính ca, những bài hát cổ động, những bài hát sinh hoạt và những bài hát mang tính hoạt cảnh cùng những bài hát hài hước, châm biếm đã xuất hiện như một thể loại mới bên cạnh các thể loại cổ truyền như Quan họ, chèo, hát cửa đình... Đấy là những chính ca như "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" với các giai điệu khác nhau của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, là "Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam" của Đỗ Minh, là "Thanh niên làm theo lời Bác" của Hoàng Hòa... Đấy là những bài hát cổ động giản dị dễ phổ biến như "Đánh giặc tăng gia" của Văn Cận, "Tự túc" của Dương Minh Ninh, "Vượt trùng dương" của Nguyễn Văn Tý, "Hò Bắc" của Trần Ngọc Xương... Đấy là những bài hát sinh hoạt đời thường như "Nhạc rừng" của Hoàng Việt, "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh, "Niềm thương mến" của Phan Vân, "Lời người ra đi" của Trần Hoàn... Đấy là những bài hát mang tính hoạt cảnh như "Hò dân cày" của Văn Chung, "Gánh thóc về tự do" của Huy Du, "Mùa lúa chín" của Hoàng Việt, "Hò kéo pháo" của Hoàng Vân... và đấy là những bài hát hài hước, châm biếm như "Hát mừng bộ đội chiến thắng" của Nguyễn Xuân Khoát, "Trâu ra" của Hải Châu, "Anh Ba Hưng" của Trần Kiết Tường, "Say thuốc lào", "Anh nghiện súng", "Vệ sếu", "Bà già giết giặc", “Say... chiến công" của Ngọc Bích.

Ca khúc trữ tình cũng mang hồn người tự do khác với thời nô lệ trước kia như "Ngày về" của Hoàng Giác, "Tiếng hát quay tơ" của Tử Phác, "Bên cầu biên giới" của Phạm Duy, "Dư âm" của Nguyễn Văn Tý, "Em đến thăm anh một chiều mưa" của Tô Vũ, "Sóng nước Ngọc Tuyền" của Huy Du, "Nụ cười sơn cước" của Tô Hải, "Sơn nữ ca" của Trần Hoàn, "Đường về Việt Bắc" của Đoàn Chuẩn... bên cạnh đề tài tình yêu là những trần thuật về làng quê, đất nước như "Làng tôi" của Văn Cao, "Quê em" của Nguyễn Đức Toàn, "Làng tôi" của Hồ Bắc, "Lên ngàn" của Hoàng Việt, "Tình quê" của Việt Lang, "Áo mùa đông" của Đỗ Nhuận... Giống như Tân nhạc thời tiền chiến, nhưng có ý thức hơn, nghệ thuật hơn, là những ca khúc trữ tình in đậm âm hưởng dân ca như của Phạm Duy, Tô Vũ, Lê Lôi, Văn Chung, Hoàng Việt, Đỗ Nhuận...

Thành tựu đỉnh cao của âm nhạc thời chống Pháp là đã có các hợp xướng và trường ca mang tầm vóc của cuộc kháng chiến như "Nắng Ba Đình" của Bùi Công Kỳ, "Trường ca sông Lô" của Văn Cao, "Du kích sông Thao" của Đỗ Nhuận, "Trường chinh ca" của Lương Ngọc Trác, "Bộ đội về làng" của Lê Yên (thơ Hoàng Trung Thông), "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, "Bình ca" của Nguyễn Đình Phúc, "Đông Nam Á Châu" của Lưu Hữu Phước, "Em bé Mường La" của Trần Ngọc Xương...

2. Âm nhạc thời đấu tranh thống nhất:

Sau chiến tranh chống Pháp, đất nước tạm chia làm hai miền. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền tiếp tục đấu tranh tiến tới thống nhất. Bức tranh xã hội đầy phức cảm này đã tạo ra một thời hoành tráng của âm nhạc Việt .

Nhịp hành khúc Việt Nam đã không còn ở trong nước nữa mà đã vang ra thế giới như những bản rock phản kháng chiến tranh, kêu gọi hòa bình, thúc dục chiến đấu giành tự do và công lý.

Từ những hành khúc xây dựng như "Ta đã lớn" của Nguyễn Xuân Khoát, "Bài ca cách mạng tiến quân" của Đỗ Nhuận, "Tiến bước dưới quân kỳ" của Doãn Nho, "Cả cuộc đời về ta" của Lưu Hữu Phước... đến những hành khúc đấu tranh hừng hực như "Giải phóng miền Nam" của Lưu Hữu Phước, (với bút danh Huỳnh Minh Siêng), "Ra tiền tuyến" của Phan Huỳnh Điểu (với bút danh Huy Quang), "Mỗi bước ta đi" của Thuận Yến, "Bước chân trên dải Trường Sơn" của Vũ Trọng Hối, "Anh vẫn hành quân" của Huy Du (thơ Trần Hữu Thung), "Hành quân đêm" của Xuân Hồng - Trí Thanh...

Ca khúc tập thể vẫn duy trì những thể loại như thời chống Pháp nhưng có mở rộng hơn về đề tài và với ngôn ngữ âm nhạc mang bản sắc dân tộc tinh tế hơn, nghệ thuật hơn.

Những chính ca về Bác, Đảng, thanh niên, về Lê-nin và những người anh hùng vẫn vọng vang suốt chiều dài năm tháng như "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" của Trần Kiết Tường, "Tôi hát tên Người đồng chí Lê Nin" của Phan Thanh Nam, "Bài ca thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh" của Văn Dung, "Lời anh vọng tới ngàn năm" của Vũ Thanh...

Những bài hát cổ động vẫn luôn luôn thúc dục dân tộc trong suốt những tháng ngày vừa xây dựng vừa chiến đấu để giành toàn thắng như "Ca mừng chế độ ta tươi đẹp" của Xuân Oanh, "Quê tôi giải phóng" của Văn Chung, "Lực lượng ta hùng mạnh" của Hoàng Việt, "Trống hội tòng quân", "Trai anh hùng, gái đảm đang" của Đỗ Nhuận, "Theo lời Bác gọi" của Nguyễn Xuân Khoát, "Không cho chúng nó thoát", của Hoàng Vân, "Bão nổi lên rồi" của Trọng Bằng, "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" của Phạm Tuyên...

Những bài hát sinh hoạt đời thường thì tràn đầy âm hưởng lao động sản xuất và chiến đấu như "Gái thôn Đoài trai thôn Thượng" của Văn Chung, "Con trâu sắt" của Trần Chương, "Bài ca người thợ rừng" của Phạm Tuyên, "Bài ca giao thông vận tải" của Hoàng Vân, "Những cánh chim địa chất" của Mộng Lân, "Tôi người lái xe" của An Chung, "Đào công sự" của Nguyễn Đức Toàn...

Những bài hát mang tính hoạt cảnh như "Hò đắp đường thống nhất" của Tạ Phước - Tô Vũ, "Hò kiến thiết" của Thái Cơ, "Thắm hoa núi rừng", "Vui mở đường" của Đỗ Nhuận, "Thanh Hóa anh hùng" của Hoàng Đạm, "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" của Xuân Hồng...

Những bài hát mang tính hài hước và châm biếm cũng dí dỏm và đa điệu hơn như "Nhắn cô mấy điều" của Vĩnh Bảo, "Cô thợ hàn" của Thịnh Trường, "Cây chông tre" của Trí Thanh, "Hát mừng các cụ dân quân" của Đỗ Nhuận, "Anh hùng đâu cứ phải mày râu" của Vũ Trọng Hối, "Con cua đá" của Ngọc Cừ - Phạm Ngạn, "Chịu lính đường dây" của Phạm Huy Thưởng, "Anh quân bưu vui tính", "Lê anh nuôi" của Đàm Thanh, "Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi" của Trọng Bằng...

Ca khúc trữ tình thời kỳ này đã nở rộ, làm cho hưng phấn xã hội, làm dịu những khoảnh khắc căm hờn, đau thương. Có những bài hát trữ tình mang phong cách dân gian như "Anh về miền Bắc" (Đắc Nhẫn), "giữ trọn tình quê" (Văn Cận), "Tình trong lá thiếp" (Phan Huỳnh Điểu), "Nhớ đàn xe nước", "Nhớ về quê mẹ" (Vân Đông) "Câu hò bên bến Hiền Lương" (Hoàng Hiệp-thơ Đằng Giao), "Xa khơi" (Nguyễn Tài Tuệ), "Tiếng đàn môi" (Nguyên Nhung), "Quê tôi" (Lưu Cầu), "Vàm cỏ Đông" (Trương Quang Lục - thơ Hoài Vũ), "Rặng trâm bầu" (Thái Cơ), "Những cô gái quan họ" (Phó Đức Phương), "Con chim lạc đàn", "Chim Poong kle" (Nhật Lai), "Dấu chân trong rừng" (Vĩnh An)...Có những bài hát trữ tình kiểu trần thuật như "Bài ca gửi noọng" (Nguyễn Tài Tuệ), "Mẹ yêu con" (Nguyễn Văn Tý), "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận), "Đường cày đảm đang" (An Chung), "Nổi lửa lên em" (Huy Du), "Lời ru trên nương" (Trần Hoàn - thơ Nguyễn Khoa Điềm)... Có những bài hát trữ tình nâng cao tính nghệ thuật như "Bài ca hy vọng" (Văn Ký), "Bóng cây Kơnia" (Phan Huỳnh Điểu - thơ Ngọc Anh), "Hà Tây quê lụa" (Nhật Lai), "Khúc hát đảo quê hương" (Phạm Đình Sáu) "Chào sông Mã anh hùng" (Xuân Giao), "Bài ca Hà Nội" (Vũ Thanh), "Thành phố hoa phượng đỏ" (Lương Vĩnh - thơ Hải Như), "Tiếng đàn bầu" (Nguyễn Đình Phúc - thơ Lữ Giang), "Đàn T'rưng" (Nguyễn Viêm - thơ Huy Cận)... Vẫn là dạng bài hát trữ tình ấy nhưng mang tính chính luận như "Mỗi bước ta đi thêm yêu Tổ Quốc" (Tân Huyền), "Tôi là người thợ lò", "Người chiến sĩ ấy" (Hoàng Vân), "Bài ca chiến thắng" (Trần Kiết Tường)...

Những tình ca cũng khiến ta kinh ngạc về sức sống mãnh liệt của dân tộc. Đó là những "Tình ca" (Hoàng Việt), "Tình ca Tây Bắc" (Bùi Đức Hạnh - thơ Cầm Giang) "Trước ngày hội bắn" (Trịnh Quý), "Bài ca người thủy thủ" (Hoàng Vân), "Những ánh sao đêm" (Phan Huỳnh Điểu), "Tình em" (Huy Du - thơ Ngọc Sơn), "Nhớ" (Lê Yên, thơ Thanh Hải), "Xuân chiến khu", "Chiếc khăn tay" (Xuân Hồng)... Nhiều tình ca ra đời ở các vùng miền cũng góp phần thêm màu sắc vào mảng tranh đầy tối, sáng này như "Tình khúc chiều mưa" (Nguyễn Ánh 9). "Mùa thu không trở lại" (Phạm Trọng Cầu), "Chiếc lá cuối cùng" (Tuấn Khanh), "Áo lụa Hà Đông" (Ngô Thụy Miên), "Hoài cảm" (Cung Tiến) và đặc biệt là những tình ca của Trịnh Công Sơn như:"Diễm xưa", "Biển nhớ", "Hạ trắng", “Tuổi đá buồn", "Ướt mi"...

Đây cũng là thời kỳ hoành tráng của những hợp xướng, tổ khúc hợp xướng, trường ca, thanh xướng kịch như "Tiếng hát biên thùy" (Tô Hải), "Sóng cửa Tùng" (Doãn Nho), "Dưới ánh sao vàng" (Vân Đông), "Ca ngợi Tổ quốc" (Hồ Bắc), "Hồi tưởng" (Hoàng Vân) "Miền Nam anh dũng và bất khuất" (Phạm Tuyên), "Hải Phòng mở ra biển lớn" (Văn Cao), "Quê hương vang tiếng hát tự hào" (Trọng Bằng), "Lửa rực cháy" "Hồng Đăng)... và thanh xướng kịch "Nguyễn Văn Trỗi" (Đàm Linh - Chu Điền) Nếu trong thời tiền chiến và kháng chiến chống Pháp, ca khúc thiếu nhi còn rất ít xuất hiện thì thời kỳ này lại là một đề tài đáng kể của các nhạc sĩ. Đấy là những "Lúa thu" (Nguyễn Xuân Khoát) "Lượn tròn lượn khéo" (Văn Chung) "Tiến lên đoàn viên" (Phạm Tuyên), "Mùa hoa phượng nở'" (Hoàng Vân), "Chim hót đầu xuân" (Nguyễn Đình Tấn), "Miền Nam của em" (Hoàng Nguyễn), "Quê em bừng sáng" (Mộng Lân), "Em đi thăm miền Nam" (Hoàng Long - Hoàng Lân), "Đưa cơm cho mẹ đi cày" (Hàn Ngọc Bích), "Đi học" (Bùi Đình Thảo - thơ Minh Chinh), "Bé bé bằng bông" (Phạm Đức Lộc), "Đi ta đi lên" (Phong Nhã), "Em mơ gặp Bác Hồ"(Xuân Giao)...

Ca kịch, nhạc kịch, vũ kịch cũng hình thành và phát triển rõ rệt từ những mầm mống thời chống Pháp. Đấy là những ca kịch "Qua cầu sông Cái" (Nguyễn Xuân Khoát), "Quả dưa đỏ" (Đỗ Nhuận), "Lá đơn tình nguyện" (Doãn Nho), "Núi rừng nổi dậy" (Trương Châu Mỹ), "Đảo xa" (Văn Ký)... Đấy là những vũ kịch như "Xô Viết Nghệ Tĩnh" (Tập thể nhạc sĩ quân đội), "Tấm cám" (Nguyễn Văn Thương), "Chúc thọ Bác Hồ" (Vĩnh Cát), "Bả khó" (Nguyễn Đình Tích), “Rừng thương núi nhớ", "Cây đèn biển" (Đàm Linh)... Đấy là bốn nhạc kịch đi vào lịch sử âm nhạc Việt hiện đại như bốn cột trụ lớn. Đó là "Cô Sao", "Người tạc tượng" của Đỗ Nhuận, "Bến bờ Krông Pa" của NHật Lai và "Bông Sen" của Hoàng Việt (cộng tác với Lưu Hữu Phước và Nguyễn Vũ).

Nếu thời tiến chiến và chống Pháp, âm nhạc thính phòng còn quá thưa thớt với vài tiểu phẩm của Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Đăng Hinh, Thái Thị Long, Võ Đức Thu, Đinh Ngọc Liên... thì thời kỳ này, âm nhạc thính phòng giao hưởng đã phát triển hết sức rực rỡ. Từ những tiểu phẩm "Quê hương" (Lưu Cầu) "Miền Nam quê hương ta ơi" (Huy Du)... đến những Rhap So die "Trường Sơn" (Xuân Tứ), "Bài ca chim ưng" (Đàm Linh)... và những bản Sonate như "Tây Nguyên" (Đỗ Nhuận), "Nắng quê hương" (Hồng Đăng)... Đến những giao hưởng như "Lửa cách mạng" (Trần Ngọc Xương), "Nữ anh hùng miền Nam" (Nguyễn Thị Nhung), "Quê hương" (Hoàng Việt), "Đồng khởi" (Nguyễn Văn Thương), "Đuốc sống" (Nguyễn Đình Tấn)

Bên cạnh những tác phẩm khí nhạc viết cho nhạc cụ phương tây là những tác phẩm khí nhạc viết cho nhạc cụ dân tộc như "Vì miền Nam" (Viết cho đàn bầu) của Huy Thục, "Kể chuyện ngày mùa" (viết cho đàn nhị) của Thao Giang, “Suối đàn T' Rưng” (viết cho T'Rưng) của Chánh Trực... và những tác phẩm hòa tấu như “Nông thôn đổi mới” (Tô Vũ - Tạ Phước) “Ông Gióng” (Nguyễn Xuân Khoát) “Chung một niềm tin” (Xuân Khải)...

Thời kỳ này, nhạc cho phim và nhạc cho kịch cũng nở rộ với các tác giả Hoàng Vân, Nguyễn Đình Phúc, Hồng Đăng, Đàm Linh, Trọng Bằng, Nguyễn Đình Tấn...

Ở miền do ách kìm kẹp của Mỹ - Ngụy mà sinh ra dòng nhạc phản chiến mà đậm nét nhất là Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đấy là phong trào ca nhạc tranh đấu "hát cho đồng bào tôi nghe" với những tên tuổi như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh...

Bức tranh âm nhạc hoành tráng thời đấu tranh thống nhất đã khép lại một nửa vận hội - nửa của chiến tranh trên đất nước Việt Nam từ sau cách mạng Tháng Tám 1945 tới đại thắng mùa xuân 30.4.1975. Đấy là bức tranh bằng âm thanh mô tả mãnh liệt 30 năm đấu tranh giành độc lập và thống nhất non sông của dân tộc ta. Trong thời kỳ này, âm nhạc Việt đã vang khắp năm châu bốn biển. Cùng với các nhạc sĩ trong nước, các nhạc sĩ gốc Việt ở nước ngoài cũng đã làm nhiệm vụ của những "đặc công âm nhạc", bất ngờ chiếm lĩnh đỉnh cao âm nhạc thế giới. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo với những tác phẩm khí nhạc theo "chủ nghĩa Tiền Phong" (Avant-gard) đã được ghi danh trong hai từ điển âm nhạc "Petit Larousse" và "Petit Robert".

3. Âm nhạc thời thanh bình:

Tiếp nhận âm nhạc phương Tây và kế thừa âm nhạc cổ truyền, âm nhạc đương đại Việt Nam đã thực hiện được khẩu hiệu có tính đường lối trong "Đề cương văn hóa" của Đảng là:"Dân tộc - Khoa học - Đại chúng". Điều đó đã làm cho âm nhạc đương đại Việt trở thành vũ khí đấu tranh giành toàn thắng. Đó là ý nghĩa tích cực của âm nhạc đương đại trong nửa đầu vận hội này.

Nhưng có một thực tế âm nhạc đã diễn ra trên thế giới cũng ngay trong vận hội này mà âm nhạc đương đại Việt Nam, do tính chất phục vụ dân tộc được đề cao, đã bị "chậm pha" đến 30 năm mặc dù đã có hai thời điểm có cơ hội "đồng pha".

Ngay sau thế chiến lần thứ hai, khi cách mạng tháng Tám diễn ra thì cũng là khi âm nhạc thế giới sinh ra một dòng nhạc nhẹ mang hơi thở chán nản chiến tranh, băn khoăn về tương lai gọi là dòng "nhạc pop tiền rock". Điều đó phù hợp với tâm thức nhân loại vừa trải qua chiến tranh nhưng lại xa lạ với dân tộc Việt đang quyết chiến đấu chống thực dân Pháp. Bởi thế, trong thời kỳ này, ngay cả những bài hát mang âm hưởng nhạc Jazz trước đó, đến những bài hát mang hơi thở "pop tiền rock" như "Đoàn lữ nhạc" (Đỗ Nhuận)... cũng không được khuyến khích. Một xu thế âm nhạc quần chúng phục vụ công nông binh dễ hiểu, dễ nhớ đã loại bỏ thời điểm "đồng pha" giữa ngôn ngữ âm nhạc Việt với ngôn ngữ âm nhạc thế giới lúc ấy.

Sau đó, khi dòng nhạc nhẹ thế giới lại tiếp tục khám phá ra nhạc R&B thì cả thế giới lại tìm đến một dòng nhạc nhẹ mới mang vẻ đẹp không thuận tai của lời nói thật, vẻ đẹp của sự phản kháng không khuất phục chiến tranh tàn bạo, không chấp nhận băng hoại của một xã hội công nghiệp cao nhưng con người "bị máy hóa" thiếu thốn tình người. Thực ra điều này rất phù hợp với Việt Nam lúc đó đang phải bước vào một cuộc thử lửa "rất rock" đối với quân Mỹ xâm lược. Khi ấy, ở miền Nam, chính quyền Ngụy đã cho phép tiếp nhận nhạc jazz và sau đó là loại nhạc pop, rock khi Mỹ đưa quân vào. Ở miền Bắc lúc ấy, không phải không có khả năng tiếp nhận dòng nhạc này cùng với dàn nhạc điện tử khi kiều bào Tân Đảo, Tân Thế Giới hồi hương về nước. Giá như chúng ta đừng có cách nhìn rằng đây là thứ âm nhạc của bọn phản động mà cứ coi là một thành tựu âm nhạc mới của thế giới thì có thể có rất nhiều bài hát của miền Bắc thời "rất rock" này sẽ được trình bày theo kiểu nhạc nhẹ chắc chắn là mới mẻ hơn theo cách trình bày kiểu "nhạc thính phòng" ví dụ như "Bài ca trên đường xa; Chào anh giải phóng quân; Mừng đông xuân thắng lớn" (Hoàng Vân), "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" (Chu Minh)... Nhưng thực tế là chúng ta đã không chấp nhận, để lỡ thời điểm có cơ hội "đồng pha" âm nhạc thế giới lần thứ hai. Và vì vậy, cái gì đến vẫn phải đến. Bức tranh âm nhạc thời thanh bình của nửa sau vận hội suốt 30 năm qua bên cạnh việc tiếp tục phát triển những thành tựu đã đạt được là việc tiếp nhận dòng nhạc nhẹ với dàn nhạc điện tử đã có nền móng từ miền Nam từ 30 năm trước. Trong việc tiếp nhận này, lẽ ra chúng ta cởi mở hơn, hiểu rõ hơn những tinh túy của dòng nhạc này mà người Mỹ đã mang vào cùng vũ khí hiện đại và chất độc màu da cam. Chúng ta phản đối Mỹ xâm lược và hậu quả do chiến tranh để lại nhưng lại phải đau lòng mà nhận ra rằng nếu tiếp nhận trực tiếp dòng nhạc nhẹ từ miền Nam thì còn tốt hơn là đi học nhạc nhẹ của các nước Đông Âu trong phe xã hội chủ nghĩa cũng lạc hậu về dòng nhạc này không hơn ta mấy.

Bởi thế cho nên, những năm đầu sau giải phóng, việc tiếp nhận dòng nhạc nhẹ với dàn nhạc điện tử của chúng ta là rất dè dặt, nghi ngại. Đương nhiên là chúng ta không thể mãi biến mình thành "cô đảo về âm nhạc" giữa thế giới. Từ năm 1977, dàn nhạc điện tử đã được tiếp nhận cùng các tiết tấu nhạc nhẹ dưới cái tên "nhóm ca khúc chính trị".

Từ khi dòng nhạc nhẹ thực sự có đời sống trong xã hội Việt Nam, nhiều nhạc sĩ thế hệ trước đã tự "nhạc nhẹ hóa" mình rất hiệu quả như Hoàng Vân với "Tình ca Tây Nguyên", Huy Du với "Khát vọng mùa xuân", Xuân Hồng với "Mùa xuân bên cửa sổ", Hoàng Hiệp với "Thơ tình người lính biển", Phan Huỳnh Điểu với "Thuyền và biển", Nguyễn Đức Toàn với "Chiều trên bến cảng", Phạm Tuyên với "Con kênh ta đào", Tân Huyền với "Có một chiều như thế Hồ Gươm", Hồng Đăng với "Hoa sữa", Văn Ký với "Trời Hà Nội xanh", Vũ Thanh với "Hà Nội mùa thu", Văn Dung với "Những bông hoa trong vườn Bác", Hoàng Tạo với "Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện"...

Cũng từ khi ấy, dòng nhạc nhẹ đã xuất hiện những tác giả của nó bên cạnh những tác giả đã có thành tựu về nó như Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Phạm Minh Tuấn... Đó là Trần Tiến với "Những đôi mắt mang hình viên đạn", "Đến với Lê Nin", "Giai điệu tổ quốc", "Mùa xuân gọi", "Tạm biệt chim én"... Đó là Nguyễn Cường với "H'ren lên rẫy", "Ôi Madrăk", "Ly caphê Ban Mê", "Em muốn sống bên anh trọn đời"... Đó là Phó Đức Phương với "Huyền thoại hồ Núi Cốc", "Một thoáng Tây Hồ”, "Trên đỉnh Phù Vân",
"Nha Trang thu"... Đó là Dương Thụ với "Hơi thở mùa xuân", "Họa mi hót trong mưa", "Tiếng sóng biển", "Em đi qua tôi"... Đó là Thanh Tùng với "Nếu tôi chết hãy chôn tối với cây đàn ghi ta", "Ngôi sao cô đơn", "chuyện tình của biển”... Đó là Phú Quang với "Em ơi Hà Nội phố", "Điều giản dị", "Đâu phải bởi mùa thu", "Tình khúc 24"... Đó là Nguyễn Ngọc Thiện với "Ơi cuộc sống mến thương", "Ngọn lửa trái tim", "Như khúc tình ca"... Đó là Từ Huy với "Mùa xuân tình yêu","Những lời anh hát", "Ngày em đến", “Nếu biển không có sóng"... Đó là Nguyễn Đình Bảng với "Cơn mưa em bất chợt", "Thời hoa đỏ"... Đó là Trương Ngọc Ninh với "Hạt mưa mùa xuân", "Xuống chợ", "Vòng tay Đam san"... Đó là An Thuyên với "Em chọn lối này", "Tiếng đàn ba la lai ka trên sông Đà", "Huế thương"... Đó là Nguyễn Trọng Tạo với "Làng quan họ quê tôi", "Đôi mắt đò ngang", "Con dế buồn", "Khúc hát sông quê"...

Sau thế hệ hậu chống Mỹ này là thế hệ trẻ hơn như Duy Thái với "Lời của gió", "Tìm tên anh trên bờ cát"... Đức Trịnh với "Mưa mùa xuân"... Ngọc Châu với "Thì thầm mùa xuân", "Chiều xuân" Vũ Quang với “Hà Nội chiều cuối đông”... và hàng loạt các tác giả trẻ hiện nay mà không cách gì liệt kê hết.

Từ năm 1993 sau liên hoan các ban nhạc nhẹ tại Đà Nẵng, dòng nhạc nhẹ ở Việt phát triển không ngừng với những ủng hộ của giới trẻ cả nước. Cho đến nay, có những tác giả sinh ra năm 1975 giờ đã thanh công ở tuổi "tam thập nhi lập" như Lê Minh Sơn với "Ôi quê tôi", "Bên bờ ao nhà mình", Giáng Son với "Sóng", "Anh", "Mưa"...

Có điều đặc biệt là trong 60 năm qua - tròn một vận
hội thì Việt lại có 5 năm gần đây thuộc về thế kỷ mới và thiên kỷ mới. Chưa bao giờ nhu cầu về hội nhập âm nhạc với thế giới lại quan trọng và cấp thiết như hôm nay. Có thể nói âm nhạc đương đại Việt đã đạt được thành tựu đáng kể với ngôn ngữ đậm đà bản sắc dân tộc mang tính "tương tự". Đã đến lúc như ngành thông tin phải rời bỏ "tín hiệu tương tự" để chuyển sang "tín hiệu số hóa" có thể lan xa hơn trong không gian sóng điện, ngôn ngữ âm nhạc đương đại Việt Nam cũng đòi hỏi "số hóa" để có thể hội nhập với âm nhạc thế giới.

Một nhạc sĩ Việt Nam thuộc thế hệ hậu chống Mỹ là Ngọc Đại đã tìm tới ngôn ngữ âm nhạc "số hóa" qua các chương trình độc diễn “Nhật thực 1", "Nhật thực 2" mang tới cho đời sống âm nhạc một cảm thức khác lạ. Nhạc sĩ Ngọc Đại đang xây dựng ý tưởng của mình thành dự án "Nhật thực" với mong muốn nhiều nhạc sĩ khác cũng tham gia vào công cuộc "số hóa” này để mau chóng đưa âm nhạc Việt ra với thế giới. Đó cũng là niềm mơ ước lớn lao mà chúng ta kì vọng sau khi khép lại một vận hội 60 năm âm nhạc đương đại Việt - nửa của chiến tranh, nửa thuộc thanh bình.

N.T.K

(199/09-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng