Nhịp sống âm thanh
Nhạc sĩ Xuân Giao và những ca khúc để đời
14:58 | 22/09/2014

Từ anh bộ đội trở thành nhạc sĩ

Tên khai sinh của nhạc sĩ Xuân Giao (ảnh) là Trương Xuân Giao, sinh ngày 2-1-1932, tuy quê hương ở Hưng Yên, nhưng ra đời ở Tiên Lãng, TP Hải Phòng, lớn lên học Trường chuyên khoa Phan Thanh ở tỉnh Thái Bình.

Nhạc sĩ Xuân Giao và những ca khúc để đời

Năm 1950, lúc 18 tuổi, cậu thanh niên Xuân Giao tham gia bộ đội, thời gian đầu đóng quân tại núi rừng Việt Bắc. Sau đó được cử đi học Trường Lục quân Trung bộ, trải qua nhiều ngày đêm luyện tập, hành quân.

Trong quân đội, Xuân Giao tham gia tích cực các hoạt động văn nghệ như ca hát, làm quản ca, sáng tác bài hát và cả làm thơ để phục vụ yêu cầu công tác chính trị của lực lượng vũ trang. Thấy Xuân Giao có khả năng văn nghệ, khoảng năm 1952, cấp trên điều về công tác ở Đoàn Văn công Quân đội. Ở đây, Xuân Giao tham gia ca hát, đánh đàn, đóng kịch, nhảy múa, viết bài hát, làm thơ, viết kịch bản…

Xuân Giao ở Đoàn Văn công Quân đội khoảng 10 năm, sau đó cảm thấy nghề diễn viên văn công của mình không thể phát triển hơn nữa, nên chuyển ngành về Nhà xuất bản Âm nhạc và tiếp tục sáng tác. Chính trong khoảng thời gian dài ở Đoàn Văn công Quân đội đã giúp ông tích lũy vốn sống để làm cơ sở cho việc sáng tác sau này. Ngoài công việc biên tập âm nhạc, ông còn đi thực tế ở các địa phương đang dũng cảm đánh giặc, các tuyến đường giao thông bom đạn ác liệt, đến nhà máy xí nghiệp, ruộng đồng... đang vững “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”…

Năm 1966, Xuân Giao sáng tác bài Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh. Đây cũng là lúc không quân và hải quân địch đánh phá ác liệt miền Bắc. Giai điệu bài hát vừa trầm hùng, vừa tươi mát thể hiện tinh thần lạc quan trong chiến đấu của quân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh.

Cũng trong năm 1966, Xuân Giao sáng tác bài Đi tới những chân trời. Đó là thời kỳ tuổi trẻ cả nước lên đường cứu nước mà “lòng phơi phới dậy tương lai”. Ở tiền tuyến, tuổi trẻ ra sức đánh giặc; ở hậu phương, tuổi trẻ thực hiện “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”, “tay chèo tay súng”…

Điều đáng chú ý là bài Đi tới những chân trời ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng sau giải phóng, bài hát này vẫn được tuổi trẻ cả nước yêu thích và biểu diễn.

Nói đến sông Mã, chúng ta lại nhớ đến đất Thanh Hóa đánh giặc kiên cường, nơi có cầu Hàm Rồng, điểm son anh hùng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xuân Giao sáng tác bài Chào sông Mã anh hùng vào năm 1967, được quần chúng yêu thích vì giai điệu và ca từ gợi lại một cách trung thực tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Thanh Hóa đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của địch nhằm chặn đứng cuộc chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Dù chịu nhiều bom đạn, cầu Hàm Rồng vẫn đứng vững, tại nơi đây nhiều máy bay địch tan xác, nhiều giặc lái bỏ mạng hay bị bắt làm tù binh. Bài hát có những câu rất gợi cảm như: Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang/ Ơi quê ta bao yêu thương vang nước sông tiếng hát anh hùng

Dành tình cảm cho tuổi thơ

Trong lĩnh vực sáng tác cho các em thiếu nhi, Xuân Giao có một số bài hát được phổ biến khá rộng rãi trong thiếu nhi cả nước. Năm 1965, ông viết bài Em yêu anh phi công, phổ thơ của Xuân Quỳnh, có những câu rất dễ thương: Anh phi công ơi, anh bay trên trời/ Anh nghiêng đôi cánh bóng như gương soi/ Anh vòng anh liệng bay trên xa vời/ Anh vòng anh liệng giữ yên bầu trời… Đây là một bài hát trong số ít hiếm hoi viết cho thiếu nhi về các chiến sĩ không quân.

Bài hát Em mơ gặp Bác Hồ được ông sáng tác vào năm 1969, kỷ niệm một năm ngày Bác mất. Đây là một bài hát được thiếu nhi cả nước thuộc nằm lòng và hát vang mỗi khi đến ngày sinh nhật Bác (19-5): Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài tóc bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn đôi má Bác/ Em vui múa em vui hát

Ông có một bài hát viết tặng thiếu nhi TPHCM rất nổi tiếng, đó là bài Là măng non TPHCM. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước ít lâu, một nhóm nhạc sĩ thường sáng tác cho thiếu nhi như Phong Nhã, Mộng Lân, Xuân Giao, Văn Dung vào thăm TPHCM, sau đó ai cũng có tác phẩm mới. Bài hát Là măng non TPHCM của Xuân Giao ra đời trong dịp đi này.

Trước năm 1975, suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xuân Giao chưa từng đặt chân đến miền Nam, ông mong ước có ngày thống nhất đất nước vào thăm nơi đây. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, được đến TPHCM, nghe các em nhỏ ở đây ca hát với ngữ điệu miền Nam khá dễ thương và trong giây phút xuất thần, ông sáng tác bài Là măng non TPHCM, sau này trở nên nổi tiếng. Ngay khi mới “ra lò”, bài hát đã được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu dàn dựng cho các em nhỏ TPHCM, từ đó trở thành bài hát nằm lòng của tuổi thơ TP mang tên Bác Hồ kính yêu.

Một bài hát truyền thống của nữ Thanh niên xung phong

Trong những năm tháng gian khổ chống chiến tranh phá hoại của địch trên miền Bắc, những tuyến đường Trường Sơn với những đoàn Thanh niên xung phong ngày đêm mở đường dưới bom đạn là đối tượng từng thu hút các văn nghệ sĩ tìm đến để có cảm hứng sáng tác phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Năm 1966, Xuân Giao tham gia đoàn nhạc sĩ đến với các chàng trai, cô gái dũng cảm ấy trên tuyến đường Trường Sơn khu 4 (cũ). Ông gặp gỡ các bạn trẻ Thanh niên xung phong trên tuyến đường Vĩnh Linh, Quảng Bình, nơi chịu nhiều bom đạn ác liệt và là nơi bắn rơi nhiều máy bay giặc. Bài hát Cô gái mở đường ra đời tại nơi đây, sau khi đoàn đến thăm một đơn vị nữ Thanh niên xung phong với những cô gái “lên rừng, cây xanh mở lối”, “lên núi, núi ngả cúi đầu”…

Hiệu quả của bài hát Cô gái mở đường thật sâu đậm đối với các bạn trẻ nói chung và riêng với các bạn Thanh niên xung phong trong thời chống Mỹ cứu nước và cả trong thời bình. Nửa thế kỷ qua, bài hát Cô gái mở đường của Xuân Giao được coi như người bạn đồng hành của các nam, nữ Thanh niên xung phong. Giai điệu bài hát viết theo giọng “thứ” rất có nữ tính, nhưng vẫn khỏe khoắn, lạc quan, không yểu điệu, mềm yếu.

Nguồn: NS Trương Quang Lục - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng